Thay mặt cho nhóm tác giả thực hiện công trình, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài. Theo đó, Chủ biên và nhóm tác giả thực hiện công trình đã nghiên cứu quá trình hình thành và những thay đổi của địa danh Thăng Long – Hà Nội trong lịch sử, tập trung vào giai đoạn từ thế kỷ XIX đến nay. Đồng thời, đề tài đã nghiên cứu, khôi phục được 550 mục từ là các đơn vị địa danh hành chính của Thăng Long – Hà Nội. Hệ thống địa danh được thể hiện trên bản đồ, giúp người đọc có thể hình dung, nhận diện được sự chồng xếp, thay đổi của các đơn vị địa danh Thăng Long – Hà Nội từ xưa đến nay.
Đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, PGS.TS Vũ Văn Quân, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, Ủy viên phản biện 1 khẳng định công trình “có chất lượng chuyên môn tốt. Phần nghiên cứu được thực hiện công phu, nội dung khoa học phong phú. Phần Phụ lục là một từ điển địa danh hành chính Thăng Long – Hà Nội với các mục từ cơ bản đầy đủ tương ứng với số đơn vị hành chính đã và đang tồn tại”.
PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư, Ủy viên phản biện 2 cho rằng “Từ điền địa danh hành chính Hà Nội sẽ là một tài liệu nghiên cứu đáng tin cậy, một tư liệu tra cứu phổ cập, giúp cho thành phố Hà Nội có một cơ sở mang tính luận cứ trong việc quy hoạch, điều chỉnh, đặt tên mới cho các tuyến phố, đường nội đô, nội thị và các địa chỉ mới…”
Chia xẻ với các ý kiến của phản biện, các thành viên trong hội đồng nghiệm thu cũng nhất trí đánh giá cao kết quả nghiên cứu của công trình.
Để công trình sau khi xuất bản có giá trị tham khảo tích cực đến đông đảo bạn đọc cũng như phục vụ các nhà nghiên cứu trong công tác tra cứu, tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội, các thành viên hội đồng đã có những đóng góp có ý nghĩa thực tiễn, nghiêm túc để chủ biên và các tác giả có thể nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với một công trình là sách xuất bản. Đối với tên sách khi xuất bản, PGS.TS Vũ Văn Quân đề nghị nên đặt là “Nghiên cứu địa danh hành chính Thăng Long – Hà Nội để tương thích với nội dung”, đồng thời chủ biên và nhóm tác giả nên điều chỉnh tên một số chương cho thống nhất, chỉnh sửa một số sai sót về tên người, tên đất, niên đại… PGS.TS Phạm Văn Tình góp ý nên có phần giới thiệu quan điểm, cách thức biên soạn các mục từ như thứ tự cần trình bày trong một mục từ, nội dung tối ưu của từng mục từ, các chương nên có sự cân đối, đảm bảo tính thống nhất của công trình xuất bản.
PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, Ủy viên hội đồng đề nghị chủ biên và nhóm thực hiện công trình nên có một giới thuyết về tính liên ngành (văn hóa, ngôn ngữ, sử học, địa lý học) trước khi đi vào các nội dung cụ thể sẽ giúp người đọc dễ dàng hình dung tính đa dạng của các đơn vị địa danh hành chính Thăng Long, Hà Nội.
GS.TS Trương Quang Hải, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đề nghị chủ biên luận giải thêm về cách thức phân chia các giai đoạn nghiên cứu, bổ sung nội dung đặc điểm chung về địa danh hành chính Hà Nội từ đầu thế kỷ XIX đến nay… GS.TS Đinh Văn Đức, Trường ĐHKHXH&NV đề nghị điều chỉnh lại phần viết Tổng quan vì còn tương đối dàn trải, nhiều đề mục nên thu hẹp lại cho gọn.
Ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội khẳng định việc nghiên cứu, biên soạn một bộ đại từ điển về địa danh hành chính Thăng Long – Hà Nội là một công việc được Nhà xuất bản Hà Nội ấp ủ từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do tiến độ cũng như khối lượng công việc, Nhà xuất bản bước đầu tập trung đầu tư cho khu vực hạt nhân, khu vực lõi của Thăng Long truyền thống cũng như của Hà Nội hiện đại. Nhà xuất bản sẽ sớm tạo điều kiện để công trình xuất bản, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân cũng như các nhà nghiên cứu.
Phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh đến ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học của công trình mang tính liên ngành, khoa học cao. Đề nghị hội đồng nhất trí nghiệm thu công trình. Đề nghị chủ biên điều chỉnh lại tên gọi một số chương, nhất quán trong cách trình bày, cân đối dung lượng các chương… để công trình sau khi xuất bản sẽ có những đóng góp nhất định đối với nghiên cứu Hà Nội học.
Tống Văn Lợi
Tác giả: spadmin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn