Viện Việt Nam học và Khoa học phát triểnhttps://ivides.vnu.edu.vn/uploads/banner-1_1.png
Thứ tư - 25/09/2024 06:33
Chương trình thực tập liên ngành Living Lab mùa thứ 2 đã chính thức khép lại sau hai tuần làm việc đầy thử thách tại Hòa Bình. Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi do mưa bão, đoàn thực tập gồm 80 học viên và cán bộ đến từ 24 quốc gia khác nhau, trong khuôn khổ hợp tác giữa ĐH KU Leuven (Vương quốc Bỉ), Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (VNH&KHPT) và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch.
Chương trình thực tập liên ngành Living Lab mùa thứ 2 đã chính thức khép lại sau hai tuần làm việc đầy thử thách tại Hòa Bình. Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi do mưa bão, đoàn thực tập gồm 80 học viên và cán bộ đến từ 24 quốc gia khác nhau, trong khuôn khổ hợp tác giữa ĐH KU Leuven (Vương quốc Bỉ), Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (VNH&KHPT) và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch.
“Living lab” là một học phần thực tập liên ngành trong chương trình đào tạo Thạc sĩ phát triển bền vững của trường ĐH KU Leuven (Vương quốc Bỉ). Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa ĐH KU Leuven với Viện VNH&KHPT và Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN.
Với tư cách là đơn vị tổ chức và hỗ trợ chuyên môn sâu về văn hóa, xã hội và phát triển cộng đồng trong chương trình thực tập, Viện VNH&KHPT, ĐHQGHN đã đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc điều phối và tổ chức các hoạt động nghiên cứu, kết nối cộng đồng, đảm bảo tính liên ngành gắn kết chặt chẽ giữa các vấn đề tự nhiên và xã hội phục vụ phát triển bền vững cho địa phương. Chương trình living lab lần này tiếp tục lựa chọn Hòa Bình là địa bàn thực tập với 8 chủ đề bao gồm: cộng đồng thích ứng với tai biến thiên nhiên, ẩm thực truyền thống, nguồn thực phẩm gia đình, nguồn thực phẩm du lịch, đa dạng sinh học, dự trữ carbon, côn trùng thụ phấn và chất lượng nước. Sinh viên được chia vào 8 nhóm chủ đề chuyên sâu như đã đặt ra. Quá trình thực tập các sinh viên được làm trong 8 nhóm được trộn lẫn các chuyên môn. Mỗi ngày làm việc, các nhóm sẽ được chuyển các chủ đề khác nhau. Điều này đảm bảo là các sinh viên mỗi ngày làm việc với một nhóm chủ đề, và sau đợt thực tập họ sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động nhất để có cái nhìn đa ngành, đa chiều về vấn đề phát triển bền vững của địa phương.. Với cách tổ chức như vậy, học viên được học cách lãnh đạo và làm việc nhóm. Trong quá trình học, người học được tiếp cận các lĩnh vực mới, vùng đất và ngôn ngữ mới, và hiểu biết của người học về địa phương dần trở nên tốt hơn, mỗi ngày họ học được thêm nhiều điều về địa bàn nghiên cứu.
Các cán bộ Viện VNH&KHPT không chỉ đảm nhiệm vai trò hướng dẫn nghiên cứu chuyên sâu theo các chủ đề mà còn hỗ trợ kết nối văn hoá, điều hành thảo luận nhóm với cộng đồng địa phương. Sự chuyên nghiệp và tận tâm của cán bộ Viện đã giúp đoàn học viên quốc tế tiếp cận sâu sắc với văn hoá, phong tục và cuộc sống thường nhật của người dân tộc miền núi Việt Nam, góp phần làm nên thành công của chương trình. Đợt thực tập đúng vào dịp Trung thu, các cán bộ và sinh viên Việt Nam đã tổ chức một đêm Trung thu đáng nhớ cho các học viên quốc tế và trẻ em trong xóm. Đoàn đã cùng nhau chia sẻ các sự tích và câu chuyện gắn liền với mặt trăng ở Việt Nam và các nước trên thế giới, được tham dự đêm văn nghệ, múa sạp cùng bà con, được trang trí mâm ngũ quả, làm đèn ông sao, vẽ mặt nạ, cùng phá cỗ và rước đèn với trẻ em người Mường Ạu tá tại xóm Đá Bia.
Tổng kết chương trình, đoàn thực tập có buổi báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu trước sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương cấp huyện, xã và xóm. Đặc biệt, đoàn đã gửi tặng các bức tranh mô tả kết quả nghiên cứu của hai năm qua về vai trò của người phụ nữ trong phát triển cộng đồng cho địa phương và các hộ homestay. Những kết quả này hứa hẹn sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển bền vững cho các vùng nghiên cứu.
Living Lab 2024 kết thúc, để lại trong lòng các học viên quốc tế những ấn tượng đẹp về một Việt Nam kiên cường trước thiên tai, cảnh quan và thiên nhiên đa dạng với văn hóa truyền thống phong phú. Chương trình cũng mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, các cơ hội hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo liên ngành giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong giải quyết các bài toán địa phương về phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu.