Toạ đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia và các nhà khoa học trong nước như: GS.TSKH. Trung tướng Phạm Thế Long (Nguyên Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự); TS. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam); Đại tá, PGS.TS Lê Đình Sĩ (Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Lịch sử Quân sự); Đại tá Đỗ Mạnh Cường (Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự); GS.TS. Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển); PGS.TS. Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam); Nhà báo Nguyễn Quốc Phong (Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Thanh niên); ông Trần Việt Anh (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội); TS. Nguyễn Văn Sơn (Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội)… cùng toàn thể cán bộ, viên chức Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô, Hội Sử học Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh: “Thành tựu lớn nhất của Sử học cách mạng Việt Nam là bằng phương pháp Sử học liên ngành, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Khảo cổ học, đã chứng minh một cách thuyết phục thời đại Hùng Vương dựng nước Văn Lang, An Dương Vương thành lập nước Âu Lạc là các thời đại lịch sử có thật của Việt Nam, trong khung niên đại văn hóa Đông Sơn thuộc sơ kỳ thời đại đồ Sắt nằm trong khoảng thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên. Cùng với lịch sử thời đại dựng nước đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam, câu chuyện Nỏ Thần của An Dương Vương cũng dần dần được sáng tỏ”. Giáo sư khẳng định: “Chắc chắn đến giờ phút này không còn ai thắc mắc hay hoài nghi huyền thoại nỏ Liên Châu của An Dương Vương bắn một phát sát thương được nhiều quân Triệu Đà nhưng nỏ Liên Châu được thiết kế ra sao và sử dụng thế nào thì vẫn đang còn là bí ẩn, cần phải tiếp tục được giải mã”. Trên tinh thần đó, theo Giáo sư, Toạ đàm này được tổ chức gồm có các nội dung chính là phần thuyết trình của kỹ sư Vũ Đình Thanh về phục dựng nỏ Liên Châu và các thảo luận, đóng góp của các vị chuyên gia, các nhà khoa học để góp phần giải đáp những bí ẩn về nỏ Liên Châu thời An Dương Vương.
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc phát biểu khai mạc Toạ đàm
Tiếp theo sau phần Khai mạc, Toạ đàm đã được lắng nghe phần thuyết trình về các nghiên cứu nỏ Liên Châu của Kỹ sư Vũ Đình Thanh. Theo ông, “Trước đây nhiều người nghĩ chi tiết "nỏ thần" có thể bắn một lần được hàng trăm mũi tên và bách phát bách trúng” là hư cấu, nhưng qua nghiên cứu tôi thấy đây là việc hoàn toàn có khả năng xảy ra”. Kỹ sư cũng nói thêm về mô phỏng nguyên lý hoạt động của “nỏ thần” An Dương Vương: “Các mũi tên kích thước nhỏ được xếp trong một ống hình tròn, đầu mũi tên hướng về phía mục tiêu sẽ bắn. Lực của dây cung sẽ tác động lên ống hình tròn, như là bắn một mũi tên to đi. Khi ống tre bay đến vị trí ở đầu nỏ sẽ có hai thanh hãm để “phanh” ống tre lại, còn các mũi tên thì theo quán tính bay về phía trước. Các mũi tên bay ra phía trước theo quán tính, lực của dây cung không trực tiếp tác động vào từng mũi tên như cách bắn nỏ hoặc cung thông thường”. Đặc biệt khi nghiên cứu về nguyên lý vận hành chiếc nỏ đã sử dụng các thuật Toán, Vật lý để tính toán trọng lực, đường đi, vận tốc, khoảng cách tên bay,… Kỹ sư Thanh cho rằng bước đầu so sánh nguyên lý vận hành chiếc nỏ rất gần với nguyên lý của tên lửa container. Nó là một dạng quả tên lửa to, bên trong chứa những quả tên lửa nhỏ. Khi bay xuống thì quả tên lửa to tách ra, các quả tên lửa nhỏ lại tiếp tục bay tiếp. “Rất có thể cách vận hành của chiếc nỏ này tương tự chiếc nỏ thần trong truyền thuyết của An Dương Vương”.
Kỹ sư Vũ Đình Thanh thuyết trình sáng chế của mình về mô phỏng nỏ Liên Châu
Cùng với phần thuyết trình, các đại biểu tham dự Toạ đàm đã di chuyển đến địa điểm Trạm 66 để chứng kiến Kỹ sư Vũ Đình Thanh bắn thử chiếc nỏ của ông sáng chế, với bốn lượt bắn thử nghiệm 01 tên, 03 tên, 06 tên và 09 mũi tên. Sau đó, các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự Toạ đàm đã có những thảo luận rất sôi nổi về sáng chế của Kỹ sư Vũ Đình Thanh cùng các nội dung khác liên quan đến nỏ Liên Châu.
Kỹ sư Vũ Đình Thanh bắn thử nghiệm
Các đại biểu tham dự Toạ đàm
Kết thúc Toạ đàm, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc khẳng định: Chiếc nỏ thần thể hiện cho sự thông minh, sáng tạo của người Việt và đó là minh chứng cho sự phát triển trong sản xuất, chế tạo vũ khí bảo vệ quốc gia, dân tộc. Những nghiên cứu và sáng chế của Kỹ sư Vũ Đình Thanh về mô phỏng, phục dựng nỏ Liên Châu dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn là một trong một nghiên cứu có ý nghĩa, giúp chúng ta nhận diện ngày càng rõ nét hơn các bí mật liên quan đến “nỏ thần” của An Dương Vương. Tuy nhiên để có cái nhìn đa chiều, đa diện hơn về việc phục dựng lại nỏ Liên Châu thời An Dương Vương chúng ta cần tiếp tục đầu tư, vận dụng nghiên cứu liên ngành trong sử học, khảo cổ học, dân tộc học, kỹ thuật quân sự... Việc giải mã các di sản của người xưa để lại chúng ta càng tự hào về sức sống Việt Nam mãnh liệt. Đó là truyền thống lao động sáng tạo, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, tạo nên sức mạnh Việt Nam suốt chiều dài lịch sử.
Một số hình ảnh của Tọa đàm:
TS. Trần Thị Lan, Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô
Tác giả: spadmin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn