“KRUNG ĐIÊNG CỦA NGƯỜI CƠ TU Ở TỈNH THỪA THIÊN HUẾ”
Người thực hiện: TS. Hồ Viết Hoàng
Người hướng dẫn: GS.TS. Ngô Đức Thịnh
Krung Điêng của người Cơ Tu hiện nay có tầm quan trọng trong quá trình phát triển bền vững các tài nguyên rừng của tại Tỉnh Thừa Thiên Huế. Luận án là công trình khoa học nghiên cứu toàn diện, hệ thống trên cơ sở tiếp cận liên ngành của Khu vực học về vấn đề rừng tâm linh nói chung và krung điêng của người Cơ Tu nói riêng.
Một số đóng góp của Luận án như sau:
1.Về mặt khoa học
- Luận án đã tổng quan tình hình nghiên cứu krung điêng ở trong và ngoài nước;
- Luận án làm rõ được hệ thống khái niệm, cách tiếp cận trong nghiên cứu về vấn đề krung điêng của người Cơ Tu và những chiều cạnh khác nhau về krung điêng của người Cơ Tu trong truyền thống cũng như hiện đại, đặt trong không gian sinh thái - tộc người Cơ Tu;
- Luận án đã phân tích các đặc trưng, giá trị, vai trò của krung điêng truyền thống và đánh giá thực trạng, nguyên nhân của sự biến đổi các krung điêng hiện nay dưới góc nhìn đa chiều;
- Luận án đề xuất hệ thống giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị tích cực của krung điêng trong quá trình phát triển bền vững tài nguyên rừng nói chung và krung điêng nói riêng của người Cơ Tu ở tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay.
2.Về mặt thực tiễn
- Luận án tập hợp thành một hệ thống những kết quả khảo sát về các chỉ dấu, các biểu hiện của krung điêng trên địa bàn thực tiễn, góp phần mô phỏng một cách đầy đủ về hiện trạng của các khu rừng trong không gian nghiên cứu.
- Kết quả nghiên cứu của luận án đã giải quyết và làm sáng tỏ vị thế, tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với toàn bộ đời sống văn hóa - xã hội người Cơ Tu; đặc biệt nhấn mạnh những đặc trưng, giá trị và vai trò của krung điêng cũng như việc cần thiết phải vận dụng các giá trị tích cực của krung điêng truyền thống trong bảo vệ, quản lý, sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên rừng hiện nay.
- Luận án đưa ra cái nhìn khách quan và thực tế, góp phần hỗ trợ cho các cơ quan chức năng, những người làm luật pháp trong việc khẳng định địa vị pháp lý của cộng đồng địa phương và các krung điêng truyền thống, cũng như trong quá trình hoàn thiện luật đất đai, xây dựng cơ chế quản lý tài nguyên dùng chung, tài nguyên đất công hay chính sách giao đất, giao rừng; từ đó nhằm hướng tới xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho người Cơ Tu nói riêng và các dân tộc thiểu số miền núi nước ta nói chung.
- Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các cơ quan soạn thảo và thẩm định văn bản pháp luật, các sinh viên và học viên cao học thuộc chuyên ngành khoa học xã hội và những ai quan tâm đến vấn đề này.
Luận án này được bảo vệ thành công ngày 31 tháng 05 năm 2017 trước Hội đồng do PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh làm chủ tịch. Đây là một trong những luận án xuất sắc nhất của NCS các khóa, không những góp phần khẳng định đẳng cấp của một Viện nghiên cứu cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng mà chất lượng của luận án cũng đã tiếp tục khẳng định công tác đào tạo của Viện đã đáp ứng yêu cầu cao của Đại học Quốc gia Hà Nội và của xã hội.
Phòng KHCN&ĐT
Tác giả: Admin2H Đỗ Xuân Hòa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn