Sáng ngày 26/5/2022, tại Trường Đại học Phenikaa đã diễn ra Lễ khởi động Dự án nghiên cứu “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam” (gọi tắt là 3SIP2C – Sources, Sinks and Solutions for Impacts of Plastics on Coastal Communities in Viet Nam).
Dự án 3SIP2C do Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRF) tài trợ thông qua Hội đồng nghiên cứu Môi trường tự nhiên (NERC) thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo – Vương quốc Anh (UKRI) và được thực hiện bởi Đại học Heriot-Watt (Vương quốc Anh) và 07 đối tác tại Việt Nam, bao gồm: Trường Đại học Phenikaa (Đơn vị đầu mối); Viện Môi trường và Tài Nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nộị), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thuỷ sản; Viện Kinh tế Quy hoạch Thuỷ sản; và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường.
Tham dự buổi lễ có đại diện Đại học Heriot-Watt – GS. Michael Kaiser – Giám đốc dự án và GS. Thomas Wagner – đồng phụ trách dự án; đại diện lãnh đạo các cơ quan triển khai dự án phía Việt Nam và các bên liên quan khác nhau.
GS. Michael Kaiser – Đại học Heriot-Watt, Giám đốc dự án 3SIP2C
Về phía cơ quan quản lý nhà nước có TS. Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Phía Đại sứ quán Anh tại Việt Nam có sự tham dự của bà Phan Liên Hương – Quản lý Chương trình Hợp tác Nghiên cứu Khoa học và Đổi mới Sáng tạo; cùng hơn 60 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện, tổ chức phi chính phủ làm việc trong lĩnh vực môi trường, chính sách, sức khỏe, thủy sản và du lịch…
Đặc biệt, tham dự buổi lễ còn có đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn một số địa phương (Hải Phòng, Nam Định và Bến Tre).
Theo kế hoạch, Dự án sẽ thực hiện việc thu mẫu và tham vấn chính quyền và cộng đồng tại các địa phương nói trên nên việc tham dự của đại diện các địa phương có ý nghĩa quan trọng.
Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, GS. Phạm Thành Huy – Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikka khẳng định sự đồng hành của Phenikaa cùng dự án, sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp, các trường đại học, các Viện và Trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam cũng như quốc tế để chuyển giao tri thức, phục vụ cộng đồng nhằm giúp không chỉ sinh viên phát triển toàn diện mà còn thể hiện cam kết của nhà trường đối với các mục tiêu phát triển bền vững.
Lãnh đạo/ đại diện các đơn vị tham gia buổi lễ khởi động Dự án
Trong bài phát biểu khai mạc và giới thiệu tổng quan về dự án, GS. Michael Kaiser khẳng định, Dự án 3SIP2C sẽ góp phần làm rõ hơn về nguồn phát sinh rác thải nhựa đại dương và tác động của rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế-xã hội của các cộng động cư dân ven biển, chất lượng môi trường, sức khoẻ của hệ sinh thái tự nhiên và sức khoẻ con người. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, dự án sẽ đề xuất các chính sách và giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển tại Việt Nam.
Tại buổi lễ, đại diện phía cơ quan quản lý nhà nước bà Nguyễn Thị Phương Dung đã trình bày Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản giai đoạn 2020 – 2030. Bên cạnh đó, đại diện các hợp phần của dự án 3SIP2C cũng đã trình bày mục tiêu, phương pháp và hoạt động của từng hợp phần cụ thể.
Trong phiên giới thiệu về các Hợp phần của Dự án và thảo luận chung, dưới sự chủ trì của GS. Michael Kaiser và TS. Ngô Thị Thuý Hường – đồng Giám đốc Dự án tại Việt Nam (Trường Đại học Phenikaa), các mục tiêu, kế hoạch hoạt động và kết quả mong đợi của từng Hợp phần đã được giới thiệu đến người tham dự và các bên liên quan. Đồng thời, Dự án cũng đã có được nhiều lời chúc mừng và đóng góp ý kiến quý báu cho các hoạt động của Dự án trong thời gian sắp tới.
Các đại biểu tham dự đánh giá cao vai trò và ý nghĩa của Dự án đối với vấn đề quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam, đồng thời cũng thảo luận, trao đổi về các vấn đề liên quan đến địa điểm và phạm vi thu mẫu, phương pháp nghiên cứu, thời gian thực hiện và cách thức sử dụng, công bố các kết quả nghiên cứu. Một số ý kiến từ đại diện của các địa phương nhấn mạnh đến thông tin, số liệu để giám sát hiệu quả thực hiện các chính sách và mong muốn được kế thừa các kết quả của dự án sau này để phục vụ tốt hơn công tác xây dựng và thực hiện chính sách quản lý rác thải nhựa tại địa phương.
Phát biểu kết thúc buổi lễ, GS. Michael Kaiser và TS. Ngô Thị Thuý Hường thay mặt Nhóm thực hiện Dự án gửi lời cảm ơn chân thành đến các đại biểu tham dự, ghi nhận các ý kiến đóng góp và mong muốn được chia sẻ thông tin, phối hợp với các bên liên quan, đặc biệt là các địa phương và các cơ quản quản lý Nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án.
Nguồn: Trường Đại học Phenikaa
Tác giả: spadmin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn