Khai thác di sản thiên nhiên, phát triển du lịch ở Tây Nguyên

Thứ hai - 25/03/2019 01:03
Trong những năm qua, du lịch Tây Nguyên đã có những bước phát triển, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên, các tỉnh Tây Nguyên có nhiều điểm giống nhau về văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên, nếu không nghiên cứu đánh giá các giá trị nổi bật của di sản thiên nhiên và tài nguyên du lịch từng địa phương sẽ khó tạo lập được các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn du khách.

Các nhà khoa học khảo sát thực địa tại thác Liêng Rơwoa (thác Voi), Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Ròng rã đi đến các địa điểm du lịch ở Tây Nguyên trong quá trình tiến hành Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch, hoạch định không gian và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch ở Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3), GS, TS Trương Quang Hải (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận thấy, quy hoạch phát triển du lịch hiện nay của Tây Nguyên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đi vào thực tiễn. Bất cập rõ nhất là công tác quy hoạch du lịch ở Tây Nguyên còn thiếu tính hệ thống, liên ngành, dẫn đến hệ quả khó khả thi vì thiếu đồng bộ với quy hoạch của ngành khác như giao thông vận tải, xây dựng… Việc thiếu những tuyến du lịch chuyên đề khiến du lịch Tây Nguyên chưa khai thác được hết tính nổi trội về tài nguyên địa chất, địa mạo hoặc sinh vật là những thế mạnh của Tây Nguyên, để tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng. Hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương, quy hoạch phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm, thực hiện các chương trình du lịch, xúc tiến quảng bá mở rộng thị trường… còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra được hình ảnh chung về du lịch cũng như tạo sức hấp dẫn du lịch cho toàn vùng. Cơ cấu doanh thu du lịch Tây Nguyên chủ yếu từ lưu trú và ăn uống (chiếm từ 65% đến 75%), trong khi từ dịch vụ du lịch chỉ chiếm 25% đến 35%.

Theo GS, TS Trương Quang Hải, Tây Nguyên là vùng giàu tài nguyên du lịch và hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu về loại hình du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên. Thế mạnh của Tây Nguyên về du lịch di sản thiên nhiên có thể kể đến như núi lửa cổ và hang núi lửa, thác nước, các khu bảo tồn thiên nhiên.

Một trong các dạng tài nguyên du lịch tự nhiên điển hình tại Tây Nguyên là thác nước, trong đó có nhiều thác kỳ vĩ với giá trị thẩm mỹ cao. Trên địa bàn năm tỉnh Tây Nguyên ghi nhận được ít nhất 103 thác ghềnh (chiếm gần ¼ tổng số thác ghềnh của cả nước). GS, TS Trương Quang Hải kể rằng, khi đến nghiên cứu cụm thác nước Đray Nur và Đray Sáp trên sông Sêrêpốk thuộc các tỉnh Đác Lắc và Đác Nông, nhóm nghiên cứu nhận thấy ngoài giá trị thẩm mỹ, thác còn có các dấu ấn minh chứng cho lịch sử phát triển của vỏ Trái đất tại Tây Nguyên. Đó là tầng trầm tích gồm bột sét lẫn cuội thạch anh gắn kết yếu nằm ở ranh giới giữa đá bazan với bề mặt đá cát kết tuổi Jura, ẩn chứa nhiều tiềm năng cho việc khám phá lịch sử phát triển của vùng đất này. Các khối đá bazan dạng cột độc đáo tạo nên các vách dốc đứng của thác với dòng nước xiết, tạo nên sự khác biệt so với cột đá tại điểm tham quan du lịch nổi tiếng Gành Đá Đĩa ở ven biển tỉnh Phú Yên. Thác ghềnh vùng Tây Nguyên phong phú, đa dạng về cấu tạo và hình thái, xứng đáng mở tuyến du lịch chuyên biệt khám phá các thác nước Tây Nguyên.

Hiện nay, nếu muốn ngắm những thành tạo núi lửa kỳ vĩ từng hoạt động ở Việt Nam, du khách chỉ có thể đến Tây Nguyên. Một tuyến du lịch tìm hiểu di tích núi lửa có thể tổ chức tại miền đất mà phần lớn diện tích của nó được hình thành từ đất đỏ bazan - sản phẩm phong hóa của dung nham núi lửa. Việc phát hiện hệ thống hang động trong đá núi lửa ở huyện Krông Nô, tỉnh Đác Nông được cho là có quy mô lớn và đạt kỷ lục dài nhất Đông - Nam Á, sẽ mở ra hành trình thám hiểm núi lửa Chư Bluk và hệ thống hang trong đá bazan ở Krông Nô. Bên cạnh đó, hành trình khám phá các di tích núi lửa cổ cũng là một hướng đi khá thú vị. Theo GS, TS Trương Quang Hải, hành trình khám phá các di tích núi lửa cổ nên tổ chức trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trung tâm là thành phố Plây Cu. Chung quanh thành phố này tập trung khá nhiều di sản liên quan núi lửa cổ thuộc cả hình loại địa hình núi lửa dương (các chóp núi lửa) và núi lửa âm (các hồ có nguồn gốc núi lửa). Để quan sát các núi lửa dương có thể đứng ngắm từ xa, cũng có thể trèo lên để cảm nhận mình đang ở trong một “hỏa diệm sơn”, nơi từng sôi sục dung nham trong quá khứ địa chất. Du khách có thể ngắm nhìn những núi lửa dương như Hàm Rồng, Chư Đăng A, hoặc xa hơn như Pơng D’rang, Chư Hơ Rông, đến các loại núi lửa âm mà điển hình là Biển Hồ - hồ núi lửa mênh mông, là sự ghép nối của ba miệng núi lửa âm lại với nhau.

Địa khối Kon Tum thuộc Tây Nguyên là một trong những khu vực xuất lộ loại đá cổ nhất ở Việt Nam, có tuổi Arkei (hơn 2,5 tỷ năm trước). Tại lưu vực sông Ba trong địa phận tỉnh Gia Lai, đá của loạt Kan Nack (NA-PP) thuộc loại có tuổi cổ nhất. Việc xây dựng tuyến du lịch xuyên suốt lịch sử phát triển vỏ Trái đất, từ những đá cổ nhất, tới những đá trẻ hơn thuộc các giới Cổ sinh, Trung sinh và Tân sinh sẽ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận du khách tìm hiểu sâu hơn về lịch sử hành tinh đã cưu mang loài người, cùng những sự kiện địa chất chính yếu tạo dựng nên cấu trúc Tây Nguyên ngày nay.

Trăn trở trước việc những thân cây gỗ thủy tùng được mã não hóa, phát hiện trong núi Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, thuộc loại quý hiếm đã bị khai thác cạn kiệt trong nhiều năm qua, nhóm nghiên cứu đã bước đầu xác định được điều kiện hình thành và phân bố của những thân cây hóa thạch độc đáo này. Những thân và gốc cây được mã não hóa to nhất đã được đưa về trưng bày ngoài trời, tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho Công viên Đồng Xanh, thành phố Plây Cu. “Rừng hóa thạch Gilboa ở Hoa Kỳ hằng năm thu hút số lượng lớn du khách đến thăm, chúng ta cũng có thể xây dựng một “Vườn hóa thạch” tương tự”, GS, TS Trương Quang Hải cho biết. Hai loại “cây hóa thạch sống” đặc hữu, quý hiếm ở Tây Nguyên là cây thủy tùng và thông hai lá dẹt hiện nay trên thế giới chỉ tồn tại duy nhất ở Việt Nam. Thủy tùng và thông hai lá dẹt cần được bảo vệ nghiêm ngặt và nghiên cứu để xây dựng những công viên “cây hóa thạch sống”, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, gắn liền với phát triển du lịch sinh thái tại Gia Lai và Lâm Đồng.

HẠNH NGUYÊN

Tác giả: spadmin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây