Nhớ Thầy – Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê

Thứ ba - 27/02/2024 05:37
Ngày 23/2/2024, đúng 90 năm Ngày sinh của Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, gia đình và đông đảo thế hệ học trò của Thầy ở khắp mọi miền Tổ quốc đã tề tựu về Trường ĐHKHXH&NV (tiền thân là trường ĐH Tổng hợp Hà Nội - nơi Thầy đã gắn bó nhiều năm trong cuộc đời giảng dạy, nghiên cứu khoa học) để cùng ôn lại những kỉ niệm sâu sắc và kính nhớ về Thầy.
Nhớ Thầy – Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê
Toạ đàm diễn ra trong trọn một ngày, với gần 30 tham luận và ý kiến phát biểu, nhiều câu chuyện xúc động đã được chia sẻ, những giọt nước mắt đã rơi và tất cả đều trào dâng sự ngưỡng mộ, kính cẩn và tri ân sâu sắc đối với một nhà khoa học lớn, có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng; một người Thầy nhân hậu, đức độ và luôn dành tình thương yêu cho tất cả học trò.
11
TS Phạm Đức Anh (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) bày tỏ sự tri ân sâu sắc công lao to lớn của GS Phan Huy Lê trong việc thành lập, phát triển Viện và cũng như sự ra đời của một ngành khoa học mới mẻ - ngành Việt Nam học tại Việt Nam
1
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu điểm lại những đóng góp nổi bật trong sự nghiệp của Giáo sư Phan Huy Lê, đặc biệt nhấn mạnh công lao của Thầy trong việc xây dựng phát triển nhiều ngành học, bộ môn, khoa của Nhà trường
2
GS.TSKH Vũ Minh Giang (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nhấn mạnh bước ngoặt của Hội Khoa học Lịch sử khi Thầy làm Chủ tịch Hội đã đi tiên phong trong công cuộc đổi mới sử học, quy tụ rộng rãi, đông đảo các nhà khoa học uy tín trong nước cũng như quốc tế trong các hội thảo khoa học lớn. Điều đó đã xác lập một nền tảng vững chắc để Hội ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Giáo sư Phan Huy Lê sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà (nay là Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống khoa bảng với nhiều trí thức thành danh như Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh,… Bên ngoại nhà Thầy cũng là một danh gia với những học giả nổi tiếng uyên bác như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu…
Để tạo nên trí tuệ, nhân cách và tầm vóc của một nhà sử học hàng đầu của Việt Nam trong thế kỉ XX – đầu XXI phải kể đến tố chất ưu trội được kế thừa từ Tổ nghiệp và một tư duy khoa học sắc sảo; sự đam mê, say sưa, kiên trì không biết mệt mỏi; sự dũng cảm dám dấn thân và hi sinh cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học nước nhà của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê.
Chính vì vậy, Giáo sư Phan Huy Lê đã có được những công trình nghiên cứu vượt bậc ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ và vượt ra khỏi biên giới, khẳng định, nâng tầm Sử học Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều đóng góp của Thầy tạo ra bước ngoặt rất lớn trong quá trình phát triển ngành khoa học Lịch sử: cả nhận thức và phương pháp nghiên cứu.
Dưới sự dẫn dắt của những vị Giáo sư huyền thoại Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh,… anh giáo trẻ Phan Huy Lê bắt đầu cuộc hành trình gắn với ngành sử, nghiệp dạy học và sớm có những bước trưởng thành vượt bậc. Năm 1958, khi mới tròn 24 tuổi Thầy đã được tin tưởng giao đảm trách vị trí Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử cổ - trung đại Việt Nam (thuộc Trường ĐH Tổng hợp), để rồi chỉ trong vòng hai năm sau Thầy đã cho ra mắt những bộ sách chuyên khảo và giáo trình, trong đó có những tác phẩm đã vượt ra ngoài biên giới. Trong 30 năm trên cương vị này, Giáo sư Phan Huy Lê đã xây dựng và phát triển Bộ môn thành một đơn vị có uy tín học thuật cao, đóng góp đáng kể cho nền sử học nước nhà trên cả phương diện nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ.
3
Vợ chồng Giáo sư Trần Văn Giàu 4 học trò xuất sắc, “tứ trụ” của nền Sử học hiện đại Việt Nam: Lâm, Lê, Tấn, Vượng (GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng)
Là một nhà khoa học có tầm nhìn xa trông rộng, ngay sau khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, Giáo sư Phan Huy Lê đã sớm nắm bắt được xu thế phát triển của Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện đại của thế giới và đã xây dựng một đơn vị khoa học mới mang tính liên ngành. Năm 1989, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá thuộc Trường Đại học Tổng hợp, tiền thân của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển ngày nay, do Thầy làm Giám đốc ra đời. Với những nỗ lực không mệt mỏi, Thầy đã kết nối, hợp tác với hầu hết các trung tâm đào tạo và nghiên cứu lớn trên thế giới về Việt Nam học. Trong suốt thời kỳ Thầy làm Giám đốc (1989 - 2001), Trung tâm đã đón tiếp và giao lưu học thuật với hàng trăm nhà Việt Nam học quốc tế, trong đó có nhiều học giả có tầm cỡ thế giới. Trên cơ sở đó, từ năm 1998 Trung tâm đã đứng ra làm nòng cốt tổ chức một Hội thảo quốc tế về Việt Nam học đầu tiên tại Việt Nam với quy mô gần 1.000 đại biểu, trong đó có hơn 300 học giả quốc tế đến từ 26 nước. Cho đến nay sự kiện đặc biệt này đã thành nếp 4 năm tiến hành một lần và đã tổ chức được 6 Hội thảo.
Từ nhận thức mới về xu thế nghiên cứu khu vực, năm 1995, Giáo sư Phan Huy Lê đã là vị Trưởng khoa sáng lập của khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhiều ngành học mới như Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Đông Nam Á học... được hình thành từ đây đã và đang được xã hội đánh giá cao.
4
GS.TS Vũ Dương Ninh (Trường ĐHKHXH&NV) chia sẻ kỉ niệm khó quên khi được tham gia chuyến công tác cùng với GS Phan Huy Lê năm 1973. "Thầy là một nhà khoa học có uy tín khoa học rất cao không chỉ trong nước mà còn với giới khoa học quốc tế. Tôi không chỉ học ở Thầy về chuyên môn mà đặc biệt là cách tổ chức công việc vô cùng khoa học, chu đáo và sáng tạo" - GS Vũ Dương Ninh nhấn mạnh
5
GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Trường ĐHKHXH&NV) khẳng định: GS Phan Huy Lê có những nghiên cứu vượt bậc về đề tài ruộng đất trong lịch sử Việt Nam, hình thái kinh tế - xã hội
6
PGS.TS Lê Đình Sỹ (Viện Lịch sử Quân sự) dựa trên số liệu thống kê đã khẳng định: GS Phan Huy Lê đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết và có những cống hiến xuất sắc trong nghiên cứu về đề tài: lịch sử chống xâm lăng của dân tộc, các cuộc khởi nghĩa trong lịch sử, các nhân vật,... với hàng trăm công trình nghiên cứu.
7
GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) chia sẻ: Đề tài về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là chủ quyền vùng biển của Tổ quốc Việt Nam luôn được GS Phan Huy Lê quan tâm và dày công nghiên cứu, tìm hiểu. "Ngoài khai thác triệt để, cẩn trọng rất nhiều tài liệu thư tịch, bản đồ cổ ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, Thầy luôn chú trọng công tác khảo cứu thực địa, thường xuyên thực tiếp điền dã đến tận địa điểm nghiên cứu" - GS.TS Nguyễn Văn Kim thể hiện sự ngưỡng mộ trí tuệ uyên bác, tư duy khoa học sắc bén, nhưng vô cùng cẩn trọng của GS Phan Huy Lê 
Giáo sư Phan Huy Lê đã có cống hiến lớn lao với giới sử học Việt Nam và nền sử học nước nhà trong thời gian Thầy giữ cương vị Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Thầy, Hội Khoa học Lịch sử đã đi tiên phong trong công cuộc đổi mới sử học, huy động rộng rãi các nhà sử học trên cả nước tham gia vào các hội thảo quốc gia và quốc tế, gây tiếng vang lớn. Cùng với các hoạt động mang tính học thuật, Giáo sư Phan Huy Lê còn đưa Hội Khoa học Lịch sử tham gia vào các công việc tư vấn chính sách, góp phần nâng cao chất lượng cho nhiều quyết sách của Đảng và Nhà nước trong các vấn đề liên quan đến lịch sử.
8
PGS.TS Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nhấn mạnh: Không có GS Phan Huy Lê chắc chắn không có một Hội KHLS phát triển và có uy tín khoa học cao như ngày hôm nay
9
PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) với một báo cáo công phu, những con số thống kê rất cụ thể cho thấy GS Phan Huy Lê là một nhà khoa học vô cùng uyên bác, nghiên cứu của Thầy bao quát rất nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, nghệ thuật quân sự, nhân vật lịch sử,... Và ở mảng đề tài nào Thầy cũng đạt được những thành công vượt bậc, với các công trình nghiên cứu xuất sắc, có giá trị khoa học rất cao, tạo ra bước phát triển mới của Sử học Việt Nam không chỉ nhận thức mà còn cả phương pháp nghiên cứu
10PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) say sưa, tự hào khi chia sẻ những câu chuyện đầy xúc động khi được trực tiếp tham gia cùng GS Phan Huy Lê trong việc bảo vệ di tích Hoàng thành Thăng Long cách đây đúng 20 năm và sau đó lập hồ sơ di sản trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. "Tôi vẫn còn nhớ như in lời Thầy nói lúc đó: Phải quyết tâm bảo vệ, giữ gìn cho được di tích, nếu bây giờ chúng ta không bảo vệ được tức là có tội với tổ tông và với cả nhiều thế hệ sau này. Lời dạy của Thầy cũng chính là kim chỉ nam, là động lực thôi thúc tôi vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu khảo cổ học" - PGS.TS Tống Trung Tín nhấn mạnh
12
13
ThS Nguyễn Thu Hoài (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) và TS Vũ Thị Minh Hương (Phó Chủ tịch UB Ký ức thế giới UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương) nhấn mạnh đóng góp rất lớn của GS. Phan Huy Lê trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị của các nguồn tư liệu lưu trữ (tiêu biểu Châu bản triều Nguyễn) trong nghiên cứu lịch sử
Là một nhà khoa học uyên bác, giàu nhiệt huyết và có tinh thần trách nhiệm cao, Thầy Lê luôn được tín nhiệm mời tham gia những cơ quan tư vấn chiến lược như Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng Học hàm Nhà nước, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Hội đồng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội…
Vì những cống hiến to lớn cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy, năm 1980, Thầy được phong học hàm Giáo sư. Những danh hiệu cao quý của nghề giáo được trao cho Thầy vào các năm 1988 (Nhà giáo ưu tú), 1994 (Nhà giáo Nhân dân). Tiếp đó Giáo sư Phan Huy Lê được Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Lao động các hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba.
Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội,.. Thầy được thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Ưu tú Thủ đô. Sau đó, Thầy được nhận danh hiệu Trí thức Khoa học Công nghệ tiêu biểu (năm 2015). Từ năm 2003, Giáo sư Phan Huy Lê được Ban Bí thư bổ nhiệm vào ngạch chuyên gia cao cấp.
Đặc biệt, năm 2014, Giáo sư Phan Huy Lê đã được giao làm Chủ nhiệm đề án Nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử). Bộ Tổng lịch sử này do Thầy làm Tổng chủ biên có quy mô 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện với dung lượng lên tới hàng vạn trang. Đây là bộ lịch sử Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay.
Trong hàng trăm công trình đã công bố trong và ngoài nước, tập hợp công trình dưới đầu đề Tìm về cội nguồn in trong 2 tập với tổng cộng 1.753 trang đã được trao giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000. Năm 2016, Giáo sư Phan Huy Lê được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, phần thưởng cao nhất về khoa học với tác phẩm Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận dày hơn 1.000 trang. Năm 2017, bộ sách hai tập Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển dày 1.502 trang do Thầy chủ biên được trao Giải thưởng Trần Văn Giàu.
14
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nêu bật đóng góp của GS Phan Huy Lê với vai trò là "Tổng tư lệnh" trong Đề án Nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử)
15
PGS.TS Vũ Văn Quân (Trưởng khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH&NV) chia sẻ rất kỉ niệm khi triển khai đề án nghiên cứu về Vùng đất Nam Bộ 
Không chỉ nổi danh là một trong “tứ trụ” của nền sử học nước nhà, Giáo sư Phan Huy Lê còn được giới khoa học thế giới đánh giá cao. Thầy từng được mời đi giảng dạy ở nhiều trường đại học danh tiếng của Pháp, Hà Lan, Nhật Bản…, chủ trì các hội thảo quốc tế lớn ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay hầu như ở tất cả các châu lục đều có học trò của Thầy và đang nắm giữ cương vị cao trong các cơ quan giáo dục và nghiên cứu. Năm 1996, Thầy vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng Quốc tế Văn hoá Á châu Fukuoka, Nhật Bản (đây là một giải thưởng vô cùng khắt khe trong lựa chọn ứng cử viên). Thầy cũng được Chính phủ Pháp trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm vào năm 2002 và Viện Hàn lâm Văn khắc và Mĩ văn Cộng Hòa Pháp tặng Danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài vào năm 2011, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp trao tặng bằng Tiến sĩ Danh dự năm 2016.
16
(Năm 2011) GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV) chúc mừng GS Phan Huy Lê
Trong cuộc đời cống hiến của mình, Giáo sư Phan Huy Lê luôn nhận được sự kính trọng đặc biệt của học trò, đồng nghiệp và đối tác. Với bất kì một người học trò, dù được thầy trực tiếp giảng dạy, dìu dắt hay chỉ có cơ duyên làm việc với Thầy qua một số hội thảo, đề tài nghiên cứu đều nhận được sự chỉ bảo nghiêm khắc về khoa học nhưng rất ân cần, chu đáo, tình cảm, thấu hiểu về cuộc sống. Với mỗi người học trò, đồng nghiệp hay đối tác Thầy đều thể hiện sự tôn trọng cả năng lực và tính cách của mỗi người, luôn động viên khích lệ những kết quả dù là nhỏ nhất và đặc biệt luôn là người quy tụ, tập hợp rất nhiều chuyên gia giỏi thuộc nhiều lĩnh vực thực hiện thành công các đề án khoa học rất lớn. Điều đó không chỉ cho thấy một trí tuệ uyên bác, năng lực tổ chức khoa học tuyệt vời, một sức ảnh hưởng lớn của một nhà khoa học tầm cỡ quốc tế mà còn thể hiện một tấm lòng bao dung, đức độ của một người Thầy được hàng ngàn học trò trong và ngoài nước kính trọng, tôn vinh.
Toạ đàm đã diễn ra trọn vẹn trong một ngày, trời Hà Nội đã tối dần nhưng dường như những kỉ niệm, kí ức về Thầy Phan Huy Lê vẫn còn nối dài, nối dài mãi. Bởi trong tâm khảm mỗi người đó đều là những kí ức không bao giờ quên về một nhà khoa học, một người Thầy đã tận tuỵ, cống hiến cả cuộc đời cho khoa học, cho sự nghiệp nghiên cứu lịch sử, văn hoá nước nhà.
Trong không khí trầm ấm, GS.TSKH Vũ Minh Giang đã tổng kết lại Toạ đàm, trong đó nhấn mạnh: Với hơn 60 năm sự nghiệp, Giáo sư Phan Huy Lê đã để lại cho hậu thế một di sản vô cùng đồ sộ với hàng trăm công trình nghiên cứu, một sức sáng tạo có một không hai trong thế kỉ XX và nhiều trăm năm nữa. Dù là một bài báo đăng tạp chí hay công trình khoa học với hàng vạn trang, tất cả các công bố của Thầy đều có hàm lượng khoa học rất cao, mẫu mực về tính nghiêm cẩn, chính xác và logic, có những đề xuất rất táo bạo và mới mẻ, mở đường cho cả khuynh hướng nghiên cứu. Từ công trình Thầy viết cách đây hơn một nửa thế kỉ cho đến những công trình chỉ hoàn thành một vài tháng trước khi Thầy rời cõi tạm, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị khoa học, trở thành những tài liệu mà tất cả các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sử học, Việt Nam học trong và ngoài nước đều phải tham khảo. Một buổi Toạ đàm, hay một vài buổi chắc chắn sẽ không thể nào tôn vinh hết được những giá trị, cống hiến của Thầy cho khoa học và sự nghiệp giáo dục. Và cách tốt nhất để thế hệ học trò chúng ta kính nhớ, tri ân Thầy chính là gìn giữ, phát huy, phát triển di sản Thầy để lại, tiếp tục thực hiện thành công những dự định, ấp ủ của Thầy còn đang dang dở; dù trên cương vị nào thì hãy đóng góp hết sức mình cho nền khoa học nước nhà nói chung và Sử học nói  riêng.
Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê với một nhân cách lớn và một sự nghiệp lớn đã trở thành một biểu tượng của giới sử học Việt Nam thời hiện đại. Thầy là tấm gương sáng và niềm kiêu hãnh cho đồng nghiệp và các thế hệ học trò không chỉ trong nước và cả trên trường quốc tế. Tất cả chúng ta đều tự hào được là học trò của Thầy - Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê.

Dẫn theo: Hạnh Quỳnh - VNU USSH


 

Tác giả: spadmin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây