Giáo sư Phạm Hồng Tung. (Ảnh: ivides.vnu)
Là một trong những chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học về lĩnh vực xã hội, giáo sư Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Giám đốc Chương trình Thạc sỹ lãnh đạo toàn cầu, Trường Đại học Việt- Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những chia sẻ rất thẳng thắn với phóng viên VietnamPlus xung quanh vấn đề đang gây tranh cãi trong giới khoa học là yêu cầu công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh và người hướng dẫn trong đào tạo tiến sỹ.
Cho rằng không bắt buộc phải có công bố quốc tế nhưng giáo sư Phạm Hồng Tung khẳng định công bố quốc tế và giao lưu học thuật toàn cầu là yêu cầu khách quan, giới khoa học Việt Nam không được quay lưng mà phải tham gia tích cực, chủ động, vừa giao lưu văn hóa, vừa tham gia đối thoại học thuật ở tầm mức toàn cầu.
Nhà khoa học xã hội - đại sứ văn hóa
- Thưa giáo sư, Thông tư 18 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo trình độ tiến sỹ đang gây nhiều tranh cãi khi bỏ yêu cầu bắt buộc về công bố quốc tế với cả nghiên cứu sinh và người hướng dẫn. Nhiều ý kiến cho rằng việc công bố quốc tế đối với nhóm ngành khoa học xã hội có hạn chế do có đặc thù riêng. Là người nghiên cứu trong lĩnh vực này, ông có thể cho biết ý kiến về quan điểm trên?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Trong khoa học, ở tất cả các nước và Việt Nam cũng không có ngoại lệ, các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu văn hóa, con người đều có thể công bố trên toàn thế giới chứ không có bất kỳ hạn chế nào. Vì thế, nếu nói nghiên cứu khoa học xã hội không công bố quốc tế được là chưa hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên hình thức và yêu cầu công bố khoa học, đặc biệt trên tạp chí khoa học quốc tế, với các nhóm ngành khác nhau thì có hình thức và yêu cầu khác nhau. Thứ nhất, với khoa học tự nhiên và công nghệ thường có nhiều người đứng tên chung trong khi nhóm ngành khoa học xã hội thường ít tác giả hơn, hoặc thường chỉ có một tác giả.
Thứ hai, bài tạp chí của nhóm khoa học tự nhiên thường chỉ hai đến 5 trang trong khi bài của nhóm khoa học xã hội thường khoảng 20 trang, mỗi trang thường phải có ít nhất 3 đến 5 chú thích. Mức độ lao động để ra bài báo khoa học của nhóm xã hội thường gian nan hơn và làm phản biện cũng lâu hơn, thường mất ba tháng. Có bài tôi gửi từ năm 2004 thì đến 2011 mới đăng, họ trao đổi lại qua nhiều lần với rất nhiều ý kiến.
Thứ ba là rào cản ngoại ngữ, vì viết bài cho tạp chí quốc tế thì yêu cầu trình độ ngoại ngữ với người làm khoa học xã hội cao hơn rất nhiều so với nhóm ngành tự nhiên, vì yêu cầu chặt hơn về ngữ pháp, vốn từ, văn phạm, viết không chỉ cần phải đúng mà còn phải hay, trình bày đẹp.
Số lượng các công bố quốc tế trên tạp chí ISI của Việt Nam qua các năm
Đó là những đặc thù khác biệt về nhóm ngành, còn lại tất cả các vấn đề liên quan đến nhạy cảm, khi đã vào thế giới học thuật đều có thể nói. Người nào nói sai cái gì thì sẽ có người có trình độ cao đáp lại.
Cũng chính vì thế những nhà khoa học Việt Nam thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn rất nên tham gia vào các diễn đàn giao lưu học tập toàn cầu để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chế độ của mình. Bản thân tôi là người chuyên nghiên cứu về Cách mạng tháng Tám và tôi đã và đang phải tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, cả bằng tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Việt, để bảo vệ giá trị của cuộc Cách mạng tháng Tám. Đó là việc rất nên làm.
Vì thế có thể nói ngành khoa học xã hội và nhân văn không có vùng cấm, không có đặc thù, nhưng đặc thù về chuyên môn, về yêu cầu khi công bố quốc tế là có thật.
Yêu cầu công bố, yêu cầu tham gia các diễn đàn và cả những hội thảo, cả những cuộc tranh luận nảy lửa là yêu cầu khách quan, bắt buộc giới khoa học Việt Nam không được quay lưng mà phải tham gia tích cực, chủ động, vừa giao lưu văn hóa, vừa tham gia đối thoại học thuật ở mức toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng bài báo ISI của nhóm ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên qua các năm
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta “ép trái chín non” bằng cách bắt nghiên cứu sinh trong nước phải công bố trên tạp chí quốc tế, và cứ phải ISI, Scopus. Tôi đã vào các các trang web của các đại học tốp 20 thế giới thì không có trường nào yêu cầu, chỉ có các trường ở quãng 1.000 thế giới thì say mê với nâng cao thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới và có yêu cầu này.
Tiến sỹ phải có năng lực giao lưu học thuật toàn cầu
- Theo như phân tích của giáo sư, công bố quốc tế là yêu cầu khách quan nhưng vẫn có những rào cản với nhóm ngành khoa học xã hội. Vậy theo ông, làm sao để vượt qua các rào cản đó và thúc đẩy tham gia công bố quốc tế?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Ai cũng mong muốn phải thúc đẩy nhanh quá trình đối thoại học thuật toàn cầu và quá trình hội nhập quốc tế của giới trí thức Việt Nam. Nhưng phải có giải pháp bền vững chứ không thể nóng vội để lấy thành tích, như kiểu chạy đua xếp hạng đại học bằng mọi cách.
Giải pháp là phải khuyến khích tự chủ đại học. Nên học các nước tiên tiến, họ thậm chí không có quy chế đào tạo tiến sỹ ở quy mô quốc gia. Nếu có cũng chỉ là quy định các vấn đề cơ bản, nhất là về quản lý nhà nước. Còn lại, họ giao cho các trường đại học quyền tự ban hành quy chế đào tạo và xác định chuẩn đầu ra.
Với trường tuyên bố chuẩn đầu ra cao, người học chấp nhận đầu tư, thì khi ra trường họ có thể tự hào về chuẩn đó. Có trường công bố chuẩn thấp, thậm chí bằng “sàn” theo công bố của nhà nước, họ đào tạo chỉ để thỏa mãn nhu cầu có mảnh bằng treo góc nhà. Mọi người đều biết cái bằng đó chỉ để “giải quyết khâu oai” và không ai dùng vào việc chuyên môn cả.
Nhưng vấn đề giải quyết đúng khâu “không ai dùng” là vấn đề then chốt. Cứ phổ cập hóa tiến sỹ trong khi lại trọng dụng cả những người không có một công trình nghiên cứu nào, vẫn bổ nhiệm vào các vị trí để lãnh đạo những người giỏi thì đó là “cò gỗ mổ chết cò thật”, vì họ sẽ không bao giờ cho người giỏi phát huy năng lực. Đó là hiện thực đau xót nhất ở Việt Nam.
Thứ hai là để chất lượng đầu ra tiến sĩ được đảm bảo, cốt lõi sẽ ở các hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ.
Bảo vệ luận án tiến sỹ tại Học viện Khoa học Xã hội. (Ảnh minh họa: https://vass.gov.vn/)
Tôi được đào tạo ở nước ngoài, tôi sợ nhất không phải là người phản biện mà là người hướng dẫn. Họ yêu cầu rất khắt khe vì nếu không làm nghiêm túc, ra hội đồng sẽ bị “soi” rất kỹ cả thầy và trò sẽ “no đòn”!
Hội đồng chỉ cần đặt một câu hỏi thôi cũng có thể biết trình độ ngoại ngữ và chuyên môn của nghiên cứu sinh. Ví dụ, tôi có thể hỏi nghiên cứu sinh về quan điểm của các nhà khoa học quốc tế về vấn đề nghiên cứu sẽ thấy ngay ứng viên có tham khảo tài liệu quốc tế không, năng lực đối thoại học thuật về vấn đề đó đến đâu? Nếu nghiên cứu sinh không trả lời được, tôi sẽ mời “về quê cày cấy” ngay vì quan điểm của tôi, đã tiến sỹ thì phải có tâm thế và có năng lực tham gia giao lưu học thuật toàn cầu.
Tập trung vào điểm cốt lõi này thì chất lượng sẽ lên, không cần phải nhất thiết có công bố quốc tế hay không.
Hội đồng - “chúng ta vẫn đang đóng kịch với nhau!”
- Vậy giáo sư có đánh giá như thế nào về chất lượng các hội đồng chấm luận án tiến sỹ ở Việt Nam hiện nay?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Tôi không hoàn toàn thỏa mãn với chất lượng các hội đồng hiện nay, dù tôi đã và đang là thành viên và chủ tịch của một số hội đồng. Hội đồng không được quyền, không có điều kiện làm tốt chức trách của mình.
Quyền làm việc tốt là tôi phải được chịu trách nhiệm với kết quả đánh giá của mình và đồng hành lâu dài với điều này. Hiện nay hội đồng không phải chịu trách nhiệm đến cùng với kết quả đánh giá của mình, họp xong là “tự giải tán.” Nếu cho hội đồng chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm đánh giá của mình, gắn liền với các luận án, thì họ sẽ nghiêm túc. Cách làm có thể là ghi tên hội đồng và các thành viên hội đồng vào trang cuối cùng của luận án, lưu ở Thư viện Quốc gia. Dù 5 hay 10 năm sau, nếu luận án bị phát hiện chất lượng kém, các thành viên hội đồng sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm.
Để thành viên hội đồng được chịu trách nhiệm lâu dài như vậy, họ phải đủ các điều kiện về kỹ thuật, thời gian vật chất để tra cứu, đánh giá một cách công bằng, khách quan, vô tư và tất cả những đánh giá đó phải công khai. Ngoài công khai tại hội đồng thì tất cả các văn bản luận án và đánh giá của thành viên hội đồng nên được công khai trên mạng, ít nhất là website của đơn vị đào tạo.
Giáo sư Phạm Hồng Tung cho rằng hội đồng phải chịu trách nhiệm lâu dài với sản phẩm của mình. (Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Hiện chúng ta giao luận án cho người đánh giá và chỉ cho thời gian một vài tuần, trong khi họ còn bao nhiêu việc khác. Một luận án khoảng 200 trang, chỉ đọc đã mất vài ngày, chưa nói tới việc phân tích, tra cứu dữ liệu, phản biện “sát ván” với nghiên cứu sinh và giáo viên hướng dẫn mới ra chất lượng tốt. Nhưng thù lao chỉ từ 500.000 đồng đến một triệu đồng, không bằng thù lao người lao động giản đơn, như quét rác hay phụ hồ. Với mức thù lao như vậy, không có ai đầu tư toàn bộ thời gian công sức để đi thẩm tra lại toàn bộ luận án vài trăm trang. Trả công không bằng công phụ hồ nhưng yêu cầu phải đánh giá ở trình độ quốc tế thì không bao giờ có “giấc mơ” đó và chúng ta vẫn phải đóng kịch với nhau, dù không ai muốn!
Tôi cho rằng nếu đã không trả tiền thì thì thôi, còn nếu đã trả công bằng tiền thì phải xứng đáng.
Ở nước ngoài họ không trả tiền cho thành viên trong hội đồng nhưng những người được mời vào hội đồng sẽ được ghi trong hồ sơ khoa học và là căn cứ để các quỹ của nhà nước rót kinh phí cho họ làm nghiên cứu.
Còn một góc khuất khác cũng phải nói thẳng là các nghiên cứu sinh đã rất vất vả, tốn kém để làm luận án, nhưng đến ngày bảo vệ họ còn phải bỏ vào phong bì thù lao bù đắp cho những người trong hội đồng đánh giá, mỗi người vài triệu đồng. Từ đó, dẫu không xin xỏ gì thì họ đã tạo ra một sự nể nang vô hình cho người ngồi hội đồng, kiểu “giơ cao đánh khẽ” bởi nể nang là tính cố hữu của người Việt. Tôi đã chứng kiến nhiều người phê bình rất gay gắt nhưng cuối cùng vẫn nói “tuy nhiên luận án vẫn đạt yêu cầu.” Điều đó giết chết mọi chất lượng. Đó mới là vấn đề chứ không phải chỉ công bố quốc tế ISI với Scopus.
Tạp chí trong nước đang ở trình độ “hàn dép, đắp lốp”
- Trong bối cảnh còn tình trạng làm đẹp hồ sơ với bằng tiến sỹ và hội đồng vẫn xuề xòa như giáo sư vừa phân tích, vậy làm thế nào để đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sỹ nếu không sử dụng các yêu cầu về công bố quốc tế mà chỉ cần công bố trong nước, thưa giáo sư?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Chữa tình trạng tiến sỹ rởm bằng công bố quốc tế là phương thuốc sai, vì có nhiều nghiên cứu sinh công bố nhưng bài viết chung, hàng chục tác giả, thậm chí ý tưởng là của thầy, dữ liệu của cả nhóm. Ngay trong danh mục ISI cũng có những tạp chí chất lượng thấp, trong khi trong nước vẫn có tạp chí đạt chất lượng cao.
- Việt Nam vẫn có tạp chí chất lượng cao, được đánh giá tốt nhưng nhiều ý kiến cho rằng con số này không nhiều và phần lớn là chưa tốt. Ông đánh giá như thế nào về tạp chí trong nước?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Có một thực tế không thể chối cãi là bên cạnh một số tạp chí có chất lượng chuyên môn cao, phần lớn các tạp chí khoa học trong nước chất lượng còn đang thấp, thậm chí rất thấp. Tôi là người đăng rất nhiều bài trên các tạp chí trong nước, là ủy viên hội đồng biên tập của một số tạp chí nhưng tôi phải nói thành thực như thế.
Với tạp chí quốc tế, ở lĩnh vực khoa học xã hội, mỗi bài phải từ 15 đến 20 trang với ít nhất từ 3 đến 5 cước chú. Nhưng tạp chí trong nước, nếu tôi viết đến 15 trang là bị cắt. Vì thế, chỉ có thể viết những điều rất vắn tắt, đơn giản, chứ không thể đi đến cùng vấn đề.
Một cuốn tạp chí rất mỏng, mỗi số chỉ có một, hai “bài đinh” có thể so sánh chất lượng tương đương với tạp chí ở nước ngoài là may, có khi không có “bài đinh” nào, còn hầu hết các bài nói chung không đạt chuẩn. Vì thế mọi người không đặt niềm tin vào các tạp chí ở trong nước. Và đó chính là nỗi buồn, về lâu về dài làm cho nền khoa học của chúng ta bị tha hóa.
[Quy chế đào tạo mới là bước thụt lùi, cơ hội cho 'các lò' tiến sỹ rởm]
Bên cạnh đó, các tạp chí của chúng ta hiện nay, một bộ phận không nhỏ có phần phản biện, nhưng chỉ là hình thức.
Có thể ví von tạp chí trong nước đang ở trình độ “hàn dép, đắp lốp” trong khi tạp chí nước ngoài đang sản xuất con chíp, phần mềm. Vì thế, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu thì phải nâng chất lượng tạp chí lên. Nhưng khuyến khích công bố quốc tế là đem của nhà, tiền và nhân tài, đi xây dựng tạp chí nước ngoài thay vì xây dựng tạp chí trong nước, là “làm phúc nơi nao, cầu ao chả bắc.”
Bộ nên lấy ý kiến các nhà khoa học
- Theo giáo sư, làm cách nào để nâng chất lượng tạp chí trong nước?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Để nâng chất lượng tạp chí trong nước, trước hết cần xác định các tạp chí khoa học thực sự. Nhà nước sẽ phải đầu tư và thường xuyên thanh tra, kiểm tra để các tạp chí có thể xây dựng thương hiệu, khẳng định uy tín. Khi có thương hiệu, người muốn đăng bài nộp tiền, không phải để mua “đất” đăng mà để bù đắp lại một phần các chi phí phát hành, và tạp chí có thể tự đứng được. Nhưng đấy là câu chuyện vẫn bàn theo trình độ “vá xăm, đắp lốp.”
Xu hướng không thể đảo ngược của xuất bản trên thế giới là các sản phẩm đều xuất bản online, vừa để bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, vừa đến nhanh nhất với người đọc. Các nhà khoa học cũng có thể tự xây dựng một trang cá nhân riêng và công bố online các nghiên cứu của mình. Họ phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng các công bố đó.
- Quay trở lại với Thông tư 18, hiện vẫn có những ý kiến trái chiều. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học. Giáo sư có góp ý gì với Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Tôi nghĩ Bộ có thể có nhiều hình thức để thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, chẳng hạn nên tổ chức một hội nghị, hội thảo, có thể theo hình thức trực tuyến, để các nhà khoa học, cả ở Việt Nam và nước ngoài có các ý kiến các khác nhau có thể trao đổi, thảo luận. Ai nói cái gì thì phải có bằng chứng và có đề xuất giải pháp cụ thể, từ đó mới có thể có các kết luận có giá trị. Đó là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta, chứ không chỉ của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!
Theo Phạm Mai, Vietnamplus.vn