Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển – Nhịp cầu khoa học kết nối Việt Nam và thế giới

Thứ ba - 19/03/2024 05:56
Ngày 19/3/2024, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (19/3/2004 – 19/3/2024) nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, tri ân các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, cơ quan đối tác, bạn bè trong và ngoài nước đã gắn bó, hỗ trợ cho sự ra đời, phát triển của Viện trong suốt 20 năm qua. Đây cũng là dịp thế hệ trẻ hiện đang công tác tại Viện tìm hiểu và tự hào hơn nữa về thành tựu Viện đã đạt được, ý thức rõ hơn nữa trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống, xây dựng Viện ngày càng phát triển.
Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển – Nhịp cầu khoa học kết nối Việt Nam và thế giới
Viện VNH&KHPT ra đời trên cơ sở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa (thuộc ĐHQGHN), và trước đó là Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trải qua 20 năm thành lập, với bề dày truyền thống 35 năm, Viện đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành.
Chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Viện trưởng Phạm Đức Anh cho biết: Người có công khai mở, dẫn dắt nền Việt Nam học “liên ngành, liên kết và hội nhập quốc tế”, cũng như đặt nền móng cho sự ra đời của Viện VNH&KHPT sau này là GS Phan Huy Lê. Nhìn lại bối cảnh thời kỳ đó, có thể coi đây là một quyết định lịch sử, bởi nó nâng tầm sáng kiến của một tập thể nhà khoa học, một trường đại học lên tầm vóc quốc gia; chính thức khai sinh một tổ chức khoa học nghiên cứu liên ngành đầu tiên về Việt Nam, đóng vai trò cầu nối học thuật và giao lưu văn hóa giữa giới nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Từ định hướng có tầm chiến lược, dựa trên những thành tựu quan trọng đã đạt được, và nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam học trong bối cảnh mới, ngày 19/3/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 04/2004/QĐ-TTg thành lập Viện VNH&KHPT thuộc ĐHQGHN, tiếp tục triển khai nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học về Việt Nam học theo định hướng liên ngành, trên nền tảng khu vực học.
21
Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển Phạm Đức Anh
Trải qua quá trình phát triển gồm 15 năm thời kỳ là Trung tâm và 20 năm kể từ khi thành lập, Viện VNH&KHPT đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, “từng bước vươn lên đảm nhiệm sứ mệnh của một viện quốc gia đầu ngành về nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở cả trong và ngoài nước”. Vượt qua biết bao gian khó và thử thách, chặng đường 35 năm qua của Trung tâm và Viện đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào. Có thể nhìn nhận ở những điểm nổi bật như: Viện đã khẳng định được uy tín và vị thế của một trung tâm hàng đầu cả nước trong nghiên cứu cơ bản, liên ngành theo định hướng ứng dụng về các vấn đề liên quan tới Việt Nam học và Khoa học phát triển. Các đề tài được triển khai tại Viện tập trung vào hướng nghiên cứu và có những đóng góp thiết thực trong nhiều vấn đề quan trọng của Việt Nam như: Nghiên cứu góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển và hải đảo; Nghiên cứu hệ thống chính trị và chủ thuyết phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế; Nghiên cứu về vùng đất Nam Bộ, về Thăng Long - Hà Nội (chỉ riêng trong dịp kỷ niệm 1.000 năm lịch sử của Thủ đô, Viện đã tổ chức biên soạn, xuất bản 17/94 công trình và tham gia biên soạn 20 công trình khác thuộc Tủ sách Thăng Long - Hà Nội); nghiên cứu các địa phương, khu vực phục vụ phát triển bền vững nông thôn và đô thị; tham gia nghiên cứu và xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới đối với Phố cổ Hội An (1999), Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2010), Thành Nhà Hồ (2011). Các chương trình Thái học Việt Nam, chương trình lớn nhất trong nghiên cứu Nhân học về một cộng đồng dân tộc ở Việt Nam, góp phần cung cấp luận cứ cho chính quyền địa phương và Chính phủ trong công tác hoạch định chính sách ổn định lâu dài và phát triển bền vững ở vùng miền núi, biên giới khu vực phía Bắc.
Đặc biệt, Viện đã tập trung triển khai hướng nghiên cứu chiến lược phục vụ xây dựng chính sách. Suốt những năm qua, các chuyên gia của Viện đã tham gia nghiên cứu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ban ngành và địa phương những vấn đề hệ trọng, cấp thiết.
Viện còn là đầu mối tổ chức, tham gia tổ chức nhiều sự kiện học thuật, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn. Cho đến nay, các thế hệ cán bộ của Viện đã công bố hàng trăm công trình nghiên cứu ở trong và ngoài nước, với nhiều sách chuyên khảo, bài tạp chí đã tạo nên thương hiệu của Viện, góp phần phát triển ngành Việt Nam học, cũng như cung cấp những luận cứ phục vụ phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam. 
Hơn nữa, Viện đã từng bước tạo lập được danh tiếng của một cơ sở đào tạo uy tín, góp phần xây dựng đội ngũ chuyên gia và nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao về Việt Nam học và Khoa học phát triển ở trong và ngoài nước. Sau khi thành lập, Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam đã đảm nhiệm sứ mệnh đào tạo chuyên gia, bồi dưỡng chuyên môn cho các nhà nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và quốc tế, trực tiếp góp phần hình thành nên thế hệ mới của đội ngũ Việt Nam học toàn thế giới. Trong số hàng trăm sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đã đến học tập và nghiên cứu tại Trung tâm, đến nay nhiều người đã trở thành những nhà Việt Nam học nổi tiếng khắp thế giới.
22

Từ năm 2008, theo chủ trương của ĐHQGHN, Viện chuyển sang đào tạo Chương trình Thạc sĩ Việt Nam học đạt trình độ quốc tế (thuộc Chương trình đẳng cấp quốc tế hay Nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN). Đến năm 2013, theo quy định mới, Viện không tiếp tục đào tạo ngành Việt Nam học ở trình độ Thạc sĩ. Tổng cộng, với 9 khóa tuyển sinh, đã có 128 học viên được cấp bằng Thạc sĩ tại Viện (trong đó có 56 Thạc sĩ thuộc Chương trình đẳng cấp quốc tế, 25 học viên là người nước ngoài).
Viện cũng là đơn vị tiên phong xây dựng và được ĐHQGHN chính thức giao nhiệm vụ tổ chức triển khai Chương trình đào tạo Tiến sĩ Việt Nam học từ năm 2012. Chương trình được triển khai chất lượng, hiệu quả, ngày càng khẳng định được uy tín, thu hút nhiều NCS ở cả trong và ngoài nước (đến từ các quốc gia: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,...). Tính đến nay, Viện đã tuyển sinh được 60 nghiên cứu sinh, trong đó có 33 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án và được cấp bằng Tiến sĩ.
Đây chính là cơ sở để Viện VNH&KHPT được ĐHQGHN tin tưởng, giao nhiệm vụ xây dựng Đề án mở Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị địa phương, do Giám đốc ĐHQGHN cấp bằng. Từ năm 2024, ĐHQGHN sẽ tổ chức tuyển sinh, giao cho Viện VNH&KHPT là đơn vị tổ chức đào tạo.
Đánh giá cao những nỗ lực của Viện trong 20 năm qua, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh: Với chức năng, nhiệm vụ được giao và dựa trên thế mạnh vốn có, Viện VNH&KHPT còn là một đơn vị uy tín trong giảng dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài. Chương trình này bắt đầu được tổ chức giảng dạy từ khi mới thành lập Trung tâm, xuất phát từ nhu cầu của các nhà khoa học vào Việt Nam nghiên cứu muốn được học tiếng Việt cơ bản hoặc nâng cao để phục vụ giao tiếp và chuyên môn. Sau này, nhiều chuyên gia đầu ngành về Việt Nam học tại các quốc gia trên thế giới đã từng theo học các khóa tiếng Việt tại Trung tâm. Tính đến nay, đã có khoảng hơn 500 sinh viên nước ngoài tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về tiếng Việt tại Viện ở những trình độ khác nhau. Đây là nền tảng quan trọng để họ tiếp tục học tập ở những trình độ cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ), hoặc để phục vụ tốt hơn những công việc ở Việt Nam và liên quan tới Việt Nam.
23
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chúc mừng 20 năm thành lập Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển
Trên cơ sở lợi thế về khoa học liên ngành và đội ngũ nhà khoa học hàng đầu, Viện VNH&KHPT còn tích cực hợp tác với các cơ quan ở Trung ương và các địa phương tổ chức nhiều khoá bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lí các cấp theo những yêu cầu khác nhau.
Những thạc sĩ, tiến sĩ, cán bộ trải qua quá trình đào tạo tại Viện, đến nay nhiều người đã trở thành những nhà quản lí, nhà khoa học uy tín, giữ những cương vị khác nhau trong các cơ quan hành chính, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài nước. Những học viên, NCS quốc tế sau khi tốt nghiệp, trở về nước đều có những đóng góp khác nhau cho sự phát triển của ngành Việt Nam học, cho nhịp cầu kết nối Việt Nam với thế giới.
Viện đã giữ vững vai trò đầu mối của nhịp cầu giao lưu học thuật và văn hóa, kết nối mạng lưới Việt Nam học trong nước với quốc tế. Viện là đối tác tin cậy của 36 trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế thuộc nhiều quốc gia trên thế giới.
20 năm qua Viện luôn khẳng định được tầm vóc, thể hiện qua các công trình khoa học, đó là niềm tự hào của Viện nói riêng và ĐHQGHN nói chung. Những dấu ấn của Viện đã mang lại vị thế và tầm vóc cho ĐHQGHN trong và ngoài nước. ĐHQGHN đang quá trình chuyển mình, nhiệm kỳ tới là giai đoạn ĐHQGHN bứt phát, Viện sẽ là trung tâm đầu mối để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của ĐHQGHN. Tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng chuyển giao trong lĩnh vực việt nam học, khu vực học, khẳng định vai trò nòng cột trong đào tạo bồi dưỡng nhân tài, hội nhập quốc tế.
Trong thời gian tới, ĐHQGHN cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điêu kiện tốt nhất cho Viện để góp phần tạo hướng đi của Viện trở thành địa chỉ quy tụ được mạng lưới chuyên gia, học giả quốc tế. Là đầu mối tổ chức các hội thảo quốc tế về lĩnh vực Việt Nam học và khoa học phát triển; Viện sẽ là trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế, giúp ĐHQGHN nâng tầm vị thế trên trường quốc tế.
Nhìn lại chặng đường 35 năm truyền thống, 20 năm xây dựng và trưởng thành, Viện VNH&KHPT tự hào về quá khứ, nhưng đồng thời cũng ý thức rõ về sứ mệnh và trách nhiệm, từ đó vững bước tiến tới tương lai.
Tại buổi lễ Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã trao tặng bằng khen cho Viện vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2019-2024.
24
Tại lễ kỷ niệm đại diện các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đã gắn bó với Viện đã bày tỏ cảm xúc đầy tự hào về Viện trong thời gian qua và cùng tin tưởng về một sự phát triển vững mạnh trên trường quốc tế của Viện trong thời gian tới.
25
GS.TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ về văn hóa tri ân của tập thể lãnh đạo, cán bộ của Viện qua các thời kỳ.
27
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đơn vị phối hợp chặt chẽ với Viện trong công tác đào tạo Việt Nam học và chuyên môn nghiên cứu liên ngành.
28
Đại diện nghiên cứu sinh, Lý Kim Xảo, nghiên cứu sinh ngành Việt Nam học, năm nhất đến từ Trung Quốc đại diện cho 60 nghiên cứu sinh của Viện cho biết, Viện là cơ sở đào tạo uy tín có bề dày lịch sử và có vị thế tại Việt Nam. Trong 20 năm qua, các nghiên cứu sinh tốt nghiệp tại Viện đã có những thành công trong xã hội. Lý Kim Xảo cũng bày tỏ tri ân tới đội ngũ thầy cô của Viện là các chuyên gia hàng đầu, những nhà khoa học xuất sắc luôn đồng hành và hỗ trợ tận tình tới người học.

 

Tác giả: spadmin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây