Viện Việt Nam học và Khoa học phát triểnhttps://ivides.vnu.edu.vn/uploads/banner-1_1.png
Thứ tư - 27/12/2023 03:26
Ngày 22/12/2023, ĐHQGHN đã ban hành Quyết định số 5007/QĐ-ĐHQGHN về việc mở chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng chuyên ngành Quản trị địa phương do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN đào tạo. Chương trình dự kiến tuyển sinh khóa I vào đầu năm 2024.
Hướng đi mới mang tính liên ngành trong quản trị địa phương Tại Việt Nam, quản trị quốc gia hay quản trị địa phương là những thuật ngữ còn khá mới mẻ. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng xác định mục tiêu: “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực chuyên môn này, Sau một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 16/5/2023, Hội đồng Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành Quyết định số 1707/QĐ-ĐHQGHN chính thức bổ sung chuyên ngành quản trị địa phương, trình độ thạc sĩ vào danh sách ngành/chuyên ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, giao cho Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tổ chức đào tạo. Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải có những giải pháp và bước đi phù hợp, trước hết là việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội để nâng cao hiệu quả quản trị địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chính quyền địa phương cũng cần thay đổi cả về tư duy và hành động, phải được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu quả để trở thành chính quyền kiến tạo, quản trị một cách hiệu quả và phục vụ xã hội ngày một tốt hơn.
Chuyên ngành thạc sĩ quản trị địa phương với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản trị địa phương; giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí địa phương (đặc biệt là cán bộ quản lý cấp xã, phường, quận, huyện, ...) nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả quản lý các nguồn lực, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hệ thống quản trị quốc gia trong quá trình hội nhập và phát triển số trong thời kỳ 4.0. Chương trình đào tạo trong 2 năm sẽ cung cấp cho người học khối kiến thức chuyên sâu về quản trị, địa phương học, khu vực học và các công cụ hiện đại trong quản trị số; giúp người học nhận diện và giải quyết những vấn đề cấp thiết tại địa phương; cung cấp nền tảng cơ bản về triết học, vận dụng các nguyên lý hay quy luật triết học trong giải quyết các vấn đề tại địa phương; …
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN cho biết, việc ĐHQGHN tiên phong mở chương trình thạc sĩ quản trị địa phương đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của xã hội cần. Chúng ta cùng tin tưởng vào sức hút của một chương trình đào tạo mới, liên ngành này của ĐHGQHN. Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển sẽ là địa chỉ tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu mang tính liên ngành, xuyên ngành về quản trị địa phương mà xã hội đang cần. Nội dung chương trình thạc sĩ quản trị địa phương được dựa trên ba khối kiến thức cơ bản là khối kiến thức về khoa học quản trị, quản trị công; khối kiến thức về địa phương học; Việt Nam học; khối kiến thức về công cụ và phương pháp quản trị (thể chế, chính sách, nền tảng công nghệ, …). Chương trình đào tạo sẽ gồm 60 tín chỉ, trong đó có 9 tín chỉ cho khối kiến thức chung; 33 tín chỉ cho khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành, 9 tín chỉ thực tập và 9 tín chỉ học phần tốt nghiệp.
Mặc dù quản trị địa phương không phải là mới ở Việt Nam, tuy nhiên hiện tại chưa có cơ sở nào đào tạo chính quy, bài bản về chuyên ngành này. Việc ĐHQGHN mở chuyên ngành này là hướng đi tiên phong của cả nước nhằm xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân lực là cán bộ có chuyên môn cao công tác tại địa phương – PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQGHN nhấn mạnh. Cơ hội việc làm rộng mở cho người học Theo học chương trình này, học viên sẽ có cơ hội học tập và nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các giảng viên đầu ngành trong và ngoài ĐHQGHN. Người học được trang bị kiến thức liên ngành, xuyên ngành về quản trị, quản lý, khoa học cơ bản, kiến thức thực tiễn, kỹ năng quản trị, xử lý tình huống sát với thực tiễncông tác. Nhờ vậy, người học sẽ được nâng cao và đa dạng hóa nghề nghiệp, làm việc hiệu quả hơn ở nhiều vị trí trong các cơ quan quản lý và ban ngành địa phương như: vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức khác ở cấp cơ sở.
Sau tốt nghiệp, người học có thể tiếp tục theo học tiến sĩ ở các ngành như quản trị công, quản trị địa phương, hành chính công, Việt Nam học, khu vực học… tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài ĐHQGHN. Đặc biệt, học viên có cơ hội tham gia các chương trình nghiên cứu gắn với các địa phương, có cơ hội nhận học bổng của ĐHQGHN,học bổng của các tập đoàn trong và ngoài nước tài trợ cho các chương trình đào tạo, nghiên cứu của ĐHQGHN và của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. Ngoài ra, các học viên cũng được học tập và nghiên cứu trong môi trường năng động, thân thiện, chuyên nghiệp, được tiếp cận nguồn học liệu phong phú với hơn 1.560 đầu sách tại kho tư liệu của Viện và học liệu số tại Trung tâm Thư viện và Tri thức số ĐHQGHN.
Nhiều nhà quản lý tại địa phương cho biết, ngành học thạc sĩ quản trị địa phương là chương trình hữu ích với tình hình hiện nay. Các địa phương của nước ta đang thiếu những nhà quản trị giỏi mang tính liên ngành, vì vậy việc ĐHQGHN mở ngành học này là một bước đệm và tiên phong giúp cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao mà ở các địa phương đang cấp thiết cần có. Quy mô tuyển sinh của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển sẽ theo chỉ tiêu được ĐHQGHN cấp hàng năm, dự kiến khoảng 25 học viên/1 năm. Học viên sẽ phải thực hiện một đề án, đồ án hoặc dự án tốt nghiệp, thời gian hoàn thành trong 3 tháng. Đồ án sẽ là một công trình nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế để giải quyết các vấn đề đặt ra trong quản trị tại một địa phương cụ thể và phù hợp với các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của người Việt, đảm bảo liêm chính học thuật và các quy định hiện hành của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã có nhiều năm kinh nghiệm xây dựng và tổ chức đào tạo thành công ngành Việt Nam học ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia giảng dạy đều là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực như lịch sử, văn hoá, khoa học quản lý, khoa học chính trị, kinh tế học, khoa học trái đất, công nghệ số và đổi mới sáng tạo, ... có trình độ từ tiến sĩ trở lên, trong đó có 04 giáo sư, 03 phó giáo sư và 12 tiến sĩ. Bên cạnh đó, Viện có được sự cộng tác của nhiều giáo sư thỉnh giảng đến từ các trường đại học nổi tiếng trên thế giới; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lí về khu vực học, hành chính công từ các Viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan, ban ngành trong nước.