Hội thảo Khoa học quốc gia: Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam

Thứ bảy - 09/12/2023 07:01
Sáng 9/12, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng, UBND thành phố Hải Phòng và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Vương Triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
 

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Giáo sư Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện Trung ương; các Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại diện các dòng họ Trần, Mạc, Vũ và các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trên khắp cả nước.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng tham dự Hội thảo.

Đại biểu thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo các Ban, Sở, ngành thành phố và huyện Kiến Thụy.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố thông tin với các đại biểu về tình hình kinh tế, xã hội của thành phố Hải Phòng trong thời gian qua. Đồng chí cho biết, Hải Phòng là nơi phát tích của Vương triều Mạc, với thời gian trị vì tại kinh thành Thăng Long không nhiều nhưng đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước nhà. Đồng chí nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo là việc làm có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 540 năm ngày sinh của Vua Thái Tổ Mạc Đăng Dung (22/12/1483). Kết quả của Hội thảo sẽ là những luận cứ khoa học, những sử liệu tin cậy, góp phần cho việc nhìn nhận khách quan, công bằng đối với sự đóng góp của Vương triều này và được thể hiện xứng tầm trong bộ Quốc sử của nước ta.

Chủ tọa điều hành Hội thảo.

Tại thành phố Hải Phòng, trong những năm qua, chính quyền và nhiều đơn vị cùng với Hội đồng Mạc tộc đã có những hoạt động, những việc làm cụ thể, nhằm tôn vinh sự đóng góp và những di sản của Vương triều này để lại. Tiêu biểu là các cuộc hội thảo về thân thế, sự nghiệp của Mạc Thái Tổ, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, Ninh Vương Mạc Phúc Tư, Phật giáo thời Mạc, chợ thời Mạc hoặc dành một chương biên soạn về nhà Mạc trong bộ Lịch sử Hải Phòng 4 tập, xuất bản đầu năm 2021, đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương (môn Lịch sử) và nhiều nhà khoa học đã xuất bản những ấn phẩm về Vương triều Mạc. Nhiều di sản nhà Mạc để lại đã được tôn vinh, như xây dựng Khu Tưởng niệm trên địa bàn cố đô Dương Kinh xưa, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố, công nhận Bảo vật Quốc gia, duy trì Lễ hội Minh Thệ (Di sản văn hóa phi vật thể), đặt tên những danh nhân thời Mạc cho đường, phố và công trình công cộng.

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang phát biểu đề dẫn.

Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã chia sẻ trong lịch sử Việt Nam, vương triều Mạc tồn tại 150 năm, bao gồm hai giai đoạn: 65 năm trị vì ở Thăng Long (1527-1592) và 85 năm đóng đô ở Cao Bằng (1592-1677). Suốt thời kỳ đó, đặc biệt là giai đoạn cầm quyền ở Thăng Long, triều Mạc đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện đối với lịch sử đất nước. Tuy nhiên, do những hạn chế mang tính cố hữu, chủ yếu xuất phát bởi quan điểm chính trị từ thời Lê - Nguyễn, đã dẫn tới những nhận thức sai lệch, thiếu khách quan và không công bằng về nhà Mạc. Trong các bộ sử thời kỳ quân chủ, nhà Mạc cũng giống như nhà Hồ (1400-1407) hay Tây Sơn (1788-1802), bị các sử gia xếp vào hàng “ngụy triều”, không chính thống. Quan điểm đó tồn tại mãi về sau này, khiến việc nghiên cứu, đánh giá về vương triều Mạc, thời kỳ nhà Mạc, hay về các nhân vật lịch sử thời Mạc bị áp đặt bởi những định kiến chủ quan, thiếu chính xác và không toàn diện.

Trong khoảng bốn thập niên trở lại đây, cùng với xu hướng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam, dựa trên quan điểm đổi mới Sử học và những thành tựu khoa học – công nghệ, nhận thức chung không chỉ giới nghiên cứu lịch sử, mà còn của cả xã hội đã từng bước thay đổi. Nhận thức về Vương triều Mạc và thời đại nhà Mạc từng bước được nâng lên. Mọi khía cạnh về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội Đại Việt thời Mạc được nghiên cứu, luận giải một cách khách quan, khoa học và toàn diện hơn, cho thấy cả những mặt tích cực và hạn chế của Nhà Mạc, từ đó đi tới những đánh giá gần với thực tế hơn về công lao, đóng góp của triều đại này đối với lịch sử dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu ý kiến.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 60 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều cơ quan trên khắp cả nước. Các báo cáo có nội dung nghiên cứu về bối cảnh ra đời Vương triều Mạc, tâm thế chính trị và phương cách lựa chọn mô hình phát triển mới; những cải cách về thiết chế chính trị, tư tưởng, luật pháp, hành chính, quân đội… dưới thời Mạc; công cuộc canh tân đất nước thời Mạc và những di sản, kinh nghiệm cho ngày nay.

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Có nhiều báo cáo tham luận đi sâu nghiên cứu, làm sáng tỏ những thành tựu phát triển toàn diện của quốc gia Đại Việt dưới thời đại Nhà Mạc, đặc biệt nhấn mạnh đánh giá cao tư duy kinh tế và tầm nhìn hướng biển của Nhà Mạc; đóng góp của Triều Mạc trong phát triển thương mại và sự hưng khởi của các đô thị, cảng thị. Tư tưởng thoáng đạt và chính sách cởi mở của Triều Mạc khởi đầu cho thời kỳ chấn hưng, phát triển mạnh mẽ văn hóa, thể hiện rõ nét trong các dấu ấn vật chật, tôn giáo – tín ngưỡng, giáo dục và khoa cử, nghệ thuật và kiến trúc…

PGS. TS. Vũ Văn Quân, Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu tham luận

Một số báo cáo tại Hội thảo tập trung làm rõ thân thế, sự nghiệp, vai trò và đóng góp của một số nhân vật lịch sử tiêu biểu thời Mạc đối với vương triều và đất nước, như Vua Mạc Thái Tổ, Thái hoàn Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, Tây Kỳ vương Nguyễn Kính, Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn… Trong số đó, một số nhân vật đã được dân gian phong thánh, phụng thờ ở nhiều địa phương. Nhà Mạc để lại cho hậu thế nhiều di sản lịch sử - văn hóa có giá trị độc đáo, tiêu biểu như ngôi đình làng, kiến trúc chùa tháp, văn bia, các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, hát Then… Một số tham luận đi sâu phân tích hiện trạng, đánh giá giá trị và nêu ra những phương hướng, giải pháp khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa thời Mạc và gắn với triều Mạc phục vụ phát triển đất nước và các địa phương trong bối cảnh hiện nay.
 

z4958743630877 243daaef798a862cb3bcd0e0858feea7

TS. Phạm Đức Anh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Nhìn chung, nội dung của các báo cáo tham luận rất đa dạng, đề cập đến nhiều khía cạnh về thời Mạc và Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam. Qua đây có nhiều phát hiện và kiến giải mới góp phần nâng cao nhận thức khoa học và giải quyết các yêu cầu thực tiễn của địa phương và đất nước.

MON 7138

Trong khuôn khổ Hội thảo, chiều 8/12, các đại biểu dâng hương, tham quan Khu tưởng niệm các Vua Nhà Mạc, Từ đường họ Mạc tại huyện Kiến Thụy.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Báo chí đưa tin về sự kiện: Chi tiết tại link đính kèm 
- Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng: Hội thảo Khoa học Quốc gia - Vương Triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam
- Báo Hải Phòng điện tử: Khẳng định những đóng góp của Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam, tiếp tục phát huy trong thời kì mới
- Chuyên trang An ninh Hải Phòng:  Hội thảo Khoa học Quốc gia “Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam”: Các đại biểu dâng hương, tham quan Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc và Từ đường họ Mạc
- Báo điện tử Dân Việt: Nhìn nhận công bằng, khách quan về vương triều Mạc như các triều đại khác trong tiến trình lịch sử Việt Nam
- Báo Giao thông: Vai trò Vương triều nhà Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam
- Báo Nông nghiệp Việt Nam : Nhìn nhận công bằng, khách quan về Vương triều Mạc
- Trang thông tin điện tử Soha News: Hội thảo khoa học quốc gia "Vương Triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam": Cần nhìn nhận công bằng
- Báo Quân đội nhân dân: Đánh giá đúng những đóng góp tích cực của Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam
- Báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đô: Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam
- Báo tri thức cuộc sống: Hội thảo khoa học quốc gia “Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam”

Tác giả: Diễm My tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây