Tổ chức các chương trình Toạ đàm khoa học là một sinh hoạt khoa học định kỳ, được tổ chức thường xuyên bởi Phòng Nghiên cứu Khu vực học trong nhiều năm qua. Phòng đã từng mời các diễn giả trong và ngoài nước như GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, GS.TS Trương Quang Hải, GS.TS Phạm Hồng Tung, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh,… thuyết trình các nội dung về khu vực học, địa danh học, làng xã, biến đổi xã hội, biến đổi sinh kế,… Có thể xem các buổi Toạ đàm chính là cơ hội để các nhà nghiên cứu cũng như các nghiên cứu sinh trong và ngoài Viện có cơ hội được học hỏi, trao đổi trực tiếp những vấn đề liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình. Tiếp nối truyền thống đó, năm 2020 Phòng Nghiên cứu Khu vực học có chủ trương đẩy mạnh hoạt động này để các nghiên cứu viên trẻ và các nghiên cứu sinh đang sinh hoạt tại phòng có cơ hội được trình bày, thảo luận những vấn đề mình đang theo đuổi.
Tiến sĩ Vũ Đường Luân đã nhận học vị Tiến sĩ Lịch Sử tại Đại học Trung Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc) vào năm 2019. Trong Toạ đàm này, Tiến sĩ Luân đã trình bày một số kết quả nghiên cứu chính trong luận án của mình.
Đầu tiên diễn giả đã làm rõ một số khái niệm như biên giới, biên cương, vùng biên giới; từ đó xác định được địa bàn nghiên cứu và lựa chọn trường hợp nghiên cứu điển hình là mỏ Tụ Long. Trong nội dung nghiên cứu chính, diễn giả đã tập trung phân tích tầm quan trọng cũng như mối quan hệ của nó đối với lịch sử phát triển vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc trong các thế kỷ XVIII- XIX. Theo diễn giả trong các nghiên cứu trước đây, khu vực này thường được nhìn nhận như là địa bàn cư trú của cộng đồng các dân tộc thiểu số với nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp lạc hậu tồn tại cho tới trước khi quá trình hiện đại hóa diễn ra vào nửa sau của thế kỷ XX. Tuy nhiên, thông qua nghiên cứu trường hợp mỏ đồng Tụ Long, một trong những mỏ khoáng sản quan trọng nhất của miền núi phía bắc Việt Nam, diễn giả đã chỉ ra một trong nhân tố chính làm thay đổi cấu trúc chính trị và xã hội của khu vực biên giới Việt - Trung là hoạt động khai khoáng.
Hoạt động khai khoáng xuất hiện đã làm chuyển đổi khu vực vùng biên ở nhiều chiều cạnh: chính trị, kinh tế, xã hội. Cụ thể,về chính trị, sự bùng nổ của các hoạt động khai mỏ đã thu hút sự quan tâm của chính quyền ở hai bên biên giới thông qua việc thiết lập hệ thống các đơn vị hành chính và chế độ quản lý ở khu vực biên giới song đồng thời nó cũng là nguyên nhân căn bản dẫn tới những mâu thuẫn về quyền lợi và sự chia rẽ bên trong của xã hội vùng biên. Về kinh tế, các hoạt động khai mỏ không chỉ đưa tới sự biến đổi của cấu trúc kinh tế địa phương mà còn tạo ra những tương tác kinh tế rộng lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như liên kết thị trường trong nước với hệ thống kinh tế quốc tế. Về xã hội, dưới bối cảnh của hoạt động khai mỏ, mạng lưới di dân, quan hệ giao lưu xuyên biên giới đã tao ra từ văn hóa địa phương một cộng đồng xã hội đa dạng và phức tạp cả về tính chất và bản sắc tộc người trên vùng biên giới Việt - Trung thời kỳ tiền hiện đại.
Những nhà nghiên cứu tham dự buổi Toạ đàm dù đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau nhưng đều quan tâm đến nội dung mà diễn giả trình bày. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra những trao đổi thảo luận với diễn giả về khái niệm biên giới, biên cương, vùng biên giới,… GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện VNH&KHPT, đã có trao đổi thêm với diễn giả và các nhà nghiên cứu về lý thuyết khu vực Zomia của James Scotts mà diễn giả đã trình bày trong bản thuyết trình, đồng thời gợi ý diễn giả chú ý thêm đến khái niệm đường biên (boundaries),... PGS.TS Phạm Văn Lợi - Trưởng phòng Nghiên cứu Khu vực học cũng có thảo luận thêm về vấn đề biên giới đặc biệt là sự chuyển đổi về văn hoá vùng biên dưới tác động của hoạt động khai mỏ,... TS. Vũ Kim Chi, NCS Nguyễn Quang Anh cho rằng nếu diễn giả ứng dụng công nghệ GIS trong nghiên cứu này có thể mang lại kết quả tốt hơn nữa.
Những nhà nghiên cứu khác cũng thể hiện những quan tâm, thắc mắc về vấn đề chính sách và thái độ của nhà nước Trung Hoa đối với vấn đề khai mỏ vùng biên, cụ thể là với mỏ Tụ Long thế nào hay những thảo luận xung quanh sự chuyển đổi về đời sống xã hội, tín ngưỡng, kinh tế,… của con người, xã hội vùng biên dưới tác động của quá trình khai mỏ.
Trước ý kiến của các nhà nghiên cứu diễn giả cũng đã có trao đổi lại và giải thích cụ thể hơn nội dung thuyết trình.
Bài thuyết trình của TS Vũ Đường Luân dù diễn ra trong thời gian không dài nhưng đã mang đến cho người nghe những hiểu biết cơ bản về sự chuyển đổi của vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX trên các chiều cạnh chính trị, kinh tế và xã hội dưới tác động của quá trình khai mỏ. Những nội dung mà diễn giả đưa ra đã thu hút được nhiều ý kiến quan tâm, trao đổi, thảo luận của các nhà nghiên cứu tham dự buổi Toạ đàm.
TS. Nguyễn Thị Huệ
Tác giả: spadmin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn