Đến tham dự hội thảo, về phía Viện VNH&KHPT có GS.TS Phạm Hồng Tung – Viện trưởng; TS Vũ Kim Chi – Phó Viện trưởng; GS.TS Trương Quang Hải, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh – Nguyên Phó Viện trưởng; cùng nhiều cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh của Viện; Về phía khách mời, có các nhà khoa học của các cơ quan đối tác của đề tài, các nhà khoa học đến từ nhiều viện nghiên cứu, nhiều trường đại học, như Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện HLKHXHVN), Viện KHXH vùng Trung Bộ (Viện HLKHXHVN), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN), Học Viện Chính trị Khu vực 1, Trường Đào tạo Cán bộ dân tộc (Ủy ban Dân tộc), Trường Đại học Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa), Trường Đại học Vinh (tỉnh Nghệ An), Trường Cao đẳng Sơn La (tỉnh Sơn La). Chủ trì hội thảo là GS.TS Phạm Hồng Tung – Viện trưởng Viện VNH&KHPT, PGS.TS Vương Toàn – Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam và PGS.TS Phạm Văn Lợi – Chủ nhiệm đề tài.
Hội thảo nhận được 18 bài tham luận của 22 tác giả. Trong đó, có 3/22 tác giả là cán bộ đang công tác tại các cơ quan thuộc các tỉnh nơi người Thái cư trú tập trung, thuộc địa bàn nghiên cứu của đề tài (đó là các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An); số còn lại (19/22) tác giả đang công tác tại các cơ quan ở Hà Nội, trong đó có 9 tác giả đang làm việc tại các cơ quan liên quan trực tiếp đến dân tộc Thái và các dân tộc ở Việt Nam, gồm: Chương trình Thái học Việt Nam: 3 tác giả; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: 2 tác giả; Trường Cán bộ Dân tộc: 5 tác giả. Các tham luận tập trung vào 3 chủ đề/ nội dung chính: (1) Tổng quan về cơ sở lý luận, phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, các công trình nghiên cứu về cộng đồng dân tộc Thái ở Việt Nam; (2) Các vấn đề đang được đặt ra trong nghiên cứu về cộng đồng dân tộc Thái ở Việt Nam và (3) Cơ sở lý luận, phương pháp tiếp cận, nghiên cứu về tính chật, bản sắc, vai trò và phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc Thái trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Tất cả các tham luận đều được in trong tập tập Kỷ yếu cung cấp làm cơ sở cho các nhà khoa học tham dự Hội thảo đưa ra các ý kiến góp ý, trao đổi với tác giả các tham luận.
GS.TS Phạm Hồng Tung, đại diện cho cơ quan chủ quản của đề tài, phát biểu khai mạc hội thảo; Tiếp đó, PGS.TS Phạm Văn Lợi - Chủ nhiệm đề tài, trình bày Báo cáo đề dẫn khẳng định 3 nhóm nội dung chính đã được các cáo báo tham luận đề cập và sẽ được tập trung thảo luận trong Hội thảo. Hội thảo chia thành 2 phiên với 6 tham luận, thuộc về 3 mảng nội dung chính, được trình bày, gồm: Tổng quan lý thuyết và các công trình nghiên cứu điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên vận dụng phát triển bền vững vùng Tây Bắc (ThS.NCS Giang Văn Trọng), Tổng quan tình hình nghiên cứu về Kinh tế - xã hội của cộng đồng dân tộc Thái vùng Tây Bắc (ThS.NCS Đặng Ngọc Hà), Những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu chính sách và việc triển khai chính sách ở vùng Tây Bắc (TS Giang Khắc Bình), Những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu tính chất, mối quan hệ của cộng đồng người Thái ở Việt Nam với cộng đồng người Thái trên thế giới (TS Vi Văn An), Tiếp cận dựa vào lòng tự hào của cộng đồng từ lý thuyết đến thực hành trong nghiên cứu phát triển (trường hợp người Thái, người Mường ở Bá Thước, Thanh Hóa tham gia một số dự án phát triển (TS Nguyễn Trường Giang, ThS Lương Thị Minh Ngọc), Chủ thể văn hóa Thái: Điểm tựa, tiếp biến và lan tỏa (TS Mai Thanh Sơn). Xen giữa các báo cáo là phần thảo luận. Các nhà khoa học thảo luận rất tập trung và sôi nổi về cơ sở lý thuyết, phương pháp tiếp cận nghiên cứu của đề tài, nhằm vạch ra những đường hướng nghiên cứu tốt nhất nhằm tìm hiểu về vai trò của cộng đồng dân tộc Thái trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc và đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của cộng đồng người Thái trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Kết thúc hội thảo, PGS.TS Vương Toàn tổng kết những vấn đề khoa học hội thảo đã được trao đổi, thảo luận trong Hội thảo; khẳng định những vấn đề về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu, tiếp cận mà các tham luận, các thảo luận đã hướng đến và đã đạt được;
Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Lợi cám ơn những đóng góp hết sức quý báu, sâu sắc với chất lượng chuyên môn cao của các tham luận, thảo luận của các nhà khoa học và khẳng định Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp thu và áp dụng một cách có chọn lọc các ý kiến nhằm hoàn thiện kế hoạch và nội dung nghiên cứu của đề tài.
Một số hình ảnh:
Đặng Ngọc Hà
Tác giả: spadmin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn