Trong không khí đón chào năm mới Quý Mão 2023, Giáo sư Sử học Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã có những chia sẻ đầy thú vị và ý nghĩa về hình ảnh con mèo trong tục ngữ, thành ngữ Việt Nam và phương Tây.
Mèo là vật nuôi rất gần gũi với con người, thực tế là con vật có ích, giúp con người canh chừng lũ chuột, bảo vệ bồ thóc, hũ gạo trong nhà cho đến mùa màng ngoài đồng. Nuôi mèo trong nhà ít tốn kém, nhìn chung không có hại gì, chỉ trừ việc một số người bị bệnh đường hô hấp thì dễ bị dị ứng với lông mèo rụng ra, vương vãi trong nhà.
Người Việt Nam ta cũng như người dân khắp nơi trên thế giới đều yêu quý loài mèo, và đã từ lâu mèo trở thành một trong những loại “thú cưng” phổ biến nhất.
Được yêu quý, tin cậy là thế, trong tiếng Việt, tục ngữ, thành ngữ về mèo khá đa dạng về ngữ nghĩa. Và đây cũng là điều tương tự trong một số thứ tiếng ở phương Tây.
Mèo trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt
Có nhiều câu thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt quen thuộc, thông dụng về loài mèo. Nhẹ nhàng nhất là câu “Ăn như mèo” dùng để chỉ cách ăn uống rất ít, lười ăn của một số người, nhất là chị em phụ nữ. Câu này có lẽ phản ánh đúng cách ăn uống của giống mèo. Con mèo thường không ăn nhiều. Uống nước càng “lịch lãm” hơn: mèo dùng lưỡi liếm láp, không uống nước có phần mạnh mẽ như phần lớn các loài thú khác.
Câu “mèo bé bắt chuột con” cũng có nghĩa như một lời khuyên: không tham lam quá, nên liệu sức mà làm, tự biết giới hạn của mình. Nhưng đôi khi cũng có ý than phiền, rằng sức mình có hạn nên chả làm được việc gì to tát.
Lại có câu: “mèo khen mèo dài đuôi”, ý phê phán những kẻ hợm hĩnh, tự khen, tự khoe mình. Hay câu khác “thấy mèo tưởng hổ” cũng có ý phê phán những kẻ ảo tưởng sức mạnh. Tuy mèo và hổ là hai con vật cùng họ, nhưng khác xa về sức vóc và độ nguy hiểm. Ở trong cuộc sống có những người chỉ là mèo thôi, nhưng cứ tự cho mình là hổ. Vào cuộc rồi thì mới rõ. Cho nên mới có câu “mèo lại hoàn mèo”. Nhưng câu này cũng còn có ý chê trách những người, những tư tưởng cố chấp, thủ cựu, có tật xấu không sao bỏ được, trước sau vẫn thế thôi.
Mèo cũng được cho là con vật lắm tật, mà tật đầu tiên là tham ăn, nên có câu “như mèo thấy mỡ”, cứ thấy mỡ là hăng hái khác thường. Tuy ăn ít, nhưng lại tham ăn, mà chưa được ăn thì mèo ăn vụng, nên có câu “ăn vụng như mèo”. Vì vậy, dân gian dặn dò nhau, phải “chó treo, mèo đậy”.
Ở khía cạnh khác, tục ngữ về mèo cũng hàm ý sự lười nhác, không làm việc gì đến nơi đến chốn, nên người ta bảo “làm như mèo mửa”.Đã thế, mèo lại hay xung khắc với những con vật nuôi khác trong nhà, “cãi nhau như chó với mèo”, đôi khi chỉ vì “chó chê mèo lắm lông”.
Vốn mèo phải đi bắt chuột mà ăn, nhưng đến khi mèo già yếu, không đủ sức săn chuột nữa nên suốt ngày “mèo nằm xó bếp”. Lại có câu “mèo già hóa cáo”. Thực ra, câu này chủ yếu được dùng với hàm ý: ai đó khi đã trở nên quá già dặn, mưu mô thì thành ra xảo quyệt, nguy hiểm, khó lường.
Thế nhưng cũng có lúc mèo gặp may bất chợt. Nếu “chó ngáp phải ruồi” thì “mèo mù vớ cá rán”.
Mèo trong thành ngữ tiếng Tây
Trong tiếng Đức và một số ngôn ngữ phương Tây khác, như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha... cũng có một số câu thành ngữ, tục ngữ nói về mèo, hay nói cho chính xác hơn, là sử dụng con mèo để nói chuyện khác.
Người Đức bảo “Eine Katze hat sieben Leben” (một con mèo có bảy mạng), còn người Anh thì nói “to have nine lives like a cat” (có 9 mạng như mèo), ý nói mèo sống dai, bản năng sinh tồn tốt, nhưng cũng ám chỉ ai đó xoay xở giỏi.
Câu cửa miệng người Đức hay nói là “Für die Katz sein” (đem cho mèo ăn), ý nói là một việc gì đó vô ích, một vật gì đó đáng bỏ đi, như thứ đồ ăn thừa quẳng cho mèo.
Người ta cũng thường nói “Die Katze im Sack kaufen” (mua mèo trong bị), ý nói làm việc gì đó hú họa, không chắc chắn, như chúng ta nói là “đoán mò” hay “đếm cua trong lỗ” vậy.
Lại cũng có câu “Die Katze aus dem Sack lassen” (thả mèo khỏi bị), ý nói là tiết lộ bí mật, hoặc có ý chê trách ai đó làm việc gì, nói câu gì mà thiếu trách nhiệm, không kiểm soát được hậu quả, giống như ở ta nói “thả gà ra mà đuổi” vậy.
Có câu này cũng rất phổ biến ở Đức và nhiều nước phương Tây: “Ist die Katze aus dem Haus, tanzen die Mäuse” (mèo đi vắng, chuột nhảy múa) hoặc tiếng Anh “When the cat’s away, the mice will play” (mèo đi vắng, chuột vui đùa). Câu này cũng giống như câu “vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm” ở ta, ý nói khi người có trách nhiệm đi vắng thì tiểu nhân đắc chí, quân lính vô kỷ luật, quậy phá lung tung.
Hiếm hoi, nhưng trong tiếng Đức cũng có câu thành ngữ giống tiếng Việt, đó là “Mit jemandem Katz und Maus spielen”, tức là chơi trò “mèo vờn chuột” với ai đó. Và người Đức cũng nói câu “Die Katze lässt das Mausen nicht” (mèo không tha chuột), cũng như ta nói câu “thôi đừng có mèo khóc chuột” nữa vậy.
Khi chỉ ai đó đang lúng túng, không biết xử lý tình huống thì người Đức nói “Wie die Katze um den heißen Brei herumgehen” (như mèo chạy quanh bát cháo nóng). Còn mô tả ai làm việc gì đó qua quýt thì dùng từ “Katzenwäsche” (tắm như mèo), giống như ta nói “làm trò mèo” vậy.
Câu tục ngữ phổ biến nhất trong các ngôn ngữ phương tây, với diện vận dụng rộng khắp là “Bei Nacht sind alle Katzen grau” (trong bóng đêm, mèo nào chả màu xám), người Anh thì nói: “All cats are grey in the dark”, người Bồ Đào Nha thì nói “À noite, todos os gatos são pardos” đều cùng một nghĩa như nhau. Ở ta thì nói “tắt đèn, nhà ngói cũng nhà tranh”.
Người Romania cũng có câu này khá hay “Nu arunca pisica în curtea altuia” (đừng có ném xác mèo chết sang vườn nhà hàng xóm), ý khuyên người ta chớ có đổ lỗi cho người khác.
Người Tây Ban Nha thì lại có câu “¿Se te ha comido la lengua el gato?" (bị mèo ăn mất lưỡi rồi à?), ý nói tình huống ai đó cứng họng, không còn nói được điều gì nữa.
Câu thành ngữ này của người Anh hẳn là nên dẫn ra sau cùng “There’s more than one way to skin a cat” (có nhiều cách để làm lông một con mèo), ý nói cùng một việc có nhiều cách làm khác nhau, nhưng thường mang ý xấu, đại ý muốn làm hại người.
Thế đấy! Dù ở ta hay ở Tây, người ta thường mượn việc nói về mèo để nói chuyện người, nói về cuộc đời. Rất nhiều ngữ nghĩa.
Nhưng có lẽ đó cũng là lẽ thường, vì loài mèo vốn thân thuộc với loài người, gần gũi với loài người, cho nên loài người mới mượn chuyện mèo để răn dạy, bảo ban lẫn nhau. Đúng là “vì chưng hay ghét cũng là hay thương” - như cụ Đồ Chiểu từng nói.
Bắc Sơn, Báo Giáo dục 24h giaoduc.net.vn
Tác giả: spadmin1
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn