Đến dự hội nghị có Đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM.
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải cùng Chủ tịch Công đoàn ĐHQGHN Đinh Văn Hường đồng chủ trì hội nghị.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị
Năm 2019 chứng kiến một ĐHQGHN tiếp tục phát huy thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực và tập trung cao độ khắc phục những thách thức, khó khăn để quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ của ĐHQGHN đến năm 2020.
Khép lại một năm 2019, ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng mà Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải đã điểm lại tại Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải
Đào tạo luôn là trụ cột ưu tiên hàng đầu khi mà trong năm vừa qua, ĐHQGHN đã đề ra kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy giai đoạn 2019 – 2025 nhằm tạo đột phá trong nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế, thương hiệu của ĐHQGHN trong bối cảnh toàn cầu hóa. Kế hoạch này giúp đổi mới một cách tổng thể và hệ thống từ công nghệ dạy - học đến các hoạt động thực tập, thực tế, giáo trình, học liệu, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ và kĩ năng của đội ngũ giảng viên, góp phần trang bị phẩm chất, kỹ năng và năng lực cho sinh viên thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Song song với đào tạo là nghiên cứu khoa học, vốn là thế mạnh của ĐHQGHN, năm 2019, ĐHQGHN chủ trì 2 đề án lớn (Đề án Địa chí Quốc gia Việt Nam- Quốc chí và Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông). Đây là 2 trong số 5 dự án nghiên cứu khoa học lớn của Quốc gia. Các nhà khoa học của ĐHQGHN cũng tham gia sâu vào Đề án Quốc sử và Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia Phát triển bền vững vùng Tây Bắc do ĐHQGHN là đơn vị chủ quản đã góp phần đổi mới, đa dạng hoá sinh kế của người dân và phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đây cũng là năm ĐHQGHN khởi động Dự án châu Âu về nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam (VIETNAMICA) phối hợp cùng đối tác Pháp.
Bên cạnh hai mũi nhọn lớn trên, không thể không nhắc tới hợp tác quốc tế như một hoạt động giúp thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hội nhập quốc tế của ĐHQGHN. Năm qua, ĐHQGHN triển khai nhiều dự án hợp tác quốc tế như VIBE, VIETNAMICA góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường năng lực và các nguồn lực cho sự phát triển của ĐHQGHN và các đơn vị; đồng thời tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề với sự tham gia của những diễn giả dày dặn kinh nghiệm đến từ các đại học danh tiếng thế giới. Cũng trong năm qua, ĐHQGHN đã tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động, khẳng định vai trò chủ chốt trong các tổ chức quốc tế mà ĐHQGHN là thành viên.
Cũng trong năm qua, ĐHQGHN chủ trì nhiều diễn đàn, tọa đàm, hội thảo khoa học uy tín, tạo ấn tượng tích cực với bạn bè trong nước và quốc tế. Nhiều cá nhân, tập thể đã xuất sắc giành giải thưởng cao quý và được ghi nhận của cộng đồng học thuật. Nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký và chuyển giao bên cạnh số lượng lớn công trình khoa học, bài báo ISI/SCOPUS được công bố.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ để ngày một phát triển, lần đầu tiên ĐHQGHN được Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education) xếp trong nhóm 801-1000 thế giới và là đơn vị có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong các cơ sở giáo dục của Việt Nam. ĐHQGHN cũng được coi đại học hàng đầu Việt Nam tại các bảng xếp hạng Webometrics hay US News and World Report.
Năm 2019 cũng là năm ĐHQGHN đón nhận nhiều khởi sắc đối với Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc khi công trình tòa nhà HT1, thuộc Zone 4, công trình đầu tiên của Dự án Đầu tư xây dựng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tại Hòa Lạc đang dần hoàn thiện. Năm nay, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc phân bổ nguồn vốn ngắn hạn và trung hạn cho Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc với số vốn tăng gấp nhiều lần, tạo tiền đề cho những đột phát xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc ở các năm tới đây.
Bên cạnh việc chỉ ra những thành tựu trong năm, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn cần khắc phục trong các mặt công tác tại ĐHQGHN như chưa triệt để điều chỉnh, sắp xếp lại và phát triển cơ cấu tổ chức ở một số đơn vị, thiếu nguồn lực để phát triển đội ngũ cán bộ khoa học một cách đột phá hay văn hóa chất lượng chưa thực sự phổ biến trong các mặt hoạt động,..
Trên cơ sở đó, ĐHQGHN đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm cho ĐHQGHN trong năm 2020 để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nhanh chóng mô hình đào tạo cũng như năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển 05 năm. Theo đó, năm 2020, ĐHQGHN sẽ tổ chức Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Xây dựng Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 và Kế hoạch 5 năm (2021-2025). Thứ hai, năm 2020 sẽ là năm ĐHQGHN xây dựng Nghị định, Quy chế tổ chức và hoạt động về ĐHQG phù hợp với Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Điều chỉnh, sắp xếp tổ chức; cập nhật, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, điều hành, phù hợp với Nghị định, Quy chế tổ chức và hoạt động mới về ĐHQG. Thứ ba, ĐHQGHN trong năm 2020 tiếp tục đổi mới hoạt động đào tạo theo hướng cá thể hoá và số hoá; Xây dựng quy chế đào tạo mới ở các bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; Chuẩn bị phương án tuyển sinh đại học 2021. Thứ tư, ĐHQGHN cần triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, làm nền tảng xây dựng đại học số hóa và đổi mới sáng tạo, đồng thời, chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn nước ngoài và vốn xã hội hoá; Xây dựng một Khu tái định cư, tiếp tục giải phóng mặt bằng và xây dựng một số công trình thiết yếu.
Những vấn đề mà Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của các cán bộ ĐHQGHN. GS.TSKH. Nguyễn Xuân Hãn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên bày tỏ ĐHQGHN cần tiếp tục phát huy thế mạnh là tự chủ trong đào tạo và nghiên cứu trong giai đoạn hiện nay, đồng thời, mong muốn ĐHQGHN huy động nguồn lực để tạo ra một sự thay đổi mang tính đột phá, bước ngoặt. GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQGHN, chúc mừng thành tựu khoa học của ĐHQGHN trong năm qua và bày tỏ sự tự hào đối với lịch sử và chất lượng đào tạo của ĐHQGHN. Cùng chung quan điểm về vai trò của của nguồn lực trong sự phát triển của ĐHQGHN, GS. Đức cho rằng ĐHQGHN cần đề ra được một cơ chế đầu tư nguồn lực thích hợp để phát triển. Bên cạnh đó, phải đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa chỉ tiêu đào tạo đại học, sau đại học của mô hình đại học nghiên cứu. Đại diện Trường ĐH Việt Nhật, GS. Furuta Moto cảm ơn ĐHQGHN đã tạo điều kiện để ĐH Việt – Nhật đạt được nhiều bước tiến trong năm qua và bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai phát triển của đơn vị trong bối cảnh cơ sở mới tại Hòa Lạc có nhiều khởi sắc.
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức
Phát biểu tại Hội nghị, Đồng chí Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội chúc mừng ĐHQGHN với những thành quả không chỉ trong năm 2019 mà còn cả quá trình vừa qua. Dưới góc độ của người làm công tác văn hóa giáo dục, đồng chí Phan Thanh Bình chia sẻ trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số tạo nên sự bùng nổ thông tin, ai nắm được thông tin và xử lý thông tin kịp thời thì sẽ không tụt hậu. Động lực chuyển mình của đất nước trong 05 năm tới chính là giáo dục, văn hóa và ĐHQGHN cần phải tiếp tục duy trì là đơn vị đi đầu trong việc kiến tạo và nuôi dưỡng động lực này. Nhìn vào những gì ĐHQGHN đã đạt được và đang đề ra, đồng chí Phan Thanh Bình cho rằng, Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQGHN đã nhìn nhận đánh giá được toàn cảnh tình hình và tin tưởng ĐHQGHN sẽ thành công được dựa trên những thành tựu được khẳng định từ quá khứ và sự nỗ lực trong tương lai.
Chủ tịch Ủy ban Thanh thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình kỳ vọng ĐHQGHN sẽ kiên định với vai trò là ngọn cờ đầu trong giáo dục Việt Nam và tiên phong tham gia hội nhập mạnh mẽ vào nền giáo dục thế giới.
Nhân dịp này, nhiều cá nhân của ĐHQGHN đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba.
Các cá nhân, tập thể của ĐHQGHN nhận Bằng khen, Cờ thi đua và danh hiệu Chiến sỹ thi đua của Thủ Tướng Chính phủ
Trao danh hiệu cá nhân và tập thể lao động xuất sắc cấp ĐHQGHN
Nhắc lại tầm quan trọng của năm 2020, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đây là năm có nhiều thế và lực để ĐHQGHN có những sự thay đổi tích cực, đảm bảo sự phát triển và cạnh tranh với các cơ sở giáo dục đạo học trong và ngoài nước. Giám đốc cho rằng trong năm 2020, lĩnh vực khoa học công nghệ có nhiều việc lớn cần làm, phải làm và phải làm tốt. ĐHQGHN cần tiếp tục triển khai tích cực các chương trình khoa học trọng điểm của đất nước, đẩy mạnh xây dựng khu Viện Nghiên cứu và hệ thống phòng thí nghiệm liên hoàn tại Hòa Lạc để tạo tiền đề cho sự phát triển khoa học công nghệ, hướng tới hình thành một vườm ươm tri thức. Mặc dù khẳng định ĐHQGHN không theo đuổi công bố quốc tế nhưng đây là một chỉ số quan trọng để thúc đẩy khoa học công nghệ. Giám đốc hy vọng ĐHQGHN sẽ có một năm hoạt động khoa học công nghệ nhộn nhịp, đáp ứng một cách kịp thời và hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đối với hoạt động đào tạo, ĐHQGHN cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hoạt động giảng dạy, bắt đầu với triết lý cá thể hóa, áp dụng vào đào tạo tài năng và chất lượng cao trước nhất, cần đưa ra giải pháp để tăng chỉ số đào tạo sau đại học, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ.
Chia sẻ mối băn khoăn về vấn đề nguồn lực với các cán bộ của ĐHQGHN, Giám đốc cho biết 2 năm qua với sự cố gắng của toàn thể ĐHQGHN, đã có nhiều tín hiệu đáng mừng đối với nguồn thu của ĐHQGHN. Giám đốc hy vọng năm 2020 ĐHQGHN tiếp tục thu hút đầu tư để tạo thế và lực phát triển cho những năm tiếp theo, thực hiện được khẩu hiệu mà ĐHQGHN cho năm mới là: Tiên phong- Sáng tạo, Trách nhiệm quốc gia, Phát triển bền vững.
Lần đầu tiên ĐHQGHN và 02 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education) xếp trong nhóm 1000 đại học hàng đầu thế giới. Theo đó, ĐHQGHN thuộc nhóm 801-1000 thế giới và là đơn vị có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có mặt trong Bảng xếp hạng. Cũng theo công bố kết quả xếp hạng các trường đại học thế giới theo lĩnh vực (Times Higher Education World University Rankings by subject – THE WUR by Subject), lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của ĐHQGHN nằm trong nhóm 401-500. Trước đó, nhóm ngành Vật lý và Thiên văn học được tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) xếp hạng 501-550 thế giới và đứng vị trí số 1 so với các cơ sở giáo dục đại học trong nước; nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin, nhóm ngành Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo lần lượt thuộc top 551-600 và 451-500 thế giới. Trong đợt xếp hạng tháng 7/2019, ĐHQGHN tiếp tục là cơ sở giáo dục đại học đứng đầu Việt Nam với thứ hạng 1013 thế giới, tăng gần 80 bậc so với kỳ xếp hạng trước đó theo công bố kết quả xếp hạng Webometrics của Cybermetrics Lab. Năm 2019, lần đầu tiên chỉ số về lượng tài nguyên số hóa (Presence) của ĐHQGHN đứng thứ 38 thế giới. Mới đây nhất, tạp chí Journal of Science: Advanced Materials and Devices của ĐHQGHN được đưa vào danh mục SCIE của Web of Science- ISI và trở thành một trong số 2 tạp chí của Việt Nam có mặt trong danh mục này. Tại Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu 2019 - Best Global Universities do Tạp chí US News & World Report bình chọn, ĐHQGHN có thứ hạng 1059, đứng số 1 Việt Nam. Đặc biệt, cũng ở bảng xếp hạng này, ngành Vật lý của ĐHQGHN xếp thứ 472 thế giới, tăng 30 bậc so với thứ hạng 502 của năm 2018. |