Lí do cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 xuất hiện sơ sài trong SGK Lịch sử hiện hành

Thứ ba - 26/02/2019 23:03
Theo GS Phạm Hồng Tung, nội dung về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 sẽ được đứng ngang hàng với cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ trong SGK Lịch sử mới.

Thời gian kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc ở biên giới phía Bắc (17/2/1979 -17/2/2019 đang tới gần. Vấn đề được nhiều chuyên gia sử học, người dân quan tâm là thời lượng giảng dạy, tuyên truyền về cuộc chiến này trong SGK Lịch sử hiện hành cho học sinh lại đang khá mờ nhạt.

li do cuoc chien bao ve bien gioi phia bac 1979 xuat hien so sai trong sgk lich su hien hanh
GS.TS Phạm Hồng Tung, chủ biên chương trình lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Đình Tuệ.

Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội), chủ biên chương trình SGK Lịch sử mới khẳng định, cần hiểu rõ về khái niệm. Đấy không phải cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, không phải chiến tranh biên giới. Nên gọi là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc năm 1979. Đây là một cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của Trung Quốc đối với Việt Nam. Bộ đội và nhân dân ta đã anh dũng chiến đấu, hi sinh để buộc địch phải rút quân về nước.

Giáo sư cũng cho biết, việc giáo dục trong nhà trường về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Tây Nam (1978), biên giới phía Bắc (1979) là rất sơ lược. Thời lượng và số lượng các hoạt động tuyên truyền cho hai cuộc chiến này gần như rất ít. Trong khi thời lượng tuyên truyền về các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ vào mỗi dịp 7/5 hay 30/4 là rất nhiều.

li do cuoc chien bao ve bien gioi phia bac 1979 xuat hien so sai trong sgk lich su hien hanh
Chiến sĩ ta chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 - 1989. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.
li do cuoc chien bao ve bien gioi phia bac 1979 xuat hien so sai trong sgk lich su hien hanh
Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía phía Bắc (1979 - 1989) được trình bày sơ sài với 4 câu, 10 dòng ở trang 207 trong SGK Lịch sử 12 hiện hành.

GS.TS Phạm Hồng Tung phân tích: "Về mặt khách quan, sự kiện lịch sử diễn ra cần có một độ lùi về thời gian nhất định để giới nghiên cứu nhận thức thấu đáo thì phát ngôn mới chuẩn. Dù cuộc chiến đã trôi qua 40 năm nhưng trong giới nghiên cứu cũng còn những ý kiến mâu thuẫn nhau khá gay gắt, chủ yếu do hiểu lầm. Những năm trước chưa nói đầy đủ được có lẽ là vì lí do chuyên môn.

Có lẽ chủ yếu là chúng ta sợ ảnh hưởng tới quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia. Không muốn khơi dậy hận thù, đau thương của quá khứ. Tôi cho đấy là một sai lầm, lảng tránh, che giấu lịch sử là một sai lầm. Để khắc phục sai lầm đó, kỉ niệm 40 năm ngày chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc năm 1979 nên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, sắp tới sẽ đưa nội dung đó vào trong chương trình SGK Lịch sử phổ thông là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết".

Cũng theo vị chủ biên chương trình SGK môn Lịch sử mới, việc nói đó chỉ là 'Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới' là không đúng. Đây là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chứ không chỉ nhằm bảo vệ biên giới. Đây là cả một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đây là một bất cập, thiếu sót của chương trình SGK Lịch sử hiện hành.

"Do đó, trong chương trình SGK Lịch sử mới mà chúng tôi vừa biên soạn mà Bộ GD&ĐT vừa kí thông tư ban hành, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 sẽ được trình bày ở phần thông sử Lịch sử Việt Nam ở lớp 9. Tới cấp THPT sẽ tiếp tục được trình bày trong chủ đề 'Cách mạng tháng 8, chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ 1945 đến nay'.

Như vậy, cuộc kháng chiến năm 1979 sẽ được trình bày ngang bằng, bình đẳng với cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ cứu nước. Ý nghĩa của việc này là để học sinh trên cơ sở có cái nhìn hệ thống xuyên suốt, tự mình rút ra được nhận thức quan trọng về kinh nghiệm, quy luật, bài học về tổ chức chiến tranh giải phóng dân tộc. Hiểu thêm về giá trị của sự hi sinh vì Tổ quốc của các bậc cha ông đi trước, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào, đoàn kết dân tộc...

Cuộc chiến tranh này sẽ được nhắc đến lần thứ 2 trong chủ đề về 'Lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam'. Cuộc đấu tranh chống các hành vi xâm hại đến chủ quyền quốc gia cả trên đất liền và trên biển. Lần thứ 3 sẽ được trình bày trong chuyên đề về lịch sử ngoại giao Việt Nam. Đấu tranh ngoại giao cũng là một bộ phận của đấu tranh rộng lớn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia.

Nguyên tắc của giáo dục Lịch sử được quán triệt ở đây là sòng phẳng với quá khứ, khách quan, trung thực và nhân văn, tiến bộ. Nếu không thì là có lỗi với Tổ quốc, với tiền nhân, với những người đã hi sinh vì đất nước. Tuy nhiên không được dùng lịch sử để kích động hận thù dân tộc, kì thị tôn giáo hay văn hóa của hiện tại và tương lai", GS.TS Phạm HồngTung nhấn mạnh.

Đình Tuệ

Tác giả: spadmin

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây