Bản lĩnh chính trị của đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một tiếp cận lịch sử

Chủ nhật - 17/12/2023 22:10
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển trân trọng giới thiệu bài viết "Bản lĩnh chính trị của đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một tiếp cận lịch sử" của GS.TS. Phạm Hồng Tung đăng trên Tạp chí điện tử Giáo chức Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chắc chắn là một trong những nhân vật lịch sử nổi bật nhất trong lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới cận – hiện đại. Ông là “nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”[1] Sinh thời, ông từng đảm nhận nhiều trọng trách: Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VII. Tên tuổi của ông cũng vang xa khắp các châu lục, tài năng và uy tín của ông không chỉ được bạn bè, nhân loại tiến bộ mà cả những người đã từng đối địch với ông trên các chiến trường nể trọng.
Đã có nhiều nghiên cứu về cuộc đời, tài năng và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được công bố ở Việt Nam và ở nước ngoài. Bài viết này mong muốn nêu ra những khám phá bước đầu về bản lĩnh chính trị của ông từ tiếp cận sử học. Như chỉ dẫn của Karl Marx: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”[2], việc trước tiên cần làm trong quá trình khám phá nhân cách, bản lĩnh chính trị của một cá nhân, nhất là một danh nhân, là làm rõ những nét chính của bối cảnh lịch sử, trong đó cá nhân đó đã trưởng thành và tỏa sáng.

Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 bàn kế hoạch tác chiến dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TTXVN
  1. Võ Nguyên Giáp – con người của lịch sử và góp phần làm nên lịch sử
Võ Nguyên Giáp sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo có truyền thống yêu nước ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông được thụ hưởng nền giáo dục truyền thống, nền giáo dục Nho học trong gia đình, rồi sau đó là nền giáo dục “Tây học” trong các trường học thuộc địa. Chắc chắn, hai nền giáo dục đó đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên những nhân tố đầu tiên trong nhân cách của ông – của cả thế hệ trí thức “Tây học” – những người giữ vai trò lãnh đạo trong hầu hết các tổ chức và phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX.
Ông tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng rất sớm: từ những hoạt động bãi khóa của sinh viên ở Huế (1927), rồi những hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Cao trào cách mạng 1930-1931. Tháng 10 năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án tù khi đang là cộng tác viên của báo Tiếng Dân ở Huế.[3] Sau khi ra tù, ông đến Hà Nội, tiếp tục theo học, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Ông trở thành một trong những hạt nhân của Đảng trên mặt trận báo chí, cùng tham gia thành lập và lãnh đạo Hội truyền bá chữ Quốc ngữ.[4] Từ tháng 5 năm 1939, ông trở thành giáo sư dạy môn lịch sử tại Trường Thăng Long.
Trong bối cảnh chiến tranh thế giới sắp bùng nổ, cùng với Phạm Văn Đồng, đầu tháng 5 năm 1940 ông được Đảng Cộng sản Đông Dương lựa chọn cử sang Trung Quốc. Việc này nằm trong chủ trương có tầm chiến lược của Đảng nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ chuẩn bị cho sự nghiệp cách mạng trước những biến chuyển mới của thời cuộc.[8, tr.12] Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Võ Nguyên Giáp: ông chia tay với gia đình nhỏ bé của mình – để đến khi gặp lại thì người vợ thân yêu của ông không còn nữa, dấn thân vào cuộc đời của một “nhà cách mạng chuyên nghiệp”.[10]
Ở Côn Minh (Trung Quốc) lần đầu tiên ông gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người mà ông đã nghe biết tên tuổi và thầm ngưỡng mộ từ lâu. Cũng rất nhanh chóng, với kinh nghiệm và nhãn quan của bậc thiên tài, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra ở Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp những dấu hiệu và tố chất của nhân tài. Nguyễn Ái Quốc dặn dò rồi cử hai ông đi chiến khu Diên An của Đảng Cộng Sản Trung Quốc để tham gia các khóa đào tạo về chính trị và quân sự, nhưng vừa khởi hành chưa được bao lâu thì Người lại báo cho hai ông không đi nữa. Do sự kiện nước Pháp bị phát xít Đức đánh bại (giữa tháng 6 năm 1940), sau khi phân tích kỹ tình hình, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định dứt khoát: “phải chuyển về biên giới tìm cách trở về nước ngay để hoạt động.”[8,tr23]
Tháng 1 năm 1941, Võ Nguyên Giáp theo Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, một bản gần biên giới Việt - Trung thuộc huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Từ đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng, ông đã cùng với đội ngũ cán bộ cách mạng kiên trung vừa chuẩn bị và triển khai đường lối chiến lược, sách lược mới, thành lập và lãnh đạo Mặt trận Việt Minh, lăn lộn trong công tác vận động quần chúng để phát triển các cứu quốc hội, xây dựng Cao – Bắc – Lạng thành chỗ đứng chân vững chắc đầu tiên của cách mạng Việt Nam “tiến khả công, thoái khả thủ”. Ông được lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt tin cậy, giao phụ trách việc xây dựng và lãnh đạo lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên, từ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đến Giải phóng quân Việt Nam. Ông cũng góp phần cùng Trung ương Đảng và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo nhân dân tiến hành thành công cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong năm tháng đầu tiên của chính quyền cách mạng, vận nước như “nghìn cân treo sợi tóc”, trong vai trò là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Võ Nguyên Giáp có mặt trên nhiều mặt trận: xây dựng, củng cố chính quyền, giao thiệp với đại diện Đồng Minh, tham gia đàm phán với thực dân Pháp và tướng lĩnh Trung Hoa Quốc dân đảng, trấn áp các thế lực phản động, đồng thời không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, khẩn trương chuẩn bị lực lượng vũ trang và cơ sở hậu cần cho kháng chiến.
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ làm Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, sau là Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, kiêm Bí thư Tổng quân ủy. Điều cần được đặc biệt lưu ý là: cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương ngay từ đầu đã trở thành trọng điểm đối đầu quyết liệt nhất giữa ý chí vùng lên giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức với dã tâm khôi phục chế độ thực dân của các nước đế quốc; giữa phe xã hội chủ nghĩa và phe tư bản – ngay từ khi Chiến tranh lạnh còn chưa chính thức bắt đầu. Vì vậy, nước Pháp, và sau này là nước Mỹ, đã dốc vào chiến trường Việt Nam tất cả nhân tài, vật lực, vũ khí để quyết giành chiến thắng. Ở tầm chỉ huy chiến lược quân sự, đối thủ của Võ Nguyên Giáp, người từ tháng 1 năm 1948 được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao “thụ cấp Đại tướng”[11] là những danh tướng tài ba nhất, dày dã tâm nhất của nước Pháp và phương Tây, như Georges Thierry d'Argenlieu, Philippe Leclerc de Hauteclocque (1945–46), Jean-Étienne Valluy (1946–48), Roger Blaizot (1948–49), Jean de Lattre de Tassigny (1950–51), Raoul Salan (1952–53), Henri Navarre (1953–54), trong đó đặc biệt là Leclerc, de Lattre de Tassigny và Navarre là những viên tướng từng lừng lẫy chiến công trong Chiến tranh thế giới II. Đó là chưa kể đội ngũ cố vấn Mỹ với nhiều bộ óc sừng sỏ, lão luyện, bao gồm cả Richard Nixon, người về sau làm Tổng thống Mỹ, cũng từng trực tiếp sang chiến trường Việt Nam để bày mưu tính kế cho thực dân Pháp.
Vậy mà, tất cả những tướng lĩnh tài danh đó đều lần lượt bị bộ chỉ huy của VNDCCH do Hồ Chí Minh đứng đầu dồn vào thế bị động rồi chịu thất bại cay đắng. Trong chiến công vĩ đại đó chắc chắn có phần đóng góp đáng kể của “Võ Tổng” – Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đuổi được thực dân Pháp thì đế quốc Mỹ lại nhảy vào. Hệ luận tư duy chiến lược của học thuyết Domino đã khiến 5 đời Tổng thống Mỹ gây ra một cuộc chiến phi nghĩa tàn bạo nhất trong nửa sau thế kỷ XX. Hơn 20 năm ròng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trên cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam lại cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta trong cuộc trường chính gian khó nhất.
Dưới góc nhìn lịch sử, cần nhấn mạnh ba khía cạnh sau đây.
Thứ nhất, trong tập thể lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, sự lãnh đạo tập thể không chỉ là một nguyên tắc mà là thực tế, mọi cá nhân, dù ở cương vị khác nhau, có vai trò và ảnh hưởng khác nhau thì đều phải tôn trọng nguyên tắc này, nhất là đối với các quyết sách chiến lược.
Thứ hai, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra trong bối cảnh của Chiến tranh lạnh, do vậy kẻ thù hung ác nhất chính là đế quốc Mỹ, tay sai và các nước “chư hầu” của Mỹ. Nếu thực dân Pháp trước kia chỉ là con sói già, tuy hiểm ác nhưng tương đối yếu, thì đế quốc Mỹ là mãnh hổ hung tợn nhất. Hơn nữa, ngoài tấn công quân sự, Mỹ và các nước đế quốc cũng không từ bất kỳ thủ đoạn nào để phá hoại nước ta, phá hoại phe xã hội chủ nghĩa về cả kinh tế, chính trị, văn hóa. Thâm độc nhất là những đòn tấn công ngoại giao kiểu “đi đêm” (detente) với các nước Liên Xô và Trung Quốc để “mặc cả” trên đầu nhân dân ta. Thực tế là Mỹ, nhất là dưới thời Nixon – Kissinger đã khá thành công với thủ đoạn này, khiến cho từ sau năm 1972 sự ủng hộ của cả hai nước lớn nhất trong phe XHCN dành cho cách mạng Việt Nam bị cắt giảm nhanh chóng, đáng kể.[5, tr.588]
Thứ ba, về phía mình, dân tộc ta lại có sự ủng hộ của phe xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, của nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có cả nhân dân Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế lịch sử không đơn giản như vậy! Trong mỗi phe lại có nhiều phe, nhiều cánh. Phe xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc tưởng chừng đoàn kết thống nhất với nhau chặt chẽ trên tình thần quốc tế vô sản, nhưng thực tế chưa bao giờ đoàn kết. Sự bất đồng ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là sau khi Nikita Khrushchev công bố bản báo cáo lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin và chiến lược “chung sống hòa bình”. Mao Trạch Đông và ban lãnh đạo Trung Quốc liền chớp thời cơ giương ngọn cờ “chống xét lại”, khiến cho nội bộ phe xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Cuối cùng thì chiến tranh biên giới đã nổ ra giữa hai nước “đàn anh” vào năm 1969.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta phải nỗ lực, khôn khéo tìm mọi cách vừa cố gắng giữ gìn tình hữu nghị, đoàn kết trong phe XHCN, huy động được tối đa sự ủng hộ về mọi mặt (kinh tế, quân sự, ngoại giao vv) cho công cuộc xây dựng và kháng chiến của ta, nhưng lại phải né tránh, hạn chế tối đa việc để cho các đảng, các nước “đàn anh” can thiệp vào công việc nội bộ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, hạn chế tối đa những ảnh hưởng có thể có từ cuộc tranh luận về “chủ nghĩa xét lại”, của “đại nhảy vọt”, “đại cách mạng văn hóa vô sản” vv…
Trong bối cảnh đó, tập thể lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cá nhân mỗi nhà lãnh đạo của ta, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đều có thể trở thành “điểm ngắm” của cả những phe ta và phe địch. Vì vậy, sự cẩn trọng tối đa trên nền tảng của bản lĩnh chính trị vững vàng là điều vô cùng quan trọng. Chỉ cần một sơ hở, một dao động nhỏ rất có thể sẽ gây ra tổn thất khôn lường cho sự nghiệp cách mạng, nhất là đối với niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Vượt qua tất cả thác ghềnh đó, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo quân và dân ta đến thắng lợi huy hoàng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.
Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh khốc liệt đó, nhân dân ta không mong muốn gì hơn là được sống trong hòa bình để xây dựng đất nước, nhưng vì nhiều nguyên nhân, chiến tranh lại bùng nổ ở cả hai đầu đất nước. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi từ năm 1980, ông được phân công giữ chức Phó Thủ tướng thường trực, phụ trách các công tác khoa học, giáo dục, y tế, xã hội – đều là những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, đến tương lai của đất nước.
Chính trong lúc đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn gay gắt về kinh tế, xã hội thì ở Liên Xô công cuộc cải tổ do M.X. Gorbachev khởi xướng sớm rơi vào bế tắc. Năm 1991 Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Từ năm 1986, Đảng ta cũng tiến hành công cuộc đổi mới. Tuy đường lối đúng đắn ngay từ đầu, song do nhiều lý do chủ quan và khách quan, cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội tiếp tục diễn ra trầm trọng cho tới đầu thập kỷ thứ 9 của thế kỷ trước. Trong hoàn cảnh đó, niềm tin của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trông cậy rất nhiều vào thế hệ cách mạng tiền bối, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Năm 1991 Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chính thức nghỉ hưu ở tuổi 80, nhưng trong suốt hai thập kỷ tiếp theo ông vẫn đồng hành cùng Đảng, quân đội và nhân dân trên mỗi chặng đường của công cuộc đổi mới. Ông tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa, đặc biệt dành nhiều tâm sức cho việc tổng kết nghệ thuật và tư duy quân sự Việt Nam. Chính ông là một trong những người đề xuất và đi tiên phong trong việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông cũng dành tâm sức chăm lo đến hội Cựu chiến binh, đến việc đền ơn đáp nghĩa những người có công với cách mạng, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, đoàn kết, tin tưởng, hăng hái thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Ông cũng luôn là một nhịp cầu hữu nghị hướng tới bạn bè quốc tế muôn phương của Việt Nam, kể cả những người từng ở bên kia chiến tuyến một thời.
  1. Bản lĩnh chính trị vô song của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Từ góc nhìn lịch sử, có thể thấy ba đặc điểm nhân cách cốt lõi tạo nên con người chính trị và bản lĩnh chính trị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là: Nhà cách mạng chân chính, Người Đảng viên mẫu mực; và Nhân tài quân sự xuất chúng;
  1. Võ Nguyên Giáp – nhà cách mạng chân chính
Ngay trong trang đầu tiên của cuốn Đường Cách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra ba nhóm phẩm chất và năng lực mà một nhà cách mạng cần có: 1) Tự mình phải: cần kiệm, hòa mà không tư, cả quyết sửa lỗi mình, cẩn thận mà không nhút nhát, hay hỏi, nhẫn nại (chịu khó), hay nghiên cứu, xem xét, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất, bí mật; 2) Đối với người phải: với từng người thì khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm, có lòng bày vẽ cho người, trực mà không táo bạo, hay xem xét người; 3) Làm việc phải: xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể.[9, tr.280-281] Nói tóm lại là phải gồm đủ đức, đủ tài, đặc biệt là sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Võ Nguyên Giáp đích thực là một người như vậy.
Các lớp người Việt Nam yêu nước, một khi đã quyết định tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách nô dịch của thực dân Pháp và giải phóng xã hội khỏi ách áp bức của chế độ quân chủ chuyên chế thì tức là đã sẵn sàng hy sinh tất cả: lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ và cả chính mạng sống của mình. Họ quyết chấp nhận hy sinh tất cả để giành quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc. Đó là ý nghĩa cao đẹp nhất của các lớp người Việt Nam đã xả thân vì nước, trong đó có Võ Nguyên Giáp.
Tuy nhiên, thực tế lịch sử đã chỉ ra, trong quá trình tranh đấu, không phải tất cả những người đã quyết định tham gia phong trào yêu nước và cách mạng đều có thể giữ gìn được đến cùng ý chí hy sinh. Tổ chức nào, phong trào nào, đảng phái nào, ở cấp độ nào cũng có những người nản chí, bỏ cuộc, có cả những người phản bội, trở thành tay sai của địch. Cho nên, sẵn sàng hy sinh tất cả và hy sinh đến cùng, tận hiến đến cùng mới là cái làm nên bản lĩnh một nhà cách mạng chân chính.
Võ Nguyên Giáp và nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là những người như vậy: tù ngục, mọi thủ đoạn mua chuộc và tra tấn của kẻ thù không thể nào khuất phục được những con người sắt thép ấy. Thậm chí, ngay cả khi lực lượng cách mạng bị vây ráp, hãm vào đường cùng, thì ý chí của Võ Nguyên Giáp và đồng đội của ông vẫn không nao núng [8,tr.72-74].
Thử thách to lớn nhất đối với đức hy sinh của một nhà cách mạng như Võ Nguyên Giáp có lẽ không chỉ ở những lúc ông và đồng chí, đồng đội phải vượt qua gian khó, đối đầu sinh tử với kẻ thù, mà chính là từ lúc Cách mạng tháng Tám đã thành công, Đảng ta trở thành “đảng cầm quyền” và ông cùng với nhiều đồng chí khác trở thành những cán bộ lãnh đạo, có quyền uy và lực lượng trong tay. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những ngày đầu sau Lễ Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) trên báo Cứu quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải nhiều lần lên tiếng nghiêm khắc cảnh báo hiện tượng “quan cách mạng”.[6, số 69, số 78] Chính thời gian này, ở tuổi 34, Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng giao đảm trách chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Người ta thấy ông như một chính khách chuyên nghiệp, lịch duyệt trong bộ comple màu trắng, caravat đen, giày đen, đội “mũ phớt” thay mặt Chính phủ đón tiếp các vị khách quốc tế đại diện Đồng Minh vừa đến Hà Nội, tiếp xúc, đàm phán với các tướng lĩnh Trung Hoa Quốc dân đảng; khi lại thấy ông kiên quyết, đanh thép trên bàn hội nghị, đối diện với thực dân Pháp. Rồi chính ông cũng là người chỉ đạo xây dựng lực lượng quân đội và công an cách mạng, kiên quyết trừng trị thẳng tay các thế lực phản động.
Là một trong những nhân vật quyền uy như thế, nhưng Võ Nguyên Giáp lại rất gần gũi với các tầng lớp nhân dân, vô cùng tận tụy với công việc. Theo chỉ dẫn của Hồ Chủ tịch, ông bắt tay ngay vào việc xây dựng chính quyền cách mạng nhân dân, đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ hành chính mới, vừa chuyên nghiệp, vừa biết trọng dân, vì dân. Toàn bộ kế hoạch này được ông trình bày ngắn gọn trên báo Cứu quốc số ra ngày 19/10/1945, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh việc: “khuyên nhân dân có điều gì muốn phàn nàn, có người nào muốn chỉ trích bất cứ việc gì thì gửi thư lên bá cáo, giúp tài liệu cho Chính phủ.”[6, số 71]
Chính quyền cách mạng thực sự của dân, do dân, vì dân đã được Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cán bộ như Võ Nguyên Giáp kiến tạo ngay từ những ngày đầu như thế. Hoàn thành được những nhiệm vụ nói trên trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn lúc đó chính là nhờ vào bản chất của Đảng, vào bản lĩnh chính trị của những cán bộ như Võ Nguyên Giáp: thực sự “hòa mà không tư, cả quyết sửa lỗi mình, cẩn thận mà không nhút nhát, hay hỏi, nhẫn nại (chịu khó), hay nghiên cứu, xem xét, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm”.
Những đức tính đó đã được Võ Nguyên Giáp bền bỉ tôi rèn, để thực sự trở thành người “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, noi theo gương Hồ Chủ tịch, vừa có cái cốt cách của kẻ sĩ Nho học, vừa có sự lịch lãm, chuyên nghiệp của trí thức Tây học, và trên tất cả là nền tảng đạo đức của người chiến sĩ cách mạng chân chính: toàn tâm, toàn chí tận hiến cho Nhân dân, cho Tổ quốc. Đây là phẩm chất cao quý nhất của con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được ông luôn trau dồi trong suốt cuộc đời mình, và điều này đã trở thành sức mạnh, thành niềm tin, bản lĩnh để giúp ông vượt qua những thác ghềnh của cuộc sống.
Lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới đều ghi lại những câu chuyện buồn, thậm chí là bi thảm, của những vị lãnh đạo, đặc biệt là những danh tướng lừng lẫy chiến công, nhưng vì lý do nào đó phải rời khỏi vị trí quyền lực mà họ từng nắm giữ. “Điểu tận, cung tàng” là bài học lịch sử nhân loại từng đúc kết.
Với trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nếu không có bệ đỡ là nhân cách cao thượng, bản lĩnh vô song của nhà cách mạng chân chính, có thể chưa chắc ông đã vượt qua được những “khúc quanh” của cuộc đời, khi ông thôi không làm Bí thư quân ủy Trung ương (1978), Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1980), đồng thời được phân công giữ chức Phó Thủ tướng thường trực, phụ trách các công tác khoa học, giáo dục, trong đó có cả việc phụ trách Ủy ban quốc gia về dân số và sinh đẻ có kế hoạch. Khi đó, trong quân đội, trong nhân dân, và ngay cả trong dư luận quốc tế đã xuất hiện những lời đồn đoán về sự “bất mãn” nào đó của ông.
Sự thực lịch sử không phải như vậy. Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã thanh thản đón nhận và tận tụy hoàn thành những công việc được Đảng và Nhà nước giao, bởi với ông, không có chỗ cho danh vọng và lợi ích cá nhân; lợi ích và sự phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc đã và luôn được ông đặt lên hàng đầu. “Dĩ công vi thượng, vị công vong tư” là những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy dỗ cán bộ mà ông luôn khắc ghi và nỗ lực thực hiện.
  1. Võ Nguyên Giáp – người đảng viên cộng sản mẫu mực
Mặc dù được giác ngộ từ sớm, nhưng Võ Nguyên Giáp lại trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khá muộn – giữa năm 1940. Từ đó, trong suốt cuộc đời hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông luôn không ngừng phấn đấu để thực sự là người đảng viên mẫu mực của Đảng.
Đặc điểm và cũng là sứ mệnh quan trọng nhất của một đảng cộng sản và của từng đảng viên là sự tiên phong: tiên phong trong nhận thức lý luận, trong hoạt động thực tiễn và gương mẫu trong lối sống. Chỉ khi nào xứng đáng là tổ chức tiên phong với những đảng viên tiên phong thì đảng cộng sản mới có thể hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Về lý luận, Hồ Chí Minh cho rằng: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.”[9, tr. 289] Đối với cá nhân đảng viên, Người yêu cầu phải “hay nghiên cứu, xem xét” và “giữ chủ nghĩa cho vững”.[9, tr.280] Nhìn lại lịch sử phong trào cộng sản và công nhân thế giới, tuyệt đại đa số những khuynh hướng sai lầm, cơ hội, giáo điều, xét lại vv… đều bắt nguồn từ những sai lầm trong nhận thức và vận dụng lý luận. Thậm chí, cả sự bế tắc, rơi vào khủng hoảng và sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu cũng bắt nguồn từ những sai lầm trong phương pháp nhận thức và vận dụng lý luận Mác-Lênin.
Là một trí thức bậc cao tham gia cách mạng, giác ngộ và trở thành đảng viên cộng sản, Võ Nguyên Giáp luôn không ngừng tự mình nghiên cứu, tìm hiểu lý luận, tổng kết thực tiễn, kiểm nghiệm, vận dụng lý luận. Ông thấu hiểu, rằng chủ nghĩa Mác – Lênin là lý luận cách mạng, là một khoa học, nên phải “đối xử” với nó một cách khoa học, và vì vậy, ông không tự giới hạn việc nghiên cứu của mình chỉ trong những trước tác, nhưng nguyên lý của hệ lý luận đó. Ông mở rộng khảo cứu, từ “vấn đề dân cày” cho tới chiến lược chiến tranh, nghệ thuật cầm quân và sách lược tác chiến của Napoléon, Kutuzov, Carl von Clausewitz, Tôn Vũ, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi vv… Vừa nghiên cứu, nghiền ngẫm và phản biện, nhất là vận dụng, kiểm nghiệm trong thực tiễn để rút ra những điều cốt yếu nhất.
Nhờ luôn để tâm học tập và nghiên cứu lý luận nên Võ Nguyên Giáp không khi nào tỏ ra “chông chênh”, “nghiêng ngả” giữa những bão táp tranh cãi liên miên về “lý luận”, “lập trường” ở cả trong nước và trên thế giới, từ chuyện cải cách ruộng đất, sửa sai, tập thể hóa nông nghiệp, rồi “chống chủ nghĩa xét lại”, “chống sùng bái cá nhân”, “chung sống hòa bình” vv… Ông hầu như không tham gia vào các cuộc tranh luận đó, nhưng ông có chính kiến riêng, có lập trường kiên định của mình, và mọi bão lốc nhân danh “lý luận” có lúc nhắm vào ông rồi cũng tự tiêu tán.
Phẩm chất cũng rất quan trọng, góp phần làm nên một Võ Nguyên Giáp là “Đại tướng của nhân dân”, là “Anh cả” của quân đội, là “Anh Văn” của đồng chí, bạn bè chính là mối quan hệ máu thịt với nhân dân và sự gắn bó chặt chẽ với bộ đội, đồng chí và bạn bè. Ai gặp ông cũng vừa thấy thật gần gũi, gần gũi mà không suồng sã, vẫn mực thước, nhưng lại rất chân tình. Bản tính ông vốn vậy, nhưng phần chính là nhờ ông được rèn giũa trong thực tế. Ông ghi nhớ lời căn dặn của người Thầy – Hồ Chí Minh: “với từng người thì khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm, có lòng bày vẽ cho người, trực mà không táo bạo, hay xem xét người”, rồi gắng vận dụng vào thực tiễn. Những ngày mới về tới Pác Bó, Hồ Chí Minh lập ra báo Việt Nam độc lập. Người tự mình soạn bài, còn giao cho Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí khác cùng tham gia viết. Là người đã có kinh nghiệm làm báo nhiều năm, nhưng những bài báo đầu tiên Võ Nguyên Giáp viết đều bị Hồ Chí Minh cho là “không đạt”, vì vừa quá dài, lại khó hiểu đối với quần chúng. Ông được yêu cầu viết lại nhiều lần, cho tới khi đem đọc cho một đồng chí chưa biết chữ nghe mà hiểu hết thì mới được. Rồi Hồ Chí Mình yêu cầu Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng học tiếng nói, phong tục của đồng bào địa phương. Nhờ thế mà các ông đã thực hiện thành công “ba cùng” ở vùng căn cứ cách mạng đầu tiên. Những “cứu quốc hội” mà các ông xây dựng được ở khu Cao – Bắc – Lạng hồi đó là những tổ chức quần chúng có sức bền cố kết rất cao, dù bị địch khủng bố gắt gao, đồng bào vẫn một lòng tin vào cách mạng, ra sức che chở đùm bọc cán bộ. Ông nhớ lại: khi địch khủng bố, vây ráp cán bộ trên rừng “một số các đồng chí cán bộ trung kiên, trong đó có cả những em nhi đồng, vẫn bất chấp sự tàn sát của địch, đêm đêm vượt qua mũi súng đưa gạo, đưa bắp ra ngoài làng cho chúng tôi.” Vì vậy, ông đã chỉ đạo các đồng chí: “Chính trong lúc này chúng ta càng phải bám chắc lấy cơ sở. (…) Dù khó khăn đến đâu, vẫn phải nắm lấy quần chúng, giữ vững cơ sở quần chúng.”[8, tr.71-72]
Tháng 12 năm 1944, khi được Hồ Chí Minh giao cho nhiệm vụ thành lập đội quân vũ trang cách mạng đầu tiên, để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của “thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới”, Võ Nguyên Giáp lại được học thêm từ người Thầy của mình: “Bác dặn đi dặn lại nhiều lần: Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được.”[8, tr.84] Đây chính là điều Đại tướng Võ Nguyên Giáp khắc cốt ghi tâm trong suốt cuộc đời lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam cùng toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh nhân dân, đánh bại tất cả các chiến lược chiến tranh của các kẻ thù. Đó cũng là nguyên tắc ông thương yêu, kính trọng nhân dân khi làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và cả sau khi đã về hưu. Và do vậy, ông đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo được nhân dân yêu mến nhất trong thế kỷ XX.
Yếu tố cốt tử thứ ba tạo nên bản lĩnh người đảng viên cộng sản chân chính Võ Nguyên Giáp là: tuyệt đối phục tùng tổ chức, chấp hành nghiêm túc nguyên tắc làm việc và kỷ luật của Đảng.
Trong thời gian qua, Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đã có hàng nghìn đảng viên và hàng trăm tổ chức đảng bị kỷ luật, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp, có cả những cán bộ cấp tướng của quân đội và công an. Đó là một thực tế đau lòng, một sự tổn thất còn to lớn hơn tổng số những tổn thất về cán bộ cấp cao trong các cuộc kháng chiến trước kia. Nguyên nhân cội nguồn của tình hình trên là một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ đã sa vào chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, coi thường kỷ luật đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Trong bối cảnh đó, nhìn vào tấm gương, bản lĩnh chính trị của người đảng viên Võ Nguyên Giáp, chúng ta có thể học tập và rút ra được nhiều điều bổ ích, thiết thực.
Là nhà cách mạng chân chính, tận hiến tất cả cho Đảng, cho Nhân dân và Tổ quốc, Võ Nguyên Giáp đã vượt qua được sự cám dỗ mạnh mẽ và độc hại của chủ nghĩa cá nhân. Lập nhiều chiến công và thành tích to lớn, nhưng ông không tỏ ra công thần, kiêu ngạo, đòi hỏi chế độ và sự đãi ngộ nào đặc biệt; là người được thế giới, bạn bè năm châu ca ngợi, tôn vinh đến tột đỉnh, tên tuổi và hình ảnh chỉ đứng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy mà ông vẫn bình thản, giản dị, chan hòa, bởi ông hiểu: chiến công to nhất, thành tích vĩ đại nhất là thuộc về nhân dân và chiến sĩ; vinh quang to nhất là thuộc về Tổ quốc và nhân dân.
Là người giữ những cương vị lãnh đạo rất quan trọng, với uy tín lớn và quyền lực trong tay, nhưng Đại tướng Võ Nguyễn Giáp không bao giờ tự đặt mình lên trên tổ chức, ra ngoài phạm vi nguyên tắc và kỷ luật của Đảng và của quân đội. Hơn thế nữa, ông lại luôn luôn gương mẫu chấp hành, luôn luôn phục tùng tổ chức Đảng và quân đội. Là người rất quyết đoán và cần phải quyết đoán, nhưng trước những quyết sách quan trọng, ông đều bàn bạc dân chủ, lắng nghe ý kiến của đồng chí, đồng đội. Từ lúc bàn cách đánh đồn Nà Ngần, Phai Khắt đến khi bàn bạc để phát động Chiến dịch Hồ Chí Minh, tác phong của vị Tổng tư lệnh vẫn như vậy. Sau này, khi nghiên cứu tổng kết nghệ thuật quân sự Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh, ông vẫn giữ tác phong nghiêm túc, cầu thị, dân chủ đó: ông gặp, trao đổi cặn kẽ, lắng nghe nhiều chuyên gia trước khi đưa ra ý kiến của mình.
Đối với người đảng viên Võ Nguyên Giáp, nhiệm vụ nào Đảng giao cũng là nhiệm vụ quan trọng. Trách nhiệm, danh dự của người đảng viên là phục tùng tổ chức và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Vì thế, từ khi được giao giữ chức Phó Thủ tướng thường trực, được phân công phụ trách khoa học, giáo dục và cả những việc có thể gây ra hiểu lầm, làm tổn hại đến danh dự cá nhân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn nghiêm túc chấp hành, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, và đặc biệt, không bộc lộ bất kỳ sự bất mãn cá nhân nào. Bản lĩnh chính trị của người đảng viên trong ông là thế! Vượt lên trên gian khổ, đánh bại mọi kẻ thù, nhưng chiến thắng được cái tôi vị kỷ, cá nhân của bản thân mình mới là chiến thắng khó khăn và vinh quang nhất.
  1. Võ Nguyên Giáp – bản lĩnh chính trị của một nhân tài quân sự kiệt xuất
Một số nhà nghiên cứu phương Tây đã để tâm nghiên cứu và cố gắng đánh giá và “giải mã” tài năng quân sự của Võ Nguyên Giáp. Họ tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, và những kiến giải của họ cũng góp phần mang lại những ánh nhìn khác nhau. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi có cả những cách nhìn nhận sai lầm, ví dụ như cho rằng chiến lược chiến tranh nhân dân mà Võ Nguyên Giáp thực hiện ở Việt Nam là do học được từ Mao Trạch Đông, hay thậm chí từ những đội quân du kích Tây Ban Nha.[12] Vì vậy, việc đánh giá, nhìn nhận cho đúng bản lĩnh, tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một điều không hề dễ dàng.
Sự thực hiển nhiên mà nhân loại thừa nhận là trong nửa sau thế kỷ XX dân tộc Việt Nam đã ghi tên mình vào lịch sử thế giới với những võ công hiển hách, chấn động địa cầu. Trong đó, vị Tổng tư lệnh của đội quân chiến thắng chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng suốt cuộc đời mình, Võ Nguyên Giáp không bao giờ nhận riêng về mình chiến công nào. Bởi, là một nhà cách mạng chân chính, một đảng viên mẫu mực và là một quân nhân, ông hiểu rất sâu sắc rằng sự lãnh đạo chính trị đối với quân đội ta là “thống soái”, là toàn diện, triệt để. Và do đó, sự lãnh đạo chính trị và lãnh đạo quân sự ở Việt Nam luôn luôn là lãnh đạo tập thể; mọi quyết sách chiến lược đều là quyết định của tập thể lãnh đạo.
Hơn nữa, cần phải nhớ rằng tập thể lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta trong các cuộc kháng chiến đều là những nhân tài xuất chúng, quy tụ xung quanh bậc thầy vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều nhà lãnh đạo tuy chưa hoặc không đeo quân hàm, mặc áo bộ đội, nhưng họ đều là những chiến lược gia quân sự xuất sắc với những đóng góp rất nổi bật vào các chiến công chung của dân tộc, như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười vv… Họ không những chỉ tham gia vào việc lãnh đạo ở Tổng hành dinh (Quân ủy Trung ương) mà còn từng trực tiếp cầm quân ở chiến trường.
Đương nhiên, nguyên tắc lãnh đạo tập thể không trái ngược với việc cá nhân phụ trách và chịu trách nhiệm, và những cá nhân xuất chúng luôn để lại những dấu ấn không phai mờ đối với những quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước. Là một trong những thành viên chủ chốt nhất, hàng chục năm được giao nắm giữ cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh cách lực lượng vũ trang cách mạng, chắc chắn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân tài quân sự xuất chúng với những cống hiến riêng, to lớn vào những chiến công chung của quân và dân Việt Nam. Đây là điều không ai có thể phủ nhận, tuy vậy, khuôn khổ bài viết này không cho phép đi sâu vào vấn đề này.
Bản lĩnh chính trị của thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp, theo chúng tôi, tập trung ở ba điểm cốt yếu sau đây:
Thứ nhấtđó là việc lãnh đạo xây dựng thành công lực lượng vũ trang cách mạng theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, với nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuối năm 1944, tại khu căn cứ Cao – Bắc – Lạng Hồ Chí Minh đã quyết định giao nhiệm vụ này cho Võ Nguyên Giáp, và cũng chính Người đã chỉ ra những nguyên tắc cơ bản nhất đối với việc phát triển và lãnh đạo quân đội cách mạng. Nguyên tắc số một, như đã nói ở trên, là: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được.”[8, tr.84] Quân đội ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà hy sinh, chiến đấu. Nguyên tắc thứ hai, như Hồ Chí Minh tự tay ghi lại trong huấn lệnh mà Võ Nguyên Giáp tuyên đọc trong lễ thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22-12-1944, là: “chính trị trọng hơn quân sự”[8,tr.88] Ở tại thời điểm đó thì điều này chỉ có nghĩa: “Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này” [8, tr.89]. Nhưng về lâu dài, nguyên tắc này đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với lực lượng vũ trang, đồng thời cũng có nghĩa là lực lượng vũ trang nói chung, quân đội nhân dân nói riêng chính là một phương tiện chính trị đặc biệt của Đảng. Nếu xa rời nguyên tắc này, quân đội ta sẽ mất bản chất cách mạng, sẽ không còn là một lực lượng vũ trang cách mạng gắn bó máu thịt với nhân dân. Nguyên tắc thứ ba là sự thống nhất chỉ huy, phối hợp hoạt động của các lực lượng vũ trang, và nguyên tắc thứ tư là phải không ngừng xây dựng quân đội lớn mạnh, chính quy, chuyên nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở hình thức những đội du kích. “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam” [8, tr.89].
Thứ hai, đó là tài cầm quân, là năng lực phân tích và chỉ đạo chiến lược xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong lời đề tựa cho cuốn “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” của Trần Quốc Tuấn, danh tướng Trần Khánh Dư viết: “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết.”[7, tr.84] Từ cổ chí kim, trong khoa học quân sự, người ta coi trọng nhất chính là tài cầm quân là vì vậy.
Trong suốt hơn 30 năm, ở vị trí cầm quân (Tổng tư lệnh), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đối địch với những nhà cầm quân là các danh tướng hàng đầu của phương Tây. Họ đều là những tướng lĩnh “nhà nghề”, được đào tạo bài bản, lại nắm trong tay những lực lượng ưu trội hơn rất nhiều, với sự trợ giúp hùng hậu của đội ngũ chuyên gia giỏi, trang thiết bị tối tân. Vậy mà họ đều lần lượt phải chấp nhận thất bại một cách tâm phục, khẩu phục. Vậy, Võ Nguyên Giáp đã góp phần đánh bại họ ra sao?
Trước hết, vẫn là nguyên tắc của Hồ Chí Minh: “chính trị trọng hơn quân sự”. Trong suốt chiều dài các cuộc chiến, quân đội ta, dân tộc ta luôn giương cao ngọn cờ chính nghĩa. Đây là điều các đạo quân xâm lược của địch dù tìm mọi thủ đoạn cũng không sao có được. Thất bại của các danh tướng Mỹ, Pháp trước hết chính là thất bại về chính trị, trước sau gì họ cũng sẽ mất lòng dân, bị chính nhân dân nước họ phản đối, và đó là cội nguồn của tất cả các thất bại quân sự.
Tiếp theo, trong khi cầm quân, Võ Nguyên Giáp và bộ chỉ huy ta luôn nắm lấy thế chủ động chiến lược, buộc đối phương phải rơi vào thế bị động chiến lược, phải tiến hành chiến tranh không theo cách họ mong muốn. Xét trên phương diện chiến lược quân sự thuần túy, đây chính là yếu tố quyết định nhất khiến cho cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ phải chịu thua trận ở Việt Nam. Chỉ xin lấy hai ví dụ điển hình: Khi Navarre sang cầm quân ở Đông Dương, ông ta “đọc” ngay ra thế bế tắc chiến lược của phía Pháp – Mỹ. Và ông ta quyết định xây dựng “quả đấm thép” có sức cơ động cao gồm 41 tiểu đoàn chủ lực tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, có thể giáng cho “quân đội Việt Minh” những đòn chí mạng và thay đổi nhanh cục diện chiến trường. Với tài trí vô song, trong Đông – Xuân 1953-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quân dân ta đã đánh vào những nơi địch tương đối yếu nhưng không thể mất, và đã “điều” quân chủ lực của Pháp ra năm hướng, căng ra khắp các chiến trường Đông Dương. Thế là Navarre lại rơi vào thế sa lầy, bị động chiến lược, và cuối cùng đã phải chọn một trận quyết chiến chiến lược trong thế bị động hoàn toàn. Thất bại do đó là khó tránh khỏi.
Đến lượt Mỹ, năm 1965, khi đổ hàng trăm nghìn quân vào chiến trường miền Nam, đánh phá ác liệt miền Bắc, Johnson và các chiến lược gia Mỹ âm mưu ép đối phương phải chấp nhận một cuộc chiến tranh quy ước và sẽ bị tiêu diệt, cục diện chiến tranh do đó mà xoay chuyển nhanh theo hướng có lợi cho Mỹ và tay sai. Nhưng tài cầm quân siêu việt của Bộ Tổng tư lệnh ta, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã khiến cho Mỹ không thực hiện được âm mưu đó. Trong thế trận chiến tranh nhân dân của ta, các cuộc hành quân “tìm và diệt” của Mỹ như những quả đấm thép đấm thẳng vào không khí, trong khi quân Mỹ lại bị căng ra nhiều nơi, bị tấn công bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào. Và trong khi mọi sự chú ý của các chiến lược gia Mỹ đang tập trung vào chiến trường Khe Sanh thì quân dân ta đã bí mật ém lực lượng, vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí, dạn dược… áp sát Sài Gòn và hàng trăm đô thị, nhất loạt tung ra một đòn tấn tổng công chiến lược Xuân 1968 làm chấn động toàn thế giới. Lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ khi đó hiểu rằng: họ đã thất bại trong phương lược chiến tranh và buộc phải tìm một lối thoát mới cho chính họ [13]
Thứ ba, đó là không ngừng tổng kết thực tiễn, thậm chí biết rút ra những bài học từ những thất bại, sai lầm của chính mình.
Nghiên cứu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều người đặt vấn đề: ông đã học từ đâu tri thức quân sự để tạo nên tài cầm quân xuất chúng như vậy? Đúng là ông không qua trường lớp nào, nhưng lại tự mình nghiên cứu, học hỏi từ nhiều nguồn, nhiều người. Người ta biết ông từng say sưa nghiên cứu về Napoléon I, về Kuzutov và Clausewitz. Ông cũng tự mình nghiên cứu về Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi vv… nhưng chắc chắn người thầy lớn mà ông học hỏi được nhiều nhất chính là Hồ Chí Minh. Như đã nói ở trên, Hồ Chí Minh chính là người đã khai sáng và củng cố cho Võ Nguyên Giáp những nguyên tắc, phương châm cơ bản của việc xây dựng và lãnh đạo lực lượng vũ trang cách mạng, và cũng chính Người đã rèn giũa cho Đại tướng phương châm chiến lược: đánh chắc thắng, giảm thiểu mất mát hy sinh, quyết đoán, táo bạo khi thời cơ tới. Và người học trò Võ Nguyên Giáp đã trưởng thành nhanh chóng, nghiêm túc học hỏi, từ thực tiễn thành công và cả thất bại, sai lầm.
Trong lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới, có lẽ chỉ trừ Hannibal [14] và Nguyễn Huệ, hầu như không có danh tướng nào không trải qua những thất bại trước khi gặt hái được những thành công. Trước khi cầm quân đánh bại hoàn toàn quân Mông Nguyên, Trần Quốc Tuấn cũng từng thua tan tác, đến mức phải bỏ chạy khi bên mình chỉ còn lại hai tướng tâm phúc là Dã Tượng và Yết Kiêu [7, tr.51] Võ Nguyên Giáp cũng vậy. Cuối năm 1943 cho đến mùa thu năm 1944, do bộc lộ lực lượng quá sớm, căn cứ Cao – Bắc – Lạng bị thực dân Pháp và tay sai khủng bố rất ác liệt, nhiều cơ sở bị thiệt hại nặng nề. Trong tình thế đó, Ban chỉ huy và Liên tỉnh ủy đã quyết định phát động khởi nghĩa. Đúng lúc đó Hồ Chí Minh đã trở về, ngay sau khi nghe Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh báo cáo, Người đã kịp thời yêu cầu hoãn cuộc khởi nghĩa, và chỉ ra đó sẽ là một cuộc khởi nghĩa non, khó tránh khỏi thất bại. Tiếp theo là bài học chọn điểm tấn công đột phá là cứ điểm Đông Khê chứ không phải là Cao Bằng trong Chiến dịch biên giới thu – đông năm 1950, và cả những bài học sâu sắc khi lần đầu tiên đưa quân đội xuống vùng trung du và đồng bằng sau chiến dịch biên giới. Tuy có thu được những kết quả nhất định, nhưng các chiến dịch đó đã gây ra thiệt hại khá to lớn về lực lượng. Đó là những kinh nghiệm nghiêm khắc và quý báu để Võ Nguyên Giáp thấu hiểu bài học đánh chắc thắng mà Hồ Chí Minh đã truyền thụ cho ông, để rồi sau này, ở thời khắc quyết định, ông đã dũng cảm đi tới quyết định: kéo pháo ra, thay đổi cách đánh và giành thắng lợi chung cuộc tại Điện Biên Phủ năm 1954.
Cũng từ Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp còn học được bài học quý báu: thận trọng, chắc thắng nhưng không do dự, mà phải kiên quyết, táo bạo, kịp thời khi chớp thời cơ chiến lược. Còn nhớ tháng Tám năm 1945, khi đó Hồ Chí Minh bị ốm rất nặng, sốt cao có lúc Người thiếp đi trong cơn mê, nhưng lúc tỉnh dậy thì lại dặn dò Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” [8, tr.130]. Tinh thần ấy, bản lĩnh ấy của Hồ Chí Minh được tiếp thu và tái hiện nhiều lần trong cuộc đời cầm quân của người học trò Võ Nguyên Giáp, nhất là trong bản quân lệnh ông gửi cho cán bộ và chiến sĩ ngày 7-4-1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam. Quyết chiến! Quyết thắng!”
Lịch sử càng lùi xa càng cho phép chúng ta nhìn nhận và thấy rõ hơn tầm vóc và bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thế hệ lãnh đạo cách mạng tiền bối. Càng đi sâu tìm hiểu, chúng ta biết hơn về ông - “người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “một vị “Tổng tư lệnh tài năng xuất chúng nhưng rất bình dị”, càng hiểu sâu sắc hơn người “Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.” Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thực là “vị tướng của nhân dân”, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới.
Chú thích
  1. Điếu văn do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nguồn: https://tuyengiao.vn/thoi-su/toan-van-loi-dieu-truy-dieu-dai-tuong-vo-nguyen-giap-57491. Truy cập ngày 7/8/2021.
  2. C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.11.
  3. Tiếng Dân là tờ báo tiến bộ, xuất bản công khai ở Huế, do nhân sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Chính trên số báo ra ngày 22/10/1930 cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đăng tin Võ Nguyên Giáp bị thực dân Pháp bắt.
  4. Trong thời gian này ông đã gặp gỡ và trở thành bạn tâm giao của nhiều người sau này sẽ trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng hoặc những trí thức nổi tiếng, như Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang), Khuất Duy Tiến, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Tố, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám vv.
  5. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 – thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 588.
  6. Báo Cứu quốc, số 69 (ngày 17/10/1945), số 78 (ngày 30/10/1945); số 71 (ngày 19/10/1945).
  7. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tập II, tr. 84. [1] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 51.
  8. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2011.
  9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
  10. “Nhà cách mạng chuyên nghiệp” là thuật ngữ của Lenin để chỉ những cán bộ của Đảng Cộng sản đi hoạt động thoát ly, dành hầu như toàn bộ thời gian, tâm sức, trí tuệ cho công tác cách mạng.
  11. Sắc lệnh số 110-SL ngày 20 tháng 1 năm 1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  12. Đây là quan điểm của sử gia Na uy nổi tiếng Stein Tønnesson. Xem bài phê phán: Phạm Hồng Tung, “Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Suy nghĩ thêm về chiến tranh nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam"Nghiên cứu Lịch sử, số 2014, tr. 61-67.
  13. Phạm Hồng Tung, “Thất bại của Mỹ trong cuộc đối đầu về phương lược chiến tranh ở Việt Nam (1954-1975)”, Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn, số 1/2015, tr. 3-12.
  14. Hannibal (247 – 183 TCN) là một danh tướng thời La Mã cổ đại.
GS.TS. Phạm Hồng Tung Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây