Báo cáo tổng kết đề tài QGTĐ.12.02 “Nghiên cứu tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển bền vững huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang”

Thứ sáu - 24/04/2015 18:04
Đề tài QGTĐ.12.02 do GS.TS Trương Quang Hải và PGS.TS Võ Văn Sen đồng chủ nhiệm, là đề tài phối hợp giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện từ năm 2012 đến 2014. Chiều ngày 31/12/2014 đã tiến hành buổi tổng kết nghiệm thu đề tài.

Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm 9 thành viên, chủ tịch hội đồng là GS.TS Nguyễn Cao Huần – Khoa Địa lý, Đại học Khoa học tự nhiên, 2 phản biện gồm GS.TS Đỗ Thị Minh Đức – Đại học Sư phạm Hà Nội và PGS.TS Vũ Văn Quân – Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, đồng thời có sự tham gia của các ủy viên thư kỳ, ủy viên hội đồng và tập thể nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài.

Hội đồng đánh giá đề tài đặt ra mang tính cấp thiết. Trong bối cảnh Thoại Sơn là một huyện thuộc tỉnh An Giang, là địa bàn chiến lược, quan trọng cả về lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái. Về lịch sử, Thoại Sơn gắn liền với văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, nơi giới khoa học lịch sử và khảo cổ trên toàn thế giới biết đến với hệ thống di chỉ khảo cổ dầy đặc, như núi Ba Thê, xã Vọng Thê, cánh đồng Ba Thê,… Đặc biệt là di chỉ Óc Eo, di chỉ khảo cổ học đầu tiên thuộc nền văn hóa này được phát hiện và đã trở thành tên gọi chung cho cả một nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng trên toàn thế giới. Khu di tích Óc Eo là nơi có thể đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7. Bên cạnh đó, trong chiều dài lịch sử, vùng đất này luôn có sự khai phá, mở mang của các cộng đồng dân cư người Việt, người Hoa, người Khơme,… cùng những chính sách khuyến khích khai hoang lập làng của các vương triều phong kiến Việt Nam, đặc biệt là dưới thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn sau này. Về văn hóa, An Giang là tỉnh tập trung hầu hết cư dân các dân tộc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như: Việt, Chăm, Hoa, Khơme,… Sự tụ cư của các nhóm cư dân khác nhau trong cùng một khu vực đã tạo nên một không gian văn hoá đặc thù với sự đa dạng về văn hóa và tín ngưỡng, tôn giáo. Về kinh tế - xã hội, Thoại Sơn là vựa lúa của tỉnh An Giang, tỉnh trọng điểm về canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (vùng đóng góp hơn 50% tổng sản lượng lương thực và khoảng 60% sản lượng thủy sản của cả nước). Tuy vậy đời sống nông dân còn đối mặt với nhiều khó khăn như trình độ sản xuất và giáo dục thấp, số hộ không có đất và ít đất chiếm tỉ lệ cao. Tích lũy để tái đầu tư sản xuất thấp vì chi phí cho chi tiêu gia đình, cho vật tư, cho lãi suất ngân hàng, và giao tế xóm làng cao. Về môi trường sinh thái, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang và đồng bằng sông Cửu Long được dự báo là nơi chịu tác động lớn nhất của tình trạng nước biển dâng và biến đổi khí hậu toàn cầu, rất cần có những nghiên cứu tổng thể về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường để tìm ra phương án hợp lý nhất giúp chính quyền và cư dân nơi đây có thể ứng phó và thích nghi được với tình trạng nước biển dâng và biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Mặt khác trong quá khứ, huyện Thoại Sơn đã được nhiều thế hệ các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu trên nhiều góc độ, nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau với nhiều thành tựu ở các góc độ và các mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Việc tiến hành nghiên cứu khu vực huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) chủ yếu được tiến hành trên lĩnh vực Khảo cổ học về văn hoá Óc Eo. Điều cần ghi nhận đầu tiên là những phát hiện về nền văn hóa rực rỡ này được triển khai đầu tiên bởi các nhà khoa học người Pháp. Mặc dù đã có những ghi chép cũng như những nghiên cứu phát hiện từ sớm, nhưng những nghiên cứu về văn hoá Óc Eo, về quốc gia Phù Nam của các học giả nước ngoài vẫn chỉ dừng lại ở mức tập hợp các tư liệu ghi chép và tư liệu khai quật khảo cổ. Điều kiện tự nhiên, dân cư cùng sự đa dạng, phức tạp về văn hoá ở khu vực vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Và tất nhiên, huyện Thoại Sơn cũng chỉ được biết đến qua những phát hiện khảo cổ học về văn hoá Óc Eo. Những nghiên cứu mang tính chất Khu vực học hoàn toàn thiếu vắng ở đây.

Đề tài QGTĐ.12.02 là sự hiện thực hóa hợp tác chặt chẽ giữa hai Đại học Quốc gia. Là hai đơn vị triển khai đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, liên ngành hàng đầu cả nước, ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Nhưng thực tế cho thấy rằng những hợp tác m0ang tính chất phát huy được tối đa vai trò và lợi thế của mỗi đơn vị vẫn còn vắng bóng. Ý tưởng về việc liên kết trong nghiên cứu khoa học theo hướng tiếp cận liên ngành khu vực học và khoa học phát triển được xuất phát từ thực tiễn đó. Để thực thi hóa ý tưởng này và để đảm bảo tính khả thi, chúng tôi đã lựa chọn địa bàn nghiên cứu là không gian cấp huyện tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Đề tài được thực hiện trên cơ sở kế thừa các kết quả nghiên cứu có sự tham gia của cả hai đơn vị nói trên, đặc biệt là kết quả các đề tài trong đề án KHCN cấp Nhà nước: "Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ". Nhóm nghiên cứu của thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội) và Trường ĐH KHXH và NV (ĐHQG Hà Nội) đã chọn khu vực huyện Thoại Sơn làm đối tượng nghiên cứu và đề xuất đề tài liên kết nghiên cứu khoa học cấp ĐHQG. 

Hội đồng nghiệm thu nhất trí nghiệm thu đề tài QGTĐ.12.02 ở mức cao nhất (xuất sắc), đồng thời Hội đồng cũng góp ý nhóm nghiên cứu chỉnh sửa đề tài phục vụ xuất bản sách và kiến nghị “Thoại Sơn 2” nhằm mục đích tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn về lãnh thổ huyện Thoại Sơn

 

Giang Văn Trọng

Tác giả: spadmin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây