Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cùng Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức đồng chủ trì hội nghị
Tham dự còn có các Giáo sư: Đào Trọng Thi nguyên Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng Mai Trọng Nhuận cùng lãnh đạo các Ban, các đơn vị thành viên và trực thuộc.
Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức trình bày Báo cáo tổng kết công tác đào tạo năm học 2019-2020
và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021
Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh một số kết quả nổi bật trên các mảng công tác như tuyển sinh; phát triển chương trình đào tạo (CTĐT); tổ chức quản lý đào tạo liên kết quốc tế; trao đổi sinh viên; công nhận tín chỉ; kiểm định và đánh giá chất lượng chương trình đào tạo; giáo trình học liệu; quản lý đào tạo bậc trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), đại học và sau đại học (SĐH).
Công tác đào tạo năm học 2019-2020, với chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện hoạt động giảng dạy, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo” theo hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đề cao quyền tự chủ của người dạy và chủ động của người học: dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc, sự hỗ trợ tích cực của các Ban chức năng liên quan, cùng với sự vào cuộc các đơn vị đào tạo, công tác đào tạo ở ĐHQGHN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong năm học vừa qua.
Chủ đề của năm học mới 2020 – 2021 cho toàn ĐHQGHN là “Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ và chất lượng cao ở ĐHQGHN” và “Triển khai sâu rộng cơ chế tự chủ của hoạt động đào tạo trong điều kiện mới sau khi nghị định, quy chế mới của ĐHQGHN được ban hành”. Công tác đào tạo sẽ bám sát nhiệm vụ của Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ ĐHQGHN nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra với khẩu hiệu hành động “Đổi mới sáng tạo - Trách nhiệm Quốc gia - Phát triển bền vững” để thực hiện các giải pháp đồng bộ đổi mới tuyển sinh, tăng cường năng lực tổ chức quản lý đào tạo theo mô hình quản trị đại học tiên tiến, nâng cao chất lượng đào tạo từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đào tạo, tuyển sinh của các đơn vị ở ĐHQGHN và tăng cường hội nhập quốc tế, đổi mới ngành nghề và phương thức tổ chức đào tạo để đáp ứng yêu cầu của tình hình, bối cảnh mới và yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thực trạng công tác đào tạo của đơn vị, những kết quả nổi bật trong năm học vừa qua cũng như đề xuất triển khai đề án đổi mới hoạt động giảng dạy bậc đại học; phát triển chương trình đào tạo Chất lượng cao; phương pháp đào tạo trực tuyến hiệu quả và các giải pháp thu hút người học, tăng cường tính tự chủ của người dạy và người học trong bối cảnh mới…
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Vũ Hoàng Linh đưa ra các giải pháp khắc phục được quy mô tuyển sinh, tạo cơ chế mềm dẻo cho người học với sau đại học của Trường đồng thời đưa ra các nhận định về phương án tuyển sinh đại học cho năm học 2021 -2022.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hoàng Anh Tuấn cho rằng: do dịch bệnh còn kéo dài, ĐHQGHN tiếp tục học online, bên cạnh kế hoạch điều chỉnh, cần chú trọng nâng cao chất lượng học online. Tích hợp giữa online và trực tiếp để hỗ trợ tốt nhất cho người học.
Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, Nguyễn Quý Thanh đề xuất ĐHQGHN cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên và theo hướng giáo viên tham gia cùng với sinh viên và có sự đầu tư ngân sách cho các đề tài, từ đó gia tăng công bố nghiên cứu khoa học của sinh viên. Kiến nghị, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc kết hợp với 01 bài báo công bố trên tạp chí có uy tín của ngành đó thì xem xét được tuyển thẳng vào học thạc sĩ.
Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng Nghiêm Xuân Huy đã đưa ra những giải pháp trong xây dựng công cụ hỗ trợ hoạt động giảng dạy; nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên được thực hiện liên tục, thay đổi phương pháp mới và ứng dụng công nghệ thông tin.
Chủ nhiệm Khoa Quốc tế, Lê Trung Thành cho rằng: ĐHGQHN nên điều phối đề án vì One VNU. ĐHQGHN nên tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề để thu hút sinh viên quốc tế; mở các chương trình đào tạo ở nước ngoài; tăng cường phối hợp với các đơn vị trong ĐHQHHN để quy hoạch lại chương trình đào tạo để tính đúng hướng đủ kinh phí đào tạo.
GS.Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng nhận mạnh: Việc mở rộng quy mô đào tạo cũng như áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến cần phải đảm bảo với chất lượng đầu ra. Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục, hàng năm cần có công tác kiểm định chất lượng cụ thể, đánh giá và được chất lượng chương trình đào tạo được kiểm định. Trong năm học mới, ĐHQGHN cố gắng là đơn vị tiên phong trong cả nước với tất cả các chương trình đào tạo đại học được kiểm định. Trước mắt, cần tập trung kiểm định các chương trình đào tạo sau đại học tại ĐHQGHN.
Kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong công tác đào tạo
cũng như nỗ lực của những cán bộ thực hiện công tác này trong ĐHQGHN trong năm học vừa qua
Giám đốc Nguyễn Kim Sơn yêu cầu, công tác đào tạo năm học 2020-2021, ĐHQGHN tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả chủ đề năm học theo hướng triển khai sâu rộng cơ chế tự chủ của hoạt động đào tạo trong điều kiện mới sau khi nghị định, quy chế mới cho ĐHQG được ban hành. Tiếp tục đổi mới hoạt động giảng dạy, hỗ trợ người dạy và người học. Trong công tác phát triển chương trình đào tạo mới cần đặc biệt quan tâm, chất lượng chương trình và công tác kiểm định, mở mới các chương trình đào tạo thích ứng với thị trường lao động, gia tăng đào tạo sau đại học, đặc biệt là trình độ tiến sĩ.
Mỗi đơn vị cần xác định được nhiệm vụ đổi mới giảng dạy với trọng tâm của ĐHQGHN là hoạt động chuyển đổi số. ĐHQGHN sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về đào tạo trực tuyến, các đơn vị cần xác định đây không phải là hoạt động mùa vụ để ứng phó dịch covid -19 mà dạy học trực tuyến là một phần hoạt động trong chuyển đổi số của ĐHQGHN. Tăng cường số hóa, cơ sở dữ liệu, hoàn tất 100% số hóa kho sách của thư viện, nguồn học liệu để hỗ trợ học trực tuyến.
Về công tác tuyển sinh năm 2021, ĐHQGHN sẽ tổ chức phương án tuyển sinh riêng và sẽ công bố trong thời gian tới.
Về công tác tuyển sinh: năm học 2019 -2020 ĐHQGHN tuyển sinh 10.420 chỉ tiêu với 133 ngành/chương trình đào tạo bậc đại học, trong đó có 15 ngành mới. Tính đến 26/8/2020 đã có 128.312 nguyện vọng (NV), trong đó NV1: 25.984 (tăng 6.3% so với năm 2019).
Công tác tuyển sinh sau đại học được thực hiện online, thống nhất quản lý tuyển sinh trong toàn ĐHQGHN, kể cả tuyển sinh sinh viên quốc tế.
Công tác mở mới chương trình đào tạo: Trong năm học 2019-2020, ĐHQGHN đã thẩm định và ban hành nhiều CTĐT ở cả 3 bậc đào tạo (ĐH, ThS, TS). Có 18 CTĐT trình độ đại học (12 CTĐT chuẩn, 04 CTĐT đáp ứng Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT, 02 CTĐT CLC theo đặc thù đơn vị), 02 CTĐT trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng, 01 CTĐT trình độ tiến sĩ được ban hành và giao nhiệm vụ đào tạo trong năm qua.
Công tác trao đổi sinh viên phát triển mạnh mẽ, thành tích xuất sắc của khối THPT chuyên tiếp tục được duy trì, phát triển với nhiều giải quốc gia và huy chương quốc tế. Điều này càng khẳng định chất lượng đào tạo và thương hiệu của ĐHQGHN. Năm học 2019 – 2020, ĐHQGHN có 37 chương trình trao đổi sinh viên, với 35 sinh viên ĐHQGHN được đề cử đi trao đổi và 17 sinh viên quốc tế được các đối tác quốc tế đề cử đến học tập tại các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN. Khác với năm học trước, đa phần sinh viên của ĐHQGHN đăng kí học trao đổi chương trình của các tổ chức quốc tế AUN, UMAP, EU-SHARE và Erasmus+, năm học 2019 – 2020 đa phần các sinh viên được đề cử tham dự chương trình trao đổi theo MOU đã được ký giữa ĐHQGHN và các trường đại học nước ngoài |
Theo Website Đại học Quốc gia Hà Nội vnu.edu.vn