Đoàn chuyên gia, Học viên Đại học KU Leuven thực hiện Chương trình Living Lab tại Hòa Bình lần thứ hai

Thứ hai - 09/09/2024 20:40
Vào sáng ngày 09/09/2024, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Viện VNH&KHPT), Đại học Quốc gia Hà Nội vui mừng chào đón đoàn chuyên gia và học viên Đại học KU Leuven (Vương quốc Bỉ) quay trở lại Việt Nam để triển khai Chương trình Living Lab lần thứ hai tại tỉnh Hòa Bình. Chương trình năm nay có sự tham gia của 54 thành viên đến từ 24 quốc gia, tập trung vào nghiên cứu về các vấn đề xã hội và môi trường trong bối cảnh biến đổi toàn cầu.
   Chương trình Living Lab tại Việt Nam là một phần trong sự hợp tác chiến lược dài hạn giữa Viện VNH&KHPT và Đại học KU Leuven, với mục tiêu tạo cơ hội cho các học viên, nghiên cứu sinh quốc về và Việt Nam cùng nghiên cứu thực tế và giải quyết vấn đề phát triển tại địa phương, từ đó thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ.
   Trong buổi lễ khai mạc, TS. Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện VNH&KHPT, hoan nghênh sự trở lại của đoàn KU Leuven tham gia Chương trình Living Lab 2023. Phát biểu tại buổi lễ, TS. Phạm Đức Anh đã giới thiệu về Viện với vai trò là một Viện nghiên cứu thành viên trong ĐHQGHN theo định hướng liên ngành, đồng thời cũng là một cơ sở đào tạo sau đại học với các chương trình đào tạo: Tiến sĩ Việt Nam học, ThS Quản trị địa phương và các chương trình đào tạo ngắn hạn về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Hàng năm, Viện tiếp nhận những người học đến từ nhiều khu vực trong cả nước và từ nhiều quốc gia trên thế giới. Nhân dịp này, TS. Phạm Đức Anh đánh giá cao nội dung được thực hiện trong living lab 2024 với các chủ đề không chỉ bao trùm các vấn đề về bảo vệ môi trường mà còn cả những nghiên cứu về văn hóa ẩm thực nhằm thúc đẩy bảo tồn di sản văn hoá các dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng địa phương.
   GS. Constanza Parra Noava, Giám đốc chương trình Living Lab, đã chia sẻ về hợp tác giữa Đại học KULeuven và các đối tác trong Đại học Quốc gia Hà Nội về tầm nhìn chung về phát triển bền vững. Trong đó, Chương trình Thạc sĩ Phát triển của Trường Đại học KU Leuven được bắt đầu từ năm 2017 với sự hợp tác với nhiều Trường Đại học và Viện nghiên cứu ở các nước đang phát triển ở Châu Phí, Châu Á và Châu Mỹ Latin. Ở Việt Nam, chương trình hợp tác với ĐHQGHN, cụ thể là Viện VNH&KHPT và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên để cùng phát triển Chương trình thực lập liên ngành living lab nhằm xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho một địa phương cụ thể. Chia sẻ tại buổi lễ, Giáo sư đã giới thiệu về mạng lưới người học và cựu học viên của Chương trình ở khắp nơi trên thế giới. Nhằm  kết nối các chuyên gia, các đối tác và người học này, Chương trình đã thành lập Mạng lưới CELESTE (soCiety, EcoLogy, spacE and SusTainable dEvelopment, viết tắt của Xã hội, Sinh thái, Không gian và Phát triển bền vững) vào năm 2023, với các chủ đề và đơn vị chủ trì được luân phiên từng năm. Năm 2023, Đại học North West (Cộng hòa Nam Phi) chủ trì với chủ đề về Rác thải nhựa. Năm 2024, Đại học KU Leuven (Vương quốc Bỉ) chủ trì với chủ đề về Sản phẩm đặc hữu của rừng: kết nối bảo tồn thiên nhiên, nhu cầu của cộng động địa phương và phát triển bền vững. GS Constanza cũng bày tỏ vui mừng vào năm 2025 tới đối tác Viện/Trường trong ĐHQGHN sẽ trực tiếp chủ trì và điều hành mạng lưới CELESTE này.
   Giáo sư cũng khẳng định chương trình living lab 2024 đã mở ra các cơ hội hợp tác nhằm hướng đến các mục tiêu chung về phát triển bền vững để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay. Bà bày tỏ hy vọng sau đợt thực tập, các học viên cao học của KU Leuven và các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Việt Nam sẽ cùng nhau tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kế hoạch phát triển bền vững để đóng góp nhiều hơn cho địa phương.
   Cũng trong buồi chia sẻ, các học viên cao học đến từ KULEUVEN cũng trình bày kế hoạch thực hiện trong Living lab theo 8 chủ đề, bao gồm: tai biến thiên nhiên và sinh kế; ẩm thực truyền thống, ẩm thực du lịch, ẩm thực trong gia đình, carbon, phấn hoa, đa dạng sinh học và chất lượng nước.
Phần kết nối của chương trình buổi sáng và buổi chiều là bài chia sẻ của Tiến sĩ Ngô Hoàng Ngọc Dũng đến từ Trường Đại học  Xây dựng và cô Phạm Thùy Linh từ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội về Tổng quan quá trình phát triển của quy hoạch đô thị và thiết kế nhà ở tại Hà Nội. Buổi chiều cùng ngày đoàn thăm quan Hoàng thành Thăng Long và khu phố cổ Hà Nội.
   Đợt thực tập sẽ kéo dài từ ngày 08/09/2024 đến 20/09/2024, với nhiều hoạt động nghiên cứu thực địa và thảo luận nhóm với cộng đồng người dân địa phương đang được chờ đón trong những ngày sắp tới. Các học viên từ KU Leuven sẽ cùng sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trong ĐHQGHN thực hiện các dự án liên ngành, đồng thời trao đổi và học hỏi từ những thách thức địa phương.
   Chuyến thăm lần này của đoàn KU Leuven không chỉ là một cơ hội trao đổi học thuật mà còn là minh chứng cho sự hợp tác bền vững giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học về phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu.

   Một số hình ảnh tại buổi tiếp đón:
TS. Phạm Đức Anh - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển phát biểu chào mừng đoàn KU Leuven.
GS. Constanza Parra Noava, Thạc sĩ Phát triển Bền vững tại KU Leuven, đại diện đoàn phát biểu về quan hệ đối tác giữa KU Leuven và Viện VNH&KHPT.
Toàn cảnh lễ khai mạc Living Lab 2024 tại Viện VNH&KHPT.
Tiến sĩ Ngô Hoàng Ngọc Dung từ Đại học Kiến trúc Hà Nội và cô Phạm Thùy Linh từ Đại học Xây dựng trình bày về quy hoạch đô thị và thiết kế nhà ở tại Hà Nội.
Buổi chiều cùng ngày, đoàn đi thăm quan và tìm hiểu về một số khu đô thị, khu phố cổ của Hà Nội và hoàng thành Thăng Long.

 

Tác giả: Văn Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây