Nhóm nghiên cứu mạnh Khu vực học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển được thành lập theo Quyết định số 93/QĐ-ĐHQGHN, ngày 11/01/2023 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhóm bao gồm 7 thành viên chính thức và 8 cộng tác viên tham gia. Nhóm nghiên cứu mạnh Khu vực học là nhóm nghiên cứu chủ chốt của Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, các hướng nghiên cứu chủ đạo mà nhóm tập trung triển khai bao gồm: hoàn thiện và phát triển hệ thống lý thuyết về Khu vực học, Việt Nam học; nghiên cứu các vấn đề của không gian văn hoá, không gian sáng tạo; Thực hiện các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực khu vực học, lịch sử văn hoá, công nghiệp văn hoá,… Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, nhóm Nghiên cứu mạnh luôn tích cực chủ động tổ chức các toạ đàm khoa học, hội thảo khoa học,… để tăng cường trao đổi học thuật trong và ngoài nhóm nghiên cứu.
Tham dự Toạ đàm, về phía Nhóm nghiên cứu có Trưởng nhóm, Phó trưởng nhóm và các thành viên của nhóm Nghiên cứu mạnh Khu vực học; về phía Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển có TS. Phạm Đức Anh – Phó Viện trưởng phụ trách Viện; TS. Vũ Kim Chi – Phó Viện trưởng; cùng toàn thể cán bộ Viện; nghiên cứu viên trong Viện; Nghiên cứu sinh các khoá, học viên Cao học và sinh viên đến từ Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Trường Đại học Việt Nhật, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đặc biệt, toạ đàm có sự tham gia của TS. Phạm Hữu Thư – Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật, TP Hải Phòng, người đã có nhiều năm quan tâm nghiên cứu về vấn đề đô thị thông minh, đô thị toàn cầu.
GS.TS Phạm Hồng Tung - Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh Khu vực học đã trình bày những nội dung cơ bản về đô thị, đời sống đô thị hiện đại với ba vấn đề chính được tập trung nghiên cứu: 1) Xu hướng phát triển đô thị mới; 2) Vertical Living; 3) Urban Area Studies, trong đó “Vertical Living” được đề cập trong nghiên cứu không đơn thuần là tổ chức không gian đô thị mà còn khơi đến những mạch nguồn của đời sống văn hoá đô thị hiện đại.
Trong phần trình bày của mình, GS Phạm Hồng Tung đã nhấn mạnh đến 4 xu hướng phát triển đô thị hiện đại bao gồm: Smart Cities (Thành phố thông minh); Creative Cities (Thành phố sáng tạo); World Cities và Global Cities (Thành phố toàn cầu); và Innovation Cities (Thành phố đổi mới sáng tạo). Trong đó xu hướng phát triển Thành phố thông minh và Thành phố sáng tạo là hai xu thế quan trọng của Việt Nam hiện nay. Tính đến tháng 11 năm 2023, Việt Nam có 3 thành phố ra nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, bao gồm: Hà Nội là thành phố sáng tạo về lĩnh vực thiết kế sáng tạo (2019), Đà Lạt và Hội An là thành phố sáng tạo về lĩnh vực Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian (2023). Và trong tương lai, Hà Nội hướng tới phát triển thành phố theo xu hướng đô thị đổi mới sáng tạo (Innovation Cities).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển của đô thị hiện đại đã đặt ra nhiều vấn đề đáng lưu tâm, đặc biệt là vấn đề đời sống đô thị như một luận điểm quan trọng như “đời sống chiều thẳng đứng” - Vertical Living mà diễn giả đã đề cập. Thực tế, trên thế giới “Vertical Living” đã trở thành một trong số 162 chỉ dấu (indicator) của thành phố đổi mới sáng tạo (Innovation Cities). Trong đối sánh với đời sống chiều thẳng đứng hiện nay, các không gian sống trước đây chủ yếu chỉ được định vị theo chiều hướng ngang nên mọi hình dung về thế giới và về các quan hệ trong đời sống người Việt Nam xưa cũng theo chiều ngang, in đậm vào tâm thức folklore của nhiều người. Tuy nhiên, trong các thành phố, các khu đô thị mật độ dân cư và mật độ hoạt động sống ngày càng trở nên dày đặc (densified) hơn, sâu sắc (intensive) hơn và đa diện (multifaced) hơn thì các không gian sống ngày càng bị nén lại – theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Và do đó, bên cạnh bề rộng và chiều hướng ngang theo kiểu truyền thống, người ta phải khai thác cả chiều thẳng đứng của không gian đô thị. Diễn giả đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng của đô thị hiện đại: gây sức ép lên hạ tầng đô thị, sức chống chịu và khả năng chấp nhận trong đời sống đô thị hiện đại; vấn đề quy hoạch không gian ngầm, không gian mặt đất và không tầng không gian.
Sau khi diễn giả trình bày, các nhà nghiên cứu, Nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên tham gia toạ đàm đã có những ý kiến thảo luận, trao đổi rất sôi nổi. TS. Phạm Hữu Thư chia sẻ những quan điểm nghiên cứu về đô thị toàn cầu và những chỉ số để đánh giá sự phát triển của đô thị toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh đến tính kết nối đô thị trong phát triển kinh tế cũng như đời sống đô thị hiện đại. TS. Vũ Kim Chi, TS. Phạm Đức Anh và TS. Trần Bách Hiếu đề cao những nghiên cứu của nhóm Nghiên cứu mạnh về một chủ đề rất hay, rất thú vị đồng thời bày tỏ sự quan tâm tới những hướng nghiên cứu tiếp theo của nhóm về vấn đề Nghiên cứu Khu vực học đô thị - Urban Area Studies. Ngoài ra, Nhóm nghiên cứu cũng nhận được nhiều chia sẻ từ các Nghiên cứu sinh, Học viên Cao học ngành Việt Nam học, Khu vực học, Lịch sử và Lãnh đạo toàn cầu.
GS.TS Phạm Hồng Tung - Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh Khu vực học đã đại diện Nhóm nghiên cứu mạnh cảm ơn những chia sẻ, đóng góp và ý kiến của các nhà nghiên cứu và các đại biểu tham dự buổi toạ đàm. Đồng thời, GS.TS Phạm Hồng Tung cũng mong muốn và hứa sẽ thường xuyên tổ chức những buổi toạ đàm khoa học để nhóm nghiên cứu có nhiều cơ hội được trao đổi học thuật và chia sẻ những nghiên cứu mới trong lĩnh vực khu vực học, Khu vực học đô thị và không gian văn hoá, không gian sáng tạo.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi tọa đàm Khoa học:
GS.TS. Phạm Hồng Tung -Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh Khu vực học đã trình bày tại buổi Tọa đàm
TS. Phạm Đức Anh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện chia sẻ những cảm nhận tại buổi Tọa đàm.
TS. Vũ Kim Chi, Phó Viện trưởng cũng có đôi lời chia sẻ trong buổi Tọa đàm
TS. Trần Bách Hiếu, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Đào tạo cũng có đôi lời chia sẻ về cảm nhận sau khi tham dự Tọa đàm
Một số chia sẻ của nghiên cứu sinh người nước ngoài.
Khung cảnh toàn thể của buổi Tọa đàm.