Nghiệm thu cơ sở đề tài: Khu vực học trên thế giới và Việt Nam – Lý luận và thực tiễn

Thứ tư - 19/09/2012 14:09
Ngày 17/8/2012 tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN đã diễn ra phiên họp hội đồng cấp cơ sở đánh giá đề tài Khu vực học trên thế giới và Việt Nam – Lý luận và thực tiễn, Mã số QGTĐ.09.15 do GS.TS Trương Quang Hải làm chủ nhiệm, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển là cơ quan chủ trì.

Thành viên tham gia đề tài gồm: GS.TS Trương Quang Hải (chủ nhiệm), GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, GS.TS Yumio Sakurai, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khánh, TS Nguyễn An Thịnh, TS Trần Thanh Hà, Ths Nguyễn Đức Minh, CN Đặng Ngọc Hà, CN Giang Văn Trọng.

Thành viên hội đồng gồm:

GS.TS Nguyễn Cao Huần, Trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQGHHN, Chủ tịch hội đồng

PGS.TS Phan Phương Thảo, Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQGHN, Phản biện 1

PGS.TS Đặng Văn Bào, ĐHQGHN, Phản biện 2

TS Hoàng Anh Tuấn, Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQGHN, Ủy viên thư ký

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN, Ủy viên

PGS.TS Vũ Văn Quân, Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQGHN, Ủy viên

PGS.TS Trịnh Cẩm Lan, Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQGHN, Ủy viên

Tham dự buổi nghiệm thu có Ths Tống Văn Lợi, Phó Trưởng phòng Khoa học, ông Đỗ Kiên, Phó Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển và các thành viên tham gia đề tài.

Thay mặt nhóm tác giả, GS.TS Trương Quang Hải, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài.

Cấu trúc của đề tài gồm 3 phần, 6 chương:

Phần 1: Khu vực học trên thế giới

Chương 1: Một số vấn đề lý luận và các trường phái khu vực học trên thế giới.

Chương 2: Khu vực học tại một số quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới trình bày thành tựu nghiên cứu khu vực học tại Hoa Kỳ, Châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, châu Âu và Nga.

Phần 2: Khu vực học ở Việt Nam

Chương 3: Một số vấn đề lý luận về khu vực học ở Việt Nam

Chương 4: Các giai đoạn phát triển nghiên cứu khu vực ở Việt Nam trình bày các nội dung

Nghiên cứu khu vực Việt Nam thời tiền cận đại

Nghiên cứu khu vực Việt Nam thời cận đại

Nghiên cứu khu vực Việt Nam thời hiện đại

Phần 3: Khu vực học ở Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển

Chương 5: Hiện trạng và định hướng và phát triển khu vực học

Chương 6: Nghiên cứu đô thị Quảng Yên theo tiếp cận khu vực học

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài bước đầu tổng hợp những điểm khác biệt đang được thảo luận và kiểm chứng về khái niệm khu vực với nhiều cấp độ khác nhau. Nội dung nghiên cứu khu vực học bao trùm các đặc trưng về lịch sử, chính trị học, xã hội học, nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, địa lý, văn học,... của khu vực nghiên cứu. Quan điểm tổng hợp, toàn cục với phương pháp tiếp cận liên ngành là tiếp cận nổi bật của nghiên cứu khu vực học.

Quá trình chuyển biến từ nghiên cứu khu vực cổ điển sang nghiên cứu khu vực hiện đại trên phạm vi thế giới chỉ chính thức diễn ra từ sau chiến tranh thế giới II, với sự chuyển dịch trọng tâm từ các nước Anh, Pháp sang nước Mỹ và muộn hơn sau đó là Nhật Bản. Nghiên cứu khu vực hiện đại hình thành và phát triển ở Mỹ và Nhật chính là do một nhu cầu nội tại của mình và một sự thay đổi cách nhìn và cách tiếp cận.

Ở Việt Nam, nghiên cứu khu vực chính là sự đáp ứng hữu hiệu và cần thiết những nhu cầu phát triển quốc gia và hội nhập quốc tế. Đó là cách tốt nhất để thấu hiểu một cách tổng thể và sâu sắc về chính đất nước và con người Việt Nam, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Hội đồng dành nhiều thời gian để thảo luận về các khái niệm khu vực, khu vực học, nghiên cứu khu vực, phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu…

PGS.TS Phan Phương Thảo trao đổi về vấn đề khái niệm khu vực. Đối với mỗi ngành khoa học đều phải có đối tượng, khu vực nghiên cứu. Tuy nhiên, khái niệm Khu vực trong nghiên cứu khu vực là một không gian mở trên nhiều phương diện, có thể là một làng, một xã, một tỉnh… hoặc một không gian văn hóa, một không gian xã hội, một không gian tộc người, không gian chính trị.... Chính bởi tính “mở” của khái niệm khu vực nên cần hiểu khu vực một cách linh hoạt, mềm dẻo.

Về ứng dụng nghiên cứu trường hợp, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, chúng ta cần khái quát những vấn đề thực tiễn khi triển khai nghiên cứu một khu vực như triển khai như thế nào, kết quả khảo sát thực địa, tài liệu, những đặc trưng của khu vực nghiên cứu. Trên cơ sở những vấn đề thực tiễn từ nghiên cứu.

Là người nhận xét 2, PGS.TS Đặng Văn Bào đối chiếu với đăng ký của đề tài là đạt yêu cầu, đánh giá cao kết quả nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu.

PGS Đặng Văn Bào mong muốn một báo cáo khoa học phản ánh được đầy đủ các kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả. PGS.TS Đặng Văn Bào nhận xét:

1. Cần phải làm rõ một số khái niệm: khu vực học, trường phái khu vực học, khu vực học ở/của…

2. Cần đúc rút phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam.

3. Cần thống nhất các mục, nội dung nghiên cứu, “vùng” hoặc “khu vực” nghiên cứu

Không nên chia thành 3 phần và cần bổ sung Khu vực học hoặc Việt Nam học ở Pháp. Đánh giá đối tượng nghiên cứu của một số khu vực, đặc biệt là Hà Nội, Nam Bộ, biển đảo

Ý kiến của PGS.TS Trịnh Cẩm Lan

- Cần cắt nghĩa đầy đủ các khái niệm được sử dụng trong đề tài. Phương pháp luận nghiên cứu cần được xác định rõ Đối tượng nghiên cứu, mục đích nghiên cứu, nghiên cứu bằng cách nào, nó khác biệt với các ngành nghiên cứu khác.

GS Nguyễn Cao Huần đã đánh giá tính đầy đủ về sản phẩm khoa học, sản phẩm đào tạo của đề tài. Chất lượng báo cáo được xây dựng đầy đủ, thể hiện tâm huyết của chủ nhiệm đề tài và nhóm tác giả tham gia đề tài.

GS Nguyễn Cao Huần góp ý:

Tính lý luận và tính thực tiễn của đề tài chưa thực sự được khái quát và làm rõ nét. Không gian nghiên cứu với nhiều cấp độ, quy mô khác nhau và có đối tượng cụ thể. Đề tài cần cân nhắc cấu trúc một số đề mục để phù hợp hơn với kết quả của một báo cáo tổng kết đề tài.

Thay mặt nhóm tác giả thực hiện đề tài, GS Trương Quang Hải chia xẻ, đây là một đề tài khó bởi tính đa dạng và liên ngành cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề tài, chủ nhiệm và các thành viên đã cố gắng phác họa một bức tranh chung nhất về các trường phái, quan điểm cũng như khái niệm về khu vực học, các phương pháp tiếp cận cũng như nghiên cứu khu vực. Trong thời gian tới, Chủ nhiệm đề tài cùng các thành viên sẽ cùng nhau chỉnh sửa, bố cục đề tài cho thật gọn gang và tinh lọc hơn.

Với 100% số phiếu tán thành, đề tài “Khu vực học trên thế giới và Việt Nam – Lý luận và thực tiễn” đã đảm bảo đủ yêu cầu để đưa ra nghiệm thu ở cấp ĐHQG Hà Nội.

Bài: Tống Văn Lợi

Ảnh: Nguyễn Quang Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây