DIỄN VĂN CỦA VIỆN TRƯỞNG TẠI LỄ KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP VIỆN VNH&KHPT

Thứ năm - 21/03/2024 23:01
TS Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội
TS Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội
Kính thưa các vị lãnh đạo bộ, ban, ngành; các vị khách quốc tế
Kính thưa” GS.TS Lê Quân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐ, Giám đốc ĐHQGHN
Kính thưa quý vị đại biểu, các nhà khoa học!
Ngày này đúng 20 năm về trước, ngày 19/3/2004, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định thành lập Viện VNH&KHPT, một đơn vị thành viên của ĐHQGHN. Viện VNH&KHPT ra đời trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa, trước đó là Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (thành lập năm 1989). Trải qua 20 năm thành lập, với bề dày truyền thống 35 năm, Viện đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, gắn liền với quá trình phát triển của ngành Việt Nam học hiện đại, với những thành tựu của công cuộc Đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam học truyền thống, hiểu theo nghĩa rộng, là bao gồm tất cả những nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước về đất nước, con người Việt Nam. Có thể nói, sự thai nghén hay nền tảng sơ khai cho sự ra đời của Việt Nam học là những tác phẩm ghi chép về Việt Nam, được bắt đầu từ khoảng hơn 2.000 năm trước. Việt Nam học với tư cách là một ngành khoa học chỉ thực sự ra đời từ khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Việt Nam học gắn với quốc hiệu Việt Nam ra đời sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, phát triển mạnh từ khoảng những năm 1980. Nền Việt Nam học truyền thống đó có đặc điểm là chủ yếu tiếp cận theo các chuyên ngành khoa học khác nhau, ngày càng bộc lộ những hạn chế, bất cập trong việc nghiên cứu, nhận thức Việt Nam trong tính toàn diện.
 Sự phát triển tự thân của ngành Việt Nam học ở trong và ngoài nước, cùng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ở Việt Nam đòi hỏi phải triển khai nghiên cứu Việt Nam theo định hướng liên ngành và khu vực học, phù hợp với xu hướng của thế giới. Đó là ngành Việt Nam học hiện đại, nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam trong tính tổng thể và hệ thống, nhằm tìm ra những đặc điểm nổi trội, những giá trị đặc thù của Việt Nam. Đây chính là bối cảnh ra đời một ngành khoa học mới ở Việt Nam - Việt Nam học Liên ngành và Khu vực học, đồng thời xuất hiện tổ chức khoa học đầu tiên ở trong nước triển khai nghiên cứu theo hướng đó vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX.
Người có công khai mở, dẫn dắt nền Việt Nam học “liên ngành, liên kết và hội nhập quốc tế”[1], cũng như đặt nền móng cho sự ra đời của Viện VNH&KHPT sau này là GS Phan Huy Lê. Ngày 11 tháng 11 năm 1988, theo sáng kiến, đề xuất của GS Phan Huy Lê và một số cộng sự, Trung tâm Phối hợp nghiên cứu Việt Nam được thành lập, do ông làm Giám đốc. Tuy chưa có tư cách pháp nhân và những điều kiện làm việc tối thiểu, nhưng đây là bước chuẩn bị rất quan trọng để 6 tháng sau, ngày 17 tháng 5 năm 1989, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã ký Quyết định số 529/QĐ, nâng cấp và đổi tên thành Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam, trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhìn lại bối cảnh thời kỳ đó, có thể coi đây là một quyết định lịch sử, bởi nó nâng tầm sáng kiến của một tập thể nhà khoa học, một trường đại học lên tầm vóc quốc gia; chính thức khai sinh một tổ chức khoa học nghiên cứu liên ngành đầu tiên về Việt Nam, đóng vai trò cầu nối học thuật và giao lưu văn hóa giữa giới nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Năm 1995, trước yêu cầu và xu thế phát triển mới của ĐHQGHN, Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam được đổi thành Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá, có nhiệm vụ triển khai các chương trình nghiên cứu liên ngành và mở rộng hợp tác quốc tế về Việt Nam học. Từ định hướng có tầm chiến lược, dựa trên những thành tựu quan trọng đã đạt được, và nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam học trong bối cảnh mới, ngày 19/3/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 04/2004/QĐ-TTg thành lập Viện VNH&KHPT thuộc ĐHQGHN, tiếp tục triển khai nghiên cứu khoa học, đồng thời giao thêm chức năng đào tạo sau đại học về Việt Nam học và Khoa học phát triển theo định hướng liên ngành, trên nền tảng khu vực học. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm làm Viện trưởng đầu tiên của Viện.
Trải qua quá trình phát triển gồm 15 năm thời kỳ là Trung tâm và 20 năm kể từ khi thành lập, Viện VNH&KHPT đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, “từng bước vươn lên đảm nhiệm sứ mệnh của một viện quốc gia đầu ngành về nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở cả trong và ngoài nước”[2]. Vượt qua biết bao gian khó và thử thách, chặng đường 35 năm qua của Trung tâm và Viện đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào. Có thể nhìn nhận ở những điểm nổi bật sau đây:
Thứ nhất, Viện đã khẳng định được uy tín và vị thế của một trung tâm hàng đầu cả nước trong nghiên cứu cơ bản, liên ngành theo định hướng ứng dụng về các vấn đề liên quan tới Việt Nam học và Khoa học phát triển. Ngay từ khi mới thành lập, Trung tâm đã hợp tác với các chuyên gia Hà Lan triển khai đề tài duy nhất về Khoa học và Xã hội nhân văn ở Việt Nam khi ấy là đề tài VH26; hay như hợp tác với Hội Việt Nam học Nhật Bản triển khai Chương trình nghiên cứu Bách Cốc - một chương trình nghiên cứu điển hình, mẫu mực về liên ngành và khu học ở Việt Nam, có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn, và tiếp tục được thực hiện cho đến ngày nay. Tính từ khi thành lập đến nay, Viện đã chủ trì 136 đề tài, nhiệm vụ KH&CN các cấp ở trong nước và các dự án hợp tác quốc tế, trong đó có nhiều đề tài thuộc các chương trình KH&CN cấp Nhà nước, như Chương trình KX.10, KX.09, Đề án Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, Chương trình Tây Bắc, Chương trình Biển và Hải đảo, Đề án xây dựng Bộ Lịch sử Việt Nam, Nhiệm vụ Quốc chí…
Các đề tài được triển khai tại Viện tập trung vào hướng nghiên cứu và có những đóng góp thiết thực trong nhiều vấn đề quan trọng của Việt Nam như: Nghiên cứu góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển và hải đảo; Nghiên cứu hệ thống chính trị và chủ thuyết phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế; Nghiên cứu về vùng đất Nam Bộ, về Thăng Long - Hà Nội (chỉ riêng trong dịp kỷ niệm 1.000 năm lịch sử của Thủ đô, Viện đã tổ chức biên soạn, xuất bản 17/94 công trình và tham gia biên soạn 20 công trình khác thuộc Tủ sách Thăng Long - Hà Nội); nghiên cứu các địa phương, khu vực phục vụ phát triển bền vững nông thôn và đô thị; tham gia nghiên cứu và xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới đối với Phố cổ Hội An (1999), Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2010), Thành Nhà Hồ (2011).
Chương trình Thái học Việt Nam được thành lập từ năm 1989, trực thuộc Trung tâm trước đây và Viện hiện nay. Đây là chương trình lớn nhất trong nghiên cứu Nhân học về một cộng đồng dân tộc ở Việt Nam, góp phần cung cấp luận cứ cho chính quyền địa phương và Chính phủ trong công tác hoạch định chính sách ổn định lâu dài và phát triển bền vững ở vùng miền núi, biên giới khu vực phía Bắc. Cho đến nay, Chương trình đã tổ chức được 8 Hội nghị quốc gia về Thái học toàn quốc, xuất bản hàng chục ấn phẩm khoa học có giá trị, kết nối mạng lưới rộng rãi gồm nhiều chuyên gia hàng đầu về Thái học Việt Nam, qua đó có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, cũng như cho chính sách dân tộc của Việt Nam.
Đặc biệt, Viện đã tập trung triển khai hướng nghiên cứu chiến lược phục vụ xây dựng chính sách. Suốt những năm qua, các chuyên gia của Viện đã tham gia nghiên cứu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ban ngành và địa phương những vấn đề hệ trọng, cấp thiết như: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải; đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục Việt Nam; đánh giá tài nguyên, khai thác nguồn lực trong phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa; quản trị và phát triển bền vững các địa phương…
Viện còn là đầu mối tổ chức, tham gia tổ chức nhiều sự kiện học thuật, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn. Tiêu biểu có thể kể đến như các kỳ Hội thảo khoa học Quốc tế về Việt Nam học, đặc biệt là lần thứ nhất (1998), lần thứ ba (2008); hay như Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội Văn hiến - Anh hùng - Vì hòa bình” (2010); các Hội thảo Quốc gia về Thái học...
Cho đến nay, các thế hệ cán bộ của Viện đã công bố hàng trăm công trình nghiên cứu ở trong và ngoài nước, với nhiều sách chuyên khảo, bài tạp chí đã tạo nên thương hiệu của Viện, góp phần phát triển ngành Việt Nam học, cũng như cung cấp những luận cứ phục vụ phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam.  
Thứ hai, Viện đã từng bước tạo lập được danh tiếng của một cơ sở đào tạo uy tín, góp phần xây dựng đội ngũ chuyên gia và nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao về Việt Nam học và Khoa học phát triển ở trong và ngoài nước. Sau khi thành lập, Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam đã đảm nhiệm sứ mệnh đào tạo chuyên gia, bồi dưỡng chuyên môn cho các nhà nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và quốc tế, trực tiếp góp phần hình thành nên thế hệ mới của đội ngũ Việt Nam học toàn thế giới. Trong số hàng trăm sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đã đến học tập và nghiên cứu tại Trung tâm, đến nay nhiều người đã trở thành những nhà Việt Nam học nổi tiếng khắp thế giới. Có thể kể đến một số trường hợp như: các GS. Peter Zinoman, George Dutton, Pierre Asselin (Hòa Kỳ); các GS. Philippe Papin, Emmanuel Poisson, Olivier Tessier, Philippe Le Failler (Pháp); GS. Andrew Hardy (Anh); GS. Martin Grossheim (Đức); các GS. John Kleinen, GS. Oscar Salemin (Hà Lan); các GS. Alexey Poliakov, Antochenko Volodia (Nga); GS. Momoki Shiro, GS Yao Takao (Nhật Bản); GS. Song Jong Nam, GS. Choi Buyng Wook (Hà Quốc); GS. Li Tana (Australia)… …
Ngay khi thành lập, vào cuối năm 2004, Viện VNH&KHPT chính thức được ĐHQGHN giao nhiệm vụ đào tạo Chương trình Thạc sĩ Việt Nam học, trở thành một trong hai cơ sở đầu tiên của cả nước tiên phong xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo này. Từ năm 2008, theo chủ trương của ĐHQGHN, Viện chuyển sang đào tạo Chương trình Thạc sĩ Việt Nam học đạt trình độ quốc tế (thuộc Chương trình đẳng cấp quốc tế hay Nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN). Đến năm 2013, theo quy định mới, Viện không tiếp tục đào tạo ngành Việt Nam học ở trình độ Thạc sĩ. Tổng cộng, với 9 khóa tuyển sinh, đã có 128 học viên được cấp bằng Thạc sĩ tại Viện (trong đó có 56 Thạc sĩ thuộc Chương trình đẳng cấp quốc tế, 25 học viên là người nước ngoài).
Viện cũng là đơn vị tiên phong xây dựng và được ĐHQGHN chính thức giao nhiệm vụ tổ chức triển khai Chương trình đào tạo Tiến sĩ Việt Nam học từ năm 2012. Chương trình được triển khai chất lượng, hiệu quả, ngày càng khẳng định được uy tín, thu hút nhiều NCS ở cả trong và ngoài nước (đến từ các quốc gia: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,...). Tính đến nay, Viện đã tuyển sinh được 60 NCS, trong đó có 33 NCS đã bảo vệ thành công luận án và được cấp bằng Tiến sĩ.
Đây chính là cơ sở để Viện VNH&KHPT được ĐHQGHN tin tưởng, giao nhiệm vụ xây dựng Đề án mở Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị địa phương, do Giám đốc ĐHQGHN cấp bằng. Từ năm 2024, ĐHQGHN sẽ tổ chức tuyển sinh, giao cho Viện VNH&KHPT là đơn vị tổ chức đào tạo.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao và dựa trên thế mạnh vốn có, Viện VNH&KHPT còn là một đơn vị uy tín trong giảng dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài. Chương trình này bắt đầu được tổ chức giảng dạy từ khi mới thành lập Trung tâm, xuất phát từ nhu cầu của các nhà khoa học vào Việt Nam nghiên cứu muốn được học tiếng Việt cơ bản hoặc nâng cao để phục vụ giao tiếp và chuyên môn. Sau này, nhiều chuyên gia đầu ngành về Việt Nam học tại các quốc gia trên thế giới đã từng theo học các khóa tiếng Việt tại Trung tâm. Tính đến nay, đã có khoảng hơn 500 sinh viên nước ngoài tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về tiếng Việt tại Viện ở những trình độ khác nhau. Đây là nền tảng quan trọng để họ tiếp tục học tập ở những trình độ cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ), hoặc để phục vụ tốt hơn những công việc ở Việt Nam và liên quan tới Việt Nam.
Trên cơ sở lợi thế về khoa học liên ngành và đội ngũ nhà khoa học hàng đầu, Viện VNH&KHPT còn tích cực hợp tác với các cơ quan ở Trung ương và các địa phương tổ chức nhiều khoá bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lí các cấp theo những yêu cầu khác nhau.
Những Thạc sĩ, Tiến sĩ, cán bộ trải qua quá trình đào tạo tại Viện, đến nay nhiều người đã trở thành những nhà quản lí, nhà khoa học uy tín, giữ những cương vị khác nhau trong các cơ quan hành chính, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài nước. Những học viên, NCS quốc tế sau khi tốt nghiệp, trở về nước đều có những đóng góp khác nhau cho sự phát triển của ngành Việt Nam học, cho nhịp cầu kết nối Việt Nam với thế giới.
Thứ ba, Viện đã giữ vững vai trò đầu mối của nhịp cầu giao lưu học thuật và văn hóa, kết nối mạng lưới Việt Nam học trong nước với quốc tế. Nhớ lại những thập niên 80-90 của thế kỷ trước, khi đất nước vừa mới mở cửa và hội nhập, việc kết nối của giới học giả quốc tế với Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam đã bắc cây cầu hữu nghị, dang tay đón chào và nhiệt tình hỗ trợ các học giả, sinh viên tới nghiên cứu, giảng dạy, học tập tại Việt Nam. Dưới dự chủ trì và tổ chức của GS Phan Huy Lê, Trung tâm thực sự đã trở thành điểm đến quen thuộc, ngôi nhà chung của hàng nghìn chuyên gia, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới với một niềm đam mê chung là học tập, nghiên cứu về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Ở chiều ngược lại, cũng thông qua Trung tâm, hàng chục nhà khoa học xã hội Việt Nam đã có cơ hội đi nước ngoài tham dự các hội nghị, hội thảo, trao đổi học thuật, học tập và nghiên cứu. Họ sau này đều trở thành những nhà khoa học có đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành Việt Nam học trong nước và mạng lưới nghiên cứu quốc tế[3].
Tiếp nối truyền thống từ thời Trung tâm, Viện VNH&KHPT hiện nay có mối quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả. Viện là đối tác tin cậy của 36 trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, Viện đón tiếp hàng chục chuyên gia, nhà khoa học, học viên và sinh viên nước ngoài đến giảng dạy, học tập, trao đổi. Trong khuôn khổ những chương trình hợp tác đó, Viện đã cùng các đối tác quốc tế triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học và giảng dạy tiếng Việt. Một số dự án, đề tài hợp tác quốc tế hiện đang được triển khai tại Viện như: Phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản tiếp tục Chương trình nghiên cứu về Bách Cốc; về nông thôn, nông nghiệp tại Hà Tĩnh; về văn hóa, ngôn ngữ cộng đồng dân tộc Thái ở Sơn La. Hợp tác với Trường Đại học KU Leuven (Vương quốc Bỉ) triển khai Chương trình đào tạo, thực tập liên ngành Living lab về phát triển bền vững và các đề tài: Quản lý tài nguyên nước và phát triển đô thị bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Hà Tĩnh; Nghiên cứu về Du lịch và Giới ở khu vực tỉnh Hòa Bình. Phối hợp với Trường ĐH Heriot-Watt (Vương quốc Anh) thực hiện đề tài: Nguồn, nơi tích tụ và giải pháp đối với ảnh hưởng của nhựa đến cộng động dân cư ven biển ở Việt Nam… 
Nhìn lại chặng đường 35 năm truyền thống, 20 năm xây dựng và trưởng thành, Viện VNH&KHPT tự hào về quá khứ, nhưng đồng thời cũng ý thức rõ về sứ mệnh và trách nhiệm, từ đó vững bước tiến tới tương lai. Trong buổi lễ trọng thể hôm nay, toàn thể cán bộ, học viên và NCS của Viện xin được bày tỏ lòng thành kính tri ân, tưởng nhớ đến GS.NGND Phan Huy Lê - người thầy tận tâm, nhà khoa học lớn, người đã dày công sáng lập, mở đường, xây nền đắp móng, vun bồi cho sự phát triển của Trung tâm và của Viện.
Xin được trân trọng ghi nhận và tri ân những công lao, đóng góp to lớn và quý báu của các thế hệ lãnh đạo Trung tâm và Viện, với: GS.NGND Đoàn Thiện Thuật, GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, GS.TS Phạm Hồng Tung, GS.TS.NGUT Trương Quang Hải, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Việt Thanh. Các thầy cô không chỉ là những nhà lãnh đạo đức trọng, tài cao mà còn là những nhà giáo, nhà khoa học mẫu mực, là những tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, học trò của Viện noi theo.
Nhân dịp này, Viện VNH&KHPT cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ lãnh đạo Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây, ĐHQGHN hiện nay đã luôn quan tâm, định hướng, hỗ trợ và đồng hành cùng sự phát triển của Trung tâm và Viện. Xin được cảm ơn Văn phòng, các Ban chức năng, các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN đã luôn chia sẻ, động viên, phối hợp cùng Viện. Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác, ủng hộ quý báu của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các địa phương, các đối tác trong nước và quốc tế, cùng đội ngũ đông đảo các cộng tác viên, học viên, NCS của Viện. Đặc biệt, xin được ghi nhận và cảm ơn các thế hệ cán bộ của Viện - những người trong suốt năm tháng qua đã cần mẫn, dốc lòng vì công việc, cống hiến và hy sinh thầm lặng để cùng tạo lập cơ đồ của Viện có được như ngày hôm nay.
Trong ngày hội kỷ niệm 20 năm thành lập, Viện VNH&KHPT kết hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học cùng trao đổi về những vấn đề học thuật và cả những giải pháp cùng nhau hợp tác tốt hơn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học; đáp ứng cao hơn yêu cầu phát triển bền vững của Việt Nam và mang lại những giá trị gia tăng lớn hơn cho xã hội, cho sự hợp tác và tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, các dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Ban Tổ chức đã nhận được tổng cộng 172 báo cáo tóm tắt và 127 báo cáo toàn văn được gửi tới từ 227 nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đối với chúng tôi, đây là nguồn động viên và cổ vũ vô cùng lớn lao. Chúng tôi xin được bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới tất cả quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các bạn học viên, NCS, các cơ quan thông tấn báo chí đã tham dự, gửi hoa và lời chúc mừng tới sự kiện hôm nay.
Xin kính chúc quý vị sức khỏe và thành công.
Trân trọng cảm ơn!
 
[1] Trần Quang Thọ, Nguyễn Quang Ngọc, Philippe Papin (Chủ biên, 2014): Nhân cách sử học, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.22.
[2] Trần Quang Thọ, Nguyễn Quang Ngọc, Philippe Papin (Chủ biên, 2014): Nhân cách sử học, Sđd, tr.22.
[3] Nguyễn Quang Ngọc (2020), “Giáo sư Phan Huy Lê với sự nghiệp xây dựng và phát triển Việt Nam học hiện đại”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Khu vực học, Việt Nam học định hướng nghiên cứu và đào tạo, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.22.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây