GS Trương Quang Hải thay mặt tập thể nghiên cứu báo cáo kết quả bước đầu đề tài TN3/N18 (Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch, hoạch định không gian và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch ở Tây Nguyên)

Thứ sáu - 29/03/2013 17:03
Ngày 30 tháng 3 năm 2013 tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS Trương Quang Hải đã thay mặt tập thể nghiên cứu báo cáo các kết quả bước đầu đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch, hoạch định không gian và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch ở Tây Nguyên" (TN3/T19) do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển là cơ quan chủ quản trong khuôn khổ Hội nghị khoa học "Những kết quả bước đầu 2011-2012" của chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước phục vụ phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015 (Chương trình Tây Nguyên 3).
GS Trương Quang Hải thay mặt tập thể nghiên cứu báo cáo kết quả bước đầu đề tài TN3/N18 (Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch, hoạch định không gian và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch ở Tây Nguyên)

Báo cáo với tiêu đề "Di sản thiên nhiên cho phát triển du lịch Tây Nguyên" với các nội dung chính sau:

Di sản thiên nhiên (DSTN) là những phần của vỏ cảnh quan thiên nhiên được định vị rõ ràng trên mặt đất, có giá trị nổi bật toàn cầu hoặc khu vực xét theo quan điểm khoa học hoặc mỹ học. Các DSTN được phân loại theo nhiều cấp: Di sản Thiên nhiên thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới,Vườn di sản Asean, các Danh thắng địa cảnhv.v.. Nhận thức được giá trị của DSTN cho phát triển du lịch, đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch, hoạch định không gian và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch ở Tây Nguyên”, mã số TN3/T18 đã có một nội dung chính cho hướng nghiên cứu này. Mặc dù mới được triển khai từ cuối năm 2012, song bước đầu đã thu được một số kết quả chính liên quan đến điều tra thực địa các giá trị DSTN ở Tây Nguyên phục vụ phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh việc tìm hiểu những cụm DSTN đang được khai thác phục vụ du lịch, một số điểm di sản nổi bật đã được quan tâm.

Khảo sát thực địa tại thác Dray Nur (Đăk Lăk)

Khảo sát thực địa tại thác Dray Nur (Đăk Lăk)

1.Một trong các dạng tài nguyên du lịch tự nhiên điển hình của Tây Nguyên là thác nước, trong đó có nhiều thác có vẻ đẹp thiên nhiên và giá trị thẩm mỹ cao. Nghiên cứu cụm thác nước Đray Nur và Đray Sáp trên sông Sêrêpốk thuộc các tỉnh Đắc Lắk và Đắk Nông cho thấy ngoài giá trị thẩm mỹ như được mô tả trong cẩm nang du lịch, tại thác nước này còn có các dấu ấn minh chứng cho lịch sử phát triển của vỏ Trái Đất tại Tây Nguyên. Đó là các khối đá bazan dạng cột độc đáo tạo nên các vách dốc đứng của thác với dòng nước xiết, tạo nên sự khác biệt so với cột đá tại điểm tham quan du lịch nổi tiếng là gành Đá Đĩa ở ven biển tỉnh Phú Yên. Một tầng trầm tích gồm bột sét lẫn cuội thạch anh gắn kết yếu nằm ở ranh giới giữa đá bazan với bề mặt đá cát kết tuổi Jura sẽ ẩn chứa nhiều tiềm năng cho việc khám phá lịch sử phát triển của vùng đất này. Những chồng cột đá tương tự ở đây kết hợp với các dòng thác xiết trong mịt mờ sương khói đã tạo nên cảnh quan ngoạn mục hiếm có ở Việt Nam và trên thế giới. Các thác này xứng đáng được xếp vào hàng danh thắng (Geotope) tiêu biểu của Tây Nguyên

2. Những thân cây gỗ Thủy tùng bị mã não hóa phát hiện trong núi Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, thuộc loại quý hiếm và đã bị khai thác kiệt trong nhiều năm qua. Những thân và gốc cây được mã não hóa to nhất đã được đưa về dựng trong công viên Đồng Xanh, thành phố Plei Ku, tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho công viên này. Qua khảo sát thực địa, đã bước đầu xác định được điều kiện hình thành và phân bố của những thân cây hóa thạch độc đáo này. Công việc tiếp theo là cần đầu tư nghiên cứu chi tiết hơn để phát hiện những gốc và thân cây tại chỗ chưa bị khai thác. Trên cơ sở đó có thể xây dựng một ”Vườn hóa thạch” tương tự Rừng hóa thạch Gilboa của Hoa Kỳ, nơi hàng năm thu hút rất nhiều du khách đến thăm.

3.Những thân cây gỗ Thủy tùng bị mã não hóa phát hiện trong núi Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, thuộc loại quý hiếm và đã bị khai thác kiệt trong nhiều năm qua. Những thân và gốc cây được mã não hóa to nhất đã được đưa về dựng trong công viên Đồng Xanh, thành phố Plei Ku, tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho công viên này. 

Trước hết, có thể kể cây Thủy tùng (Glyptostrobus pensilis) - loài thực vật duy nhất còn tồn tại thuộc chi Glyptostrobus. Hiện nay, tại các huyện Ea H'leo và Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, còn 2 quần thể Thủy tùng tự nhiên, theo chúng tôi là duy nhất ở Việt Nam và có thể cả trên thế giới. Đó chính là loại cây đã để lại hóa thạch bị mã não hóa dưới tầng đá núi lửa tuổi Đệ Tứ được phát hiện trong núi Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. 

Loài thứ hai là Thông hai lá dẹt (Pinus krempfii) do nhà cổ sinh người Bỉ Lecompte phân định, thuộc họ thông (Pinaceae). Đây là loài thông cổ với tán lá gồm từng cặp hai lá dẹt hình lưỡi kiếm đặc trưng. Hiện nay trên thế giới chúng chỉ còn tồn tại duy nhất ở Việt Nam, phân bố hạn hẹp tại tỉnh Lâm Đồng. Chúng mọc ở độ cao 1.200 - 1.600m. Có thể nhìn tán lá hình quạt của loài thông này nổi lên rất rõ trên cánh rừng khi đứng xa hàng kilomet. Càng đến gần, tán cây càng nổi bật, rất dễ nhận biết. 

Thủy tùng và Thông hai lá dẹt cần được bảo vệ nghiêm ngặt và nghiên cứu để xây dựng những Công viên “cây hóa thạch sống”, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, gắn liền với phát triển du lịch sinh thái tại Gia Lai và Lâm Đồng.

4.Địa khối Kon Tum thuộc Tây Nguyên là một trong hai khu vực xuất lộ loại đá cổ nhất Việt Nam và trên thế giới, có tuổi Arkei (trên 2,5 tỉ năm trước). Tại lưu vực sông Ba trong địa phận tỉnh Gia Lai, đá của loạt Kan Nack (NA-PP) thuộc loại có tuổi cổ nhất đó. Loạt này có cấu trúc địa chất rất phức tạp, đá bị nhiều pha biến chất và biến dạng chồng lên nhau trong suốt quá trình lịch sử lâu dài làm cho các dấu hiệu về cấu tạo nguyên thuỷ bị xoá nhoà. Ở khu vực Kan Nack đá bị biến chất ở miền nhiệt độ cao của tướng granulit. Các đá siêu mafic – các vật liệu ở sâu nhất đã được đưa ra ngoài mặt đất theo cơ chế chồi nguội, minh chứng cho một thời kỳ hoạt động mạnh mẽ của các đứt gãy sâu cũng đã được phát hiện nhiều ở Tây Nguyên. Những diện lộ của đá siêu mafic trên quốc lộ 14, trong địa phận huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là những điểm như thế. Từ thực tế tồn tại của đá loạt Kan Nack tại Tây Nguyên, đá siêu mafic ở Đăk Glei, có thể nghĩ đến việc xây dựng một tuyến du lịch xuyên suốt lịch sử phát triển vỏ Trái đất, từ những đá cổ nhất của loạt này, tới những đá trẻ hơn thuộc các giới Cổ sinh, Trung sinh và Tân sinh. Tuyến du lịch đó sẽ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận du khách tìm hiểu sâu hơn về lịch sử hành tinh đã cưu mang loài người, cùng những sự kiện địa chất chính yếu tạo dựng nên cấu trúc Tây Nguyên ngày nay.

5.Cảnh quan núi lửa hùng vĩ. Hiện nay, nếu muốn ngắm những công trình núi lửa kỳ vĩ nhất từng hoạt động ở Việt Nam, du khách chỉ có thể đến Tây Nguyên. Một tuyến du lịch tìm hiểu chóp núi lửa có thể tổ chức tại miền đất mà phần lớn diện tích của nó được hình thành từ đất đỏ bazan – sản phẩm phong hóa của dung nham núi lửa. Các nhà khoa học từ lâu đã chứng minh ở Tây Nguyên núi lửa từng hoạt động dữ dội vào những giai đoạn chưa xa của lịch sử Trái đất (Neogen – Đệ Tứ) nên những dấu ấn chúng để lại còn rất rõ nét. Pleiku, thủ phủ của tỉnh Gia Lai, là thành phố nằm bên 15 ngọn núi lửa, trong số đó có ngọn núi Hàm Rồng (Chư Hơ Đông) nổi tiếng nhất Tây Nguyên, cao hơn 1.000m và là đỉnh cao nhất khu vực Pleiku với cái miệng tròn xoe hình phễu khổng lồ. Cũng trong khu vực còn có Biển Hồ đẹp một cách kỳ bí, do 4 miệng núi lửa âm tròn xoe ghép lại. Trong một số miệng núi lửa ở khu vực Kon Tum và Gia Lai có thể tìm được những trái bom núi lửa – từng là những mảng dung nham bị tung vào khí quyển, trong quá trình rơi trở lại mặt đất đã kịp đông cứng và trở thành những “trái bom” với hình thù khác nhau, thường có dạng quả soài hoặc gần tròn.

6.Cảnh quan địa mạo ở phía nam khối núi Ngọc Linh với các cao nguyên Tu Mơ Rông, cao nguyên Măng Đen cao trên 1000m với sự đa dạng cảnh quan và hệ sinh thái, không thua kém về giá trị tự nhiên so với cao nguyên Đà Lạt sẽ là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch bắc Tây Nguyên trong mối liên kết với duyên hải Nam Trung Bộ.

7. Khám phá bí ẩn của việc hình thành tầng bauxit của Tây Nguyên. Hiện nay, Việt Nam trở thành một trong hơn 10 nước có trữ lượng quặng bauxit lớn nhất thế giới. Quặng bauxit ở Việt Nam lại tập trung chủ yếu tại Tây Nguyên. Vậy quá trình hình thành quặng bauxit ở Tây Nguyên đã diễn ra như thế nào? Đáp án câu hỏi này du khách có thể tìm thấy qua những mặt cắt địa chất ngoài thực địa, thấy được quá trình biến đổi từ đá bazan gốc, trải qua quá trình phong hóa, rồi trở thành quặng bauxit. Trước mắt có thể lấy những mặt cắt biến đổi đó ở phía bắc thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, nơi đang xây dựng nhà máy chế biến Alumina Nhân Cơ.

 

Hồ Suối Vàng và đỉnh Langbiang (Lâm Đồng)

TTH

Tác giả: spadmin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây