Giới thiệu về Luận án Tiến Sĩ xuất sắc của Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội

Thứ năm - 26/09/2019 21:19
Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (Viện VNH&KHPT), Đại học Quốc Gia Hà Nội là cơ sở giáo dục có chức năng đào tạo Tiến sĩ mã ngành Việt Nam học (9310630.01). Từ năm 2012 đến nay, Viện đã tiến hành đào tạo được 8 khóa Nghiên cứu sinh; có hàng chục nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Trang tin điện tử của Viện xin trân trọng giới thiệu đến quý vị một số luận án xuất sắc đã được bảo vệ thành công trong thời gian qua.
Giới thiệu về Luận án Tiến Sĩ xuất sắc của Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội

“ CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN VỀ THÀNH PHỐ TOÀN CẦU VÀ VẬN DỤNG CHO THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG”

TS. Phạm Hữu Thư

Hướng dẫn: GS.TSKH. Vũ Minh Giang

Toàn cầu hoá đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ các liên kết kinh tế quốc tế và đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hình thành nhiều mô hình phát triển đô thị mới trong đó có mô hình thành phố toàn cầu (global city) hay thành phố thế giới (world city). Những thành phố này không chỉ đóng vai trò trong phạm vi của một quốc gia mà còn đóng vai trò trong phạm vi khu vực và thế giới. Luận án Tiến sĩ “ Cơ sở lý luận, thực tiễn về thành phố toàn cầu và vận dụng cho thành phố Hải Phòng là một hướng nghiên cứu đã phần nào cho thấy sự phát triển và vai trò của các đô thị toàn cầu trên thế giới cũng như ở Việt Nam, trong đó thành phố Hải Phòng như là một trường hợp nghiên cứu.

Một số đóng góp của Luận án như sau:

1.Về mặt khoa học

- Hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về sự phát triển của thành phố toàn cầu trên thế giới; phương pháp đánh giá, phân loại và xếp hạng của các đô thị này trong gần 20 năm qua (1998 – 2016).

- Thông qua nghiên cứu về sự phát triển của một số thành phố chủ chốt ở Pháp, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á để thấy rõ mức độ kết nối, hội nhập và toàn cầu hóa của các thành phố này với khu vực và thế giới.

- Góp phần bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn cho phương pháp nghiên cứu khu vực học hiện đại làm rõ sự cần thiết của nghiên cứu khu vực học về đô thị không còn bị bó hẹp trong một không gian “tĩnh” và “đóng”, mà nghiên cứu ở không gian “động” và “mở”, có nghĩa là  nghiên cứu mức độ kết nối kinh tế hay mức độ hội nhập quốc tế của đô thị đó với các đô thị khác trên thế giới. Từ đó cho thấy tương quan và mức độ ảnh hưởng của một đô thị  không còn bị giới hạn, mà được nhận diện ở một không gian rộng lớn hơn trong bối cảnh toàn cầu.

- Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có nghiên cứu về thành phố toàn cầu nên luận án sẽ góp phần nâng cao nhận thức khoa học cho việc xây dựng và phát triển đô thị ở Việt Nam, trong đó có một số thành phố toàn cầu ở Việt Nam ( hiện tại là Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội và triển vọng là Hải Phòng hoặc Đà Nẵng).

2. Về mặt thực tiễn

- Khái quát bức tranh tổng thể về quá trình hình thành,  sự ra đời và phát triển của thành phố Hải Phòng từ cuối thế kỷ XIX đến nay, trong đó có đánh giá mức độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố qua hơn 30 năm đổi mới (giai đoạn từ 1986 đến 2015).

- Vận dụng phương pháp của Tổ chức toàn cầu hóa và các thành phố thế giới (Globalization and World Cities Research Network –GaWC) để xác định mức độ kết nối kinh tế của Hải Phòng với thế giới. Trên cơ sở đó phân tích những cơ hội, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu của Hải Phòng để đưa ra khuyến nghị về một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh quá trình xây dựng và phát triển của Hải Phòng theo hướng trở thành thành phố toàn cầu.

Luận án này được bảo vệ thành công ngày 15 tháng 12 năm 2017 trước Hội đồng do GS.TS Mai Trọng Nhuận làm chủ tịch. Đây là một trong những luận án xuất sắc nhất của NCS các khóa, không những góp phần khẳng định đẳng cấp của một Viện nghiên cứu cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng mà chất lượng của luận án cũng đã tiếp tục khẳng định công tác đào tạo của Viện đã đáp ứng yêu cầu cao của Đại học Quốc gia Hà Nội và của xã hội.

Phòng KHCN&ĐT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây