Vừa qua, trong 3 ngày, từ ngày 6 – 8/tháng 6, Hội thảo với chủ đề “Cộng đồng các tộc người ngữ hệ Thái – Kadai: Truyền thống – Hội nhập – phát triển” đã được tổ chức trọng thể tại Thành phố Thanh Hóa dưới sự phối hợp chủ trì của Viện VNH&KHPT và UBND tình Thanh Hóa. Hội thảo đã thu hút sự có mặt của khoảng 150 nhà khoa học, nhà nghiên cứu của các cơ quan trung ương và các tỉnh khu vực Tây Bắc (Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn…). 28 trong tổng số 74 tham luận khoa học đã được trình bầy tại 04 tiểu ban Hội thảo. Đây là Hội thảo Thái học lần thứ 6 được tổ chức từ năm 1991 tới nay, trong đó những năm gần đây phối hợp với các tỉnh Cao Bằng (năm 2006), Điện Biên (năm 2009), Thanh Hóa (năm 2012) tổ chức. Có thể nói, 6 kỳ Hội thảo về Thái học Việt Nam đã được tổ chức và thu được những thành công đáng ghi nhận. Thành công đó được thể hiện, bên cạnh ở số lượng tham luận khoa học, số lượng người tham gia, trước hết ở giá trị khoa học và tính thiết thực của nội dung mỗi kỳ Hội thảo. Từ những chủ đề mang tính khái quát chung của những kỳ Hội thảo ban đầu, thực tế là những bước đi “mò mẫm”, tìm hướng đi cho hoạt động của chương trình Thái học, dần dần chủ đề của mỗi kỳ Hội thảo sau đã được xác định cụ thể hơn, tập trung vào các vấn đề như đóng góp của cộng đồng dân tộc Tày -Thái vào tiến trình lịch sử chung của dân tộc, địa danh và các vấn đề lịch sử văn hóa, cũng như những vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa được đặt ra trong giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay. Các nội dung này thực sự có giá trị trong quá trình phát triển của các tộc người Tày – Thái ở Việt Nam nói chung cũng như đối với sự phát triển của các vùng, các địa phương khu vực Tây Bắc, như ý kiến phát biểu của lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Thanh Hóa trong mỗi kỳ hội thảo và được đại diện Ban chỉ đạo Tây Bắc khẳng định năm nay.
Điểm nhấn của Hội thảo lần 6 là Cộng đồng các tộc người Thái - Ka Đai với văn hóa Đông Sơn, trong đó tập trung vào đóng góp của cộng đồng Thái - Ka Đai nói chung và của các nhóm Thái Thanh Hóa nói riêng vào quá trình hình thành và phát triển của Văn hóa Đông Sơn nói chung ở Việt Nam và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, một số vấn đề cơ bản liên quan đến không gian văn hóa khu vực sinh sống của người Tày – Thái cùng được nhiều tham luận tập trung đề cập tới, như: Người Thái xứ Thanh: Nguồn gốc, quá trình tộc người, mối liên hệ văn hóa tộc người, không gian văn hóa và các mối quan hệ trong khu vực Tây Bắc Việt Nam; Văn hóa Thái trong bức tranh văn hóa các tộc người ở Tây Bắc Việt Nam; Vấn đề tộc danh, địa danh trong nghiên cứu lịch sử; khảo cứu lịch sử qua sử thi Thái…Điều nổi bật trong hội thảo là cùng với phương pháp nghiên cứu đơn ngành được áp dụng cho những nghiên cứu chuyên sâu, phương pháp liên ngành theo cách tiếp cận khu vực học cũng được nhiều tham luận sử dụng hiệu quả, đặc biệt trong nghiên cứu những biến động đời sống kinh tế xã hội người dân dưới tác động của kinh tế thị trường, hay do sự xuất hiện và tác động của các công trình thủy điện (khu vực Tây Bắc, tây Thanh Hóa, Nghệ An) đến kế sinh nhai và văn hóa truyền thống của người dân, vấn đề sử dụng và quản lý tài nguyên đất và rừng, vấn đề con người và rừng, nghề và làng nghề truyền thống trong phát triển bền vững, cũng như nhu cầu cấp thiết bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các tộc người Tày – Thái ở Việt Nam.
Thay mặt Ban Tổ chức, GS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện VNH&KHPT đã tổng kết hội thảo, khẳng định thành công của Hội thảo toàn quốc Thái học lần thứ 6 là sự tiếp nối và phát huy thành quả của 5 kỳ Hội thảo trước đây, đồng thời cũng khẳng định sự phát triển vững chắc của chương trình Thái học Việt Nam. Bên cạnh nhu cầu tiếp tục triển khai nghiên cứu sâu hơn và bản chất hơn các vấn đề của cộng đồng các tộc người Thái – Kadai hướng tới bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, cũng cần phải có những nghiên cứu đầy đủ các nguồn lực (tự nhiên, xã hội, con người) phục vụ phát triển bền vững, trong đó bao gồm cả việc đánh giá đầy đủ, cụ thể và tổng thể tác động (tích cực, tiêu cực) của các công trình thủy điện đến kinh tế, xã hội và văn hóa của cộng đồng các tộc người Tày - Thái.
Các đại biểu Hội thảo thống nhất nhân kỷ niệm 25 năm chương trình Thái học Việt Nam, Hội thảo Thái học lần thứ 7 sẽ được tổ chức vào năm 2014 tại thành phố Sơn La với chủ đề “Xây dựng nguồn lực phục vụ phát triển bền vững vùng Thái Tây Bắc” dưới sự phối hợp chủ trì của Viện VNH&KHPT (ĐHQGHN) và UBND tỉnh Sơn La.
Thời gian tổ chức |
Nơi tổ chức |
Chủ đề |
Số lượng báo cáo |
Số lượt tác giả |
Số trang Kỷ yếu |
HT lần thứ I (Năm 1991) |
Hà Nội |
Các vấn đề chung |
34 |
39 |
340 |
HT lần thứ II (năm 1998) |
Hà Nội |
Các vấn đề văn hóa, lịch sử |
58 |
62 |
696 |
HT lần thứ III (năm 2002) |
Hà Nội |
Các vấn đề văn hóa, lịch sử |
117 |
115 |
900 |
HT lần thứ IV (năm 2006) |
Cao Bằng |
Đóng góp của các dân tộc Tày Thái trong tiến trình lịch sử Việt Nam |
61 |
53 |
467 |
HT lần thứ V (năm 2009) |
Điện Biên |
Địa danh và những vấn đề lịch sử văn hóa |
50 |
50 |
390 |
HT lần thứ VI (năm 2012) |
Thanh Hóa |
Cộng đồng dân tộc Thái – Kadai: Truyền thống, hội nhập và phát triển |
74 |
87 |
786 |
(Chủ đề và nội dung các kỳ Hội thảo Thái học)
Lê Thanh Lan
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn