Chuyến khảo sát của Viện VNH&KHPT tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương là hoạt động nằm trong kế hoạch hoạt động Khoa học công nghệ của Viện và của nhóm Nghiên cứu mạnh Khu vực học. Chuyến đi nhằm thu thập dữ liệu thực địa, phục vụ nghiên cứu khoa học và góp phần xây dựng các giải pháp phát triển bền vững cho địa phương.
Tham gia đoàn khảo sát có có TS. Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện VNH&KHPT; GS.TS. Phạm Hồng Tung, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Viện VNH&KHPT, Trưởng nhóm nghiên cứu; TS. Vũ Kim Chi, Phó Viện trưởng, các cán bộ nghiên cứu của Viện và thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Khu vực học. Bên cạnh đó, đoàn khảo sát có sự tham gia của GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cùng một số khách mời.
Buổi sáng, đoàn được đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Bí thư Huyện ủy huyện Tứ Kỳ, đồng chí Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện và một số đồng chí lãnh đạo của huyện tiếp đón, giới thiệu tổng quan về địa phương. Các đồng chí lãnh đạo giới thiệu với đoàn khảo sát các làng nghề truyền thống và 34 sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện. Đồng chí Bí thư huyện uỷ đặc biệt nhấn mạnh những thế mạnh và định hướng phát triển trong tương lai của địa phương, trong đó có những lĩnh vực rất cần có sự đóng góp về chuyên môn của các nhà khoa học.
TS. Phạm Đức Anh cảm ơn sự phối hợp nhiệt tình của huyện, chia sẻ lý do chọn Tứ Kỳ là điểm khảo sát, dựa trên kết quả nghiên cứu trước đó và tiềm năng lớn của địa phương. Viện trưởng cũng đồng thời giới thiệu về Viện VNH&KHPT, nhấn mạnh các thế mạnh của Viện trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, chia sẻ thông tin về các chương trình đào tạo sau đại học, đặc biệt là chương trình tiến sĩ chuyên ngành Việt Nam học và Thạc sĩ Quản trị Địa phương. Viện trưởng cũng đề cập đến các lĩnh vực có thể tăng cường hợp tác giữa Viện và địa phương như hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng các chương trình bảo tồn và phát huy giá trị các nguồn di sản văn hoá của địa phương, hợp tác xây dựng các chương trình nghiên cứu về sinh kế bền vững, v.v..
Cũng tại buổi làm việc, GS.TS. Phạm Hồng Tung chia sẻ niềm xúc động khi trở về quê hương để khảo sát. Thầy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương, đồng thời khẳng định sẵn sàng hỗ trợ huyện trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực, v.v.
Buổi chiều, đoàn được đồng chí Phạm Văn Thiệp, Chủ tịch UBND xã An Thanh và một số đồng chí lãnh đạo xã đón tiếp và hướng dẫn tham quan mô hình canh tác hữu cơ nhiều thành phần bao gồm rươi (dưới lòng đất ruộng), lúa và cáy (trên mặt ruộng), rau quả (trên bờ ruộng). Tất cả chu trình canh tác phải đảm bảo không có thuốc trừ sâu và phân hoá học để đảm bảo môi trường sạch cho các loại cây, con được phát triển an toàn. Cũng trong buổi chiều, đoàn khảo sát thực địa tại các cánh đồng rươi-lúa tiêu biểu của huyện, tham quan các mô hình dự kiến phát triển du lịch sinh thái nhằm nhằm phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Một số hình ảnh tại buổi khảo sát: