Nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học: những vấn đề lý luận và thực tiễn

Thứ ba - 19/03/2024 05:45
Đó là chủ đề của hội thảo quốc tế do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN tổ chức ngày 19/3/2024, tại Hà Nội, trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện (19/4/2004 -19/4/2024).
Nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học: những vấn đề lý luận và thực tiễn
Đây là dịp để giới nghiên cứu Viện Nam học trong và ngoài nước cùng nhìn nhận, đánh giá về sự phát triển của ngành Việt Nam học trên thế giới và ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; cập nhật những thành tựu, xu hướng và chia sẻ những kinh nghiệm, bài học trong nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học; xác định hướng phát triển của ngành Việt Nam học trong giai đoạn sắp tới, cũng như vai trò, đóng góp của ngành khoa học này đối với sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam; tăng cường kết nối, mở rộng hợp tác, phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu.
11
Thông qua hội thảo này, Viện VNH&KHPT tiếp tục cam kết sẽ hoàn thành trọng trách là trung tâm quy tụ, đầu mối kết nối, hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học ở cả trong nước và trên thế giới.
12
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Phạm Đức Anh cho biết: Việt Nam học là một ngành khoa học cơ bản, nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam trong tính tổng thể và hệ thống, nhằm tìm ra những đặc điểm nổi trội, những giá trị đặc thù, qua đó ngày càng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Quá trình tiến triển của ngành Việt Nam học gắn liền với những bước phát triển của Việt Nam, với sự khẳng định uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế. Việt Nam ngày càng được cộng đồng khoa học thế giới chú ý nghiên cứu nhiều hơn; và ngược lại, nhiều nhà khoa học đã nổi danh khắp thế giới với tư cách là chuyên gia về Việt Nam học. Cộng đồng Việt Nam học trong nước và quốc tế là nhịp cầu trí tuệ, nhịp cầu văn hóa kết nối Việt Nam với thế giới.
Cho đến nay, Việt Nam học đã phát triển tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên thế giới, hiện có hàng trăm cơ sở nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam tại các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế. Có những cơ sở với bề dày trên một trăm năm, liên tục đào tạo nhiều thế hệ nhà Việt Nam học, cũng có những cơ sở vừa mới được thành lập và đi vào hoạt động.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được tổng cộng 172 báo cáo tóm tắt và 127 báo cáo toàn văn được gửi tới từ 227 nhà khoa học là các chuyên gia hàng đầu về Việt Nam học tại các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong cả nước và từ nhiều quốc gia trên thế giới: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Đức, Bỉ
13
GS.TS Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển ĐHQGHN trình bày tham luận về Khu vực học đô thị - Một định hướng mới của khu vực học hiện đại
Trên cơ sở các báo cáo tham luận được tuyển chọn, chương trình hội thảo được sắp xếp thành 4 nhóm chủ đề lớn như:
(1) Những vấn đề chung về nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, gồm 40 báo cáo tập trung vào Lịch sử và hiện trạng phát triển, những vấn đề đặt ra của Việt Nam học trên thế giới và ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; vị trí ngành Việt Nam học trong nước và trên thế giới.
(2) Việt Nam học: Những vấn đề văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ, tập hợp 52 báo cáo tham luận. Đây là những nghiên cứu từ tiếp cận liên ngành trên nền tảng các khoa học cơ bản, có nội dung phong phú, đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau: Nguồn tư liệu và những nhận thức mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam; Văn hóa truyền thống và những biến đổi trong đời sống xã hội đương đại; Văn học, ngôn ngữ Việt Nam truyền thống và hiện tại.
(3)Việt Nam học: Những vấn đề phát triển bền vững, có 36 tham luận, là những nghiên cứu về thực trạng và giải pháp phát triển bền vững Viện Nam trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
(4) Đào tạo Việt Nam học gồm 44 tham luận, tập trung làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn trong giảng dạy Việt Nam học, tiếng Việt, văn hóa Việt Nam ở trong và ngoài nước trước xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.
14
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã có những tham luận và thảo luận chuyên sâu theo các chủ đề xoay quanh vấn đề đào tạo, nghiên cứu Việt Nam học, … Có thể khẳng định rằng, nội dung của các báo cáo tham luận rất phong phú và đa dạng, tiếp cận chủ đề của Hội thảo từ nhiều khía cạnh khoa học và lĩnh vực chuyên môn khác nhau, toàn diện nhưng cũng rất chuyên sâu, đưa tới nhiều nhận thức mới trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, … mà bản báo cáo đề dẫn này chắc chắn không thể tóm lược hay diễn đạt hết được. Thông qua hội thảo này, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận kỹ các vấn đề khoa học nêu trên, hướng tới phát triển hội thảo mang tầm vóc, quy mô toàn cầu hơn – GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển là địa chỉ nghiên cứu hàng đầu Việt Nam
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (VNH&KHPT) là một viện nghiên cứu thành viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, tiên phong trong nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan tới Việt Nam học, Khu vực học và Khoa học phát triển dựa trên khoa học cơ bản, liên ngành và định hướng ứng dụng.
Viện có bề dày truyền thống 35 năm xây dựng và trưởng thành, gắn liền với quá trình phát triển của ngành Việt Nam học hiện đại ở Việt Nam, với nhịp cầu kết nối giới nghiên cứu Việt Nam ở trong nước với thế giới.
Viện là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam được giao tổ chức các khóa đào tạo, hỗ trợ chuyên gia Việt Nam học từ năm 1989, đào tạo Thạc sĩ Việt Nam học (từ năm 2005 đến 2013, đã có 128 Thạc sĩ tốt nghiệp, trong đó 56 Thạc sĩ thuộc Chương trình đẳng cấp quốc tế), Tiến sĩ Việt Nam học (từ năm 2012 đến nay, với 33 Tiến sĩ đã được công nhận học vị), và từ năm 2024 là chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị địa phương. Hiện nay, các thế hệ học viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh của Viện đã và đang có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành Việt Nam học trên toàn thế giới. Nhiều người trong số đó là chuyên gia đầu ngành, hoặc đứng đầu các cơ sở nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học ở trong nước, cũng như tại các quốc gia như Pháp, Nga, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…

Dẫn theo: Đại học Quốc gia Hà Nội

Tác giả: spadmin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây