Đây là cuộc họp lần thứ 2 của ban chỉ đạo và hội đồng tư vấn. Đến dự có bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – Trưởng ban, Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội – Đồng trưởng ban. Cùng tham dự có ông Phạm Cao Phong – Vụ trưởng vụ Văn hóa, Bộ Ngoại giao, Tổng thư ký UNESCO Việt Nam, đại diện Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Ban cố vấn gồm GS Phan Huy Lê, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, PGS.TS Đặng Văn Bài. Các đối tác nghiên cứu phía Việt Nam có GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Viện trưởng Viện VNH & KHPT, ĐHQGHN, Trưởng ban nghiên cứu lịch sử phía Việt Nam, PGS.TS Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện Khảo cổ học…
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ nhiệm tiểu dự án thay mặt nhóm thành viên tham gia nhóm nghiên cứu lịch sử của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN đã trình bày kết quả nghiên cứu năm 2011. Nhóm công việc mà Viện VNH & KHPT triển khai đã thực hiện khảo sát tại Tây An, Lạc Dương, Hà Nam (Trung Quốc) cùng với các chuyên gia Nhật Bản và Trung Quốc vào tháng 8 năm 2011. Các kết quả nghiên cứu về thành lũy Trung Quốc cổ đại đã có cái nhìn đối sánh với mô hình kinh thành Đại La, Thăng Long qua các thời kỳ. Qua đó, làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt của thành Thăng Long.
Sau khi nghe TS Richard Engelhardt, cố vấn trưởng của dự án trình bày về kế hoạch “Tầm nhìn cho di sản thế giới khu trung tâm hoàng thành Thăng Long” các chuyên gia tư vấn đã góp ý cho bản dự thảo kế hoạch nhằm phát huy tốt nhất khả năng bảo vệ khu di tích, đồng thời nâng cao giá trị nghiên cứu, quảng bá của khu di sản.
Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh đến một số công việc cần hoàn thành trong thời gian tới:
1. Phải hoàn thành kế hoạch quản lý, giao Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội chịu trách nhiệm về bản dự thảo để UBND thành phố Hà Nội xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt.
2. Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ, thời gian thực hiện, trách nhiệm của từng đơn vị trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị toàn cầu của khu di sản.
3. Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cần nâng cao vai trò liên kết, liên thông giữa các đối tác nhằm trao đổi thông tin, kế hoạch và kết quả thực hiện dự án của các nhóm công việc.
Phiên họp lần thứ 2 của Ban chỉ đạo Dự án quỹ tín thác Nhật Bản/UNESSCO về “Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội” kết thúc vào 17h cùng ngày.
Những tin mới hơn