GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN phát biểu tại phiên khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển cho biết, trong bối cảnh định hướng phát triển chung của ĐHQGHN có sự gắn bó các nghiên cứu với thực tế xã hội, hội thảo “Sinh kế của cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ” của Viện là một trong những minh chứng hướng mục tiêu xa hơn của các hoạt động nghiên cứu khoa học là tư vấn chính sách và tham gia vào quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.
Mục tiêu của hội thảo không chỉ góp phần làm sáng tỏ những những vấn đề lý luận chung liên quan đến sinh kế mà còn xem xét cụ thể chủ đề này thông qua thực tiễn hết sức sinh động của cộng đồng cư dân ở khu vực châu thổ Bắc Bộ.
Hội thảo gồm 2 phiên “Những vấn đề chung - cơ sở lý luận và phương pháp tiếp cận, nghiên cứu” với sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Văn Sửu và PGS.TS Phạm Văn Lợi; “Sinh kế vùng châu thổ Bắc Bộ” với sự chủ trì của GS.TS Phạm Hồng Tung và TS. Phùng Thị Thanh Lâm.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc trình bày tham luận tại Hội thảo
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được tất cả 32 báo cáo của các nhà khoa học cả ở trong và ngoài ĐHQGHN gửi đến tham gia với nội dung về cơ bản có thể được chia thành hai nhóm chính.
Nhóm thứ nhất là các tham luận trình bày những vấn đề chung bao gồm cơ sở lý thuyết, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu. Ngoài ra nhóm này còn bao gồm các nghiên cứu khái quát về sinh kế, biến đổi sinh kế trên toàn bộ vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ nói chung cũng như việc áp dụng các lý thuyết nghiên cứu ở phạm vi tổng quát.
Nhóm tham luận thứ hai là các báo cáo trình bày hoạt động sinh kế diễn ra cụ thể trên thực tiễn trong đó nhìn chung được tiếp cận theo ba hướng. Thứ nhất là tiếp cận theo từng loại hình sinh kế như nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Thứ hai, tiếp cận theo từng không gian cụ thể ở vùng châu thổ sông Hồng như các tiểu vùng đồng bằng, khu vực đô thị, ven đô… Thứ ba là việc tiếp cận sinh kế bằng việc áp dung khung đánh giá sinh kế bền vững DFID, bao gồm việc phân tích các trường hợp nghiên cứu từ các khía cạnh mô hình sinh kế, vốn sinh kế, chiến lược sinh kế, hiệu quả sinh kế cho đến mức độ rủi ro và tính bền vững của sinh kế,…
PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh trình bày tham luận tại Hội thảo
Có thể nói với một số lượng báo cáo không quá lớn của một hội thảo khoa học chuyên đề song có thể thấy các nhà khoa học tham gia hội thảo đưa ra và tập trung xem xét những vấn đề cơ bản và quan trọng của không chỉ lý thuyết sinh kế nói riêng mà cả những thực tiễn sinh động của các mô hình sinh kế theo các chiều kích thời gian, không gian, loại hình, ... Dưới lăng kính của lý thuyết sinh kế, từ những kinh nghiệm trong suốt tiến trình lịch sử cho đến những vấn đề nóng hổi trong đời sống sinh kế hàng ngày của cộng đồng cư dân vùng châu thổ sông Hồng như vấn đề đất đai, giải pháp cho làng nghề, … đều đã được các nhà khoa học tham gia hội thảo đem ra thảo luận.
Điều này không chỉ cho thấy tính hấp dẫn của chủ đề hội thảo mà còn khẳng định sinh kế dường như sẽ vẫn còn là một vấn đề nghiên cứu có nhiều ý nghĩa cả ở góc độ lý thuyết và thực tiễn cần được tiếp tục đào sâu trong thời gian tới.
Mặc dù được xuất hiện lần đầu tiên như một ý tưởng trong một hội thảo khoa học nhằm hướng tới mục tiêu xóa giảm đói nghèo và tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia gần ba thập kỷ trước, sinh kế (hay còn được gọi là sinh kế bền vững) hiện nay đã từng bước trở thành một thuật ngữ khoa học phổ biến trong khoa học xã hội trên phạm vi toàn cầu. Theo Robert Chambers and Gordon Conway (1992) thì sinh kế bao gồm “khả năng, tài sản hay những hoạt động có ý nghĩa đảm bảo cuộc sống cho con người”; tuy nhiên những khả năng này “phải có tính bền vững, có thể tồn tại, chống chịu và phát triển trước những thay đổi; lại có khả năng trao truyền cho các thế hệ kế tiếp và hơn thế nữa lại có thể đóng góp cho sinh kế của các cộng đồng khác ở cấp độ địa phương hoặc toàn cầu và ở phạm vi cả ngắn hạn cũng như dài hạn”. Rõ ràng, nội hàm của khái niệm sinh kế được sử dụng giờ đây không chỉ vượt qua những mục tiêu xóa bỏ nghèo đói ban đầu mà hướng tới một hệ tiêu chuẩn hay một phương thức phát triển của xã hội loài người.
PGS.TS Lâm Minh Châu trình bày tham luận
Hơn tám mươi năm trước, nhà địa lý học nhân văn người Pháp là Pierre Gourou (1900 - 1999) khi đến nghiên cứu khảo sát về thực trạng kinh tế - xã hội ở khu vực này, ông ta đã thể hiện những sự lo ngại nhất định về sự hạn chế của tài nguyên đất đai cũng như khả năng mở rộng và phát triển của một trung tâm dân cư và xã hội có mật độ dân số lớn và lịch sử phát triển kéo dài suốt hàng nghìn năm.
Mặc dù vậy, các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà khoa học ở Việt Nam hiện nay dường như ít khi đề cập lại đến những cảnh báo của Gourou bởi lẽ vùng đồng bằng sông Hồng ngày nay đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế có hàm lượng tri thức cao lớn nhất của cả nước trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - mô hình phát triển không bị lệ thuộc vào tài nguyên đất đai và sinh thái như cách đây gần một thế kỷ.
TS. Vũ Kim Chi và PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh
Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận một thực tế là không phải tất cả những ý kiến trước đây của Gourou đều không còn giá trị, đặc biệt xét ở nhiều khía cạnh của sinh kế cũng như sự suy kiệt nhiều nguồn tài nguyên sinh thái ở khu vực này như đất đai, nguồn nước, không khí…. Bên cạnh đó, vùng châu thổ Bắc Bộ hiện nay cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới như xu hướng biến đổi khí hậu toàn cầu, việc mở cửa và hội nhập của Việt Nam cũng như sự phân hóa với khoảng cách ngày càng lớn với các khu vực phụ cận. Trong bối cảnh đó, Ban tổ chức hội thảo cũng mạnh dạn đề ra mục tiêu cho mình là nhằm đưa ra một số giải pháp, định hướng chính sách và cơ chế phục vụ cho mục tiêu phát triển và phát triển bền vững. Điều này không chỉ là những gợi ý cho việc xây dựng chính sách phát triển của vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ nói riêng mà còn góp phần cho việc quy hoạch phát triển bền vững toàn bộ các không gian lãnh thổ của đất nước, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, …
Dẫn theo Trang chủ Đại học Quốc gia Hà Nội
Tác giả: spadmin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn