Khi nói đến “trí thức”, trong ý thức của nhiều người, nhiều quốc gia, hầu như mặc nhiên coi đây là khái niệm chủ yếu dành cho phái nam, giống như một số nghề mang tính thiên “nam”. Sự phân biệt giới tính một cách thiếu ý thức này thể hiện rõ khi một hoặc một nhóm người mang những tiêu chí tương tự thì được gắn thêm chữ “nữ”, tạo thành các từ mang tính định kiến giới “nữ công an”, “nữ bác sĩ”, “nữ quân nhân”…và “nữ trí thức”, chứ không bao giờ gắn với chữ “nam”. Chắc hẳn các nhà ngôn ngữ học trong quá trình tạo từ mới để phản ánh những hiện tượng xã hội mới đã lưu ý đến đặc thù thiên hướng “giới” của một số tầng lớp, nghề nghiệp trong xã hội.
Phó Giáo sư đánh giá thế nào về vai trò của nữ trí thức trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay?
Có thể nói nữ trí thức là một bộ phận tinh hoa của phụ nữ thuộc mọi dân tộc. Họ là những người được đào tạo nghiêm túc, có kiến thức sâu rộng về một lĩnh vực nào đó, có trình độ, có vị trí khoa học và có những đóng góp không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Trước khi hoặc đồng thời với việc họ bước vào tầng lớp trí thức, họ là những người vợ, người mẹ với những thiên chức trong gia đình mà xã hội đã định sẵn. Họ phải sinh con, nuôi con, lo toan cuộc sống gia đình và làm những công việc vốn được coi là “thiên chức” thuộc trách nhiệm của họ, còn trách nhiệm của đàn ông chỉ ở vai trò ‘hỗ trợ” hay “giúp đỡ”. Do vậy, để đạt được một kết quả hay một thành công nào đó trong sự nghiệp, người phụ nữ phải bỏ ra sức lực gần gấp đôi nam giới.
Theo Phó Giáo sư, nữ trí thức trong thời đại ngày nay cần những phẩm chất gì?
Bên cạnh những phẩm chất chung của trí thức Việt Nam trong thời đại hiện nay là phẩm chất trí tuệ cao và trách nhiệm xã hội cao, nữ trí thức cần phải có một phẩm chất nữa hết sức quan trọng, đó là khả năng dung hòa được chức năng “kép”, đó là chức năng “giữ lửa” trong gia đình đồng thời với chức năng của xã hội, của sự nghiệp. Có thể nói đây là một yêu cầu rất đặc thù đối với đội ngũ nữ trí thức Việt Nam. Để có được những tố chất này người trí thức nữ phải dành tâm huyết, thời gian cho việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, phải có thời gian giao lưu, học hỏi... trong khi đó vẫn phải lo toan, sắp xếp như thế nào để vẫn hoàn thành tốt công việc trong gia đình hạnh phúc. Giải bài toán này là thách thức rất lớn đối với nữ trí thức, đòi hỏi sự nỗ lực cao của mỗi cá nhân bên cạnh sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng và xã hội.
Và nữ trí thức có những thế mạnh và hạn chế gì so với nam trí thức?
Tuy đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào đóng góp vào sự phát triển xây dựng đất nước, song thực tế nữ trí thức Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và nhiều trở ngại, hạn chế trong bước đường phấn đấu trưởng thành. Sự khác biệt về giới là yếu tố cơ bản khiến người phụ nữ phấn đấu trở thành một nhà khoa học khó khăn hơn nam giới. Con đưòng bước ra khỏi cánh cửa gia đình để đi vào các hoạt động khoa học của phụ nữ bao giờ cũng là con đường đầy chông gai, không phải người phụ nữ nào cũng có thể vượt qua được. Phụ nữ Việt Nam hiện nay vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức của tư tưởng định kiến giới. Do điều kiện thực tế hiện nay, nhiều cán bộ khoa học nữ phải dành không ít thời gian cho công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái, cũng vì vậy mà nhiều người quá tải về sức lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin; gánh nặng gia đình làm giảm sút sự thăng tiến, vươn lên của họ, tạo cho họ tâm lý an phận, ít nỗ lực phấn đấu.
Vấn đề giải quyết hài hoà giữa sự nghiệp và gia đình luôn là bài toán khó đối với phụ nữ. Có nhiều chị do quá bận rộn với công trình nghiên cứu, với phòng thí nghiệm nên đã bị mất hạnh phúc gia đình, thậm chí, không dám lấy chồng. Ngược lại, có những chị đã phải hy sinh sự nghiệp để chăm lo hạnh phúc gia đình, chấp nhận phấn đấu ở mức độ trung bình.
Vậy cần phải làm gì để đội ngũ nữ trí thức khẳng định mình trong nền khoa học nước nhà?
Nhìn chung, đội ngũ nữ trí thức nước ta hiện nay còn chưa tương xứng với tiềm năng và với yêu cầu mới của đất nước, đặc biệt trong thời đại kinh tế tri thức và hội nhập. Để xây dựng và phát triển tiềm lực của đội ngũ trí thức trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta cần có những biện pháp, chính sách phù hợp đào tạo nguồn nhân lực trí thức, đặc biệt là nữ trí thức. Chính các chế độ, chính sách hợp lý đối với trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng sẽ trở thành động lực hết sức quan trọng để động viên, thu hút và nâng cao khả năng lao động, sáng tạo. Ví dụ những quy định về tuổi nghỉ hưu hiện nay đối với phụ nữ là chưa hợp lý đối với phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục, y tế… Quy định này hạn chế khả năng phát triển đối với những phụ nữ muốn phấn đấu, đồng thời lại là nguyên nhân của tâm lý “trung bình chủ nghĩa”, sau khi sinh con xong, không cần phấn đấu nhiều bởi đằng nào cũng sắp “về hưu”, mặc dù tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới. Từ góc độ nguồn lực lao động, quy định này gây lãng phí cho xã hội và gây khó khăn cho những cơ sở mà tỷ lệ nữ chiếm đại đa số như các cơ quan giáo dục, y tế. Vấn đề này đang là một trong những nội dung “nóng” của các hội nghị, hội thảo quốc tế và quốc gia ở Việt Nam trong cuộc phấn đấu thực hiện bình đẳng trong quyền được lao động của phụ nữ.
Thực tế hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ trí thức nói chung, nữ trí thức nói riêng phát triển lớn mạnh đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Đặc biệt, nhận thức được tầm quan trọng của nữ trí thức trong thời đại mới, Nghị quyết số 11/NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kì đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước” đã chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục tăng cường công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nữ trí thức trong thời kì đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước. Chắc chắn rằng đội ngũ nữ trí thức Việt Nam sẽ ngày càng phát huy vai trò và khẳng định chỗ đứng vững chắc của mình trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Phó Giáo sư có suy nghĩ gì về triển vọng của đội ngũ nữ trí thức ở ĐHQGHN?
Với tư cách là một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu đất nước, trong suốt quá trình phát triển của mình, ĐHQGHN đã đóng góp cho đất nước một lực lượng cán bộ khoa học lớn có trình độ cao, đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu, khoa học, cơ quan giáo dục của đất nước, trong đó không ít người là nữ. Cán bộ, sinh viên ĐHQGHN luôn tự hào khi được nhắc tới tên các giáo sư, các nhà khoa học nữ tiêu biểu đã và đang làm rạng danh cho mái trường của mình như GS.TS Ngô Thị Thuận, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, GS.TS Hoàng Thị Châu, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc… và nhiều giáo sư, nhà khoa học nữ khác. Đây là những người không chỉ tiêu biểu cho trí tuệ, cho niềm đam mê khoa học mà còn tiêu biểu cho nhân cách của phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, giàu lòng nhân ái. Tỉ lệ nữ cán bộ của ĐHQGHN đang có xu hướng tăng nhanh không chỉ về lượng mà còn về chất. Có những đơn vị đào tạo tỉ lệ cán bộ nữ chiếm tới hơn 80%, trong đó rất nhiều chị đã có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư. Nhiều chị giữ những cương vị cao như viện trưởng, giám đốc trung tâm, chủ nhiệm khoa, chủ nhiệm bộ môn. Số lượng nữ sinh cũng chiếm một tỉ lệ cân bằng, nếu không nói là có phần cao hơn trong các trường. Trong số các thủ khoa đầu vào cũng như thủ khoa tốt nghiệp hoặc các sinh viên xuất sắc được nhận học bổng, tỉ lệ nữ sinh thường cao hơn hẳn phái mạnh. Chắc chắn đây sẽ là một nguồn lực lao động quan trọng, chất lượng cao trực tiếp đóng góp cho sự nghiệp CNH, HĐH trong nhiều lĩnh vực, nhiều miền đất của đất nước sau này. Với lực lượng hùng hậu trên, trong thời gian tới, với sự chỉ đạo của Đảng ủy, nữ trí thức của ĐHQGHN sẽ xây dựng đề án thành lập Hội Nữ trí thức ĐHQGHN với tư cách là một bộ phận nòng cốt của Hội Nữ trí thức Việt Nam vừa mới được thành lập năm 2011.
Xin cảm ơn Phó Giáo sư !