Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng chục cuộc chiến tranh vệ quốc và kháng chiến chống ngoại xâm và đã lập nên được nhiều võ công vô cùng hiển hách. Một trong những võ công hiển hách nhất đó chính là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ - một trong những siêu cường hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại, đồng thời đập tan những thế lực nội phản, hoàn thành cuộc đấu tranh thống nhất đất nước kéo dài suốt 30 năm.
Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua nhiều gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn” (1) và Người đã nhận định về tầm vóc và ý nghĩa của thắng lợi to lớn đó như sau: “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to – là Pháp và Mỹ, và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc” (2). Báo cáo chính trị của BCHTW Đảng (Khóa III) tại Đại hội IV của Đảng (1976) đã nhận định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” (3).

Tại Đại hội IV, Đảng cũng xác nhận rằng “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam”(4). Một trong những nhân tố đó chính là sức mạnh văn hóa – tinh thần của dân tộc Việt Nam. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh rằng: một khi sức mạnh văn hóa – tinh thần của dân tộc được khơi dậy mạnh mẽ, được quy tụ và phát huy cao độ thì sẽ tạo nên sức mạnh vô địch, giúp dân tộc Việt Nam vượt qua mọi thử thách, đánh bại mọi kẻ thù ngoại xâm và nội phản, dù cho chúng hung hãn đến thế nào.
Đây cũng là điều mà các chính khách và tướng lĩnh quân sự của Mỹ ngộ ra được sau khi chiến tranh kết thúc nhiều năm. Robert McNamara, Henry Kissinger và nhiều người khác đã từng thẳng thắn thừa nhận: họ đã thua vì không hiểu đúng sức mạnh văn hóa – tinh thần của người Việt Nam(5). Và dường như để chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo Mỹ sau này đã hiểu rõ hơn về văn hóa – tinh thần của dân tộc Việt Nam khi quyết định bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, từ năm 2000 đến nay, các tổng thống Mỹ khi đến thăm Việt Nam, như Bill Clinton, Georges W. Bush, Barrack Obama v.v. đều lẩy Kiều, nhắc tới các vị anh hùng dân tộc Việt Nam và... ăn bún chả v.v.
Như thế, có thể thấy nhân tố văn hóa – tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng, cả trong thời chiến và trong thời bình. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi sẽ cố gắng luận giải vai trò của nhân tố văn hóa – tinh thần trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của dân tộc ta, từ tiếp cận đa chiều và liên ngành.
1. Nêu cao tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam: “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”(6)
Nhìn xuyên suốt lịch dân tộc Việt Nam và nhìn rộng ra lịch sử thế giới, có thể bất kỳ thế lực nào, bất kể quốc gia, dân tộc nào, khi tiến hành chiến tranh cũng đều phải tìm cách luận chứng cho được tính chất chính nghĩa của cuộc chiến, dù là với tư cách của người tấn công hay người phòng vệ. Thuật ngữ quốc tế thường gọi đây là quá trình “legitimizing of the war” (chính đáng hóa cuộc chiến). Nhân danh chính nghĩa và dựa được vào chính nghĩa, bên tham chiến mới có thể giành được sự ủng hộ mạnh mẽ, bền bỉ của nhiều lực lượng, đặc biệt là của dân chúng, kể cả dân chúng của nước thù nghịch, cho đến kẻ thù khi bị đánh bại cũng phải “tâm phục khẩu phục”. Có như vậy thì người ta mới đạt được mục đích của chiến tranh và hơn nữa, duy trì được mục đích đó một cách bền lâu. Đó chính là căn cứ để nhà lý luận quân sự lừng danh thế giới Carl Clausewitz đưa ra nhận định về bản chất của chiến tranh: “Chiến tranh chẳng qua chỉ là sự tiếp nối của chính trị bằng phương tiện khác”(7).
Nhìn vào lịch sử Việt Nam, có thể thấy cha ông ta đã có những cách khác nhau để luận chứng cho tính chất chính nghĩa của các cuộc chiến tranh vệ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhưng điểm chung quan trọng nhất, cốt lõi nhất chính là quyền độc lập, tự chủ, tự do của dân tộc Việt Nam.
Trong các thế kỷ X – XI, quyền độc lập, tự chủ của dân tộc được luận chứng như một chân lý hiển nhiên theo “luật trời”: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, theo đó con người chỉ có thể tuân theo, không được “nghịch thiên”, nếu không thì sẽ bị tiêu diệt(8).
Đến thế kỷ XV, Lê Lợi và Nguyễn Trãi tuyên bố nền độc lập tự chủ của Đại Việt lại dựa trên nền tảng và sự khác biệt về văn hiến và cương vực: “Xét như nước Đại Việt ta, thực là một nước văn hiến. Cõi bờ sông núi đã riêng, phong tục Bắc – Nam cũng khác”(9). Còn đến thế kỷ XVIII, tương truyền trước lúc xuất quân thần tốc, quyết chiến đánh đuổi 29 vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi, Hoàng đế Quang Trung đã ban lời Hịch:
“Đánh cho để dài tóc!
Đánh cho để đen răng!
Đánh cho nó chích luân bất phản!
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn!
Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ!”(10)
Như vậy, theo dòng chảy của lịch sử, càng ngày dân tộc Việt Nam càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về quyền tự chủ, độc lập của mình: đó không chỉ là quyền có quốc gia độc lập với cương vực, chủ quyền riêng mà còn là có chủ quyền về văn hóa, là quyền được bảo tồn và phát huy những nền nếp, giá trị, biểu tượng và bản sắc văn hóa, văn minh văn hiến của dân tộc mình.
Đến thời hiện đại, ngay từ bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử đọc tại Ba Đình, Hà Nội chiều ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục luận chứng cho quyền được sống trong độc lập, tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của dân tộc Việt Nam trên một tầm cao mới của thời đại, dựa trên “những lẽ phải không ai chối cãi được”, tức là những giá trị và nguyên tắc phổ quát được toàn nhân loại công nhận và tôn trọng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và tự do”(11). Trên cơ sở đó, thay mặt cho toàn thể dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập.”;“Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (12).
Như vậy, xét trên phương diện văn hóa, cụ thể là văn hóa chính trị, thì nguyện vọng, ý chí và quyền được sống trong một dân tộc – quốc gia tự do, độc lập, tự chủ là một giá trị thiêng liêng, cao quý, được toàn nhân loại công nhận và tôn trọng. Đây chính là “nguyên lý gốc” để Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đưa ra nguyên tắc “quyền dân tộc tự quyết” tại Hội nghị hòa bình Versailles năm 1919 và V.I. Lenin cũng ủng hộ nguyên tắc này, coi đó như là cơ sở để soạn ra bản “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” năm 1920 – văn kiện đã khai mở cho Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Cuộc đấu tranh chống các cuộc xâm lược của tất cả các thế lực ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, vì vậy, vừa là sự tiếp nối truyền thống lâu dài, cao quý nhất của cha ông được hun đúc trong suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đồng thời đó cũng là sự tương hợp, đồng thuận với các chân lý được toàn nhân loại công nhận và tôn trọng.
Chính vì vậy, khi thực dân Pháp quay lại xâm lăng hòng tái chiếm nước ta để tái lập chế độ thuộc địa, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thề hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã nhận được sự ủng hộ vô cùng mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam và nhận được sự đồng thuận rộng rãi của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Pháp. Đó chính là nhân tố cực kỳ quan trọng đã dẫn đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đến khi đế quốc Mỹ và tay sai đẩy mạnh leo thang, đưa cuộc chiến đến mức độ tàn khốc nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đưa ra lời kêu gọi đặc biệt với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” Trong bài thơ chúc Tết năm 1969, Hồ Chủ tịch viết: “Vì độc lập, vì tự do / Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào!” Đó chính là cách mà Người luận giải cực kỳ súc tích, chính xác và đơn giản cho tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta chính là dựa trên chính nghĩa vững chắc và sáng ngời như vậy. Niềm tin vào chính nghĩa chính là cội nguồn sức mạnh văn hóa – tinh thần vô địch, nâng đỡ những bàn chân thần tốc, táo bạo, quyết thắng của hàng triệu chiến sĩ và đồng bào, tất cả hướng về tiền tuyến lớn, tất cả để chiến thắng và toàn thắng, đè bẹp mọi sự kháng cự của đối phương.
Về phía đối phương, họ cũng rất hiểu điều này nên các thế hệ lãnh đạo nước Mỹ và lãnh đạo chính quyền Sài Gòn cũng không ngừng tìm cách để biện minh cho cuộc chiến mà họ đang ra sức tiến hành ở Việt Nam.
Về phía Mỹ, toàn bộ sự dính líu, can thiệp và cuối cùng trực tiếp tấn công xâm lược Việt Nam của Mỹ từ đầu những năm 1950 đến 1975 xuất phát từ hệ luận tư duy chính trị thời kỳ Chiến tranh Lạnh hướng tới mục đích quan trọng nhất là ngăn chặn “sự bành trướng của cộng sản” ở khu vực Đông Nam Á. Học thuyết Domino của Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower chính là sản phẩm của hệ luận tư duy chính trị này(13). Nhân danh “ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản” và “bảo vệ thế giới tự do”, “bảo vệ dân chủ và nhân quyền”, Mỹ đã tự cho phép mình can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền khác, trong đó có Việt Nam.
Phải nói rằng trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, chiêu bài “ngăn chặn sự xâm lăng của cộng sản” và “bảo vệ thế giới tự do” của chính giới Mỹ cũng từng mê hoặc được hàng chục triệu người dân Mỹ và nhân dân các nước phương Tây, nhất là tầng lớp sinh viên, trí thức. Hồi tưởng của một số nhà sử học Mỹ, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam nổi tiếng như John T. McAlister Jr(14) và Keith W. Taylor(15) cho thấy rõ điều này. Chính vì bị mê hoặc bởi những luận điệu tuyên truyền đó mà họ và nhiều thanh niên Mỹ đã tình nguyện đầu quân sang Việt Nam chiến đấu. Nhưng sau khi đến và tham chiến trên các chiến trường, họ thấy quân đội Mỹ bắn giết những người bị gán cho là “cộng sản” phần lớn là thường dân, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em. Những gì mà quân lính Mỹ và tay sai đốt phá là vườn tược, nhà cửa của người dân thường(16). Và chính vì vậy họ đã thức tỉnh và trở thành những chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình, phản đối cuộc chiến của Chính phủ Mỹ ở Việt Nam. Có người về sau đã trở thành những nhà Việt Nam học nổi tiếng.
Thực tế lịch sử cho thấy, khi can thiệp ngày càng sâu và đưa hàng nửa triệu quân vào tham chiến ở Việt Nam, Chính phủ Mỹ đã chà đạp và thách thức ý chí độc lập dân tộc, nguyện vọng thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và những lợi ích căn bản nhất của nhân dân Việt Nam. Đây chính là tính chất phi nghĩa của chính sách dính líu, can thiệp và xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và cũng là chỗ yếu chí tử về chính trị, là nguyên nhân cội nguồn của sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam. Suốt 20 năm, các đời tổng thống và bộ máy chỉ huy chiến tranh của Mỹ đã thất bại trong việc cố gắng bù đắp và khắc phục điểm yếu này thông qua nhiều giải pháp chiến lược và chiến thuật trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa và ngoại giao. Nhưng cuối cùng người Mỹ đã phải chấp nhận một thất bại toàn diện.
Sự thức tỉnh của hai nhà Việt Nam học được nhắc tới ở trên cũng phản ánh sự thức tỉnh chung của hàng trăm triệu nhân dân Mỹ và nhân dân các nước phương Tây. Phong trào hòa bình, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Chính phủ Mỹ ở Việt Nam lan rộng hàng chục năm ra khắp nước Mỹ và phương Tây đã cho thấy: Chính nhân dân Mỹ, nòng cốt là trí thức, văn nghệ sĩ, cựu chiến binh và các bậc tu hành đã đứng lên phủ nhận tất cả những luận điệu biện bạch của chính giới Mỹ và phương Tây(17).
Còn về phía Chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn, họ cũng tìm mọi cách để tuyên truyền cho cái gọi là “chính nghĩa quốc gia” và kêu gọi “tố cộng”, “diệt cộng”. Nhưng việc họ từ chối thực hiện Hiệp định Geneva, từ chối tổng tuyển cử thống nhất đất nước; duy trì chế độ gia đình trị độc tài Ngô Đình Diệm và sau đó là sự chuyên chế của giới quân sự; đặc biệt là việc họ rước hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn quân Mỹ vào miền Nam đã tự mình vạch trần bộ mặt tay sai, phản quốc, phản dân tộc, phản dân chủ của họ. Và vì vậy, họ sớm trở thành đối tượng bị đả kích của đa số nhân dân miền Nam.
Trước khi tháo chạy, Nguyễn Văn Thiệu, nguyên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã có bài diễn văn từ chức, công khai đổ tội và lên án sự “bỏ rơi”, “phản bội đồng minh” của Mỹ(18). Đây là chứng cứ rõ ràng nhất phủ nhận hoàn toàn mọi luận điệu biện bạch cho “tính chính nghĩa”, “chính danh” của cả Mỹ và tay sai trong cuộc chiến.
Như thế, có thể thấy yếu tố văn hóa tinh thần quan trọng nhất làm nên linh hồn cả cuộc chiến và trực tiếp định đoạt kết cuộc của chiến, đó chính là: chính nghĩa thuộc về dân tộc Việt Nam.
2. Chủ nghĩa yêu nước, cội nguồn sức mạnh văn hóa – tinh thần của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân Việt Nam trong mùa Xuân năm 1975
Cùng với niềm tin lý tính vào tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thì chủ nghĩa yêu nước chính là nguồn cội của sức mạnh văn hóa – tinh thần của quân và dân Việt Nam trong suốt cuộc chiến cũng như trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Đây cũng là một “hằng số lịch sử” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (19). Chính vì vậy, trong toàn suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ yêu nước, đoàn kết toàn dân chống giặc ngoại xâm. Và do đó, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại. Đây chính là nguyên nhân khiến cho Đảng và Hồ Chủ tịch giành được sự tin yêu tuyệt đối, ủng hộ mạnh mẽ của tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân.
Và đây cũng chính là điều mà người Mỹ và các lực lượng tay sai của họ ở miền Nam Việt Nam không thể có được, hơn nữa họ còn bị nhân dân Việt Nam coi như kẻ thù của dân tộc. Đó chính là lý do không thể không thất bại của họ.

Vậy điều gì đã làm nên sự khác biệt vô cùng quan trọng đó?
Trước hết, là bởi vì mục đích chiến tranh của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn đi ngược lại ý chí, nguyện vọng và lợi ích của dân tộc Việt Nam, đó là: độc lập, thống nhất, tự do và hòa hợp dân tộc.
Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt mà sau Chiến tranh thế giới II, cùng với các nước Đức, Trung Quốc và Triều Tiên, Việt Nam đã bị chia cắt thành hai miền do hai chính quyền quản lý với hai chế độ chính trị khác nhau. Đây chính là nguyên nhân khiến cho Việt Nam trở thành một trong những trọng điểm (focal point) của cục diện đối đầu giữa phe Tư bản chủ nghĩa và phe Xã hội chủ nghĩa trong cuộc Chiến tranh Lạnh, và chính cục diện đối đầu này lại càng làm cho tình trạng bị chia cắt của đất nước thêm trầm trọng.
Vì thế các cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1945-1975, đặc biệt là cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta từ năm 1954 đến năm 1975 không khỏi mang tính chất và hình thức của một cuộc xung đột ý thức hệ. Tuy vậy, sẽ là sai lầm nếu cho rằng bản chất những cuộc chiến đó là các cuộc “chiến tranh ý thức hệ”, bởi thực tế lịch sử cho thấy, các cuộc chiến đó trước hết và trên hết là các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, chống lại các thế lực ngoại xâm, trước là thực dân Pháp, sau là đế quốc Mỹ và các lực lượng tay sai của chúng. Nếu có một cuộc “đối đầu ý thức hệ” nào đó trong các cuộc chiến khốc liệt đó, thì trước hết và quan trọng nhất chính là cuộc đụng độ gay gắt giữa một bên là ý chí chống ngoại xâm, quyết tâm bảo vệ nền độc lập và thống nhất quốc gia của dân tộc Việt Nam, với bên kia là ý chí xâm lăng, quyết tâm áp đặt chế độ chính trị lên dân tộc Việt Nam và chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam.
Do cách nhận thức sai lầm về bản chất cuộc chiến nên đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở Sài Gòn luôn luôn giương lên ngọn cờ chống cộng, “chống cuộc xâm lăng của cộng sản”. Họ đã hoàn toàn sai lầm khi đem “chủ nghĩa cộng sản” đối lập với “chủ nghĩa quốc gia” (nationalism). Thực tế lịch sử là: ở thế giới Âu – Mỹ, trong một thời gian dài chủ nghĩa cộng sản được đồng nhất với chủ nghĩa quốc tế (internationalism) và đối nghịch với chủ nghĩa quốc gia. Chính Quốc tế cộng sản cũng từng chấp nhận hệ luận này. Nhưng đó chỉ là thực tế của lịch sử Âu – Mỹ. Khi các chiến lược gia của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa vận dụng hệ luận này để “giải mã” cách mạng Việt Nam thì họ đã sai hoàn toàn. Bởi ngay từ năm 1924 Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra: ở phương Đông chủ nghĩa dân tộc vẫn là một nguồn sức mạnh to lớn nhất. Và Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trưởng thành trong chính cuộc đấu tranh dân tộc, chống thực dân, phát xít. Hơn ai hết, chính những người cộng sản đã kiên cường hy sinh nhiều nhất để giương cao ngọn cờ dân tộc, ngọn cờ yêu nước, đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Trong suốt cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước người dân Việt Nam từ Bắc đến Nam không ai không biết đến những nhận định đanh thép và những lời kêu gọi thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, ý chí thống nhất Tổ quốc của nhân dân cả nước không bao giờ lay chuyển” (20). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim của tôi”, “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!” (21). Và lời thơ chúc Tết cuối cùng của Người năm 1969 như lời hiệu triệu toàn quân, toàn dân xông lên phía trước, quét sạch kẻ thù để thống nhất non sông:
“Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.
Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn” (22)
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Người, theo đường lối lãnh đạo của Đảng trên miền Bắc đã xuất hiện những phong trào “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, mỗi tỉnh miền Nam có một tỉnh ở miền Bắc kết nghĩa. Hàng trăm, hàng nghìn bài hát, bài thơ, vở kịch được sáng tác và phổ biến để khơi dậy tinh thần đấu tranh vì thống nhất non sông. Đến cả những công viên, những con đường, những vật dụng hàng ngày như bao diêm, phích nước, xe đạp vv cũng mang tên “thống nhất”. Nhiều gia đình cũng đặt tên con, cháu của mình là “thống nhất”. Cuộc đấu tranh yêu nước của cách mạng Việt Nam được rút gọn lại trong ba từ thiêng liêng: độc lập, thống nhất, tự do.
Trong khi đó, dù luôn tự vỗ ngực xưng là đại diện cho “chủ nghĩa quốc gia” các chính phủ Việt Nam Cộng hòa từ Ngô Đình Diệm cho tới Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương, Dương Văn Minh sau này đều không ngừng tìm mọi cách chia cắt lâu dài đất nước. Họ từ chối tổng tuyển cử theo Hiệp định Geneva, họ đón rước ngày càng nhiều quân đội ngoại bang vào miền Nam, không chỉ có hàng trăm nghìn quân Mỹ mà còn có hàng chục nghìn quân lính các nước khác như Hàn Quốc, Australia, Thái Lan vv. Họ đàn áp thẳng tay tất cả những lực lượng đòi hòa bình thống nhất đất nước, dù không phải là cộng sản; họ dồn dân vào các “khu trù mật”, “ấp chiến lược”, “ấp tân sinh” để kìm kẹp và tước bỏ quyền tự do sinh sống, cư trú ngay trên chính quê hương của mình; họ cổ vũ Mỹ ném bom miền Bắc, rải chất độc hóa học xuống miền Nam. Tất cả những chính sách đó đã khiến cho chính quyền Sài Gòn tự vạch trần bản chất của cái gọi là “chính nghĩa quốc gia” của họ. Như thế là họ đã tự loại bỏ mình khỏi cộng đồng dân tộc Việt Nam trước khi họ bị bão táp cách mạng nhấn chìm.
Còn về phía Mỹ, các chiến lược chiến tranh và thủ đoạn tác chiến của Mỹ đã chà đạp lên cả chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam và danh dự và chủ nghĩa dân tộc của nhân dân Mỹ.
Đối với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, việc người Mỹ đưa cố vấn và quân lính vào trực tiếp bắn giết người Việt Nam, tàn phá xóm làng của người Việt Nam và thậm chí chà đạp cả thứ chủ quyền danh nghĩa của Chính quyền Sài Gòn đã khiến cho bộ mặt xâm lược của người Mỹ sớm bị bóc trần. Và đó là cách họ tự biến thành kẻ thù của toàn thể dân tộc Việt Nam. Ngay từ năm 1963, khi Mỹ quyết định tăng cường thêm hàng nghìn cố vấn Mỹ ở miền Nam thì, như sử gia Mỹ Keith W. Taylor nhận xét: “Chỉ trong vòng mấy tháng, việc có hàng nghìn người Mỹ vào đất nước này theo kiểu ‘không hộ chiếu’ đã làm Ngô Đình Diệm phật ý và lo lắng rằng chủ quyền quốc gia đang bị hy sinh”(23).
Còn đối với danh dự và chủ nghĩa dân tộc Mỹ, chính những tội ác chiến tranh man rợ mà quân đội Mỹ đã gây ra ở Việt Nam, một khi được truyền thông Mỹ “đưa vào tận phòng khách” của các gia đình người Mỹ đã khiến cho cả dân tộc Mỹ được thức tỉnh. Họ nhận ra Chính phủ Mỹ đang biến con em họ thành những cỗ máy giết người; danh dự và lương tri của nhân dân Mỹ đã bị phản bội. Đó là lý do lan rộng nhanh chóng của phong trào hòa bình, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.
3. Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng Việt Nam trong mùa Xuân đại thắng
Bất cứ ai tìm hiểu về lịch sử Việt Nam đều nhận ra rằng dân tộc Việt Nam có một giá trị văn hóa chính trị cốt lõi, xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm, đó là chủ nghĩa anh hùng dân tộc (national heroism). Truyền thống này được khởi nguồn từ rất sớm, ít nhất từ cuộc khởi nghĩa quật cường do Hai Bà Trưng lãnh đạo nổ ra năm 40 đập tan ách thống trị của nhà Hán. Sử gia Lê Văn Hưu (thế kỷ XIII) bình như sau về sự nghiệp của hai bà: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại cùng hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay” (24). Truyền thống bất khuất “đầu voi phất ngọn cờ đào” của Hai Bà lại được tiếp nối bởi vị nữ anh hùng kiệt xuất – Triệu Thị Trinh (Triệu Ẩu). Tinh thần và khí phách anh hùng của vị nữ tướng trẻ tuổi đã khiến cho Lục Dận – viên danh tướng nhà Đông Ngô phải thú nhận “Hoành qua đương hổ dị, đối diện bà vương nan” (Cầm ngang ngọn giáo đánh nhau với hổ còn dễ hơn là đương đầu với bà vương)(25).
Chủ nghĩa anh hùng của người Việt Nam càng ngày càng được tôi rèn, hun đúc thêm trên mỗi chặng đường dựng nước và giữ nước gian nan, được kết tinh trong lời định luận kiêu hùng của Ngô Quyền (thế kỷ X) trước khi đối đầu với quân Nam Hán xâm lược và quyết định đánh tan hoàn toàn đoàn chiến thuyền do Hoằng Tháo chỉ huy “không cho chiếc nào ra thoát” (26). Hào khí anh hùng đó tiếp tục được phát huy cao độ ở thế kỷ XI trên chiến tuyến Như Nguyệt chống quân Tống với lời “thơ Thần” bất hủ: “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”(27). Đến thế kỷ XIII, chủ nghĩa anh hùng dân tộc lại thăng hoa trong “hào khí Đông A”: “Chương Dương cướp giáo giặc / Hàm Tử bắt quân thù”(28); và ở thế kỷ XV thì “Đánh một trận sạch không kình ngạc / Đánh hai trận tan tác chim muông”(29).
Chủ nghĩa anh hùng dân tộc không chỉ lưu lại trong thư tịch với các áng “thiên cổ hùng văn” mà còn thấm đẫm trong huyết quản người dân khi các vị Thành hoàng được dân chúng tôn vinh thờ phụng truyền đời cũng chủ yếu là các vị anh hùng đã “bảo dân hộ quốc”. Kết quả là, như học giả phương Tây Alexander B. Woodside từng nhận xét: “Độ sâu sắc của ý thức về lịch sử và văn hoá dân tộc của nhân dân Việt Nam có thể làm cho các nhà dân tộc chủ nghĩa kém trí tưởng tượng hoặc những tín đồ tôn giáo Âu - Mỹ thực sự kinh ngạc” (30).

Đến Thời đại Hồ Chí Minh chủ nghĩa anh hùng dân tộc được phát huy cao độ, đạt tới tầm cao mới của chủ nghĩa anh hùng cách mạng (revoluionary heroism). Đó không còn chỉ là hào khí của một triều đại hay dũng khí của những cá nhân mà là chủ nghĩa anh hùng tập thể: nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng, cho nên “ra ngõ gặp anh hùng” là sự thật. Đó là khi hàng vạn người “chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt / Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt / Máu trộn bùn non / Gan không núng/ Chí không mòn!” để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại. Truyền thống đó tiếp tục tái hiện và đạt đến đỉnh cao trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và kết tinh trong bản “Mệnh lệnh” nổi tiếng của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngày 7-4-1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” (31).
-------------------------------------------
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thực sự là một “trận chung kết lịch sử” của nhân loại trong thế kỷ XX. Ở đó, những giá trị cao đẹp của thời đại đã hòa quyện với những giá trị truyền thống tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Đó là sự thắng lợi tuyệt đối của chính nghĩa tiêu biểu cho quyền sống trong độc lập, tự do, hòa bình của các dân tộc và quyền được tự mình định đoạt số phận, tự do mưu cầu hạnh phúc của toàn nhân loại đối với những mưu toan phi nghĩa của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Đó cũng là thắng lợi tuyệt đối của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam chân chính vượt qua những rào cản nhân danh “ý thức hệ” nhưng thực chất là những toan tính vị kỷ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nước lớn; là thắng lợi hoàn toàn của khát vọng thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc với các khuynh hướng ly khai, vị kỷ dựa trên lợi ích nhóm. Trong cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất đó chủ nghĩa anh hùng dân tộc của dân tộc Việt Nam đã được phát huy cao độ, trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là nguồn động lực tinh thần vô địch, cả nước ra quân, toàn dân xung trận để vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đánh bại mọi nỗ lực, phá tan mọi âm mưu của kẻ thù để mang về Mùa xuân Đại thắng năm 1975.
---------------------------------------------
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh, “Di chúc”, in trong: Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 621.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, sđd, tr. 623.
(3) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-iv/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-khoa-iii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-iv-cua-dang-1513. Truy cập ngày 20-3-2025.
(4) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-iv/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-khoa-iii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-iv-cua-dang-1513. Truy cập ngày 20-3-2025.
(5) Xem: Đặng Thị Lương Hiền, “Chiến tranh xâm lược Việt Nam qua thừa nhận của cựu Bộ trưởng McNamara”, In trên: https://special.nhandan.vn/cuu-Bo-truong-McNamara/index.html. Truy cập ngày 20-3-2025.
(6) Lời của Lê Lợi và Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô Đại cáo”, in trong: Đại Việt Sử ký toàn thư, t.II, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 285.
(7) Nguyên văn tiếng Đức: “Der Krieg ist eine bloße Fortsetzung der Politik mit anderen Mitteln”. Clausewitz, Carl, Vom Kriege, O. Corff, Berlin, 2010 (1832), tr. 15.
(8) Đại Việt Sử ký toàn thư, t.I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 279.
(9) Đại Việt Sử ký toàn thư, t.II, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 282.
(10) Minh đô sử, Viện Sử học, ký hiệu Hv.285. Dẫn theo bản sao của Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, sách 19, q. 43-tr.27b.
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 1.
(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 4, sđd, tr. 3.
(13) Mặc dù không trực tiếp sử dụng thuật ngữ “học thuyết Domino” nhưng tuyên bố của D.D. Eisenhower tại cuộc họp báo vào ngày 7 tháng 4 năm 1954 về “sự sụp đổ của những quân bài Domino” ở Đông Nam Á được coi như tuyên ngôn của học thuyết Domino. Xem: http://www.nps.gov/features/eise/jrranger/quotes2.htm.
(14) John T. McAlister là tác giả của nhiều công trình về lịch sử Việt Nam, nổi tiếng nhất là cuốn “Vietnam: the Origins of Revolution” do Trường Đại học Princeton xuất bản năm 1969. Trong lời nói đầu của công trình này ông đã kể lại những trải nghiệm cá nhân từ khi tình nguyện đi lính, sang Việt Nam tham chiến và tỉnh ngộ.
(15) Keith W. Taylor là một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất về lịch sử Việt Nam ở nước ngoài. Trong lời nói đầu của công trình “A Histoy of the Vietnamese” do Trường Đại học Cambridge xuất bản năm 2013 ông cũng kể lại những trải nghiệm trước, trong và sau khi tình nguyện tham chiến ở Việt Nam.
(16) Xem: Phạm Hồng Tung, “40 năm sau vụ thảm sát Mỹ Lai: Lật lại hồ sơ một tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ tại Việt Nam”, Nghiên cứu Lịch sử, Số 3 (383), 2008, tr. 20-29.
(17) Xem: Phạm Hồng Tung, “Phong trào hòa bình, phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam ở CHLB Đức”, Nghiên cứu Lịch sử, số 11 (403), 2009: 32-41.
(18) Trong bài phát biểu từ chức vào ngày 21-4-1975 Nguyễn Văn Thiệu đã lên án Mỹ là “một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo”
Xem: https://www.youtube.com/watch?v=UW8z37PWyNQ).
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 38.
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 13, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 245
(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 280.
(22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 15, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 532.
(23) Taylor, Keith W., A History of the Vietnamese, Cambridge University Press, 2013, tr. 582.
(24) Đại Việt Sử ký toàn thư, t.I, sđd, tr. 156-157.
(25) Phan Huy Lê (cb), Lịch sử Việt Nam, t. I, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr. 407.
(26) Đại Việt Sử ký toàn thư, t.I, sđd, tr. 203.
(27) Đại Việt Sử ký toàn thư, t.I, sđd, tr. 279.
(28) Lời thơ của Chiêu minh Đại vương Trần Quang Khải. Nguyên văn: “Đoạt sáo Chương Dương độ, Cầm hồ Hàm Tử quan”. Đại Việt Sử ký toàn thư, t.II, sđd, tr. 57.
(29) Lời “Bình Ngô Đại cáo” của Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Đại Việt Sử ký toàn thư, t.II, sđd, tr. 286.
(30) Woodside, Alexander B., Community and Revolution in Modern Vietnam, Boston, 1976, p. 1.
(31) Trung tướng Phạm Hồng Cư, “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, in trong: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/than-toc-than-toc-hon-nua-tao-bao-tao-bao-hon-nua-438752. Truy cập ngày 24-3-2025.