Đối với Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc ĐHQGHN, GS. Phan Huy Lê là người sáng lập, là người Thầy lớn, người lãnh đạo và là điểm tựa cả về trí tuệ, tinh thần và tình cảm
Đối với Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc ĐHQGHN, GS. Phan Huy Lê là người sáng lập, là người Thầy lớn, người lãnh đạo và là điểm tựa cả về trí tuệ, tinh thần và tình cảm. Suốt hơn 25 năm qua Thầy đã luôn dành cho Viện trọn vẹn tâm huyết, trí tuệ, chăm lo dìu dắt các thế hệ lãnh đạo và cán bộ của Viện để ngày nay Viện đã thực sự trở thành một viện nghiên cứu và đào tạo liên ngành, không chỉ đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, được ĐHQGHN và cộng đồng khoa học ở trong và ngoài nước đánh giá cao mà còn thực sự trở thành một đại gia đình đoàn kết, thương yêu nhau hết mực. Với tấm lòng bao dung, nhân ái, Thầy và Cô Hoàng Như Lan luôn dành cho toàn thể cán bộ của Viện tình cảm nồng ấm, và các lớp cán bộ của Viện cũng luôn coi Thầy Cô như bậc cha mẹ rất mực yêu kính và vô cùng gần gũi.
Ngày 23 tháng Hai này, cùng với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và học trò của Thầy Cô, toàn thể cán bộ Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển vui mừng chào đón ngày sinh nhật Thầy, mừng Thầy tròn tuổi 80. Nhân dịp này, cho phép tôi được thay mặt các thế hệ lãnh đạo và cán bộ của Viện bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đối với công lao dẫn dắt, dạy bảo, chăm lo của Thầy và Cô! Xin kính chúc Thầy Cô và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc!
Nhớ lại hơn 25 năm trước, với uy tín và tầm ảnh hưởng học thuật sâu rộng, Thầy đã sáng lập nên Trung tâm phối hợp nghiên cứu Việt Nam đặt tại Trường ĐHTH Hà Nội. Trung tâm ra đời đã kiến tạo một nhịp cầu giao lưu học thuật và văn hóa tin cậy và hiệu quả giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam ở trong và ngoài nước, nhờ đó các nhà khoa học nước ngoài có điều kiện đến Việt Nam nghiên cứu, trao đổi ý kiến với các đồng nghiệp. Đồng thời qua đó mà nhiều nhà khoa học Việt Nam đã được quy tụ, trưởng thành thêm trong quá trình trao đổi ý kiến và hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài.
Cơ hội và năng lực đối thoại học thuật, hợp tác của giới nghiên cứu Việt Nam ngày càng được cải thiện, làm bệ đỡ cho sự ra đời và phát triển của ngành Việt Nam học với tính cách là một môn khoa học cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng ở cả Việt Nam và nước ngoài. Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất được tổ chức tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội) năm 1998 đã nhanh chóng khẳng định được vị trí và vai trò của một diễn đàn khoa học quốc tế lớn nhất về nghiên cứu Việt Nam. Đến nay đã có 4 kỳ Hội nghị được tổ chức thành công, đồng thời một kỷ nguyên mới của ngành Việt Nam học đã được khai mở với những bước phát triển mới cả về quy mô, đội ngũ và chất lượng, được ghi nhận bằng nhiều thành tựu to lớn.
Mỗi bước trưởng thành và phát triển của Viện Việt Nam học và khoa học phát triển nói riêng và của ngành Việt Nam học nói chung trong suốt hơn một phần tư thế kỷ qua đều gắn liền với công lao khơi nguồn và dẫn đạo của GS. Phan Huy Lê. Không chỉ các thế hệ học trò của Thầy, các thế hệ cán bộ của Viện mà đông đảo bạn bè đồng nghiệp trong giới Việt Nam học ở cả trong và ngoài nước đều trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và biết ơn Thầy về những cống hiến to lớn đầy tâm huyết và trí tuệ của Thầy.
Kế tục sự nghiệp của Thầy, các thế hệ cán bộ của Trung tâm và của Viện đã nỗ lực hết mình, vượt qua nhiều khó khăn, đoàn kết cùng chung tay xây dựng và phát triển Viện ngày một vững mạnh. Chúng em thật hạnh phúc và tự hào trên mỗi chặng đường đi của mình đều có Thầy, có Cô Hoàng Như Lan và các bậc thầy đồng hành, chỉ bảo và giúp đỡ tận tình.
Một lần nữa, xin Thầy Cô hãy nhận từ chúng em lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để xây dựng và phát triển Viện VNH&KHPT cũng như ngành Việt Nam học xứng đáng với kỳ vọng, với tâm huyết và tình cảm của Thầy! Kính chúc Thầy Cô luôn khỏe, luôn vui và hạnh phúc!
PGS.TS Phạm Hồng Tung
Viện trưởng, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn