Đến dự Hội nghị có TS Đào Trọng Chương, Ủy viên Chuyên trách, đại diện Ban chỉ đạo Tây Bắc; về phía cơ quan đối tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ có PGS.TS Trần Trung, Hiệu trưởng Trưởng Đào tạo cán bộ dân tộc, Ủy ban Dân tộc; Các nhà khoa học thành viên chính tham gia thực hiện nhiệm vụ có PGS.TS Lâm Bá Nam (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN), TS Vi Văn An (người Thái, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, TS. Vũ Trường Giang (Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện CTQG Hồ Chí Minh), TS Hà Thị Hải Yến (người Tày, Công ty cổ phần Sách dân tộc, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam); Về phía Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển có GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng; TS Vũ Kim Chi, Phó Viện trưởng; GS.TS Trương Quang Hải, Nguyên Phó Viện trưởng (đồng thời là thành viên chính tham gia đề tài), cùng các giảng viên, nghiên cứu viên cán bộ Viện.
Mở đầu hội nghị, PGS.TS Phạm Văn Lợi trình bày về mục tiêu, nội dung, sản phẩm và kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc Thái trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc”. Nhiệm vụ được thực hiện trong 2 năm (2016-2017) với 4 mục tiêu chính là: (1) Điều tra làm rõ được tính chất mối quan hệ của cộng đồng người Thái với khu vực và quốc tế; (2) Làm rõ bản sắc (quan hệ và ảnh hưởng) của cộng đồng người Thái trong mối giao lưu đa văn hóa giữa người Thái với các dân tộc khác ở vùng Tây Bắc; (3) Đánh giá khả năng thích ứng của cộng đồng người Thái trong bối cảnh hội nhập và cơ hội trong phát triển kinh tế, xã hội ở vùng Tây Bắc; (4) Đề xuất các kiến nghị chính phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc Thái đảm bảo phát triển bền vững trong mối quan hệ với các cộng đồng cùng sinh sống ở vùng Tây Bắc.
Để thực hiện các mục tiêu này, nhóm nghiên cứu thực hiện nhiện vụ phải triển khai, thực hiện và hoàn thành 9 nội dung nghiên cứu. Các nội dung đó là: Tổng quan tài liệu về cộng đồng dân tộc Thái ở Tây Bắc Việt Nam, đặc biệt quan tâm đến các tài liệu liên quan đến tính chất, bản sắc, vai trò và phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc Thái trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc; Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận, phương pháp tiếp cận, nghiên cứu đánh giá tổng hợp về tính chất, bản sắc, vai trò và giải pháp phát huy vai trò cộng đồng dân tộc Thái trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc; Điều tra làm rõ tính chất mối quan hệ giữa các nhóm người Thái cư trú tại các khu vực khác nhau trên đất nước, với các dân tộc khác trong khu vực và quốc tế, giữa người Thái ở Tây Bắc Việt Nam với người Thái ở Nam Trung Quốc, Đông Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan; Nghiên cứu đánh giá thực trạng và khả năng thích ứng của cộng đồng dân tộc Thái trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững; Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và cơ hội phát triển bền vững về kinh tế, xã hội ở vùng Tây Bắc trong hiện tại và tương lai; Nghiên cứu thực trạng vai trò và phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc Thái trong phát triển bền vững vừng Tây Bắc; Nghiên cứu xác định các yếu tố tác động đến vai trò và phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc Thái trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Sau báo cáo của Chủ nhiệm Nhiệm vụ, các nhà khoa học tham gia Hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi về nội dung khoa học của nhiệm vụ, đặc biệt quan tâm tới kế hoạch triển khai hoàn thiện các nội dung chính của nhiệm vụ. PGS.TS Lâm Bá Nam (Trường ĐHKHXH&NV) đánh giá đây là đề tài hay, thiết thực; nên chọn điểm điều tra đến cấp xã ở đó không chỉ có người Thái mà còn nhiều dân tộc khác nhằm đánh giá đầy đủ vai trò của tộc người này; đồng thời phải quan tâm đến mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong nghiên cứu vai trò cộng đồng. PGS.TS Trần Trung (Trường Đào tạo Cán bộ dân tộc) đánh giá cao sự chuyên nghiệp trong việc triển khai của Ban Chủ nhiệm đề tài. với vai trò là cơ quan phối hợp nghiên cứu thực hiện đề tài, PGS khẳng định sẽ sẵn sàng triển khai có trách nhiệm đầy đủ với nhiệm vụ khoa học công nghệ này. GS.TS Trương Quang Hải (Viện VNH&KHPT) khẳng định vai trò của cộng đồng dân tộc Thái với sự phát triển bền vững về môi trường vùng Tây Bắc chính là nhiên cứu khía cạnh khai thác, bảo vệ tài nguyên đất, nước, rừng; nghiên cứu cách người dân ứng xử với tai biến thiên nhiên, bảo vệ môi trường,… TS Vi Văn An (Bảo tàng Dân tộc học), TS Vũ Trường Giang (Học viện Chính trị Khu vực I), TS Hà Thị Hải Yến (Công ty cổ phần Sách dân tộc) đều có ý kiến trao đổi, đóng góp vào các nội dung khoa học của đề tài và cách thức/ kế hoạch triển khai/ hoàn thành các nội dung khoa học của đề tài.
Với tư cách là thủ trưởng cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ, GS.TS Phạm Hồng Tung đã phát biểu ý kiến khẳng định giá trị khoa học của đề tài và đưa ra những định hướng cho nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện đề tài. Giáo sư nhấn mạnh nghiên cứu về người Thái khá phát triển ở Đông Nam Á và Việt Nam (Thai studies). Ở Viện VNH&KHPT, Chương trình Thái học Việt Nam đã có bề dày gần 30 năm. Vì vậy, nhiệm vụ khoa học này cần kế thừa các công trình đi trước, đồng thời khẳng định thế mạnh trong nghiên cứu về cộng đồng tộc người này ở Viện VNH&KHPT. Giáo sư Viện trưởng yêu cầu Chủ nhiệm và các thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm túc với định hướng sản phẩm của đề tài phải sử dụng được, có địa chỉ ứng dụng cụ thể, đem lại các giải pháp phục vụ thực tiễn. Nhóm nghiên cứu phải kết nối mạng lưới các nhà khoa học ở nhiều cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý và thực thi chính sách,… nhằm tăng cường nguồn lực, nâng cao khả năng hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ khoa học của đề tài. Giáo sư Viện trưởng thiết tha đề nghị Ban Chỉ đạo Tây bắc, với sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện các vấn đề về khu vực Tây Bắc, tạo điều kiện tối đa cho nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện nhiệm vụ; thiết tha đề nghị Ủy ban Dân tộc tạo điều kiện kết nối, hỗ trợ nhiệm vụ về cơ sở dữ liệu, đường lối chính sách. Để kết thúc bài phát biểu, Giáo sư Viện trưởng khẳng định với sự tham gia tích cực, sáng tạo của các nhà khoa học, của PGS Chủ nhiệm nhiệm vụ, những nhà khoa học có trình độ cao, có kinh nghiệm trong nghiên cứu về các dân tộc; sự hỗ trợ tích cực của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ủy ban Dân tộc; sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của cơ quan Chủ trì, nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc Thái trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc” chắc chắn sẽ được triển khai thành công.
Với tư cách một nhà khoa học, một nhà quản lý đã công tác lâu năm ở khu vực Tây Bắc, có hiểu biết sâu sắc về đời sống các dân tộc ở vùng Tây Bắc, trong đó có cộng đồng dân tộc Thái, TS Đào Trọng Chương (Đại diện cho Ban Chỉ đạo Tây Bắc) khẳng định có rất nhiều người Thái đang giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, khoa học ở Tây Bắc đang sẵn sáng giúp đỡ nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài; TS Đào Trọng Chương cũng có những góp ý, bổ sung cho nội dung khoa học của nhiệm vụ như cần nghiên cứu chính sách đặc thù đối với người Thái ở Tây Bắc, vai trò của người Thái trong hệ thống chính trị cơ sở; vai trò của người Thái, phụ nữ Thái trong các lĩnh vực nghệ thuật (múa, thơ ca v.v…), trong đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh vùng Tây Bắc,… TS Đào Trọng Chương cho biết Ban Chỉ đạo Tây Bắc có 2 vụ có thể hỗ trợ tích cực cho Viện VNH&KHPT và Nhóm thực hiện đề tài cả về thông tin, tư liệu và tư vấn, đó là Vụ Dân tộc – Tôn giáo và Vụ Văn hóa – xã hội; Chúc Viện VNH&KHPT và nhóm nghiên cứu hoàn thành tốt nhiệm vụ khoa học công nghệ này.
Kết thúc hội nghị, PGS.TS Phạm Văn Lợi, Chủ nhiệm Nhiệm vụ trân trọng cám ơn và khẳng định sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp nhiệt thành, quý báu, đầy tâm huyết của các nhà khoa học, Lãnh đạo Chu trì, đại diện Ban Chỉ đạo Tây Bắc; PGS Chủ nhiệm Nhiệm vụ khẳng định nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành công việc một cách khoa học, công phu, nghiêm túc, bám sát những nội dung, sản phẩm đã đăng ký để nhiệm vụ đạt được những kết quả tốt nhất, có tính ứng dụng cao nhất.
Đặng Ngọc Hà
Tác giả: spadmin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn