Đào tạo ngành Quản trị địa phương trên thế giới và tại Việt Nam
Quản trị địa phương là một chuyên ngành mới trong giáo dục ở Việt Nam, tuy vậy, trên thế giới đã có rất nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành này từ bậc đại học đến sau đại học.
Ở các nước phát triển, học phần về Quản trị địa phương được lồng ghép trong rất nhiều chương trình đào tạo về hành chính công, chính sách công. Nhiều trường đã có chương trình đào tạo sau đại học, bậc Tiến sĩ và Thạc sĩ về Quản lý chính quyền địa phương hay Thạc sỹ Quản trị địa phương. Ở Ghana, Viện nghiên cứu Quản trị địa phương có chương trình Thạc sĩ về Quản trị địa phương hướng đến trang bị cho người học những kiến thức thực tế để làm việc trong lĩnh vực quản trị các ngành, các lĩnh vực tại địa phương.
Ở Việt Nam, quản trị quốc gia hay quản trị địa phương là những tiếp cận còn khá mới mẻ. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng xác định mục tiêu: “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2021 - 2030 nhấn mạnh “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội”. Nắm bắt nhu cầu này, Đại học Quốc gia Hà Nội, với vai trò, sứ mệnh là đơn vị nòng cột trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, Đại học Quốc gia Hà Nội tiên phong trong việc xây dựng các chương trình đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Với sứ mệnh đó, ngày 29/7/2022, Hội đồng ĐHQGHN nhiệm kỳ 2018-2023 đã ban hành Nghị quyết số 2536/NQ-HĐ nhất trí thông qua chủ trương mở chuyên ngành đào tạo thạc sĩ Quản trị địa phương, giao cho Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển xây dựng đề án mở ngành. Ngày 31/01/2023 ĐHQGHN đã ban hành quyết định số 207/QĐ-ĐHQGHN về việc thành lập hội đồng thẩm định đề án mở chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị địa phương. Đến ngày 16/05/2023, ĐHQGHN đã ban hành quyết định số 1701/ QĐ-ĐHQGHN ngày 16/5/2023 về việc bổ sung Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó có chương trình thạc sĩ quản trị địa phương mã số 8340421, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển là đơn vị đào tạo. Điều đó cho thấy sứ mệnh tiên phong trong đổi mới các CTĐT theo hướng hội nhập quốc tế và đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa địa phương.
Nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực quản trị địa phương ở Việt Nam
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả". Do đó, chính quyền địa phương phải thay đổi cả về tư duy và hành động để trở thành chính quyền kiến tạo, quản trị một cách hiệu quả và phục vụ xã hội ngày một tốt hơn.
Ở Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình bày tại Đại hội XIII của Đảng xác định “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Đây là lần đầu tiên Đảng ta chính thức sử dụng thuật ngữ “quản trị quốc gia” trong văn kiện Đại hội của Đảng.
Việc nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương sẽ góp phần hiệu quả vào việc đổi mới quản trị quốc gia. Năng lực quản trị của chính quyền địa phương được thể hiện trên nhiều phương diện: (1) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành để làm cơ sở cho quản trị các vấn đề địa phương; (2) Tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương; (3) Đội ngũ nhân sự trong bộ máy chính quyền địa phương. Trong đó, trình độ, năng lực của đội ngũ nhân sự có vai trò rất quan trọng.
Nhiều nghiên cứu về thực trạng về năng lực quản trị của chính quyền địa phương ở Việt Nam đã chỉ ra rằng: đội ngũ nhân sự trong bộ máy chính quyền địa phương có cơ cấu, số lượng chưa thật sự hợp lý; tư duy, kỹ năng thực thi công vụ vẫn còn những hạn chế nhất định. Chất lượng thực thi công vụ của công chức chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn chưa cao, việc giải quyết công việc liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, một bộ phận không nhỏ cán bộ chưa đáp ứng được những yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ đặc biệt là những kỹ năng cần thiết để thực thi công vụ còn hạn chế dẫn đến việc thi hành công vụ nhiều lúc còn thụ động, thiếu tính chuyên nghiệp.
Theo báo cáo khảo sát do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tiến hành tại các đơn vị sử dụng lao động như Viện Kiểm sát, UBND các cấp, Ban Tuyên giáo, Các Sở, Ban ngành,… ở các địa phương cho thấy: 66,7% đơn vị có nhu cầu tuyển dụng nhân sự có trình độ sau đại học có kiến thức chuyên sâu, bài bản về Quản trị địa phương; 68,2% đơn vị có nhu cầu cử cán bộ của đơn vị bồi dưỡng kiến thức, đào tạo ở trình độ Thạc sĩ về Quản trị địa phương. Điều đó cho thấy, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn sâu về Quản trị địa phương hiện nay là rất lớn.
Bên cạnh đó, các địa phương của Việt Nam có tính đa dạng và đặc thù cao (khu vực miền núi, khu vực đồng bằng, vùng ven biển, khu vực hải đảo...) nên quản trị địa phương, ngoài sự thống nhất về tổ chức trên phạm vi cả nước thì tính đa dạng, linh hoạt và đặc thù của địa phương cần phải được quan tâm thích đáng và thiết thực.
Trong khi đó, ở Việt Nam, mặc dù có nhiều chương trình đào tạo liên quan đến quản lý chính sách, quản lý nhà nước, quản trị công… nhưng có thể thấy trong hệ thống giáo dục sau đại học ở Việt Nam chưa có đơn vị nào xây dựng chương trình đào tạo mang tính chất liên ngành về quản trị địa phương. Trong các chương trình đào tạo đại học và sau đại học của các trường đại học và cơ sở đào tạo ở Việt Nam mới chỉ tiếp cận quản trị địa phương như một bộ môn trong chuyên ngành quản lý công (Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Nội vụ…).
Còn nữa......