ĐHQGHN xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài về khoa học và giáo dục với nhiều đối tác Liên bang Nga

Chủ nhật - 25/10/2020 22:10
Ngày 19/10/2020, tại ĐHQGHN, Chi hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Khoa Quốc tế - ĐHQGHN tổ chức Hội thảo quốc tế “70 năm hợp tác Việt – Nga về giáo dục và khoa học”.

Ông Vadim Vladimirovich Bublikov - Tham tán Công sứ (Phó Đại sứ) ĐSQ Liên bang Nga tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo là một trong các hoạt động khoa học hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Nga (Liên Xô trước đây, viết tắt là LB Nga), 65 năm giảng dạy tiếng Nga ở ĐHQGHN (trước đây là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).

Đến dự hội thảo về có ông Vadim Vladimirovich Bublikov - Tham tán Công sứ (Phó Đại sứ) ĐSQ Liên bang Nga tại Việt Nam; Bà Vishnitskaya Elena - Quyền Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội; Ông Kochin - Giám đốc điều hành Quỹ thế giới Nga;  Lãnh đạo Hội Vinakorvuz;  Lãnh đạo Phân viện Puskin tại Việt Nam; lãnh đạo ĐH Tổng hợp Liên bang Viễn Đông; ĐH Năng lượng Matxcva và Học viện Hàng không Matxcova.

Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có Giám đốc  ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn, lãnh đạo các trường đại học thành viên của ĐHQGHN và các trường đối tác của liên bang Nga: Lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nga; 200 đại biểu đến từ các địa phương trong cả nước; các đồng chí trong ban chấp hành Chi hội Hữu nghị Việt - Nga tại ĐHQGHN; các nhà nghiên cứu và đặc biệt sự có mặt của sinh viên Khoa tiếng Nga của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và sinh viên chương trình Tin học và Kỹ thuật máy tính, liên kết giữa Khoa Quốc tế, ĐHQGHN và Trường Đại học Kỹ thuật Năng lượng Mát-xcơ-va.

 Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo

Vinh dự đón nhận các danh hiệu cao quý của Liên bang Nga

Tại phiên khai mạc Hội thảo, ông Vadim Vladimirovich Bublikov - Tham tán Công sứ (Phó Đại sứ) ĐSQ Liên bang Nga tại Việt Nam đã trao tặng Huy chương Hữu nghị của Trung ương Hội Hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam cho PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN và Bằng khen của Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam cho Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn thay mặt cán bộ, giảng viên, sinh viên, nhiệt liệt chúc mừng các quí vị đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế Kỷ niệm “70 năm hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga về giáo dục và khoa học” ngày hôm nay. Với sự cố gắng của các đại biểu, các nhà khoa học và chuyên gia hai nước, Hội thảo của chúng ta diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, chưa từng có tiền lệ bởi dịch bệnh Covid - 19.  Giám đốc ĐHQGHN tin tưởng, với nỗ lực của mỗi cá nhân và chính phủ các nước, trong thời gian không xa tình hình dịch bệnh sẽ kiểm soát và đẩy lùi.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương 1950 – 2020, giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, sự hợp tác giữa chúng ta ngày càng được khẳng định, phát triển và bền chặt, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và khoa học. Nhiều chương trình hợp tác về đào tạo, nghiên cứu chung và trao đổi sinh viên đã được triển khai thành công, ĐHQGHN nói riêng và các trường đại học của Việt Nam nói chung và các đại học hàng đầu của Nga đã có truyền thống hợp tác trong nhiều lĩnh vực về: Khoa học Tự nhiên, Công nghệ, Khoa học Xã hội và Nhân văn, đặc biệt là các chuyên ngành nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Nga tại Việt Nam, cũng như nghiên cứu và đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga. ĐHQGHN, chúng tôi, đã xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài với nhiều đối tác Liên bang Nga và thể hiện vai trò cầu nối trong phát triển hợp tác giáo dục, khoa học và văn hóa Việt Nam - Liên bang Nga.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đón nhận Huy chương Hữu nghị của Trung ương Hội Hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam

Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Hội thảo ngày hôm nay là cơ hội để chúng ta một lần nữa nhìn lại những chặng đường hợp tác, chúng ta đã cùng nhau phát triển và hướng tới những kế hoạch cho tương lai. Trong hội thảo này, tôi cũng rất vinh dự được nhận Huy chương Hữu nghị của Trung ương Hội hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam trao tặng, đó là một biểu tượng của tình đoàn kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia. Đồng thời, thay mặt Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN, tôi xin cảm ơn Đại sứ quán Liên bang Nga đã có Bằng khen ghi nhận và đánh giá những đóng góp và công sức của thầy cô và các sinh viên Khoa trong việc phát triển Ngôn ngữ và Văn hóa Nga ở Việt Nam trong suốt 65 năm qua. Vinh dự này không chỉ có giá trị đối với bản thân chúng tôi, mà còn có ý nghĩa đối với các cán bộ và sinh viên ĐHQGHN. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các đồng nghiệp và sinh viên đẩy mạnh hợp tác hiệu quả giữa ĐHQGHN với các đại học và đối tác Liên bang Nga trong giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học”. 

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tiếp và trao đổi thông tin với Tham tán Công sứ ĐSQ Liên bang Nga tại Việt Nam Vadim Vladimirovich Bublikov

Tăng cường vị thế học thuật của ĐHQGHN trong mối quan hệ với các đối tác Liên bang Nga

Hội thảo là diễn đàn khoa học góp phần tăng cường vị thế học thuật của ĐHQGHN trong mối quan hệ với các đối tác Liên bang Nga, cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa đội ngũ các nhà khoa học của Việt Nam với các đối tác LB Nga nói riêng và giữa ĐHQGHN với các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học của LB Nga nói chung. Hội thảo cũng góp phần phát triển mạng lưới học thuật, thúc đẩy hợp tác toàn diện trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học giả, sinh viên, … giữa Việt Nam và LB Nga.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Chi hội Hữu nghị Việt-Nga ĐHQGHN, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết: Hội thảo đã nhận được đăng ký tham gia với hơn 60 báo cáo khoa học của 150 tác giả  trong và ngoài nước, đến từ các trường đại học lớn của LB Nga như ĐH Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, ĐH Tổng hợp Xanh Peterburg, ĐH Tổng hợp Iarkut, Trường ĐH Ngoại ngữ Matxcova, ĐH Quan hệ quốc tế Matxcova, ĐH năng lượng Matxcva, Học viện Hàng không Matxcova, ĐH Xây dựng Matxcova và Viện Hàn lâm Khoa học Nga, và đến từ các địa phương của Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Gia Lai.

Các báo cáo của Hội thảo tập trung vào các chủ đề chính: Lịch sử quan hệ Việt – Nga; Giảng dạy tiếng Nga cho người Việt và tiếng Việt cho người Nga; Dịch thuật tiếng Nga; Hợp tác về văn hóa, nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa Việt Nam, CHLB Nga và các nước nói tiếng Nga.

Đại diện Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN đón nhận Bằng khen của Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam

 

Các báo cáo khoa học của các tác giả tại hội thảo đã trình bày những phát hiện mới, kết quả nghiên cứu mới, cũng như những tổng quan khá toàn diện và đa dạng, sâu sắc trong các lĩnh vực hợp tác về khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, khai thác dầu khí ở vùng biển Việt nam, an ninh quốc phòng, văn học, nghệ thuật, dịch thuật cho đến phương pháp giảng dạy tiếng Nga, ngôn ngữ và văn hóa Nga.

Hội thảo cũng nhận được các báo cáo về hợp tác Việt-Nga và ảnh hưởng của trường phái xô viết trong lĩnh vực Việt Nam học, khảo cổ học, nhân học, báo chí, luật học và đảm bảo an ninh trật tự ở Việt Nam. Cũng có những báo cáo chuyên sâu như Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga; những đặc điểm nổi bật chính sách “hướng Đông” của LB Nga và tác động của nó tới quan hệ hợp tác chiến lược Việt –Nga; 

Hội thảo cũng nhận được những báo cáo trình bày kết quả nghiên cứu một số nhân vật trong các tác phẩm của Lermantov, Chekhov, Dostoievsky và trong thơ Puskin của các nhà nghiên cứu Việt Nam và nghiên cứu về Nhật Ký trong tù của học giả người Nga; những nghiên cứu và phân tích thực trạng giảng dạy tiếng Nga ở Việt Nam hiện nay, dạy tiếng Việt cho cộng đồng Việt nam ở LB Nga; những ưu, nhược điểm của việc dạy tiếng Nga qua các phương tiện trực tuyến; cũng như những giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc Việt Nam trong cộng động Việt Nam tại Nga; phát huy văn hóa ẩm thực Việt Nam bằng tiếng Nga qua các mạng xã hội; …

Những báo cáo trình bày tại hội thảo hết sức phong phú và đa dạng, có nhiều thông tin và nhận thức mới. Số lượng đại biểu, nội dung các báo cáo, cũng như sự tham gia của các nhà khoa học từ nhiều địa phương khác nhau ở Việt Nam và các học giả từ nhiều trường đại học từ LB Nga cho thấy quy mô và sức hút của Hội thảo đối với các nhà khoa học, với các trường đại học của 2 nước, và đặc biệt là tình cảm yêu quý, tình yêu nước Nga chân thành và sâu sắc của các cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nga; sự hợp tác chiến lược sâu sắc, toàn diện và hiệu quả, truyền thống giữa 2 nước, tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc.

 Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn tặng hoa chúc mừng Phó Đại sứ nga; đại diện lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nga; lãnh đạo Chi hội hữu nghị Việt Nga tại ĐHQGHN và BTC hội thảo quốc tế 70 năm hợp tác Việt Nga về giáo dục và Khoa học, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác Việt - Nga.

Nối dài những hoạt động hợp tác

Không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật, Hội thảo còn là sự kiện quan trọng của Hội hữu nghị Việt-Nga tại ĐHQGHN trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm hữu nghị, hợp tác. Với bề dày truyền thống của sự hợp tác sâu sắc, hiệu quả và thủy chung giữa các nhà khoa học của ĐHQGHN với các nhà khoa học của LB Nga, giữa các trường đại học thành viên của ĐHQGHN với các trường đại học của LB Nga, với hàng nghìn giảng viên, các nhà khoa học ưu tú qua nhiều thế hệ suốt 70 năm qua, Chi hội hữu nghị Việt Nga là chi hội đông và mạnh.

Đặc biệt hiện nay, ĐHQGHN cũng là cơ sở giáo dục đào tạo hiếm hoi ở Việt Nam tiếp tục duy trì Khoa tiếng Nga, phòng đọc thế giới Nga, giảng dạy tiếng Nga ngay cả ở bậc Trung học phổ thông chuyên; có chương trình liên kết quốc tế đào tạo cử nhân Tin học và Kỹ thuật máy tính, giảng dạy bằng tiếng Anh, do ĐHQGHN cấp bằng giữa Khoa Quốc tế ĐHQGHN và Trường Đại học Năng lượng Matxcova.

"Ngay từ ngày đầu thành lập vào năm 2002, Khoa Quốc tế - ĐHQGHN đặc biệt chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với các trường đại học Liên bang Nga. Trong năm 2002, Khoa Quốc tế Việt – Nga áp dụng chuyển giao và triển khai mô hình đào tạo dự bị đại học quốc tế và tuyển sinh khóa sinh viên ngành Kế toán, Phân tích và Kiểm toán - chương trình liên kết đào tạo đầu tiên do ĐHQGHN cấp bằng. Và hiện tại Khoa đang đào tạo khóa sinh viên thứ 3 ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính. Trong thời gian sắp tới,  Khoa sẽ cùng các đối tác chiến lược của mình là  Trường Đại học Kỹ thuật Năng lượng Mát-xcơ-va và Trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông triển khai các mô hình đào tạo đồng cấp bằng, đào tạo liên kết, hợp tác trong nghiên cứu khoa học và trao đổi sinh viên, giảng viên", PGS.TS Lê Trung Thành, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế, ĐHQGHN đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo quốc tế, chia sẻ. 

Thành viên của Chi hội hữu nghị của ĐHQGHN không chỉ là những nhà khoa học, các trí thức có tên tuổi mà còn có rất nhiều hội viên trẻ. Tin rằng, Chi hội sẽ có nhiều hoạt động hợp tác tích cực, phong phú và đa dạng, đóng góp xứng đáng và hiệu quả vào việc duy trì và phát triển sự hợp tác giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc.

Theo Website Đại học Quốc gia Hà Nội

Tác giả: spadmin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây