Tầm nhìn thời đại
- Sau hàng chục năm nghiên cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam, bây giờ nhìn lại, ông cho rằng dân tộc ta cần phải xem xét, định vị mình một cách thấu đáo ra sao?
GS. TS. Phạm Hồng Tung |
- Đã 73 năm trôi qua kể từ bước ngoặt lịch sử 2.9.1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tên nước Việt Nam có một ý nghĩa rất đặc biệt. Dân ta từng mất tên nước của mình nhiều lần. Thời Bắc thuộc, rồi thực dân Pháp đô hộ, gọi nước ta là An Nam, chia thành Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ. Mất hai chữ Việt Nam khiến cho ngay cả phong trào yêu nước, phong trào giải phóng dân tộc bấy giờ, đôi khi cũng lạc lối. Đến khi nhận thức chín muồi, Bác Hồ về nước năm 1941 đặt ra đường lối chiến lược cách mạng mới, đặt vấn đề dân tộc trong phạm vi từng dân tộc, phấn đấu giành lại nước Việt Nam, khẳng định tư cách tồn tại của mình trong cộng đồng nhân loại. Việt Nam, đấy không phải là đất nước lạc hậu, quân chủ chuyên chế mà nhà Nguyễn đã làm mất vào tay Pháp, mà là nước Dân chủ, gắn với thể chế Cộng hòa, đối lập với quân chủ phong kiến. Đó là sự khẳng định phẩm giá dân tộc ở tầm cao thời đại, là kết tinh tinh hoa văn hóa chính trị của dân tộc và nhân loại.
- Nhìn vào hiện tại, trước thách thức đưa dân tộc lên tầm cao mới, ông có nhận định gì?
- Đối sánh hai chiều kích, lịch sử và hiện đại, để thấy ta đang ở vị thế tụt hậu khá xa so với các nước tiên tiến, phát triển trên toàn cầu. Từ tụt hậu về trình độ kéo theo thua kém nhiều mặt, kể cả văn hóa. Muốn hiện thực hóa khát vọng “dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu”, bây giờ phải điểm lại hành trang ta có. Quan trọng là kinh nghiệm đúc kết từ quá khứ.
- Nhưng chúng ta cũng đã nói nhiều, về việc muốn hướng tới tương lai phải rà lại những trải nghiệm của dân tộc trong quá khứ, biết cái hay để kế thừa, cái dở để bỏ đi…
- Nói nhiều rồi nhưng không bao giờ cũ. Dẫn chứng một việc trực tiếp liên quan đến Việt Nam bây giờ, lịch sử cận đại có nhân vật Phan Đình Phùng, vị anh hùng kiệt xuất, xả thân cứu nước mà dân ta đều kính ngưỡng. Nhưng có một góc khuất lâu nay nhiều người không biết. Khoa thi Đình năm 1877, vua Tự Đức trực tiếp ra đề, đại ý: Nước Nhật Bản và nước ta xưa nay đều chịu giáo hóa thánh hiền. Nay nước Nhật Bản nhờ học theo các nước Thái Tây mà được phú cường. Trẫm hỏi các khanh, ta có nên làm như nước Nhật Bản không? Hay ở chỗ, Minh Trị Duy Tân diễn ra ở Nhật Bản năm 1868, tức chưa đầy 10 năm, ở Huế đã có đề thi như thế, để thấy vua quan nhà Nguyễn cũng mở mắt rất to cập nhật tình hình thế giới, trăn trở suy tư con đường phát triển đất nước. Bài văn Đình đối của Phan Đình Phùng có thể tóm tắt: Muôn tâu bệ hạ, thần trộm nghĩ, nước Nhật Bản và nước ta xưa nay đều do giáo hóa thánh hiền. Nước Nhật Bản nay nhờ học theo các nước Thái Tây mà được phú cường, nhưng thần cho rằng dẫu có phú cường thì cũng hóa ra loài mọi rợ. Câu trả lời được chấm đỗ đầu. Nó tiêu biểu cho tư duy cực kỳ bảo thủ của trí thức Nho giáo lúc bấy giờ. Bi kịch dẫn đến mất nước giữa thế kỷ XIX là những người yêu nước nhất, có trách nhiệm với đất nước lại không có tầm nhìn thời đại. Bi kịch đó không được phép lặp lại ở thế kỷ XXI.
Chia sẻ khát vọng dân tộc
- Khát vọng đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ các nước phát triển, văn minh, với điều kiện nước ta hiện nay, kỳ vọng ấy có tính hiện thực không, thưa ông?
- Kỳ vọng một điều ảo tưởng, nhân loại có nhiều rồi. Đấy là nguyên nhân đầu tiên của thất bại. Tôi cho rằng, trong các kỷ nguyên văn minh nguyên thủy, văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, người ta dường như không có cơ hội đi tắt, đón đầu, “phát triển nhảy vọt”, nhưng trong kỷ nguyên văn minh trí tuệ, Cách mạng 4.0 và toàn cầu hóa, thực hiện chiến lược phát triển rút ngắn, vượt qua khoảng cách tụt hậu là cơ hội có thật. Một số nước như Singapore và Hàn Quốc đã thực hiện thành công chiến lược phát triển rút ngắn.
- Trong nghiên cứu của mình, ông khẳng định văn hóa là bệ đỡ cho chiến lược phát triển của một quốc gia…
- Kinh nghiệm phát triển mỗi nước có thể khác nhau nhưng cái chung là bệ đỡ văn hóa, cụ thể là văn hóa chính trị. Hàn Quốc là dân tộc ảnh hưởng sâu sắc bởi Nho giáo, họ biết vận dụng để đưa lại di sản văn hóa chính trị cho phát triển. Singapore là bài học tầm nhìn. Tiềm lực vật chất không nhiều nhưng họ biết tận dụng lợi thế quốc gia đa văn hóa, biến thành ưu thế bền vững, ở chỗ không chỉ hội tụ sắc tộc mà còn hội tụ nhân tài...
- Không ít người, kể cả các học giả vẫn băn khoăn định nghĩa triết lý văn hóa, hệ giá trị của dân tộc Việt Nam?
- Hiểu về hệ giá trị, triết lý, văn hóa là cần. Nhưng với tư cách chuyên gia nghiên cứu về lịch sử, văn hóa không chỉ ở Việt Nam mà cả nước ngoài, tôi cho rằng băn khoăn quá nhiều về định nghĩa thì không chính đáng. Thời kỳ hội nhập quốc tế, quan trọng là phải biết mình biết người. Người Việt Nam phải hiểu di sản văn hóa Việt Nam và có phẩm chất công dân toàn cầu. Trang bị điều ấy mới là hành trang để Việt Nam phát triển “đi tắt đón đầu”.
- Vậy hành trang ấy từ đâu mà có, làm sao nhận diện, thưa ông?
- Nó xuất hiện qua nghiên cứu, nhưng điều quan trọng hơn nằm ở tuyên truyền, giáo dục, cung cấp đầy đủ thông tin để mỗi người biết cái nào là đúng, là hay, biến cái không hay thành lợi thế. Chẳng hạn, tinh thần cốt lõi nổi trội của người Việt là yêu nước, nhưng giá trị này nằm ở tầng sâu, không dễ thấy, vậy phải tạo điều kiện cho nó bộc lộ bằng hành vi thiết thực. Như thế, giá trị yêu nước mới thoát khỏi tình trạng cảm tính, xa vời, trống rỗng, thành nguồn lực thôi thúc, định hướng cho hành động. Ví dụ khác, người Việt Nam có tính tùy tiện, “bật lửa soi xăng” là chuyện có thật. Trong kháng chiến, tính tùy tiện đó biến thành thích ứng cao, là tảng nền văn hóa của chiến tranh du kích, đánh bại chiến tranh chính quy của Pháp, Mỹ. Thời kỳ xây dựng đất nước, đặc tính này rõ ràng không ổn, nhưng hàng trăm thế hệ đã quen nếp, vậy phải biết lọc ra ngành nghề phù hợp.
- Vậy, ông nghĩ thế nào về luận điểm đi tìm một Việt Nam mới trong văn hóa?
- Đi tìm một Việt Nam mới luôn luôn là hành trình của dân tộc ta từ trước đến nay, như lẽ sinh tồn. Thứ nhất, Việt Nam ở vào điểm kết nối các nền văn minh nên luôn phải tự đặt dấu hỏi: Nên tiếp thu cái gì của nhân loại? Trả lời câu hỏi ấy là vấn đề trong suốt chiều dài hàng nghìn năm qua. Thứ hai, dân tộc Việt Nam trong lịch sử nhiều lần phải đánh giặc ngoại xâm, thường kẻ địch mạnh hơn rất nhiều. Cơ hội chiến thắng chỉ có thể là đoàn kết toàn dân, muốn vậy phải hiểu được mình.
Nhận diện một dân tộc ở đâu? Các bản Tuyên ngôn độc lập trong lịch sử Việt Nam đều đã khẳng định, đó là văn hóa. Đánh giặc Tống thì tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”, tức là về quyền làm chủ non sông. Trong “Bình Ngô đại cáo” thì: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Đến thời vua Quang Trung thì: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/…/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước bắt đầu bằng tìm hiểu đằng sau khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái của người Pháp là cái gì, rồi Người mở đầu Tuyên ngôn Độc lập cũng thấm đẫm chất văn hóa ở chỗ trích dẫn bản Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền của Pháp, Tuyên ngôn độc lập của Mỹ.
Thời đại đang cần mỗi người biết chia sẻ nỗi hổ thẹn về sự tụt hậu, cần cả dân tộc có chung khát vọng phát triển. Đi tìm một Việt Nam mới ở đây là một Việt Nam hiểu về chính mình, dùng sức mạnh văn hóa làm dung môi, động lực, làm ngọn đuốc trí tuệ để phát triển nhanh và bền vững, để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”.
- Xin cảm ơn ông!
Lê Thư- DBND
Tác giả: spadmin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn