Văn bia Quế Lâm Ngự Chế được khắc trên vách đá. Ảnh: Nguyên Thanh
Nằm ở vị trí chiến lược, Sơn La nói riêng, Tây Bắc nói chung luôn được các triều đại phong kiến đánh giá là khu vực có tầm quan trọng đối với đất nước. Từ thời Lý đến thời Trần đều có chính sách chinh phạt vùng đất này. Thời Lê sơ, trong 3 triều vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông đã có tới 8 lần dẫn quân đi chinh phạt và cũng chỉ sang thời Lê sơ, với chính quyền Trung ương vững mạnh do Lê Thái Tổ xây dựng, miền Tây Bắc mới thực sự khuôn mình vào lãnh thổ Việt Nam.
Mở đầu chinh phạt Đèo Cát Hãn ở Mường Lay của Lê Thái Tổ, sau đó là cuộc chinh phạt Tù trưởng Thượng Nghiễm ở châu Mường Muổi (1440-1441) của vua Lê Thái Tông. Từ đó, các tù trưởng Tây Bắc mới thường xuyên về chầu vua Lê và giúp triều đình phong kiến bảo vệ vùng biên giới ở phía Tây Bắc Tổ quốc. Những dấu tích của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trên mảnh đất Sơn La đã minh chứng cho tầm quan trọng của mảnh đất “phên giậu” này. Di tích Lịch sử - Văn hóa Văn bia Quế Lâm Ngự Chế là một trong những chứng tích đó.
Sử sách còn ghi, vua Lê Thái Tông là con thứ của vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi) và mẹ là Cung từ Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ngày 8 tháng 9 năm Thuận Thiên thứ 6 (1433), Lê Thái Tông lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất (1434) đến năm thứ 7 đổi niên hiệu là Đại Bảo (1440), lấy hiệu là “Quế Lâm Động Chủ”.
Từ khi lên ngôi, vua Lê Thái Tông rất chú ý tới miền Tây Bắc. Để củng cố và đảm bảo sự thống nhất quốc gia, trong 9 năm trị vì đất nước, vua Lê Thái Tông đã 2 lần chỉ huy quân sĩ lên miền Tây Bắc dẹp bọn phản nghịch. Tháng 3 năm Canh Thân (1440), vua Lê Thái Tông lần đầu tiên thân chinh cùng quân sĩ lên trấn miền Tây Bắc đi đánh thổ quân Thượng Nghiễm ở châu Mường Muổi (nay là huyện Thuận Châu) phản nghịch, đem quân theo người Ai Lao làm phản. Đi tới đâu đội quân cũng được nhân dân ủng hộ nên quân của triều đình đã nhanh chóng dẹp yên bọn phản loạn.
Trên đường về, nhà vua cùng quân sĩ nghỉ chân tại Thẳm Báo Ké. Thấy nơi đây cảnh đẹp, địa lý thuận lợi, nhà vua đã để lại bài thơ chữ Hán “Quế Lâm Ngự Chế” trên vách đá phẳng, dựng đứng trước cửa hang Thẳm Báo Ké. Bài thơ được lược dịch như sau:
“Nghĩ tới người xa đêm khổ tâm/ Thổ tù sao lại dám quên thân/ Thế gian đã có anh hùng chúa/ Thiên hạ ai tha kẻ nghịch thần/ Đường sá khó khăn đừng cậy hiểm/ Hang cùng đá ấm áp hơn xuân/ Yên được dân lành nhơ nhớp hết/ Dân xa được hưởng tấm lòng nhân”.
Từ cửa hang Thẳm Báo Ké tới văn bia cao khoảng 5m. Văn bia có chiều cao 0,8m, rộng 1,2m được khắc nét nhỏ, sâu, không trang trí hoa văn. Trải qua hơn 500 năm dãi dầu mưa nắng và qua bao biến thiên của lịch sử, bài thơ vẫn còn rõ nét chứ không hề bị rêu phong như nhiều di tích trên đá ngoài trời khác. Bài thơ cho ta biết rõ được niên đại lịch sử và lý do vua Lê Thái Tông thân chinh lên vùng đất Sơn La. Việc phát hiện ra văn bia không những có ý nghĩa sâu sắc về mặt lịch sử, mà còn có giá trị về văn học.
Văn bia Quế Lâm Ngự Chế được phát hiện năm 1965 và được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích quốc gia ngày 5-2-1994. Đường lên Văn bia Quế Lâm Ngự Chế gối những bậc thang lưng chừng núi, vòng vo qua rừng trúc như tách biệt khỏi phố thị ồn ào. Bước lên hơn nghìn bậc thang đến cửa động, ngẩng đầu nhìn lên vách đá thấy ngay bút tích của vua Lê Thái Tông khắc tạc vào đá, trải qua hơn 500 năm vẫn sừng sững, uy nghi giữa trời xanh.
Sau khi đọc văn bia, du khách đều ghé thăm hang Thẳm Báo Ké. Trong vòm hang thoáng rộng có vô số nhũ đá đẹp với nhiều hình dạng khác nhau cho du khách mặc sức tưởng tượng.
Từ Văn bia Quế Lâm Ngự Chế, rẽ tay phải khoảng 200m, du khách sẽ tới Đền vua Lê Thái Tông (Quế Lâm Linh Tự). Ngôi đền được khởi công xây dựng tháng 9-2001 và khánh thành ngày 22-1-2003 theo lối kiến trúc của những ngôi đền cổ ở Việt Nam, để ghi nhớ công đức của vua Lê Thái Tông. Nơi đây trở thành chốn tâm linh thiêng liêng của bà con Tây Bắc.
Đến thăm Di tích Lịch sử - Văn hóa Văn bia Quế Lâm Ngự Chế, chúng ta sẽ hiểu hơn về công lao của vị vua Lê Thái Tông và quân sĩ của ông đã mang lại cuộc sống yên bình cho vùng đất Tây Bắc.
Dẫn lại từ: chinhphu.vn