NGHIỆM THU ĐỀ TÀI XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI MÔ HÌNH QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG DỰA TRÊN VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG Ở MỘT SỐ LÀNG NGHỀ VEN SÔNG CÀ LỒ

Thứ tư - 12/12/2012 23:12
Ngày 13/12/2012, tại phòng 202, nhà A, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, mã số QMT.10.02 “Xây dựng và triển khai mô hình quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hoá cộng đồng ở một số làng nghề ven sông Cà Lồ do TS Phạm Văn Lợi, Viện VNH & KHPT và PGS.TS Phạm Hồng Tung, ĐHQGHN đồng chủ trì. Theo quyết định số 3761/QĐ-KHCN ngày 07/11/2012, hội đồng gồm 5 thành viên:

 NGHIỆM THU ĐỀ TÀI XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI MÔ HÌNH QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG DỰA TRÊN VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG Ở MỘT SỐ LÀNG NGHỀ VEN SÔNG CÀ LỒ

Ngày 13/12/2012, tại phòng 202, nhà A, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, mã số QMT.10.02 “Xây dựng và triển khai mô hình quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hoá cộng đồng ở một số làng nghề ven sông Cà Lồ do TS Phạm Văn Lợi, Viện VNH & KHPT và PGS.TS Phạm Hồng Tung, ĐHQGHN đồng chủ trì. Theo quyết định số 3761/QĐ-KHCN ngày 07/11/2012, hội đồng gồm 5 thành viên:

1. PGS.TS Vũ Văn Quân, TRường ĐHKHXH&NV, Chủ tịch HĐ

2. Ths Vũ Thị Mai Phương, Ban KHCN, ĐHQGHN, Uỷ viên thư ký

3. GS.TS Trương Quang Hải, Viện VNH & KHPT, ĐHQGHN, UỶ viên phản biện 1

4. TS Võ Thanh Sơn, Trung tâm NC tài nguyên và Môi trường, UỶ viên phản biện 2

5. PGS.TS Vũ Văn Tích, Ban KHCN, ĐHQGHN, Uỷ viên.

Thay mặt nhóm tác giả thực hiện đề tài, TS Phạm Văn Lợi trình bày kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đề tài gồm 213 trang chính văn, 122 đầu tài liệu tham khảo. Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và phụ lục, nội dung chính tập trung vào 4 chương:

Chương một: Một số vấn đề lý thuyết

Chương hai: Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực nghiên cứu

Chương ba: Thực trạng ô nhiễm môi trường và việc quản lý, bảo vệ môi trường dựa trên văn hóa cộng đồng

Chương bốn: Xây dựng và triển khai mô hình quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hóa cộng đồng

Đề tài đặt ra 2 mục tiêu chính:

- Nghiên cứu, phát hiện và phát triển những yếu tố tích cực của văn hóa cộng đồng để xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ môi trường ở một số làng nghề ven sông Cà Lồ.

- Nghiên cứu đề xuất phương án nhân rộng mô hình quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hóa cộng đồng ở các làng nghề trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và một số địa phương khác trong khu vực đồng bằng Bắc bộ.

Nội dung nghiên cứu:

Một số vấn đề lý thuyết về làng nghề, làng nghề truyền thống; văn hóa và văn hóa cộng đồng; mô hình và mô hình quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hóa cộng đồng;

Khái quát về điều kiện tự nhiên, các hoạt động kinh tế, các sinh hoạt văn hóa, xã hội của cư dân trong khu vực nghiên cứu;

Thực trạng ô nhiễm môi trường và việc quản lý, bảo vệ môi trường dựa trên văn hóa cộng đồng ở khu vực nghiên cứu;

Xây dựng và triển khai mô hình quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hóa صcộng đồng ở một số làng nghề ven sông Cà Lồ;

Xây dựng phương án triển khai nhân rộng mô hình quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hóa cộng đồng ra các làng nghề trên địa bàn các tỉnh/ thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và một số địa phương khác trong khu vực đồng bằng Bắc bộ.

Các kết quả đạt được:

Đề tài đặt mục tiêu nghiên cứu xây dựng và triển khai mô hình quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hóa cộng đồng ở một số làng nghề ven sông Cà Lồ. Trước khi đi vào nội dung chính, đề tài đã tập trung làm rõ một số vấn đề về lý thuyết, từ một số khái niệm (như: làng nghề, làng nghề truyền thống; văn hóa, văn hóa cộng đồng; mô hình và mô hình quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hóa cộng đồng) đến việc tổng thuật các công trình nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới đề cập đến làng nghề, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề và các biện pháp được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, trong đó có các mô hình quản lý và bảo vệ môi trường. Cũng trong phần này, đề tài còn tiến hành phân tích những yếu tố tích cực và tiêu cực, những cái được và chưa được của một số mô hình quản lý và bảo vệ môi trường đã được các nhà khoa học đề xuất, như: Mô hình DPSIR, Mô hình quy hoạch không gian làng nghề và Mô hình cơ cấu quản lý hành chính về môi trường ở cấp xã.

Đề tài cũng đã trình bày khái quát về điều kiện tự nhiên, các hoạt động kinh tế và các sinh hoạt văn hóa, xã hội của cư dân khu vực nghiên cứu (ba khu 5, 6, 7 mới tách ra từ làng cổ Thụy Lôi, thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh và 2 làng Thu Thủy và Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội). Ở đó, đề tài đã cố gắng làm rõ những yếu tố tự nhiên tác động đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng cũng tập trung chỉ ra những yếu tố tự nhiên góp phần làm tăng nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Với các hoạt động kinh tế và các sinh hoạt văn hóa, xã hội của cư dân khu vực nghiên cứu đề tài cũng chỉ tập trung đi vào giới thiệu, phân tích các yếu tố có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường và sự ô nhiễm môi trường, như sự phát triển của các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm; sự phát triển các hoạt động sản xuất và gia công đồ gỗ, đồ tre trúc,… đã góp phần nâng cao chất lượng sống cho cư dân, nhưng cũng trực tiếp đẩy nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Tiếp theo, để có thể xây dựng và triển khai mô hình quản lý và bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao, đề tài đã đi vào phân tích thực trạng ô nhiễm môi trường và thực trạng quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hóa cộng đồng trên địa bàn. Đề tài đã phân tích các động lực môi trường và các động lức kinh tế, xã hội và chỉ rõ các áp lực đối với môi trường trên địa bàn. Từ đó, chỉ rõ thực trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, cả ô nhiễm môi trường nước (cả nước mặt và nước ngầm), môi trường không khí (ô nhiễm mùi, bụi và tiếng động) đến mức báo động, đã và đang có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới các hoạt động kinh tế và cuộc sống của cư dân; môi trường đất trên địa bàn đã bắt đầu ô nhiễm, nhưng còn ở mức độ thấp hơn. Đề tài cũng đã chỉ ra những yếu tố văn hóa cộng đồng đã và đang được khai thác, phát huy vai trò tích cực trong việc quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn, như: các quy định trong hương ước; các quy định bất thành văn trong việc giữ gìn nguồn nước sinh hoạt (bao gồm cả nước giếng đào và nước sông Cà Lồ) trong xã hội truyền thống và việc vận động các tổ chức xã hội nhận quản lý và bảo vệ môi trường trên một địa bàn, một khu vực cụ thể; việc vận động cư dân tham gia tổng vệ sinh môi trường trên đường làng, ngõ xóm vào các dịp lễ tết,…

Để xây dựng mô hình, đề tài đã nghiên cứu, mô hình hóa thực trạng quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn, trong thời điểm hiện tại. Sau đó, dựa vào những đặc điểm tự nhiên và các đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực nghiên cứu và các yếu tố văn hóa cộng đồng tốt đẹp, phù hợp đã phát hiện được trên địa bàn nghiên cứu hoặc tiếp thu từ các cộng đồng cư dân khác, đề tài xây dựng, đề xuất mô hình quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hóa cộng đồng, với các yếu tố văn hóa cộng đồng được sử dụng chính là hương ước, dư luận xã hội và các quan hệ/ sự cấu kết cộng đồng. Đề tài cũng chỉ rõ, muốn triển khai đưa mô hình vào thực tiến cuộc sống, cần tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ/ 2 công việc chính: xây dựng và triển khai Quy ước Quản lý và bảo vệ môi trường và tiến hành chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường và ô nhiễm môi trường cho cư dân, tạo dựng một luồng dư luận xã hội mới/ tốt đẹp trên địa bàn về môi trường và những người hoạt động trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường; khai thác các quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong cộng đồng để quản lý và bảo vệ môi trường.

Dựa trên mô hình được xây dựng và các nhiệm vụ chủ yếu được xác định, nhóm nghiên cứu đã làm việc với lãnh đạo địa phương, thuyết phục chính quyền địa phương cho phép triển khai mô hình trên địa bàn khu 7 (xã Thụy Lâm) và thôn Thu Thủy (xã Xuân Thu). Nhóm nghiên cứu cũng đã trình bày rõ các công việc chính cần thực hiện và kế hoạch cụ thể để hoàn thành các công việc. Ngay sau khi được lãnh đạo chính quyền địa phương cho phép, nhóm nghiên cứu đã từng bước thực hiện kế hoạch đã được đề ra, đã được thống nhất của lãnh đạo địa phương: từng bước tiến hành xây dựng và triển khai Quy ước quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn và thực hiện kế hoạch tuyên truyền về môi trường trên. Dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng về cơ bản nhóm công tác đã thực hiện được kế hoạch đã được đề ra. Và, tháng 6/2012, nhóm công tác đã tiến hành nghiên cứu đánh giá bước đầu kết quả triển khai, thực hiện mô hình quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn khu 7 (xã Thụy Lâm) và thôn Thu Thủy (xã Xuân Thu). Cụ thể là thực hiện kế hoạch xây dựng và triển khai Quy ước Quản lý và bảo vệ môi trường và tiến hành Chương trình tuyên truyền về môi trường trên địa bàn.

Từ thực tế triển khai, thực hiện mô hình và kết quả nghiên cứu đánh giá kết quả bước đầu của quá trình triển khai, thực hiện mô hình, bằng các phương pháp chính là điều tra bảng hỏi, phỏng vấn sâu và trực tiếp quan sát,… nhóm nghiên cứu đã xây dựng, đề xuất phương án triển khai nhân rộng mô hình ra các địa bàn, các làng quê khác ở các tỉnh xung quanh Hà Nội, với 2 phương án chính: (1) triển khai, nhân rộng mô hình ở các thôn/ làng có điều kiện tự nhiên, các hoạt động kinh tế, các sinh hoạt văn hóa, xã hội khác biệt với khu 7 và thôn Thu Thủy; (2) triển khai, nhân rộng mô hình ra các làng có điều kiện tự nhiên, các hoạt động kinh tế, các sinh hoạt văn hóa, xã hội tương tự với khu 7 (xã Thụy Lâm) và thôn Thu Thủy (xã Xuân Thu). Vấn đề quan trọng nhất mà nhóm nghiên cứu đã chỉ ra cho quá trình triển khai, nhân rộng mô hình là việc thuyết phục lãnh đạo địa phương coi việc triển khai mô hình là công việc của địa phương. Từ đó lãnh đạo địa phương trực tiếp tham gia và tham gia tích cực vào cả quá trình xây trình mô hình và quá trình triển khai, thực hiện mô hình, bên cạnh vai trò nghiên cứu, tư vấn khoa học của nhóm công trình. Nhờ đó các vấn đề liên quan đến nhân sự (thành lập Ban Chỉ đạo triển khai mô hình) và kinh phí dành cho quá trình triển khai, thực hiện mô hình mới có thể được giải quyết một cách căn bản, triệt để. Chỉ có như thế việc xây dựng, triển khai mô hình quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hóa cộng đồng mới thực sự thành công và mô hình quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hóa cộng đồng mới thực sự đi vào cuộc sống và phát huy vai trò trong thực tế cuộc sống.

Nhận xét kết quả nghiên cứu của đề tài, GS.TS Trương Quang Hải cho rằng đề tài được tiến hành đã đáp ứng được nhu cầu bức xúc về ô nhiễm môi trường làng nghề tại khu vực nghiên cứu, tuy nhiên, nếu “Thực trạng môi trường được phân tích trên cơ sở kết quả số liệu so sánh tương đồng của các làng nghề khác, nếu đề tài có các chuyên gia môi trường tham gia kết quả đánh giá thực trạng môi trường sẽ sát thực hơn”

- Một số kết quả có tính chất suy diễn, ví dụ hỏi ước lượng rác thải cho từng hộ rồi nhân với tổng số hộ khu vực nghiên cứu.

- Đề tài cần tiến hành nghiên cứu liên ngành ở mức cao hơn, có thể đánh giá rõ hơn nguồn thải và chất lượng môi trường làng nghề qua thu thập và phân tích mẫu

- Trong các hương ước, quy ước cần chú ý tới tính đặc thù của môi trường trong mỗi loại hình sản xuất.

TS Võ Thanh Sơn chia xẻ:

- Đề tài chưa lý giải vì sao lựa chọn và tiêu chí lựa chọn khu vực nghiên cứu.

- Những phương pháp nghiên cứu cụ thể, quy trình thực hiện, kết quả đạt được....

- Tách bạch các làng nghề, đánh giá làng nghề như là một đối tượng nghiên cứu: làm nghề gì, nguyên vật liệu như thế nào, sản xuất như thế nào, sản phẩm đầu ra như thế nào, lượng rác thải là như thế nào...

- Tính hiệu quả của nghiên cứu chưa được nhóm tác giả đề cập đến, do đó chưa rõ nghiên cứu này có khả năng áp dụng đối với các khu vực có tính chất tương đồng.

2. Ths Vũ Thị Mai Phương, Ban KHCN, ĐHQGHN, Uỷ viên thư ký đề nghị nhóm tác giả thực hiện đề tài bổ sung thêm những kết quả đạt được .

Kết luận những kết quả nghiên cứu của đề tài, PGS.TS Vũ Văn Quân, Chủ tịch hội đồng đề nghị

- Đây là đề tài có nghĩa thực tiễn, đáp ứng một vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực ven sông Cà Lồ.

- Các kết quả nghiên cứu đảm bảo tính ứng dụng

Nhóm tác giả thực hiện đề tài cần lưu ý

- Khi lựa chọn một địa bàn nghiên cứu, phải thuyết minh vì sao lựa chọn khu vực đó

- Các phương pháp nghiên cứu được liệt kê mà chưa thuyết minh tường minh

- Trong khi xây dựng các hương ước, thiết chế về bảo vệ môi trường cần thể hiện được tính đặc thù của làng nghề cụ thể, tránh chung chung

- Các nguyên nhân cơ bản, quan trọng gây ra tình trạng ô nhiễm và giải quyết vấn đề ô nhiễm của làng nghề.

- Khi triển khai nhân rộng, cần điều chỉnh mô hình và cân nhắc

- Cần chuẩn chỉnh hơn theo đúng quy định của ĐHQGHN về các biểu mẫu.

Kết quả đánh giá của hội đồng: đề tài đạt loại Tốt.

Tống Văn Lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây