Đánh giá công lao của GS. Phan Huy Lê tại ĐHQGHN, GS. Giám đốc nhấn mạnh: GS Phan Huy Lê đã góp phần tạo nên nhiều thế hệ học trò, trong đó không ít người đã trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp giữ những vị trí chủ chốt của các cơ quan Đảng và Nhà nước, những nhà khoa học danh tiếng, đầu đàn của ĐHQGHN. Tài năng và đức độ của GS đã trở thành một biểu tượng, một yếu tố để tạo nên thương hiệu, danh tiếng của Khoa Lịch sử và của ngành nghiên cứu Xã hội và Nhân văn.
GS. Giám đốc nhận định, GS. Phan Huy Lê được biết tới như là một trí thức dũng cảm, dấn thân góp phần mở đường cho công cuộc đổi mới và phát triển của nền khoa học và giáo dục nước nhà, nhất là trong ngành KHXH-NV.
Xúc động trước sự kiện này, với tư cách là học trò vừa là đồng nghiệp, GS. TSKH Vũ Minh Giang – Phó giám đốc ĐHQGHN chia sẻ: Nhiều lúc tôi cũng hân hoan vui mừng về những thành tựu mà Thầy đạt được nhưng đồng thời cũng trĩu nặng lo âu về những điều mà Thầy phải trải qua.
GS. Đinh Xuân Lâm, một trong “Tứ trụ huyền thoại” của Khoa Lịch sử phát biểu; Việc Viện hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn bầu GS. Phan Huy Lê làm thành viên chứng tỏ uy tín và ảnh hưởng rộng lớn của Giáo sư đối với giới khoa học Xã hội và Nhân văn nước Pháp, đồng thời với giới khoa học Xã hội thế giới nói chung.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng trường ĐHKHXH-NV, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử cho rằng: Bằng tài năng của mình, GS đã hoàn thành một khối lượng công trình khoa học đồ sộ với hơn 400 tác phẩm tập trung giải quyết nhiều vấn đề khác nhau về khoa học lịch sử và truyền thống dân tộc. Do đó, đây là sự kiện khoa học lớn ghi nhận và khẳng định vai trò của GS đối với ngành khoa học lịch sử nói riêng, ngành khoa học xã hội nhân văn nói chung. GS Phan Huy Lê là người gắn bó và lãnh đạo bộ môn Lịch sử Cổ trung đại Việt Nam trong suốt 30 năm, ngoài ra ông còn là người sáng lập nhiều ngành học mới như Đông phương học và Việt Nam học.
PGS.TS Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử nhấn mạnh: Hơn 7000 cán bộ và sinh viên của Khoa Lịch sử coi sự kiện ngày hôm nay là sự kiện của chính mình. Cuộc đời khoa học của GS gắn liền với chặng đường 55 năm của Khoa Lịch sử Anh hùng và là một trong những người khơi nền, đắp móng cùng với các nhà khoa học lỗi lạc khác như Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu.
Phát biểu đáp từ, GS. Phan Huy Lê cảm ơn những lời chúc mừng của các GS, các nhà khoa học, bạn bè, đồng nghiệp. GS nói: Bộ môn Lịch sử Cổ và Trung đại Việt Nam, trước đây là Bộ môn Cổ sử thuộc Khoa Lịch sử, Khoa Đông phương học của Trường ĐHKHXHNV và Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, trước đây là Trung tâm Việt Nam học là những đơn vị gắn bó với tôi suốt đời như một gia đình, một tổ ấm nơi mà mọi người gắn bó mật thiết với nhau.
GS Phan Huy Lê cho biết, vị trí Viện sĩ thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm không đơn thuần là danh hiệu mà còn phải có các hoạt động khoa học thực sự với việc mỗi năm phải có một báo cáo hoạt động khoa học của riêng mình. “Tôi vẫn sẽ nghiên cứu khoa học đến lúc nào còn làm việc được và trong nghiên cứu không có nghỉ hưu”.
GS Phan Huy Lê là một trong “Tứ trụ” huyền thoại của Khoa Lịch sử Anh hùng, tròn 30 năm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, người sáng lập Khoa Đông Phương học, bậc “Khai quốc công thần” của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; nhà sáng lập và Giám đốc đầu tiên của trung tâm Việt Nam học liên ngành và Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Công dân Ưu tú của Thủ đô. GS Phan Huy Lê là người Thầy mẫu mực có hơn nửa thế kỷ đứng trên bục giảng với những thành công nổi bật trong đào tạo các lớp học trò kế cận. GS Phan Huy Lê là một học giả lỗi lạc mà đóng góp của ông bao trùm lên nhiều lĩnh vực quan trọng nhất của khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam và có tầm ảnh hưởng quốc tế rộng lớn.
GS Phan Huy Lê là người khởi xướng và chủ trì các Hội thảo quốc tế Việt Nam học là những đại hội của các nhà Việt Nam học toàn thế giới. Ông đã được tặng nhiều Huân danh và Giải thưởng quốc tế lớn như Huân chương Cành Cọ Hàn Lâm của Chính phủ Pháp, Giải thưởng Fukuoka của Nhật Bản...
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn