Bài giảng chia tay của GS.TS. Vincent Houben, IVIDES & USSH Hà Nội 2024: “Nghiên cứu khu vực trong thời đại toàn cầu hóa và phi toàn cầu hóa – nhìn lại và hướng tới”

Thứ ba - 17/09/2024 22:07
34 năm trước, ngày 15/9/1990, lần đầu tiên tôi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Việt Nam. Là một giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Leiden ở Hà Lan, tôi được cấp trên chỉ đạo tiến hành đàm phán tại Trường ĐHTH Hà Nội để ký kết MOU (bản ghi nhớ thỏa thuận) về hợp tác khoa học. Khi đó là ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ, đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh. Đó cũng là lúc các trường đại học phương Tây đang tìm kiếm cơ hội thiết lập lại quan hệ trực tiếp với các trường đại học đối tác ở lục địa Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam.

Tôi còn nhớ sự chào đón nồng nhiệt ở sân bay. Giáo sư Phan Huy Lê đón tôi trên chiếc xe của Trường mang nhãn hiệu Liên Xô. Cùng đón tôi còn có nhà sử học trẻ Nguyễn Văn Kim, người sẽ hướng dẫn tôi trong thời gian tôi ở Hà Nội. Tôi ở trong một khách sạn nhà nước trên phố Hàng Khay gần Hồ Hoàn Kiếm. Vào thời điểm đó trên đường chỉ có rất ít ô tô, người dân sử dụng xe đạp, chỉ có một số ít cửa hàng tồn tại, một số nhà hàng tư nhân ẩn trong ngõ phố và buổi tối đường phố vắng tanh. Mọi người vẫn chưa quen với những người nước ngoài như tôi, có xu hướng tránh mặt tôi. Họ tiếp cận để xin điếu thuốc, thậm chí có khi còn “mắng mỏ” tôi. Điểm nổi bật trong chuyến thăm của tôi là chuyến đi điền dã tới nơi ở của nhóm dân tộc thiểu số người Mông ở vùng núi Tây Bắc, cùng với một phái đoàn của Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam. (Ảnh chụp cùng người dân trong làng, tôi và GS. Đoàn Thiện Thuật, một nhà ngôn ngữ học).

Trong chuyến thăm đầu tiên, tôi đã có bài thuyết trình bằng tiếng Pháp, so sánh giữa cuộc cách mạng Indonesia và cuộc cách mạng Việt Nam – một số giáo sư rất vui mừng, nhưng hầu hết những người có mặt đều chỉ biết tiếng Anh hoặc tiếng Nga. Vì vậy, bài thuyết trình của tôi phải được dịch sang tiếng Việt.

Kể từ đó, tôi đã đến thăm Việt Nam và trường đại học này nhiều lần và có thể quan sát thấy đất nước này đã thay đổi nhiều như thế nào. Tôi đã đến Hà Nội nhiều lần khi trở thành giáo sư tại Trường Đại học Tổng hợp Passau vào năm 1997 và sau đó là Đại học Humboldt ở Berlin – tất cả là 18 lần cho đến năm 2018, đặc biệt là trong những năm 2000s, tôi thỉnh thoảng đến đây hai lần một năm. Trong những năm này, sự hợp tác về mặt học thuật cũng như quan hệ cá nhân của chúng tôi đã được tăng cường – ba giáo sư của Trường là cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ của tôi (Phạm Hồng Tung, Nguyễn Quang Hưng và Phạm Quang Minh). Năm 2018, chúng tôi đồng tổ chức khóa học mùa hè với học sinh Đức và Việt Nam về chủ đề glocalization (địa phương hóa toàn cầu). Do đại dịch Corona, việc hợp tác bị gián đoạn và đến tháng 10 năm 2022 tôi chính thức nghỉ việc tại Đại học Humboldt để về hưu. Vì vậy, bây giờ vào dịp này của năm 2024, tôi sẽ có “bài giảng chia tay” với các bạn, những người mà tôi coi như đã trở thành bạn bè thân thiết của mình.

Tôi trộm nghĩ mình là một đại diện tiêu biểu cho thời kỳ Đổi mới và những năm tháng toàn cầu hóa, nhưng tôi cũng nghĩ rằng thời kỳ đó giờ đã kết thúc. Trên quy mô toàn cầu, chúng ta thấy sự gia tăng của xu hướng phi toàn cầu hóa (de-globalization) và tái quốc gia hóa (re-nationalization) trong một thế giới ngày càng bất ổn và phân cực. Sự cạnh tranh mang tính hệ thống đã xuất hiện giữa hai khối: các nước dân chủ tự do và các nước độc tài. Khối thứ ba, trong đó có châu Âu cũng như Đông Nam Á, bị kẹt ở giữa, phải đưa ra những lựa chọn chiến lược giữa liên kết và không liên kết. Các xu hướng địa phương hóa mới có thể xuất hiện từ cấu hình liên minh (configuration of coalitions) không ổn định hiện tại của nhiều chủ thể quyền lực khác nhau.

Khu vực học luôn phản ánh tình hình của các thời kỳ tương ứng - thời thuộc địa, thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thời kỳ toàn cầu hóa và giai đoạn hiện tại, đều tìm cách đặt những cái tên khác nhau, đưa ra những quan niệm khác nhau về các khu vực có vẻ phù hợp với thời kỳ cụ thể đó và các nghiên cứu khu vực học đã tuân theo mẫu hình không gian hóa (pattern of spatialization) luôn biến đổi cho đến ngày nay. Do đó, cách thức tiến hành Khu vực học là một chủ đề vẫn rất phù hợp với Viện Việt Nam học.

Trong hơn 30 năm qua, tôi đã tích cực phát triển các ý tưởng mới về Khu vực học và các ý tưởng của tôi đã được trình bày trong một số bài tạp chí. Nhân dịp này, trước tiên tôi muốn tóm tắt những suy nghĩ của mình về “khu vực” và sau đó, thứ hai, đưa ra một số gợi ý về việc điều này có thể ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực Việt Nam học trong tương lai.


Khi các đường biên giới quốc gia ngày càng trở thành các đường biên cứng và chủ nghĩa đế quốc đang trỗi dậy, dòng chính của Khu vực học có thể trở lại là các nghiên cứu an ninh được ngụy trang, giống như những năm 1950s.

Trong thời kỳ toàn cầu hóa, Khu vực học đôi khi dường như đã trở thành một phần mở rộng của lĩnh vực kinh tế quốc tế. Được thúc đẩy bởi chủ nghĩa hậu thuộc địa, Khu vực học cũng có sự nhấn mạnh trong các nghiên cứu về văn hóa đối với việc nghiên cứu bản sắc. Vì vậy, mỗi một thời kỳ đều tạo ra sự thống trị của một ngành có tính dẫn dắt (lead discipline) trong khu vực. Tuy nhiên, tôi lại là người ủng hộ cái gọi là Khu vực học mới, vốn kêu gọi nghiên cứu khu vực như một ngành học mới, có cơ sở rõ ràng về lý thuyết và phương pháp luận.

(AD 1) Câu hỏi quan trọng là “khu vực là gì” để nó có thể hoạt động như một công cụ nghiên cứu khoa học? Tôi coi “khu vực” không phải là một không gian khép kín mà là một cách tiếp cận hoặc phương pháp. Cụ thể: khu vực bao gồm một cấu hình địa điểm (một không gian địa lý - ) và quy mô không gian riêng biệt (a distinct configuration of places and spatial scales), được lựa chọn có chủ ý, có thể từ cấp độ địa phương đến cấp độ toàn cầu, có ý nghĩa hữu dụng cho việc nghiên cứu một hiện tượng hoặc sự phát triển cụ thể. Nó hòa trộn cái phổ quát và cái riêng biệt và xét về bản chất là tìm kiếm sự khác biệt (điều đặc biệt hoặc tương đối khác biệt ở một khu vực cụ thể so với các khu vực khác). Kết quả là, các khu vực được xem xét không còn là xét riêng về chỉ một phương diện nào, một chiều cạnh nào, và không phải là ở trạng thái tĩnh mà là đa chiều và nhiều cấp độ, quy mô khác nhau (bắt đầu từ làng, tỉnh và kết thúc với toàn thế giới). Trong khi bổ sung thêm chiều cạnh thời gian, các khu vực cũng rất năng động và mức độ liên quan của chúng có thể thay đổi. Do đó, phạm vi các chủ đề nghiên cứu tiềm năng trong Khu vực học là không giới hạn.

Bên cạnh đó, Khu vực học theo đuổi quan điểm “cái nhìn từ bên trong”, tập trung vào những người sống trong khu vực - đây là một cách để thay thế những phê phán hậu thuộc địa cũng như phi thuộc địa về nền sản xuất tri thức kiểu phương Tây, vốn đã thống trị lĩnh vực nghiên cứu này ở phương Tây trong suốt khoảng hơn mười năm qua.

Ngoài ra, Khu vực học mới hiện tại tạo nên một định hướng nghiên cứu mới chống lại các dự án nghiên cứu đơn ngành. Chúng phản ánh thế giới cuộc sống của những người sống trong và ngoài khu vực được xem xét. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu thực địa (nghiên cứu kỹ thuật số là không đủ) và sự hợp tác giữa các học giả trong khu vực và các chuyên gia nước ngoài. Tất cả điều này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, tỏ tường về khu vực và năng lực cao về ngôn ngữ (bản địa của khu vực).

Thực hiện các nghiên cứu Khu vực học cũng là một thách thức về phương pháp luận. Nó đòi hỏi sự phối hợp vận dụng (kiểu tam giác) các phương pháp từ lịch sử, nhân chủng học, xã hội học, khoa học chính trị, quan hệ quốc tế, v.v. Tuy nhiên, cũng có những phương pháp dành riêng cho Khu vực học mới và những phương pháp này hầu như vẫn còn chưa được biết đến. Ở đây tôi chỉ đề cập ngắn gọn ba điều sau:

(1) Phép biện chứng đa diện, đa chiều - kaleidoscopic dialectics (tìm kiếm các cấu hình trên cơ sở xem xét khu vực từ mọi góc nhìn có thể (xem Boike Rehbein);
(2) Phân tích tình huống - situational analysis, trong đó dữ liệu được xử lý theo không gian có tính chất tình huống và dịch chuyển sang bối cảnh lớn hơn (xem Adele Clarke).
3) Phân tích mạng lưới được hiệu chỉnh - modified network analysis, dựa trên tất cả các dạng thức vận động và mối các liên hệ, các sự kết nối, tập trung vào các chủ thể và sự khác biệt về không gian.


Vào năm 2021, tôi đã xuất bản một cuốn sách về lịch sử Indonesia, trong đó tôi áp dụng các nguyên tắc của Khu vực học mới này vào một chủ đề cụ thể: lịch sử thời thuộc địa của Indonesia từ năm 1820 đến năm 1945. Nó thu gọn ý tưởng về sự tương tác giữa quy mô không gian và thời gian trong khái niệm mới lạ về “topochrone”. Topochrones là các cấu hình không gian - thời gian cụ thể, trong đó bản chất của các liên hệ và các sự kết nối giữa một số cấp độ được cô đọng thành một mẫu hình duy nhất, mà cuối cùng tôi đã đặt tên cho nó (gắn nhãn) dưới dạng một khái niệm tầm trung cụ thể (a specific mid-range concept).

Topochrones mà tôi tìm thấy trong cuốn sách này là các biểu đồ tình huống và quá trình mô tả những căng thẳng biện chứng, tranh đấu giữa lực hướng tâm và lực ly tâm trong thế giới đế chế Indonesia và châu Á. Nó cũng cho thấy sự biện chứng của sự kết nối và sự gián đoạn trong các mạng lưới không gian cũng như tính linh hoạt trong sự lưu chuyển xuyên biên giới của các tác nhân lịch sử so với sự cứng nhắc của các cấu trúc thuộc địa được phân định ranh giới rạch ròi.
(AD 2) Những điều tôi vừa nói có ý nghĩa gì đối với việc Việt Nam học? Trong một bài giảng tại Hà Nội có tựa đề “Các lý thuyết về toàn cầu hóa và khu vực” vào tháng 9 năm 2017, tôi đã bắt đầu suy nghĩ về vấn đề này. Tôi xin phép đơn giản là nhắc lại những gì tôi đã nói khi đó: “khu vực” là gì, điều gì là cụ thể đối với Việt Nam và những nơi khác? Điểm khởi đầu hoàn toàn trái ngược với xu hướng chung của khoa học xã hội: mục đích không phải là tìm ra cái gì là phổ quát (“toàn cầu”) mà là tìm ra cái gì là cụ thể hoặc “khác biệt”.


Khu vực học cổ điển nghiên cứu lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ của từng quốc gia-dân tộc. Các nghiên cứu về Đông Nam Á được phân chia thành ra như vậy. Vấn đề là ở chỗ: Thứ nhất, không rõ ranh giới của khu vực là gì – lãnh thổ cũng như văn hóa. “Việt kiều” có thuộc về Việt Nam hay không? Có thể nghiên cứu Việt Nam một cách biệt lập mà không thừa nhận toàn cầu hóa là một quá trình lịch sử lâu dài?; Vấn đề thứ 2 là các nghiên cứu khu vực mang tính mô tả và không đưa ra lý thuyết riêng mà phụ thuộc vào các nguyên tắc kiểu phương Tây cho việc đó.

Các khía cạnh tích cực của Khu vực học là: cách tiếp cận từ dưới lên (thế giới đời sống của những người thường dân thay vì quan điểm của các tập đoàn toàn cầu hoặc các tổ chức toàn cầu); chúng không nhất thiết phải phụ thuộc vào các lý thuyết phương Tây (hệ hình hiện đại hóa).

Một câu hỏi quan trọng hiện đang được đặt ra và nó sẽ được trả lời trong tương lai: Lộ trình của Việt Nam học trong khung khổ của Khu vực học mới sẽ như thế nào?

Tại Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ ba tại Hà Nội vào tháng 12 năm 2008, tôi đã đề xuất chủ trương chuyển hướng Việt Nam học thành Việt Nam học trong bối cảnh Đông Nam Á.


Điều này đã đưa các xu hướng hiện có trong Việt Nam học tiến thêm một bước nữa. Tiếp đó, trước tiên tôi đề cập đến tác phẩm của Nhung Tuyết Trần và Anthony Reid về Việt Nam, cuốn Lịch sử không biên giới (2006) đã cố gắng khám phá (trang 3) “những cách thức mà bản sắc Việt Nam tương tác trong hơn một nghìn năm với người Hoa, người Chăm, người Khmer, người Pháp và những người không quốc tịch trên bán đảo [Đông Dương]”.

Thứ hai, tôi muốn đề cập đến một bài viết năm 2008 của cố đồng nghiệp Oscar Salemink, trong đó ông lập luận rằng Việt Nam, như chúng ta biết ngày nay, là kết quả của lịch sử trao đổi tôn giáo, chính trị, văn hóa và kinh tế giữa người Việt sinh sống ở vùng đồng bằng và các dân tộc thiểu số sống ở các miền núi. Tôi cho rằng người ta cũng nên tập trung vào sự tương tác và kết nối của Việt Nam với thế giới rộng lớn hơn, để xác định điều gì đã tạo nên Việt Nam với tính cách một khu vực.

Đóng góp của Nhung Tuyet Tran & Anthony Reid đề cập đến các mối liên hệ có tính ràng buộc (entanglements)  giữa các sắc tộc, sự ràng buộc giữa vùng đất thấp và vùng cao như Salemink đã đề cập đến với sự mở rộng hoặc mở rộng như một mô hình phát triển có tính lịch sử của Việt Nam. Nhưng theo tôi, việc thấy được những thứ khác nhau được kết nối với nhau là chưa đủ - chính bản chất và sự phân loại chính xác của các mối liên kết mới khiến tôi quan tâm và đó chính là cái điều khiến tôi nhận thấy ưu thế và sự tiến bộ của Khu vực học mới trong tương lai. Nó giống như sự thực hành hình thái toán học (mathematical morphology) được sử dụng trong xử lý ảnh. Việc làm này không nhằm vào toàn bộ bức tranh mà cố gắng chắt lọc các đặc tính của một phần của bức tranh.


Tôi đã đưa ra các cách phân loại khác đối “bộ thân rễ nhiều nhánh” – (multi-layered rhizomes - sử dụng thuật ngữ bắt nguồn từ môn thực vật học) trong cuốn sách năm 2021 về lịch sử thuộc địa của Indonesia từ năm 1820 đến năm 1945. Tôi sẽ không phác thảo sáu nghiên cứu trường hợp có tính kinh nghiệm trong cuốn sách này mà chỉ đơn giản chỉ ra rằng tôi đã tìm thấy bốn cấu hình không gian khác nhau hoặc “các điểm hội tụ đa chiều” hoặc hệ hình thời gian – không gian mà tôi đặt tên dựa trên hình thái học của chúng – “chuỗi” (kết nối tuyến tính giữa nội địa – bờ biển và thị trường thế giới), “chu trình” (chuyển động, luân chuyển của các quan chức thuộc địa trong đế chế thuộc địa), “mạng lưới” (một chuỗi kết nối đa chiều phức tạp giữa địa phương, quốc gia và toàn cầu) và “lát cắt” (một chuỗi các sự kiện liên tiếp dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống phân cấp quyền lực của đế quốc).

Một câu hỏi thú vị là có thể tìm ra cách phân loại nào / định dạng nào về các cấu hình không gian hoặc vectơ (ngang, hình tròn, từ trên xuống, từ dưới lên, v.v.) cho Việt Nam và đây có thể là một chương trình phát triển của Việt Nam học trong tương lai. Bởi vì bây giờ tôi đã về hưu và sẽ rút lui vì tuổi già, đây là nhiệm vụ để các bạn đảm nhận!

GS.TS. Phạm Hồng Tung (dịch và giới thiệu), Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển

 

Tác giả: spadmin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây