Nâng cao nhận thức sinh viên về lồng ghép giảm thiểu rác thải nhựa gắn với phát triển kinh tế

Thứ năm - 12/12/2024 01:54
Ngày 09/12/2024, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (VNH&KHPT), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền  tổ chức thành công sự kiện “Nâng cao nhận thức sinh viên về lồng ghép giảm thiểu rác thải nhựa gắn với phát triển kinh tế” cho giảng viên và sinh viên tại xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định nhằm tăng cường kiến thức thực tế, kỹ năng và phương pháp lồng ghép thông tin vào các môn học đồng thời gắn kết sự chung tay của cộng đồng trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Sự kiện được thực hiện với sự hỗ trợ của dự án biến đổi khí hậu khu vực châu Á của Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) và dự án Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam (3SI2PC).

   Sự kiện có sự tham gia của Ông Trịnh Văn Đoàn, Phó chủ tịch UBND xã Giao Hải cùng đại diện các ban ngành địa phương và 30 người dân đại diện các hộ gia đình tham gia vào các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, trồng lúa và tiểu thương trên địa bàn xã.
   Tham gia đoàn có PGS. TS. Phạm Hương Trà - Trưởng Khoa Xã hội học và Phát triển, TS. Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó trưởng khoa Xã hội học và Phát triển cùng giảng viên và đông đảo sinh viên các ngành Truyền thông chính sách, Phát thanh, Thông tin đối ngoại, và Văn hóa phát triển đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Đại diện về phía Viện VNH&KHPT, tham gia sự kiện có TS. Vũ Kim Chi - Phó Viện trưởng và TS. Giang Văn Trọng - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học Phát triển với vai trò định hướng chương trình và kết nối với địa phương. 
   Ngoài ra, sự kiện còn đón tiếp ông Phạm Minh Đức - Giám đốc Công ty TNHH DNXH tái chế Rác Sông Hồng, bà Francesca - Giám đốc dự án biến đổi khí hậu khu vực châu Á của Viện Friedrich-Ebert-Stiftung, và bà Phạm Thị Bích Ngà - Điều phối viên chương trình, mang lại các góc nhìn thực tiễn và quốc tế hóa trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa.
   Trong buổi sáng, Phó chủ tịch Xã Giao Hải - ông Trịnh Văn Đoàn đã trình bày về thực trạng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường ở địa phương TS. Vũ Kim Chi chia sẻ về Hiện trạng phát sinh và quản lý rác thải nhựa ven biển tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, đây là nững kết quả nghiên cứu tại địa phương từ các  hoạt động của dự án 3SIP2C (Sources, Sinks, and Solutions for the Impact of Plastics on Coastal Communities in Viet Nam) - do các nhà nghiên cứu tại Anh và Việt Nam thực hiện. Mục tiêu của dự án nhằm hiểu rõ hơn về dòng chảy, đường đi và điểm đến của rác thải nhựa và các hạt có kích thước lớn và nhỏ (nhựa vĩ mô và nhựa vi mô) ở các con sông và bờ biển Việt Nam cũng như những tác động của chúng đến cộng đồng địa phương và hệ sinh thái tự nhiên, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, du lịch và sức khoẻ con người, động vật. Thông qua hợp tác với các đối tác quốc tế và địa phương, 3SIP2C xác định các biện pháp can thiệp hiệu quả và nâng cao nhận thức, giúp các cộng đồng ven biển giải quyết vấn đề về nhựa. Đồng thời, ông Phạm Minh Đức - Giám đốc Công ty DNXH tái chế Rác Sông Hồng đã chia sẻ về thực trạng rác thải sinh hoạt và hoạt động tái chế tại Việt Nam. 
Sau khi nghe những kiến thức tổng quan vấn đề rác nhựa và hoạt động kinh tế địa phương, các sinh viên tiến hành phỏng vấn và thảo luận với người dân và chính quyền để hiểu rõ hơn về tác động của rác đại dương đến môi trường và các hoạt động kinh tế và sinh hoạt hàng ngày của họ.     
   Buổi chiều cùng ngày, đoàn có hoạt động thu gom rác ven bờ biển xã Giao Hải và thực hành phân loại rác để giúp các sinh viên hiểu hơn về thành phần và khối lượng rác nhựa có thể thấy tại đây. Tổng số rác thu gom trong 100m dọc theo bãi biển trong vòng 1 tiếng là 658,7kg, trong đó: Xốp 22,7 kg (4 bao); Nhựa cứng 30,5kg (4 bao); Nilon trắng 113 kg (5 bao); Nilon màu 118 kg (4 bao); Vải 212 kg (4 bao); Không phải nhựa (gỗ, thuỷ tinh, sành sứ...) 162,5kg (6 bao). 
   Tiếp nối các hoạt động của đề tài “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam” (3SIP2C), sự kiện không chỉ giúp sinh viên mở rộng kiến thức, nâng cao nhận thức mà còn là nền tảng để Viện tiếp tục lồng ghép các sáng kiến bảo vệ môi trường vào chương trình nghiên cứu và giảng dạy, hướng đến sự phát triển bền vững cho cộng đồng.

   Một số hình ảnh tại sự kiện:














Tác giả: admin, Huy Văn

 Tags: rác thải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây