TỌA ĐÀM KHOA HỌC: VỀ KHU TRUNG TÂM HOÀNG THÀNH THĂNG LONG

Thứ hai - 24/09/2012 19:09
Trong khuôn khổ dự án Quỹ tín thác UNESCO - Nhật Bản tài trợ cho chương trình nghiên cứu về Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, ngày 21-8-2012, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQGHN), phối hợp cùng Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Tobunken (Nhật Bản) tổ chức tọa đàm khoa học về nội dung khu trung tâm hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Trong khuôn khổ dự án Quỹ tín thác UNESCO - Nhật Bản tài trợ cho chương trình nghiên cứu về Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, ngày 21-8-2012, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQGHN), phối hợp cùng Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Tobunken (Nhật Bản) tổ chức tọa đàm khoa học về nội dung khu trung tâm hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Buổi tọa đàm nhằm đánh giá lại quá trình phối hợp nghiên cứu, chia sẻ thông tin và công bố những khám phá mới trong quá trình hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản.

Tham dự buổi tọa đàm gồm có GS.VS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện VNH & KHPT, Trưởng tiểu ban Lịch sử - Ủy ban chuyên gia hỗn hợp Nhật – Việt; GS Momoki Shiro: Trưởng tiểu ban Lịch sử - Ủy ban chuyên gia hỗn hợp Nhật – Việt, TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cùng đông đảo các nhà nghiên cứu đến từ  Nhật Bản, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Trung tâm nghiên cứu kinh thành, Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội và Unesco Việt Nam. Buổi tọa đàm đã dành thời gian cả ngày nghe trình bày và thảo luận về 5 báo cáo:

1. Góp phần nhận diện không gian khu trung tâm của cấm thành Thăng Long của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc

2. Báo cáo kết quả khai quật, thăm dò khảo cổ học tại khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2011-2012 của nhóm tác giả là TS Nguyễn Văn Sơn, TS Hà Văn Cẩn, CN Nguyễn Văn Mạnh

3. So sánh kinh thành Thăng Long thời Lý - Trần với một số đô thành Đông Á – Đông Nam Á của GS.TS Momoki Shiro, Đại học Osaka, Nhật Bản

4. Ảnh hưởng của mô hình Lạc Dương và Khai Phong đến quy hoạch Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần của Ths Phạm Lê Huy, Trường ĐH KHXH & NV

5. Nghiên cứu mang tính thử nghiệm về không gian nghi lễ trong đô thị cổ của Nhật Bản qua Đàn Nam giao, Đàn xã tắc và Thái miếu của các nước thuộc Vùng văn hóa chữ Hán của GS. Ueno Kunikazu, Trường Đại học nữ sinh Nara, Nhật Bản.

Thay mặt nhóm tác giả, CN Nguyễn Văn Mạnh trình bày kết quả khai quật khảo cổ học tại khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2011-2012. Đây là cuộc nghiên cứu, thăm dò khảo cổ học đầu tiên tại khu vực xung quanh nền điện Kính Thiên. Mặc dù diện tích rất nhỏ nhưng cuộc khai quật thăm dò đã bước đầu phát lộ được khá nhiều dấu tích kiến trúc hết sức quan trọng tại khu vực được coi là quan trọng nhất của Hoàng Thành Thăng Long. Khu vực này vào thời Lê thường được xác định có hai loại hình di tích có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: điện Kính Thiên và Đan Trì. Quan trọng hơn đây còn là nơi giới nghiên cứu thường xác định điện Kính Thiên thời Lê trên cơ sở điện Kính Thiên thời Lý và thời Trần.

Trong tham luận của mình, sau khi trình bày nội dung nghiên cứu về khu vực trung tâm Cấm thành Thăng Long, GS Nguyễn Quang Ngọc đề nghị 5 vấn đề cần thảo luận tại buổi tọa đàm là:

1. Tên gọi và phạm vi của Cấm thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê: Long thành, Phượng thành, Long Phượng thành là Thăng Long thành (tức Hoàng thành) hay Cấm thành. Kết cấu Thăng Long “tam trùng thành quách” có phải đơn thuần chỉ là kết cấu ba vòng thành: La thành, Hoàng thành và Cấm thành bao bọc lấy nhau hay chỉ riêng khu vực Cấm thành cũng được chia ra thành nhiều ô, nhiều cửa, với nhiều tầng, nhiều lớp khác nhau. Có sự phân biệt nào giữa Cung thành với Cấm thành và Cung cấm trong khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long hay không?

2. Có sự thay đổi hay không vị trí của khu trung tâm Cấm thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê và trục chính tâm của thành Hà Nội thời Nguyễn? Giải thích như thế nào về vị trí của Đoan Môn và Long Trì, điện Thiên An thời Trần nếu có một bức tường thời Trần đích thực chắn trước cửa Đoan Môn?

3. Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Hội trường Ba Đình có phải là Tân cung thời Lý Cao Tông không?. Các kiến trúc thời Trần ở đây liệu có mối liên quan nào đến cung Quan Triều thời Trần?

4. Điện Chí Kính là gì, cấu trúc của nó ra sao và liệu có liên quan gì đến hệ thống các kiến trúc thời Lê phát hiện ở khu vực 18 Hoàng Diệu và Hội trường Ba Đình?

5. Kết quả thăm dò và khai quật khảo cổ học ở khu vực xung quanh nền điện Kính Thiên thời gian gần đây có gì làm rõ thêm và có gì mâu thuẫn với nhận thức lâu nay của chúng ta về không gian khu trung tâm Cấm thành Thăng Long?

GS Momoki Shiro (Đại học Quốc gia Osaka) là chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời Lý - Trần nêu các vấn đề cần nghiên cứu:

Khái niệm Đô thành là gì và cần nghiên cứu những cái gì để làm sáng tỏ giá trị của một đô thành?

Tính cần thiết của phương pháp nghiên cứu so sánh và vấn đề phạm vi so sánh

Những điểm cần phân tích về quy hoạch toàn thể và trục chính tâm; Cách phân chia không gian và vị trí – quy mô của các bức tường, vòng thành, cửa thành, quảng trường, dường phố…; Vị trí và tên gọi của cung điện và các cơ quan chính quyền; Vị trí và tên gọi của các cơ sở tông giáo và nghi lễ (gồm cả Phật giáo và Đạo giáo).

Các đặc điểm của Thăng Long thời Lý có điểm tương đồng với mô hình Trung Hoa hoặc vay mượn của yếu tố Trung Hoa

Nét đặc sắc của Thăng Long thời Trần.

Ths Phạm Lê Huy, trên cơ sở nghiên cứu so sánh ảnh hưởng của mô hình Lạc Dương và Khai Phong đến quy hoạch Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần chia xẻ quan điểm:

Quy hoạch hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần đã chịu ảnh hưởng khá đậm nét từ hai mô hình Lạc Dương, Khai Phong.

Ảnh hưởng đó trước tiên có thể thấy qua cách đặt tên các kiến trúc: cung điện (từ chính điện Triều Nguyên – Càn Nguyên – Thiên An đến các điện có chức năng bổ trợ như điện Văn Minh, điện Hàm Quang), lầu gác (Long Đồ các), thành môn và điện môn (Minh Đức môn, Ngũ Phượng lâu, Dương Minh môn, Thiên Thu môn, Đông – Tây Thượng Cáp môn, Tả - Hữu dịch môn),

Bên cạnh sự giống nhau về tên gọi, trong nhiều trường hợp, các kiến trúc còn có sự tương đồng về mặt công năng: chính điện thị triều (Triều Nguyên – Càn Nguyên, Thiên An), nghe chính sự (điện Thiên Khánh và điện Thùy Củng), duyệt sự - duyệt võ – duyệt cấm quân – xem đá cầu (điện Văn Minh), yến điện (điện Hàm Quang), các loại cổng chính, cổng nách (cáp môn, dịch môn) cũng như trong bố cục kiến trúc (chính điện và cổng chính Nam cung thành được ngăn cách bởi một lớp kiến trúc điện - môn, điện nghe chính sự nằm sau chính điện và trước chính tẩm điện, bố cục kiến trúc lầu song đối và cơ quan coi giờ trong không gian Long Trì).

Nghiên cứu so sánh giúp chúng ta hiểu rõ hơn công năng của một số kiến trúc tại Thăng Long (điển hình như hoạt động của lầu Chính Dương với chức năng coi giờ) và trong nhiều trường hợp, loại suy được công năng của một số kiến trúc tại Thăng Long (điển hình như Ngũ Phượng lâu), giúp chúng ta đính chính được một số điểm chưa chính xác trong các sơ đồ phục dựng qui hoạch Thăng Long năm 1010 và 1029. Cũng với phương pháp so sánh, đối chiếu với ghi chép của một số sứ giả nhà Nguyên đến Thăng Long vào cuối thế kỷ XIII, bài viết cũng làm rõ và xây dựng được sơ đồ bố trí một số kiến trúc trong qui hoạch Thăng Long thời Trần.

GS. Ueno Kunikazu (Trường Đại học nữ sinh Nara, Nhật Bản) trong tham luận Nghiên cứu mang tính thử nghiệm về không gian nghi lễ trong đô thị cổ của Nhật Bản qua Đàn Nam giao, Đàn xã tắc và Thái miếu của các nước thuộc Vùng văn hóa chữ Hán đề xuất một số nội dung cần làm rõ:

1. Cần khảo sát một cách nghiêm túc quan hệ giữa thể chế sách phong tước vị và hình thái đô thị

2. Ở Nhật Bản cổ đại, nhà nước dựa vào Phật Giáo để duy trì đất nước. Ở những nước như Triều Tiên và Việt Nam, mối quan hệ giữa quá trình tiếp thu Phật Giáo và sự hình thành quốc gia được triển khai như thế nào, có giống ở Nhật Bản hay không? Hơn nữa, mối quan hệ giữa quá trình này với sự hình thành kinh đô là như thế nào?

3. Sự khác nhau trong quan niệm về thần có ý nghĩa như thế nào?

4. Vấn đề cách thức truyền thừa quyền thống trị khác nhau có được phản ánh trong hình thái tồn tại của các nghi lễ tế tự hay không?

5. Cần làm rõ những ảnh hưởng đến chính trị, văn hóa do hoạt động di cư từ ngoài biên thổ quốc gia vào thời cổ đại.

Thành viên đoàn chủ tịch, GS Phan Huy Lê trình bày một số nghiên cứu mới về khu khai quật khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu. Những thông tin mà GS Phan Huy Lê cung cấp tại buổi tọa đàm cho thấy đây là một khu vực có cấu trúc rộng lớn, quy mô. Nghiên cứu làm rõ bình đồ cấu trúc của khu vực này theo lớp thời gian sẽ là những khám phá đặc biệt quan trọng về hệ thống cung điện tại đây cũng như quy hoạch của Hoàng thành Thăng Long.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã thắng thắn chia xẻ những thông tin mới, đồng thời trao đổi các ý kiến đồng thuận, bổ sung hoặc khác biệt nhằm mục đích tiệm cận với những hiểu biết về Hoàng thành Thăng Long.

Tổng kết buổi tọa đàm, GS Phan Huy Lê khẳng định đây là buổi tọa đàm hết sức hứng khởi, thú vị với 3 nội dung chính là cung cấp thông tin mới, những thông tin từ nghiên cứu so sánh và gợi mở những vấn đề nghiên cứu mới.

Trên cơ sở khai quật khảo cổ học, nhiều vấn đề khoa học được đặt ra, kể cả kết quả khai quật thăm dò.

Nghiên cứu so sánh trên cơ sở mô hình phương diện chung, cụ thể và công năng của từng công trình kiến trúc khi so sánh với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nghiên cứu so sánh được đặt ra từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên được giải quyết và đi vào từng chi tiết cụ thể của Hoàng thành Thăng Long. Nghiên cứu so sánh cho thấy sự giao lưu của Đại Việt với thế giới bên ngoài, đồng thời cho thấy tính sang tạo của khu di sản.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đã lắng nghe trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng một suy nghĩ. Trong không khí như vậy, các nhà khoa học tham dự tọa đàm đã có những thảo luận sôi nổi, cởi mở.

Buổi tọa đàm đã thảo luận nhiều vấn đề cho thấy tinh thần hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản.

Buổi tọa đàm kết thúc vào lúc 17h cùng ngày.

Tác giả: spadmin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây