Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2020): Tôn vinh Bác cần trang nghiêm, phù hợp truyền thống

Thứ hai - 18/05/2020 22:05
“Việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cần thực hiện đúng quy chuẩn, trang nghiêm, phù hợp với truyền thống tâm linh của dân tộc. Qua hình thức sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc này, nuôi dưỡng truyền thống yêu nước, nhắc nhớ thế hệ sau biết ơn những người hy sinh xương máu để giành lấy độc lập, tự do” - GS.TS. Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội.09:05 19/05/2020

Tại Hội thảo “Hồ Chí Minh toàn cầu” ở Đại học Columbia, Mỹ, năm 2019, có tham luận về chủ đề khá gai góc là “tục sùng bái Hồ Chí Minh” của một nữ giáo sư người Mỹ gốc Do Thái, sinh trưởng ở Nga. Ban tổ chức hội thảo đề nghị đoàn đại biểu Việt Nam có sự đối thoại, trao đổi về chủ đề này để đi đến thống nhất chung dựa trên cơ sở tài liệu chắc chắn, phân tích có giá trị khoa học. Báo cáo của tôi và nữ giáo sư đó được trình bày cùng ở một tiểu ban, thảo luận sôi nổi, và mọi người cho rằng, tuy đi hai con đường tưởng chừng không giống nhau, nhưng cả hai đều đi đến đích chung là luận giải một cách khoa học: Việc tôn vinh, thờ phụng Hồ Chí Minh nên hiểu thế nào cho đúng? Từ đó tôi thấy rằng nghiên cứu và chỉ đạo chính sách về vấn đề này cần được đặt ra một cách rất nghiêm túc.

Biểu tượng của quốc gia

Ngay từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, thậm chí trước lúc Người trở về chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, sự kiện chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc, người đại diện cho nhân dân Việt Nam đem “Bản yêu sách 8 điểm” đến Hội nghị Versailles ở Thủ đô nước Pháp để đòi quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam, đã gây tiếng vang lớn, dội về trong nước. Có những người chưa biết Nguyễn Ái Quốc là ai nhưng đã một lòng kính trọng, với tình cảm đặc biệt, và trên tinh thần đó, các sinh viên yêu nước đã vượt biên tự phát đi tìm đường cứu nước.

Khi Bác về Trung Quốc, sáng lập ra Cộng sản đoàn, rồi Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, ngay lập tức, bằng tầm vóc, ứng xử văn hóa của mình, Người đã giành được sự tôn trọng, tin cậy của những người Việt Nam yêu nước. Hồ Chí Minh đã có uy tín rất lớn khi về Pác Bó, lãnh đạo cách mạng và trở thành người đứng đầu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Có thể thấy, Bác là một trong những lãnh tụ hiếm hoi trên thế giới, không những được tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam, mà còn được nhân dân thế giới kính trọng, không chỉ ở các nước đang đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng dân tộc, các nước XHCN, mà cả nhân dân các nước có chính phủ đem quân đến xâm lăng Việt Nam như Pháp, Mỹ, Nhật Bản.

Khi đã đi xa, Người trở thành biểu tượng của quốc gia và của chế độ; tư tưởng của Bác trở thành một yếu tố nền tảng tư tưởng của Đảng. Những nghi lễ trang trọng của Nhà nước đều có tượng, hình ảnh của Bác. Nhân dân ta vẫn một lòng biết ơn, tin yêu Bác. Vì thế, vinh danh và thờ phụng Bác không có gì lạ. Từ lâu người Việt Nam đã thờ phụng các anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Phùng Hưng, Trần Hưng Đạo…; đến nay, nhân dân ta tiếp tục tôn thờ Hồ Chí Minh và những vị anh hùng trong các cuộc kháng chiến. Thực tế ngay khi Bác qua đời, thì vài tháng sau, dù vẫn trong bối cảnh hiểm nguy, bom rơi đạn lạc, nhân dân miền Nam và cán bộ, chiến sĩ vẫn lập hàng chục ban thờ Bác; có những nơi đồng bào làm nơi thờ Bác trong căn nhà tranh tre nứa lá mà phải hy sinh cả tính mạng vì sự đàn áp của kẻ thù… Đất nước hòa bình, thống nhất, nhân dân ta tiếp tục duy trì, nâng cấp những nơi thờ tự ấy. Đó là truyền thống đẹp cần phát huy.

Nên có quy chuẩn rõ ràng

Việc tôn vinh, thờ phụng Bác đã được thực hiện từ lâu, nhưng vẫn có nơi làm chưa đúng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Văn bản số 3420/HD-BVHTTDL, ngày 2.10.2012, hướng dẫn đặt tượng chân dung Bác, nhưng việc đúc tượng Hồ Chí Minh thì chưa có tiêu chuẩn chung về mỹ thuật, kiến trúc, màu sắc, cũng chưa có quy định chính thức rõ ràng về vị trí, phối cảnh đặt tượng, ảnh Bác. Vì thế, có tượng đạt chuẩn, đẹp, nhưng có tượng chưa giống Bác, trông khá lạ mắt; có nơi đặt tượng Bác ở vị trí trang trọng, có nơi chưa thực sự trang nghiêm, trang trí bục tượng không bảo đảm tính mỹ thuật... Tất cả những điều ấy đáng lẽ chúng ta có thể làm tốt hơn, nếu cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu đưa ra quy chuẩn và hướng dẫn thực hiện cụ thể và nghiêm cẩn.

Bên cạnh đó, rất nhiều cơ quan ng sở, xí nghiệp dành vị trí trang trọng tại đơn vị mình làm nơi tưởng niệm Bác, nhưng tưởng niệm là để mọi người nhắc nhở nhau làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đừng biến nơi ấy thành ban thờ, dù là thờ Bác.

Thời gian qua cũng đã xuất hiện một vài đạo lạ, lợi dụng việc thờ cúng Bác Hồ để trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan. Trước những hiện tượng này, chúng ta cần hiểu và phát huy những cái đúng về việc tôn vinh, thờ phụng Bác trong nhân dân, kết hợp đấu tranh với cái sai, và kiên trì tuyên truyền vận động nhân dân không đi theo niềm tin mù quáng, trái với truyền thống tín ngưỡng, tâm linh của dân tộc, trái với đạo đức, niềm tin, nhân cách của Bác

Việc tôn vinh, thờ phụng Bác lâu nay là hoàn toàn tự nguyện (và tự phát), được nhân dân ta thực hiện với tấm lòng biết ơn, kính ngưỡng. Tuy vậy, cần có cơ quan quản lý, chuyên gia hướng dẫn nhân dân thực hiện sao cho đúng với đối tượng được tôn thờ, bố trí nơi thờ phụng đúng quy cách và thực hiện đúng nghi lễ, thể hiện được lòng biết ơn và sự tôn trọng vị anh hùng của dân tộc.

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân

Tác giả: spadmin1

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây