Toàn cảnh Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV và vừa Việt Nam;
Tại Điểm cầu của các Địa phương: đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Điện Biên; đồng chí Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bạc Liêu; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN;
Tham dự hội nghị còn có Ban Giám đốc Sở và lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở KH&CN của 63 tỉnh, thành phố và đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của các địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
KH&CN: chủ động, đi đầu, phát huy thế mạnh
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm công Tạc cho biết, năm 2019 hoạt động khoa học và công nghệ của toàn ngành nói chung và của các địa phương nói riêng, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Mặc dù nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Để duy trì sản xuất, phục vụ phát triển KT-XH trong năm 2020 và những năm tiếp theo thì vai trò của KH&CN, vai trò của Hiệp hội DNNVV rất quan trọng.
“Hội nghị trực tuyến hôm nay, Bộ KH&CN, Hiệp Hội DNVVN cùng các địa phương tập trung trao đổi, thảo luận và thống nhất hành động thực hiện một số giải pháp KH&CN mang tính cấp bách để hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm” - Thứ trưởng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch Covid-19, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân đều đã được khôi phục trở lại bình thường. Đây là thắng lợi của cả nước đặc biệt là của Bộ KH&CN. Có thể thấy, tác động của KH&CN trong giai đoạn Covid-19 là rất đáng kể, hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp, người dân và người lao động trong công việc và sinh hoạt hàng ngày như trao đổi thông tin, giảng dạy, mua sắm và thanh toán trực tuyến…
Đại diện cộng đồng DNNVV, ông Nguyễn Văn Thân cũng chỉ ra hai cơ hội tốt bứt phá nền kinh tế sau đại dịch, trong đó đều gắn liền với vai trò của ngành KH&CN. Theo ông Thân, trong tình hình hội nhập kinh tế thế giới mà trong đó vai trò của KH&CN là vô cùng quan trọng như việc thúc đẩy ứng dụng KH&CN để kích thích tiêu dùng nội địa, vai trò của quản lý nhà nước trong truy xuất nguồn gốc, những vướng mắc trong cộng đồng doanh nghiệp đối mặt khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng như những khó khăn của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và nghị định 13 về hỗ trợ doanh nghiệp... là rất cần thiết.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ KH&CN) Nguyễn Nam Hải phát biểu tại Hội nghị.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí phát biểu tại Hội nghị.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đã có những báo cáo liên quan đến một số nhiệm vụ trọng tâm gắn với hoạt động KH&CN địa phương tập trung vào: Hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp KH&CN; Những nội dung trọng tâm về sở hữu trí tuệ liên quan đến hoạt động của các Sở Khoa học và Công nghệ; Các nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đề xuất đưa vào báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; Một số nhiệm vụ trọng tâm về hoạt động tiêu chuẩn đo lương chất lượng của địa phương trong giai đoạn tới.
Nhiều Giám đốc Sở KH&CN đã đánh giá cao những nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc tạo hành lang pháp lý cho KH&CN phát triển, đặc biệt thể hiện cao độ trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Đề xuất, kiến nghị nhằm ”hiến kế” tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động KH&CN tại địa phương liên quan liên đến giải pháp phát triển doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định 13; việc thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 về phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Đề xuất những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới,....
Những vấn đề liên quan đến Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt là Công tác phối hợp với Hiệp hội DNNVV Việt Nam và Hiệp hội DNNVV các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai Đề án 100 và các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ;
Nhiều ý kiến cũng đề xuất có phương án cụ thể triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và giải quyết khó khăn vướng mắc trong hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc hữu...; Triển khai đề án 844 và hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN; Tìm kiếm các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư cho KH&CN, nhất là từ doanh nghiệp; Nội dung nhiệm vụ và giải pháp về KH,CN&ĐMST trong văn kiện Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, các nghị quyết/chương trình/đề án/kế hoạch... để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Nội dung trọng tâm trong xây dựng kế hoạch KH&CN năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng có những bài học trong triển khai hoạt động KH&CN tại địa bàn, mỗi bài học kinh nghiệm đều thể hiện sự sinh động sáng tạo vượt qua mọi khó khăn như: tỉnh Bến Tre triển khai Quyết định 100 về truy xuất nguồn và Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại địa phương; Thanh Hóa là sự chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành cơ chế, chính sách KH,CN & ĐMST; Phú Thọ về các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn đo lường chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Quảng Ninh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP ở địa phương, đề xuất kiến nghị giải pháp; Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thủ đô...
Tạo điều kiện tối đa cho hoạt động KH,CN&ĐMST
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị.
Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN đánh giá cao những kết quả hoạt động KH&CN trong cả nước thời gian qua. Rất nhiều công việc, địa phương đã thể hiện tính chủ động, đi đầu giải quyết, đưa KH&CN chuyển động gắn sang phục vụ và đồng hành, đúng với thông điệp tại Lễ kỷ niệm Ngày KH&CN 18/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định: khi đất nước đứng trước những thách thức, khoa học và công nghệ đã chứng minh vai trò quan trọng trên tuyến đầu.
Bộ trưởng cho rằng, với trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về hoạt động KH&CN, các lãnh đạo Sở KH&CN ở địa phương đã vượt qua khó khăn, thể hiện vai trò tham mưu của mình. Hiện có rất nhiều tỉnh ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai các nghị quyết của Trung ương về chủ trương, chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng hương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng các tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiên tiến, phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế phát triển của địa phương. Có thể thấy KH&CN theo cùng để giải quyết bài toán tốt nhất cho các ngành, lĩnh vực.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH&CN địa phương trong thời gian tới, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm như: các Sở KH&CN cần chủ động tham mưu, đề xuất cho Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp khoa học và công nghệ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phục hồi nhanh chóng sản xuất, khắc phục mọi khó khăn do dịch bệnh gây ra. Đặc biệt là tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến hoạt đông tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ chế ưu đãi doanh nghiệp theo Nghị định 13…
“Bộ KH&CN sẽ luôn luôn đồng hành, sát cánh cùng các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, đồng thời khai thác thế mạnh của từng địa phương trong hoạt động KH&CN nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng khẳng định.
Đối với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị Hiệp hội là đầu mối cung cấp thông tin, phản ánh nhu cầu, tổng hợp đề xuất những kiến nghị, từ đó đưa ra bài toán cụ thể, đề xuất và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho các các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở địa phương phát triển đúng như Kết luận số 50-Kết luận số 50-KL/TW gồm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, tài chính và doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về KH&CN; Tái cơ cấu các chương trình KHCN quốc gia, nâng cao năng lực ứng dụng KH&CN; Phát triển tiềm lực KH&CN; Tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng cũng Chúc mừng các Giám đốc Sở KH&CN mới nhận nhiệm vụ và cảm ơn các đồng chí Giám đốc Sở KH&CN nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.
Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ
Tác giả: spadmin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn