GS.TS Phạm Đức Dương sinh ngày 21. 10. 1930 tại làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau 9 năm làm bộ đội tình nguyện tại Lào, năm 1967, GS.TS Phạm Đức Dương đi học nghiên cứu sinh tại Liên Xô cũ. Trở về nước, giáo sư công tác tại Viện Văn hóa phương Đông, Viện KHXHVN và giữ cương vị Viện trưởng trong nhiều năm.
Trong suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học, giáo sư đã để lại nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc như “Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á” (viết chung với GS.Phan Ngọcnăm 1983); “25 năm tiếp cận Đông Nam Á học” (1998); “Ngôn ngữ văn hóa Lào trong bối cảnh Đông Nam Á” (1998); “Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á” (2000); “Từ văn hóa đến văn hóa học” (2002); “Bức tranh ngôn ngữ - văn hóa tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á” (2007); “Việt Nam - Đông Nam Á: Ngôn ngữ và văn hóa” (2007)
Năm 2005, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tuyển sinh khóa thạc sĩ đầu tiên. Với định hướng kết hợp nghiên cứu và đào tạo theo hướng liên ngành và khu vực học, Viện đã mời giảng viên thỉnh giảng là chuyên gia hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngay từ khóa tuyển sinh đầu tiên, GS.TS Phạm Đức Dương đã tham gia biên soạn bài giảng và giảng dạy hai chuyên đề trong khung chương trình thạc sĩ của Viện là Phương pháp nghiên cứu liên ngành và Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á. Bên cạnh đó, giáo sư rất tích cực tham gia các hoạt động khoa học và đào tạo của Viện như hướng dẫn luận văn cho học viên cao học và tham gia nhiều hội thảo khoa học. Đặc biệt, giáo sư đã biên soạn giáo trình Từ phương pháp luận đến phương pháp liên ngành dành cho học viên sau đại học ngành Việt Nam học và các ngành khoa học xã hội. Công trình là sự đúc kết kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy nhiều năm của giáo sư về phương pháp nghiên cứu đặc biệt là các phương pháp, kỹ năng nghiên cứu liên ngành. Công trình đã được Hội đồng nghiệm thu của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thông qua và lên kế hoạch xuất bản.
Giáo sư ra đi đột ngột để lại sự hụt hẫng, tiếc thương vô bờ bến cho các thế hệ cán bộ, học viên của Viện, để lại khoảng trống tri thức không dễ gì bù đắp. Thầy đã ra đi nhưng hình ảnh người giáo sư già với mái tóc dài nghệ sĩ và những bài giảng đầy nhiệt huyết sẽ mãi mãi ở lại với các thế hệ cán bộ, học viên của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.
Thanh Lâm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn