Một vài quan niệm về Khu vực học và cách xác định không gian nghiên cứu trong Việt Nam học và Khoa học Phát triển

Thứ hai - 16/09/2019 00:09
“Nghiên cứu phát triển”, “Nghiên cứu phục vụ phát triển” hay “Khoa học phát triển” là một yêu cầu/ nhu cầu tất yếu của tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiểu khái niệm “Khoa học phát triển” như thế nào - Khoa học phát triển là khoa học nghiên cứu về sự phát triển hay nghiên cứu phục vụ phát triển vẫn là vấn đề cần tiếp tục thảo luận ở cả Việt Nam và trên thế giới. Có thể thấy với khoa học nói chung thì “nghiên cứu phát triển” và “nghiên cứu phục vụ phát triển” là hai mặt của một vấn đề hay hai nội dung cần phải được thực hiện trong tất cả các đề tài, công trình nghiên cứu. Để có thể nghiên cứu phục vụ phát triển thì các nhà khoa học, công trình khoa học cũng phải biết, phải hiểu về phát triển hay phải nghiên cứu bản thân sự phát triển (của các sự vật, hiện tượng, các đối tượng nghiên cứu) và ngược lại, khi nghiên cứu sự phát triển, các nhà khoa học, các công trình nghiên cứu cũng phải nhằm đạt đến mục đích cuối cùng là phục vụ (cho sự) phát triển. Và, quan trọng hơn cả là các đề tài, công trình nghiên cứu về bản thân (sự) phát triển (Việt Nam học truyền thống/ cổ truyền với mục tiêu hiểu biết tổng thể về khu vực nghiên cứu – khoa học cơ bản) hay nghiên cứu phục vụ phát triển (Việt Nam học phát triển, các công trình nghiên cứu phục vụ phát triển toàn bộ đất nước Việt Nam hoặc từng khu vực trên đất nước Việt Nam), được triển khai tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đều phải/ đều dựa trên cách tiếp cận khu vực và phương pháp nghiên cứu liên ngành. Chính vì vậy, bài viết này xin được đề cập/ trình bày một vài quan niệm về Khu vực học và cách áp dụng các quan niệm đó vào việc xác đinh không gian nghiên cứu của các công trình, đề tài nghiên cứu ở Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.11:09 16/09/2019

1. Một vài quan niệm về Khu vực học

            Mặc dù đã ra đời và phát triển trong hơn nửa thế kỷ, nhưng cho đến nay, về cơ bản hầu như chưa có một khái niệm Khu vực học (Area Studies) nào được sử dụng một cách thống nhất, cả trên thế giới và ở Việt Nam. Dựa trên các nền tảng học thuật và mục tiêu chuyên môn/ khoa học khác nhau, các nhà khoa học trên thế giới và ở Việt Nam, đã đưa ra một số quan điểm khác nhau về Khu vực học. Có thể thấy họ luôn cố gắng đề cập/ xác định đối tượng, mục đích, phương pháp tiếp cận, nghiên cứu cho ngành khoa học mới mẻ này trên cở sở việc xác định đối tượng, mục đích và phương pháp tiếp cận, nghiên cứu của những đề tài, công trình nghiên cứu cụ thể.

            Trong công trình nghiên cứu quan trọng của mình, ở phần II: “Khu vực học ở Việt Nam”, mục 3.1.1 “Về thuật ngữ “Nghiên cứu khu vực (area studies) và biến cách của nó: góc nhìn Việt Nam”, GS.TS Trương Quang Hải và các cộng sự đã dẫn khái niệm “Khu vực” (Area) trong cuốn Từ điển tiếng Anh, được biên tập bởi Angus Stevenson, Đại học Oxford xuất bản năm 2010. Cụ thể “Khu vực được hiểu là 1 vùng, hoặc 1 phần của 1 thành phố, 1 đất nước hay thế giới [Area: a region or part of a town, a country, or the world]”[1] và khái niệm Khu vực học trong cuốn Từ điển Khoa học xã hội của từ điển tiếng Anh với định nghĩa Khu vực học của Craig Calhoun và cộng sự, được Đại học Oxford ấn hành năm 2002: “Khu vực học là lĩnh vực tập trung nghiên cứu về các vùng nhất định trên thế giới. Về cơ bản, Khu vực học quan niệm rằng các nhân tố văn hóa, chính trị, địa lý,v.v. thống nhất với đặc điểm của con người và cộng đồng xã hội trong một vùng, tạo nên những sự khác biệt giữa vùng này với các vùng khác [Area studies: The concentration of scholarship on specific regions of the world. Underlying area studies is the view that cultural, political, geographic, and other factors unify the peoples and societies of a region in significant ways and impede cross-regional generalizations]”[2]. Nhưng sau đó, GS và các cộng sự lại cho rằng “Có thể hiểu "Nghiên cứu khu vực" không phải là một ngành học, một môn học cụ thể có những kiến thức giáo khoa bài bản và hệ thống như các môn học khác như Văn học, Toán học, Vật lý, Lịch sử. Đúng hơn, nghiên cứu khu vực là một khuynh hướng nghiên cứu hay một lĩnh vực khoa học dựa trên phương pháp đa ngành, liên ngành, xuyên ngành với những thông tin kiến thức bao quát, rất rộng, nhưng không giới hạn ở một lĩnh vực học thuật nhất định nào” và “Vì vậy, chúng tôi cho rằng thuật ngữ "nghiên cứu khu vực" có thể gần gũi về ngữ nghĩa hơn (với thuật ngữ Area studies ở trên) so với thuật ngữ “Khu vực học”[3].

          GS Yumio Sakurai, Đại học Quốc gia Tokyo, một nhà Khu vực học hàng đầu của Nhật Bản, trong công trình “Khu vực học là gì” cho biết “Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Nhật Bản đã du nhập khái niệm phương pháp nghiên cứu khu vực của Mỹ và xây dựng Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở trường Đại học Tổng hợp Kyoto như một cơ quan trung tâm nghiên cứu khu vực lớn nhất ở Nhật” và “Từ đó đến nay đã tổ chức rất nhiều hội thảo về nghiên cứu khu vực. Nhưng ở Nhật Bản thì chưa đi đến thống nhất về khái niệm nghiên cứu khu vực là gì”[4]. Dù bài nghiên cứu có tiêu đề “Khu vực học là gì?”, trong đó có mục “Khái niệm Khu vực học” (mục 1.3), nhưng GS cũng không đưa ra một khái niệm nào về Khu vực học. Sau khi khẳng định “Bây giờ chúng tôi muốn đề xuất một lĩnh vực mới có tên là Khu vực học” GS chỉ đưa ra quan điểm của mình về mục đích của Khu vực học “Mục đích Khu vực học là để hiểu toàn bộ khu vực chứ không phải góp phần phát triển các lĩnh vực khoa học khác”[5]. Kèm theo đó GS đưa ra ví dụ về nghiên cứu lịch sử Việt Nam để chỉ ra nguyên tắc cơ bản của Khu vực học. GS viết “Ví dụ nghiên cứu lịch sử Việt Nam không phải là một phần của lịch sử thế giới mà là một phần Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với các yếu tố Việt Nam. Đó là nguyên tắc cơ bản của Khu vực học”[6].

            Trong bài phát biểu đề dẫn cho Hội thảo khoa học quốc tế với tiêu đề “Khu vực học: Cơ sở lý luận thực tiễn và phương pháp nghiên cứu” do Viện VNH&KHPT phối hợp với Khoa Khu vực học, Đại học Quốc gia Tokyo (Nhật Bản) tổ chức tại Hà Nội, năm 2006, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện VNH&KHPT (giai đoạn 2004-2013), khẳng định “Khu vực học lấy không gian văn hoá - xã hội bao gồm các lĩnh vực hoạt động của con người và quan hệ tương tác giữa con người và điều kiện tự nhiên làm đối tượng nghiên cứu. Mục đích của Khu vực học là đạt tới những nhận thức tổng hợp về một không gian, tìm ra những đặc điểm của tự nhiên và của đời sống con người trong không gian đó”[7]. Quan điểm trên của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc tiếp tục được đề cập và phát triển trong đề tài khoa học “Khu vực học trên thế giới và ở Việt Nam: lý luận và thực tiễn” do GS.TS Trương Quang Hải, Phó Viện trưởng Viện VNH&KHPT (giaiđoạn 2004-2013), chủ trì thực hiện (đã được đề cập ở trên). Trong Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu của đề tài (đang được biên tập chuẩn bị xuất bản), GS.TS Trương Quang Hải tiếp tục khẳng định “... Khu vực học lấy không gian lịch sử - văn hoá làm đối tượng tìm hiểu. Mục đích của khu vực học là đạt tới những nhận thức tổng hợp về một không gian, trong đó mối liên hệ mật thiết giữa các lĩnh vực hoạt động của con người và quan hệ tương tác giữa con người và điều kiện tự nhiên được nghiên cứu một cách đầy đủ”[8].

            Trong một đề tài nghiên cứu gần đây (của Viện VNH&KHPT) “Cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng ngành Hà Nội học”, GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện VNH&KHPT (bắt đầu từ 2013), đã dành một phần viết đề cập đến Khu vực học và khu vực học hiện đại (mục 4.1), coi Khu vực học như một cơ sở khoa học cho việc xây dựng ngành Hà Nội học. Ở đó, GS.TS Phạm Hồng Tung cũng không dẫn bất kỳ một khái niệm của nhà khoa học nào về Khu vực học và cũng không đưa ra bất kỳ khái niệm nào (của GS) về Khu vực học, dù đã sơ lược giới thiệu và khẳng định quá trình ra đời và phát triển của Khu vực học trên thế giới và ở Việt Nam, với 2 giai đoạn phát triển, giai đoạn Khu vực học cổ điển và giai đoạn Khu vực học hiện đại[9].

         Tóm lại, cho đến thời điểm hiện nay, với các nhà khoa học Việt Nam, Khu vực học truyền thống được hiểu (1) là một khoa học liên ngành; (2) lấy khu vực/ không gian cư trú của các cộng đồng người làm đối tượng nghiên cứu; (3) nhằm đem đến hiểu biết tổng hợp, toàn thể về các vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội, môi trường,… của khu vực đó.Với Khu vực học hiện đại, mục đích nghiên cứu không chỉ là hiểu biết tổng hợp, toàn thể về khu vực mà còn là sử dụng vốn hiểu biết đó vào mục tiêu phát triển và phát triển bền vững khu vực nghiên cứu. Đây là sự khác biệt chính/ chủ yếu giữa Khu vực học truyền thống (cổ điển) và Khu vực học hiện đại.

2. Việc xác định không gian nghiên cứu

        Do “Khu vực học là khoa học lấy khu vực/ vùng cư trú của các cộng đồng người làm đối tượng nghiên cứu, nhằm đem lại hiểu biết tổng thể/ tổng hợp về khu vực” nên cách xác định khu vực và các tiêu chí phân chia khu vực đã, đang và sẽ là vấn đề hết sức quan trọng đối với bộ môn/ ngành khoa học này. Câu hỏi đặt ra là: Từ khi được hình thành và phát triển cho đến hiện nay các nhà Khu vực học đã lựa chọn khu vực nghiên cứu như thế nào; dựa vào các tiêu chí nào?

         Đầu tiên, xin lại được bắt đầu bằng quan niệm của nhà nghiên cứu Khu vực học nổi tiếng người Nhật: GS Yumio Sakurai. Trong bài viết đã đề cập ở trên, bên cạnh việc xây dựng mục nhỏ “Khu vực học là gì?” nhằm xác định khái niệm Khu vực học, bài viết còn có mục “Khái niệm khu vực”, nơi GS đặt và trả lời câu hỏi Khu vực là gì? Trả lời câu hỏi này một cách đơn giản nhất GS khẳng định “Khu vực là một không gian có một đặc trưng riêng”[10]. Để cụ thể hóa thêm bằng cách nào có thể xác định được “một đặc trưng riêng” cho một khu vực, GS cho rằng “Khu vực là không gian tổng hợp của các yếu tố để tạo thành một tính đặc trưng”[11]. Nhưng như vậy vẫn còn là khó hiểu, GS tiếp tục dùng ví dụ để làm rõ quan điểm của mình về việc “tổng hợp các yếu tố để tạo thành một tính đặc trưng” mà GS đưa ra: “Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam như một đơn vị hành chính. Môi trường tự nhiên của Việt Nam là một không gian phức hợp giữa nhiệt đới như miền Nam và Á nhiệt đới như miền Bắc và một không gian tổng hợp giữa vùng người Kinh và các dân tộc thiểu số, một không gian tổng hợp giữa văn hoá bản địa với văn minh Trung Quốc, văn minh Pháp. Các yếu tố như vậy có quan hệ với nhau rất chặt chẽ và tạo thành một khu vực là Việt Nam”[12]. Như vậy, để hình thành cái gọi là “khu vực Việt Nam” với một đặc trưng là sự pha trộn/ tổng hợp hay phức hợp giữa nhiều yếu tố khác nhau, từ điều kiện tự nhiên nhiệt đới và á nhiệt đới, tới dân cư/ dân tộc: người Kinh và các dân tộc thiểu số; văn hóa: văn hóa bản địa và văn minh Trung Quốc, Pháp. Đây có thể được coi là một không gian/ khu vực: Địa lý - dân tộc và văn hóa.

         Không chỉ có vậy, trong bài viết trên, phần viết về Môi trường và Khu vực học, GS Yumio Sakurai còn cho là “Nghiên cứu khu vưc ở Mỹ đã tập trung nghiên cứu hiện tượng nhân văn - xã hội ở các khu vực. Nhưng tính đặc trưng của Khu vực học Nhật Bản là quan tâm về môi trường tự nhiên”. Sau đó, GS khẳng định “Môi trường tự nhiên là một yếu tố quan trọng nhất để hình thành tính đặc trưng của một khu vực. Môi trường khu vực là kết quả của tác động giữa môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Kết quả đó hình thành một cảnh quan riêng như biểu hiện tính đặc trưng khu vực”[13]. Tuy vậy, khi đi vào phân tích 2 đặc trưng (1) Thế giới và văn minh và (2) Văn hóa của Khu vực  học, GS Yumio Sakurai cũng cho thấy vai trò của các vấn đề này trong việc xác định không gian nghiên cứu trong Khu vực học. Về “Thế giới và văn minh”, GS cho rằng một thế giới là một khu vực văn minh và văn minh là các yếu tố văn hóa vượt trên môi trường tự nhiên. Vì vậy, vào thời điểm hiện tại có thể nói đến một thế giới trên toàn bộ địa cầu hiện đại hóa. Đó là thế giới với văn minh kinh tế thị trường. Nhưng cũng có thể nói đến các thế giới/ khu vực nhỏ hơn, như thế giới Đông Á là thế giới của văn minh Trung Quốc trên cơ sở chữ Hán. Thế giới Đông Á bao gồm cả sa mạc như Mông Cổ lẫn rừng á - nhiệt đới như ở đảo Hải Nam nhưng được coi là một thế giới, một thế giới không có quan hệ với môi trường tự nhiên, vượt trên môi trường tự nhiên[14]. Điều đó có nghĩa là bên cạnh vai trò của môi trường, để xác định được không gian nghiên cứu một cách chính xác, phù hợp, nhà Khu vực học cần phải quan tâm đến cả yếu tố văn minh và văn hóa.

       Trong nghiên cứu của mình GS Yumio Sakurai còn quan tâm giải quyết vấn đề quy mô của khu vực, một trong những vấn đề quan trọng của Khu vực học. Về vấn đề này GS gần như trao toàn quyền cho nhà nghiên cứu - các nhà Khu vực học. GS cho rằng “quy mô của một khu vực hoàn toàn theo quan điểm của các nhà Khu vực học quyết định. Nếu một nhà Khu vực học tìm hiểu tính đặc trưng của cảnh quan Việt Nam thì Việt Nam thành một khu vực. Nếu một nhà Khu vực học khác tìm hiểu cảnh quan riêng của Nam Thành Công thì Nam Thành Công là một khu vực”[15]. Như vậy, khu vực theo GS Yumio Sakurai có các quy mô rất khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm của nhà nghiên cứu Khu vực học. Đó có thể là một quốc gia (Việt Nam) hoặc một tổ chức hành chính nhỏ hơn, hay chính xác là đơn vị hành chính nhỏ nhất: Phường - xã (phường Nam Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội).

          Vậy trong thực tế, từ lúc ra đời cho đến năm 1952, giai đoạn phát triển đầu tiên của Khu vực học trên thế giới, các nhà Khu vực học đã phân chia, xác định khu vực – đối tượng nghiên cứu của mình như thế nào? Trong cuốn tạp chí Khoa học xã hội quốc tế (International Social Science Bulletin) của Unesco tập IV, số 4 năm 1952, phía sau bài viết Nhân học văn hóa trong nghiên cứu khu vực (Khu vực học), tác giả Melville J. Herskovits đã đưa ra một danh mục Tóm tắt các nghiên cứu khu vực học giai đoạn 1939-1952 (Brief Bibliography of Area Studies (1939-52)) với 102 công trình nghiên cứu[16]. Ngoài 5 công trình đề cập chung về Khu vực học và nghiên cứu Khu vực học, 97 công trình còn lại được phân thành 11 khu vực lớn, bao gồm hầu hết các khu vực có cư dân cư trú trên thế giới, gồm Châu Phi: 4 công trình; Mỹ Anglo-saxon: 6; Mỹ La-tinh: 14; Tây Âu: 10; Đông Âu và Liên bang Nga: 13; Scandanavia: 6; Viễn Đông: 15; Trung Đông: 15; Thái Bình Dương: 9 và Đông Nam Á: 5. Mỗi khu vực này đều bao gồm nhiều quốc gia có những đặc điểm chung về lịch sử, văn hóa, chính trị hoặc địa lý tự nhiên (Đông Âu và Liên bang nga là một khu vực được phân định dựa trên đặc điểm chung về chính trị: Nơi ra đời và phát triển hệ thống các nước XHCN sau chiến tranh thế giới 2). Với mỗi khu vực đó hầu hết là các nghiên cứu lấy biên giới hành chính quốc gia làm biên giới khu vực nghiên cứu: 55/97, chiếm 56,70% tổng số công trình nghiên cứu (Cụ thể, khu vực Châu Phi có 3/4 công trình lấy biên giới quốc gia làm giới hạn không gian nghiên cứu; Anglo-saxon: 5/6; Mỹ La-tinh: 8/14; Tây Âu: 6/10; Đông Âu và Liên bang Nga: 8/13; Scandanavia: 2/6; Viễn Đông: 6/15; Trung Đông: 9/15; Thái Bình Dương: 5/9; Đông Nam Á: 3/5). Trong số 42 công trình còn lại có 35 công trình lấy khu vực lớn hơn quốc gia hoặc quan hệ giữa 2 hay nhiều quốc gia hơn làm đối tượng nghiên cứu; chỉ có 7 công trình lấy khu vực nhỏ hơn quốc gia làm đơn vị nghiên cứu, như khu vực Mãn Châu của Trung Quốc, khu vực Newfoundland của Canada, khu vực Sicil của Italia, đảo Formosa của Trung Quốc (Đài Loan) và các đảo ở Nam Thái Bình Dương (thuộc Mỹ).

            Có thể khẳng định danh mục các công trình nghiên cứu này và những phân tích ở trên không cho thấy những gì GS YumioSakurai đề cập ở trên là không chính xác. Bởi đây là một danh mục các công trình nghiên cứu khu vực học trên tầm cỡ toàn cầu. Do vậy, các nghiên cứu lấy quốc gia và các khu vực quan trọng trên thế giới (gồm nhiều quốc gia) được quan tâm đề cập. Một số khu vực nhỏ hơn quốc gia nhưng có tầm quan trọng mang tính quốc tế cũng đã được quan tâm. Thêm nữa, trong phạm vi quốc gia Việt Nam thời điểm đó cũng có khá nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài (Phương Tây) như là những công trình nghiên cứu Khu vực học, đề cập đến các khu vực nhỏ hơn. Ngoài các công trình/ tác giả đã được đề cập/ giới thiệu trong công trình nghiên cứu của GS.TS Trương Quang Hải[17], có thể kể tới công trình nghiên cứu về Cấu trúc xã hội của những cư dân miền núi Đồng Nai Thượng: Bộ lạc của những người trồng lúa[18], Bộ lạc Bana ở Kon Tum[19]Điều tra dân số ở Đắc Lắc (1943-1944)[20],… Điều đó cho thấy, các khu vực - đối tượng nghiên cứu của Khu vực học, có thể rộng hoặc hẹp, tùy thuộc vào quan điểm, mục đích của nhà nghiên cứu/ đề tài/ công trình nghiên cứu. Đó có thể là những khu vực rộng lớn trên thế giới (châu lục, khu vực gồm nhiều quốc gia), là khu vực với đường biên giới quốc gia và cũng có thể là các khu vực nhỏ hơn quốc gia: Tỉnh hoặc từng phần của tỉnh,...

          Liên quan đến vấn đề xác định khu vực/ xác định tính chất của khu vực  - đối tượng nghiên cứu của Khu vực học, GS Nguyễn Quang Ngọc, cho rằng “Khu vực học lấy không gian văn hoá - xã hội bao gồm các lĩnh vực hoạt động của con người và quan hệ tương tác giữa con người và điều kiện tự nhiên làm đối tượng nghiên cứu”[21]. Điều đó cho thấy GS coi đối tượng nghiên cứu của Khu vực học là khu vực hay không gian có những đặc điểm riêng về văn hóa – xã hội. Tuy nhiên, không chỉ có thế, GS Nguyễn Quang Ngọc cũng đề cập đến trong đoạn viết trên mối quan hệ giữa con người và điều kiện tự nhiên trong khu vực đó. Đặc biệt, là một GS Sử học, trong các nghiên cứu của mình GS Nguyễn Quang Ngọc luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho Sử học, cho các vấn đề lịch sử và việc xác định các không gian lịch sử - văn hóa. Các công trình/ các vấn đề nghiên cứu của GS luôn được đặt trong một tiến trình lịch sử (thời gian). Đó là các công trình nghiên cứu: Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVIII-XIX[22]Biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam trong lịch sử[23]Tiến trình lịch sử Việt Nam[24],… Ngay trong những nghiên cứu/ xuất bản tên gọi không phản ánh yếu tố lịch sử nhưng nội dung cũng được GS đưa vào những phần viết/ nghiên cứu về lịch sử cần thiết/ phù hợp, như các công trình Một số vấn đề làng xã Việt Nam[25]Địa chí Cổ Loa[26]Địa chí Nam Định[27] và gần đây nhất là công trình Địa chí Đông Anh[28]. Điều đặc biệt cần nói đến ở đây là GS luôn đặt nhiệm vụ tìm đến tận căn nguyên hình thành và phát triển của các cộng đồng người. Có nghĩa là trong các nghiện cứu của/ do GS chủ trì/ chủ biên/ tổng chủ biên, GS luôn muốn tìm ra, xác định một không gian lịch sử của các cộng đồng tộc người, chủ nhân của khu vực/ không gian đó, như tìm ra không gian hình thành và phát triển của Cổ Loa, kinh đô của nhà nước Văn Lang của An Dương Vương (trong Địa chí Cổ Loa); tìm ra không gian phát tích của nhà Lý (trong cuốn Vương triều Lý[29]) hoặc cố gắng nghiên cứu, xác định lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất có tên gọi là Nam Định, Đông Anh (trong các công trình Địa chí Nam Định, Địa chí Đông Anh). Đặc biệt, trong quá trình triển khai đề tài “Nghiên cứu tổng hợp điều kiện tự nhiên, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển bền vững khu vực Thoại Sơn, tỉnh An Giang”[30], GS Nguyễn Quang Ngọc cũng đã đưa nhóm nghiên cứu sang tận khu vực thành Angko Borei (Campuchia) nhằm xác định không gian của nền văn hóa Óc Eo trong lịch sử. Điều đó cho thấy dù GS khẳng định khu vực học lấy không gian văn hóa - xã hội làm đối tượng nghiên cứu, nhưng không gian này luôn được GS đặt trong mối quan hệ với điều kiện tự nhiên và quá trình phát triển lịch sử. Vì vậy, đó là một không gian lịch sử - văn hóa - xã hội và môi trường.

         Thêm nữa, về quy mô của khu vực nghiên cứu, nhìn vào các công trình nghiên cứu trên ta có thể thấy GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã tiếp cận với các không gian lớn nhỏ khác nhau, là không gian quốc gia và không gian hành chính các cấp, từ tỉnh, huyện đến làng, xã. Điều này cũng đã được GS phát biểu trong các buổi tọa đàm, sinh hoạt khoa học ở Viện, khi GS cho rằng “Các không gian trong nghiên cứu Khu vực học có thể là quốc gia, các khu vực bao gồm nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ, thậm chí là cả thế giới/ nhân loại (Khi đó Khu vực học trở thành Toàn cầu học (Global study)” và “trong từng quốc gia, các khu vực/ không gian – đối tượng nghiên cứu của Khu vực học có thể là các tỉnh/ huyện/ xã thậm chí là thôn/ làng”. GS cũng cho biết “Dù các đơn vị/ tổ chức hành chính không phải lúc nào cũng trùng khít với không gian lịch sử - văn hóa, nhưng về cơ bản/ nguyên tắc, các đơn vị hành chính đều có thể trở thành đối tượng nghiên cứu của Khu vực học”. Điều này hoàn toàn phù hợp, lô gic với những gì GS đã triển khai, thực hiện trong các nghiên cứu, các công trình xuất bản, với việc sử dụng các đơn vị hành chính làm giới hạn không gian nghiên cứu, nhưng luôn lùi về quá khứ để xác định chính xác quá trình hình thành và phát triển của không gian đó trong lịch sử để tạo nên một không gian lịch sử - văn hóa - xã hội và môi trường.

          Trong khi đó, GS.TS Trương Quang Hải, một nhà Địa lý học lại coi không gian lịch sử - văn hoá là đối tượng nghiên cứu của Khu vực học[31]. Nói như thế không phải GS không quan tâm đến yếu tố địa lý tự nhiên. Là một nhà Địa lý, cụ thể hơn là nhà Địa lý Kinh tế - Xã hội - Nhân văn, GS đã có sẵn trong mình các cách phân kiểu và phân vùng tự nhiên, phân vùng kinh tế - xã hội và cả các tiêu chí phân vùng văn hóa[32]. Thêm nữa, qua thực tế triển khai và thực hiện các đề tài nghiên cứu, các công trình xuất bản, GS Trương Quang Hải đều cho thấy sự quan tâm đến các vấn đề về địa lý tự nhiên, kinh tế, văn hóa và xã hội. Có thể kể đến đầu tiên ở đây, đề tài trọng điểm cấp ĐHQGHN, đề tài hợp tác giữa ĐHQGHN và ĐHQGtp-HCM đã đề cập ở trên: “Nghiên cứu tổng hợp điều kiện tự nhiên, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển bền vững khu vực Thoại Sơn, tỉnh An Giang”. Với tư cách là Chủ trì đề tài GS đã tổ chức triển khai đề tài với các nội dung chính: Nghiên cứu đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; Văn hóa Óc Eo và quá trình phát triển của vùng đất, Nghiên cứu đánh giá điều kiện dân cư và kinh tế, Nghiên cứu đánh giá các giá trị văn hóa xã hội,…[33]. Tiếp theo, khi triển khai đề tài Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch, hoạch định không gian và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch ở Tây Nguyên, GS Trương Quang Hải cũng nghiên cứu, đánh giá các di sản thiên nhiên, tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn; phân tích hiện trạng và dự báo xu thế phát triển của du lịch Tây Nguyên trong tương lai để định hướng tổ chức không gian phát triển du lịch cho vùng Tây Nguyên[34]. Điều đó cho thấy không gian trong các nghiên cứu Khu vực học của GS Trương Quang Hải cũng là không gian lịch sử - văn hóa - kinh tế xã hội và môi trường tự nhiên. Một số xuất bản của GS cũng cho thấy xu hướng này, như bài viết “Tổ chức lãnh thổ du lịch sinh thái cấp tỉnh (nghiên cứu điển hình tại tỉnh Quảng Trị)”[35], “Vị thế địa lý và đặc điểm tự nhiên khu vực kinh đô Cổ Loa”[36], “Quy hoạch môi trường làng nghề (nghiên cứu trường hợp làng nghề gia công kim loại Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội)”[37], “Đánh giá điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững thành phố Hà Nội”[38],...

         Về quy mô của các không gian nghiên cứu, trong đề tài “Khu vực học trên thế giới và ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễn”, phần 2 khi đề cập đến Khu vực học ở Việt Nam, GS Trương Quang Hải cho rằng “Nội dung nghiên cứu khu vực ở Việt Nam có thể tiến hành theo nhiều cấp độ, bao gồm hai mảng chủ yếu là nghiên cứu quốc tế và nghiên cứu Việt Nam”[39]. Ở cấp độ quốc tế, GS khẳng định “Nghiên cứu quốc tế được phân chia thành các cấp độ quy mô khác nhau: toàn cầu, khu vực, quốc gia”[40]; Ở cấp độ quốc gia, GS cho rằng “Cấp độ quy mô cao nhất của nghiên cứu khu vực Việt Nam (hay Việt Nam học) là nghiên cứu lịch sử xã hội Việt Nam nói chung”[41]; Tiếp theo là “Những cấp độ quy mô dưới quốc gia nên tập trung nghiên cứu là những trọng điểm của các vùng văn hóa và vùng kinh tế xã hội, các tỉnh thành, các hải cảng, hải đảo”[42] và “Nghiên cứu chuyên sâu một huyện, một xã hay một thôn là những trường hợp đặc biệt, hoặc là được chọn làm vi mẫu về làm sáng tỏ cho phương pháp luận, một ''case study'' điển hình dẫn tới nghiên cứu hệ thống tổng thể”[43]. Tuy vậy, trong thực tế nghiên cứu của GS Trương Quang Hải không thấy những công trình nghiên cứu, bài viết lấy quốc gia Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu, nhưng cũng vẫn có những công trình/ bài viết lấy các đơn vị hành chính (tỉnh, huyện, xã) và làng làm đơn vị nghiên cứu. Điều đặc biệt ở GS Trương Quang Hải là một số công trình nghiên cứu lấy không gian địa lý tự nhiên làm không gian nghiên cứu, như “Xác lập mô hình hệ kinh tế sinh thái phục vụ phát triển bền vững vùng đệm các khu bảo vệ thiên nhiên”[44], “Cơ sở khoa học cho phát triển bền vững vùng núi đá vôi ở Việt Nam”[45],“Phân tích cấu trúc, chức năng và đánh giá cảnh quan khối Karst Tràng An - Bích Động, tỉnh Ninh Bình”[46], “The coastal city of Ha Long: the reality, orientation and solutions for socioeconomic development”[47],… và đề tài cấp nhà nước lấy Tây Nguyên làm địa bàn nghiên cứu đã được đề cập ở trên[48]. Điều đó cho thấy bên cạnh việc quan tâm tới các không gian lịch sử - văn hóa, như đã khẳng định, GS.TS Trương Quang Hải còn nghiên cứu các không gian địa lý tự nhiên, môi trường và không gian kinh tế - xã hội.

         Trong đề tài nghiên cứu của mình, GS.TS Phạm Hồng Tung cho rằng Khu vực học từ khi ra đời cho đến hiện nay đã trải qua 2 giai đoạn phát triển: Từ trước thế chiến thứ 2 đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là giai đoạn 1 với tên gọi Khu vực học cổ điển; từ sau thời điểm đó đến hiện nay là giai đoạn 2: Khu vực học hiện đại. Và quan trọng hơn, GS Phạm Hồng Tung cho rằng trong giai đoạn 1 “khu vực” căn bản được định nghĩa là những không gian lịch sử - văn hóa xác định với phạm vi rộng hẹp khác nhau”[49]. Và, trong giai đoạn 2 “Khu vực giờ đây không còn chỉ là một không gian lịch sử - văn hóa mà còn là, và trước hết là một không gian phát triển” và “Vì vậy, Khu vực học phải hướng tới đích cuối cùng là đánh giá các nguồn lực, tiềm năng, cơ hội phát triển của không gian xác định nào đó”[50]. Tuy nhiên, “không gian phát triển”, “không gian xác định nào đó” là gì và được xác định như thế nào thì GS hoàn toàn không đề cập tới.

          Một vấn đề cần trao đổi, thống nhất nữa là cho đến thời điểm hiện tại, các nhà Khu vực học Việt Nam còn chưa quan tâm nhiều tới sự phù hợp giữa nội dung nghiên cứu của các đề tài/ công trình nghiên cứu với việc xác định không gian nghiên cứu. Ví như, nếu một đề tài/ công trình nghiên cứu đề cập đến các vấn đề về văn hóa - xã hội thì việc xác định không gian nghiên cứu hiển nhiên, tốt nhất là dựa vào các chỉ báo, các đặc trưng riêng về văn hóa - xã hội. Cũng tương tự như vậy, nếu một đề tài/ công trình nghiên cứu quan tâm đến các vấn đề về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường thì chắc chắn cái không gian cụ thể là đối tượng nghiên cứu (của đề tài/ công trình nghiên cứu đó) cũng cần phải được xác định dựa trên các đặc điểm/ đặc trưng đó. Tất nhiên, ở đây chúng ta cần phải thấy được tính tương đối trong việc sử dụng các không gian địa lý hành chính (quốc gia/ tỉnh/ huyện/ xã) và thôn/ làng/ bản làm không gian nghiên cứu, bởi trên một góc độ nào đó các đơn vị chính trị - xã hội/ các đơn vị hành chính đó cũng đã được hình thành, phát triển và xác định dựa trên tổng hòa mối quan hệ giữa các vấn đề lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, địa lý tự nhiên, môi trường và cộng đồng cư dân (kể cả vấn đề lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc/ tộc người; quá trình biến đổi và phát triển của văn hóa, xã hội, môi trường,…).

3. Vài nhận xét bước đầu

3.1.Về khái niệm Khu vực học, cho đến thời điểm hiện nay, có thể bước đầu cho rằng Khu vực học (1) là một khoa học liên ngành; (2) lấy khu vực/ không gian cư trú của các cộng đồng người làm đối tượng nghiên cứu; (3) nhằm đem đến hiểu biết tổng hợp về các vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội, môi trường,…của khu vực, phục vụ cho việc hoạch định chính sách, đề xuất giải pháp phát triển và phát triển bền vững của chính các cộng đồng cư dân chủ nhân của các khu vực/ không gian đó.

3.2. Về xác định không gian trong nghiên cứu khu vực học, đó có thể là một không gian lịch sử - văn hóa; đó cũng có thể là một không gian địa lý tự nhiên - kinh tế - xã hội; đó cũng có thể là một không gian ngôn ngữ - dân tộc - tộc người, không gian quan hệ quốc tế hay không gian phát triển,… Tuy nhiên, điều quan trọng, cần quan tâm ở đây chính là sự phù hợp giữa nội dung nghiên cứu (của đề tài/ công trình) với việc xác định không gian nghiên cứu. Nếu là một công trình nghiên cứu đề cập đến các vấn đề về lịch sử - văn hóa thì việc xác định không gian nghiên cứu hiển nhiên, tốt nhất là dựa vào các chỉ báo, các đặc trưng riêng về lịch sử - văn hóa; Nếu một công trình nghiên cứu quan tâm đến các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường thì chắc chắn cái không gian được lấy làm đối tượng nghiên cứu cũng cần được xác định dựa trên các đặc điểm/ đặc trưng đó, một không gian kinh tế - xã hội - môi trường,...

3.3. Ở đây chúng ta cần phải thấy được tính tương đối trong việc sử dụng các không gian địa lý hành chính (quốc gia/ tỉnh/ huyện/ xã) và thôn/ làng/ bản làm không gian nghiên cứu, bởi ở một góc độ nào đó các không gian địa lý hành chính cũng đã được hình thành, phát triển và xác định dựa trên tổng hòa mối quan hệ giữa các vấn đề lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, địa lý tự nhiên, môi trường và cộng đồng cư dân (kể cả vấn đề lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc/ tộc người; quá trình phát triển của văn hóa, xã hội,… của khu vực đó). Vì vậy, các không gian địa lý hành chính cũng có thể được gọi là các không gian phát triển. Đây là điều hết sức quan trọng cho thấy tiếp cận Khu vực học là một định hướng đúng đắn với các đề tài, công trình nghiên cứu Việt Nam học và Khoa học phát triển tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển nói riêng, ở Việt Nam nói chung./.

PGS.TS Phạm Văn Lợi

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Dournes J. (1948), Structure sociale des montagnards du Haut-Dongnai: tribu des rixiculteurs, B.S.E.I., T. XXIII, N2.
  2. Jouin B. Y. (1950), Enquête démographique au Darlac (1943-1944), B.S.E.I., T. XXV, No3.
  3. Trương Quang Hải (2006), “Khu vực học và phân vùng lãnh thổ”, Hội thảo Khoa học quốc tế: Khu vực học: Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu, Hà Nội.
  4. Trương Quang Hải và nnk (2006), “Tổ chức lãnh thổ du lịch sinh thái cấp tỉnh (nghiên cứu điển hình tại tỉnh Quảng Trị)”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  5. Trương Quang Hải (2006), “Xác lập mô hình hệ kinh tế sinh thái phục vụ phát triển bền vững vùng đệm các khu bảo vệ thiên nhiên”, T/c Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Trương Quang Hải và nnk (2008), “Quy hoạch môi trường làng nghề (nghiên cứu trường hợp làng nghề gia công kim loại Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội)”, Hội nghị khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ 3.
  7. Trương Quang Hải (2007), “Vị thế địa lý và đặc điểm tự nhiên khu vực kinh đô Cổ Loa”, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội.
  8. Trương Quang Hải (2008), “Cơ sở khoa học cho phát triển bền vững vùng núi đá vôi ở Việt Nam”, trong 20 năm Việt Nam học theo định hướng liên ngành, Nxb Thế giới, HN.
  9. Trương Quang Hải và nnk (2010), “Phân tích cấu trúc, chức năng và đánh giá cảnh quan khối Karst Tràng An - Bích Động, tỉnh Ninh Bình”, Hội thảo khoa học quốc tế Địa lý Đông Nam Á lần thứ 10.
  10. Trương Quang Hải (2010), “The coastal city of Ha Long: the reality, orientation and solutions for socioeconomic development”, Hội thảo khoa học tại Đại học Passau, CHLB Đức.
  11. Trương Quang Hải và nnk (2010), “Đánh giá điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững thành phố Hà Nội”, Trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, Hà Nội.
  12. Trương Quang Hải (2012), Khu vực học trên thế giới và Việt Nam: Lý luận và thực tiễn, Báo cáo toàn văn, Đề tài Nghiên cứu Khoc học trọng điểm cấp ĐHQGH, Hà Nội.
  13. Trương Quang Hải (chủ trì) (2015), Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch, hoạch định không gian và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch ở Tây Nguyên, Đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KHCN-TN3/11-15, Mã số TN3-18.
  14. Trương Quang Hải (chủ trì) (2016), Nghiên cứu tổng hợp điều kiện tự nhiên, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển bền vững khu vực Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Nxb ĐHQG tp HCM.
  15. Melville J. Herskovits (1952), “Brief Bibliography of Area Studies (1939-52)”, International Social Science Bulletin, tập IV, số 4, tr. 691-699.
  16. Nguyễn Quang Ngọc (1993), Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVIII-XIX, Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội.
  17. Nguyễn Quang Ngọc (1998), Biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam trong lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  18. Nguyễn Quang Ngọc (2000), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  19. Nguyễn Quang Ngọc (2003), Địa chí Nam Định, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  20. Nguyễn Quang Ngọc (2006), Việt Nam học ở Việt Nam: Quá trình hình thành và phát triển, Hội thảo Khoa học quốc tế: Khu vực học: Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu, Hà Nội.
  21. Nguyễn Quang Ngọc, Vũ Văn Quân (cb) (2007), Địa chí Cổ Loa, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
  22. Nguyễn Quang Ngọc (2009), Một số vấn đề làng xã Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  23. Nguyễn Quang Ngọc (2010), Vương triều Lý 1009-1226, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
  24. Nguyễn Quang Ngọc (Tổng chủ biên) (2016), Địa chí Đông Anh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  25. Phạm Hồng Tung (2015), Cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng ngành Hà Nội học, Báo cáo tổng kết đề tài cấp ĐHQGHN, Mã số QGTĐ.12.26.
  26. YumioSakurai, Khu vực học là gì.
 

[1] Trương Quang Hải (2012), Khu vực học trên thế giới và Việt Nam: Lý luận và thực tiễn, Báo cáo toàn văn, Đề tài Nghiên cứu Khoc học trọng điểm cấp ĐHQGH, Hà Nội, tr. 75.

[2] Trương Quang Hải (2012), Khu vực học trên thế giới..., Tài liệu đã dẫn, tr. 75.

[3] Trương Quang Hải (2012), Khu vực học trên thế giới..., Tài liệu đã dẫn, tr. 75.

[4] YumioSakurai, Khu vực học là gì, tr. 2.

[5] YumioSakurai, Khu vực học là gì, tr. 3.

[6] YumioSakurai, Khu vực học là gì, tr. 3.

[7] Nguyễn Quang Ngọc, Việt Nam học ở Việt Nam: Quá trình hình thành và phát triển, Hội thảo Khoa học quốc tế: Khu vực học: Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu, Hà Nội 11/2006, tr. 5.

[8] Trương Quang Hải (2012), Khu vực học trên thế giới và ở Việt Nam.... , Tài liệu đã dẫn, tr. 1.

[9] Phạm Hồng Tung (2015), Cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng ngành Hà Nội học, Báo cáo tổng kết đề tài cấp ĐHQGHN, Mã số QGTĐ.12.26, tr. 95-103

[10] GS. YumioSakurai, Khu vực học là gì, tr. 3.

[11]YumioSakurai, Khu vực học là gì, tr. 3.

[12]YumioSakurai, Khu vực học là gì, tr. 3.

[13]YumioSakurai, Khu vực học là gì, tr. 4.

[14]YumioSakurai, Khu vực học là gì, tr. 4-5

[15]YumioSakurai, Khu vực học là gì, tr. 4

[16]Melville J. Herskovits (1952), “Brief Bibliography of Area Studies (1939-52)”, International Social Science Bulletin, tập IV, số 4, tr. 691-699.

[17]Trương Quang Hải (2012), Khu vực học trên thế giới và ở Việt Nam... , Tài liệu đã dẫn, tr.116-120.            

[18] Dournes J. (1948), Structure sociale des montagnards du Haut-Dongnai: tribu des rixiculteurs, B.S.E.I., T. XXIII, No2.

[19] Guilleminet P. (1951), La tribu Bahnar du Kontum, B.E.F.E.O., T. XL, No2.

[20] Jouin B. Y. (1950), Enquête démographique au Darlac (1943-1944), B.S.E.I., T. XXV, No3.

[21]Nguyễn Quang Ngọc (2006), Việt Nam học ở Việt Nam: Quá trình hình thành và phát triển, Hội thảo Khoa học quốc tế: Khu vực học: Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu, Hà Nội, tr. 5.

[22]Nguyễn Quang Ngọc (1993), Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVIII-XIX, Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội.

[23]Nguyễn Quang Ngọc (1998),Biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam trong lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[24]Nguyễn Quang Ngọc (2000), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[25]Nguyễn Quang Ngọc (2009), Một số vấn đề làng xã Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

[26]Nguyễn Quang Ngọc, Vũ Văn Quân (chủ biên) (2007), Địa chí Cổ Loa, Nxb Hà Nội, Hà Nội;

[27]Nguyễn Quang Ngọc (2003),Địa chí Nam Định, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[28]Nguyễn Quang Ngọc (Tổng chủ biên) (2016), Địa chí Đông Anh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[29]Nguyễn Quang Ngọc (2010), Vương triều Lý 1009-1226, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

[30]Trương Quang Hải (chủ trì) (2016), Nghiên cứu tổng hợp điều kiện tự nhiên, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển bền vững khu vực Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Nxb ĐHQG tp HCM.

[31]Trương Quang Hải (2012), Khu vực học trên thế giới và ở Việt Nam... , Tài liệu đã dẫn, tr. 1.

[32]Trương Quang Hải (2006), “Khu vực học và phân vùng lãnh thổ”,Hội thảo Khoa học quốc tế: Khu vực học: Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu, Hà Nội, tr. 10-17.

[33]Trương Quang Hải (chủ trì) (2016), Nghiên cứu tổng hợp điều kiện tự nhiên..., Tài liệu đã dẫn.

[34]Trương Quang Hải (chủ trì) (2015),Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch, hoạch định không gian và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch ở Tây Nguyên, Đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KHCN-TN3/11-15, Mã số TN3-18.

[35]Trương Quang Hải và nnk (2006), “Tổ chức lãnh thổ du lịch sinh thái cấp tỉnh (nghiên cứu điển hình tại tỉnh Quảng Trị)”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

[36]Trương Quang Hải (2007), “Vị thế địa lý và đặc điểm tự nhiên khu vực kinh đô Cổ Loa”, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội.

[37]Trương Quang Hải và nnk (2008), “Quy hoạch môi trường làng nghề (nghiên cứu trường hợp làng nghề gia công kim loại Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội)”, Hội nghị khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ 3.

[38]Trương Quang Hải và nnk (2010), “Đánh giá điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững thành phố Hà Nội”, Trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, Hà Nội.

[39]Trương Quang Hải, Khu vực học trên thế giới và ở Việt Nam..., tài liệu đã dẫn, tr. 96.

[40]Trương Quang Hải, Khu vực học trên thế giới và ở Việt Nam..., tài liệu đã dẫn, tr. 96.

[41]Trương Quang Hải, Khu vực học trên thế giới và ở Việt Nam..., tài liệu đã dẫn, tr. 99.

[42]Trương Quang Hải, Khu vực học trên thế giới và ở Việt Nam..., tài liệu đã dẫn, tr. 100.

[43]Trương Quang Hải, Khu vực học trên thế giới và ở Việt Nam..., tài liệu đã dẫn, tr. 100.

[44]Trương Quang Hải (2006), “Xác lập mô hình hệ kinh tế sinh thái phục vụ phát triển bền vững vùng đệm các khu bảo vệ thiên nhiên”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội.

[45] Trương Quang Hải (2008),“Cơ sở khoa học cho phát triển bền vững vùng núi đá vôi ở Việt Nam”. In trong 20 năm Việt Nam học theo định hướng liên ngành, Nxb Thế giới, Hà Nội.

[46]Trương Quang Hải và nnk (2010), “Phân tích cấu trúc, chức năng và đánh giá cảnh quan khối Karst Tràng An - Bích Động, tỉnh Ninh Bình”, Hội thảo khoa học quốc tế Địa lý Đông Nam Á lần thứ 10.

[47]Trương Quang Hải (2010), “The coastal city of Ha Long: the reality, orientation and solutions for socioeconomic development”, Hội thảo khoa học tại Đại học Passau, CHLB Đức.

[48]Trương Quang Hải (chủ trì) (2015),Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên...., Tài liệu đã dẫn.

[49] Phạm Hồng Tung (2015), Cơ sở khoa học và thực tiễn..., Tài liệu dã dẫn, tr. 96.

[50]Phạm Hồng Tung (2015), Cơ sở khoa học và thực tiễn… Tài liệu đã dẫn, tr. 102.

Tác giả: spadmin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây